Phát minh độc đáo về tái sinh năng lượng

Thứ Ba, 10/11/2009, 18:40

Nhu cầu về sử dụng năng lượng trên thế giới ngày càng tăng, trong khi nguồn đáp ứng (dầu hỏa, than, điện…) đang dần cạn kiệt. Trước tình hình này, các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã đi tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Trong nhiều năm qua, họ đã nghĩ ra được khá nhiều dự án chế tạo năng lượng tái sinh độc đáo và hơn hết rất thân thiện với môi trường.

Nguồn điện từ cơ thể người

Max Doleman thuộc Đại học Simon-Fraser, Canada, đã phát minh ra một loại máy có thể biến chuyển động của bước chân người thành điện năng. Máy này được gắn vào đùi để mỗi phút chân bước theo nhịp đều đặn (bình thường với tốc độ 3,5 km/giờ) sẽ tạo ra năng lượng đủ để cho một điện thoại di động dùng trong nửa giờ.

Vì đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chiếc máy vừa phát minh vẫn còn khá cồng kềnh và phải gắn vào máy tính để thu thập và tính toán số năng lượng phát sinh trong sự chuyển động của bước chân. Trong tương lai gần, chiếc máy chuyển đổi được hoàn chỉnh chỉ nặng tối đa 1kg và có thể đeo giấu dưới quần. Nhưng Max Doleman cho biết mục đích chính của loại máy này là để trang bị những máy móc di động của ngành y. Kế tiếp là để trang bị các máy móc quân sự trước khi ứng dụng vào lĩnh vực truyền thông.

Tái sinh khí thải

Rich Diver thuộc Trung tâm Thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ, cho biết có thể chế tạo bioéthanol hoặc biodiesel từ khí CO. Ý tưởng tuyệt vời này nảy sinh khi Diver thử nghiệm máy chế tạo khí hydrogène từ năng lượng mặt trời. Máy có tên Counter Rotating Ring Receiver Reactor Recuperator, còn gọi tắt là CR5, được nối liền với một "chảo nóng" gồm những tấm gương khổng lồ thu tia nắng mặt trời để biến thành nhiệt. CR5 có thể thủy ly, phân chia oxygène và hydrogène. CR5 cũng có thể biến khí CO2 thành CO. Là một khí rất nhạy, CO có thể phối hợp dễ dàng trở lại thành nhiều phân tử như chất méthanol hoặc những chuỗi than để từ đó tạo ra nhiên liệu. Bị đốt cháy với những động cơ kiểu cũ, những kết hợp này sẽ biến trở lại thành CO2, và cứ thế tiếp tục quy trình từ đầu.

Chảo nóng.

Hiện nay, CR5 vẫn trong thời kỳ thử nghiệm nhưng Rich Denver cho biết sẽ trình cho ra đời một kiểu mẫu vào đầu năm tới. "Chảo nóng năng lượng mặt trời" của Sandia sẽ được sử dụng để thủy ly và thực hiện những thử nghiệm với CO2 để tạo thành chất méthanol. Nhưng có lẽ phải chờ thêm một vài thập niên nữa mới có thể công nghiệp hóa và thương mại hóa nhiên liệu tạo ra từ CO2.

Biến nước thải độc hại thành năng lượng

Một công nghệ mới sẽ tẩy các chất độc hại khỏi quặng và tạo ra điện năng cùng một lúc. Nước ô nhiễm thoát ra từ các mỏ than và kim loại là một nguồn ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa nguồn nước sạch và sức khỏe sinh vật. Quá trình lọc tẩy các chất thải này rất khó khăn và tốn kém.

Các kỹ sư môi trường tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, đang nghiên cứu một thiết bị mới giải quyết nguồn ô nhiễm đồng thời tạo ra một nguồn năng lượng mới. Họ đã thử nghiệm phiên bản dùng cho phòng thí nghiệm với dạng chất lỏng nhiễm sắt tương tự như nước ở các mỏ khai thác. Thiết bị này tấn công vào sắt hòa tan và giải phóng electron khỏi sắt. Nguồn điện phát sinh làm cho sắt không thể hòa tan được và từ đó kéo các chất thải ra khỏi nước. Những vụn sắt thu được có thể dùng cho chế tạo sơn hoặc các sản phẩm khác. Về nguyên tắc, thiết bị này có thể xử lý các kim loại khác trong nước thải.

Hiện nay, thiết bị chỉ có thể tạo ra một nguồn năng lượng khiêm tốn. Tiến sĩ Bruce Logan, chủ dự án nghiên cứu, cho biết: "Một phiên bản có kích cỡ bằng một chiếc tủ lạnh sẽ cung cấp năng lượng đủ để thắp một bóng đèn". Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể cải thiện đáng kể nguồn năng lượng sản sinh và giảm chi phí.

Tạo ra năng lượng từ tiếp xúc của con người

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng, năng lượng thông qua tiếp xúc của con người sẽ sớm được dùng để truyền dữ liệu.

Tập đoàn Viễn thông Nippon Telegraph and Telephone Corp. (NTT) đang lên kế hoạch thương mại hóa một hệ thống kiểm soát người ra vào phòng mà không cần chìa khóa hoặc thẻ từ. Hệ thống sử dụng công nghệ biến chính bản thân con người làm vật truyền dẫn dữ liệu. Mitsuru Shinagawa, nghiên cứu viên cấp cao của Phòng Thí nghiệm Vi hệ thống tích hợp NTT, cho biết trong tương lai những văn phòng sẽ chỉ mở cửa cho những người có quyền sử dụng, từ đó giúp cải thiện tình trạng an ninh. Nó cũng đảm bảo chỉ chủ xe mới mở được ôtô của mình bằng cách chạm vào cửa xe.

NTT gọi công nghệ mới này là "RedTacton", một từ có ý tưởng từ "touch" (tiếp xúc) và "act on" (hoạt động) với màu đỏ, biểu tượng của công nghệ viễn thông "ấm áp". Các bác sĩ và y tá có thể ghi lại dữ liệu của bệnh nhân như nhịp tim và nhiệt độ chỉ cần tiếp xúc với cơ thể bệnh nhân

G.K. (tổng hợp)
.
.