Phẫu thuật qua lỗ liên hợp - Kỹ thuật mới trong điều trị thoát vị đĩa đệm

Thứ Tư, 17/09/2008, 13:30

Ngày 3/9 vừa qua, lần đầu tiên tại châu Á, Khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt - Đức, đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp phẫu thuật qua lỗ liên hợp. Đây là phương pháp an toàn nhất đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm giai đoạn 3, giai đoạn 4 và giúp người bệnh nhanh chóng bình phục sau phẫu thuật... Với thành công này mở ra cơ hội mới trong việc điều trị căn bệnh mà theo ước tính đang có hàng chục triệu người mắc phải...

Thoát vị đĩa đệm- căn bệnh của 1/3 dân số

5 ngày sau khi ca phẫu thuật nội qua lỗ liên hợp đầu tiên thành công, gặp chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, đồng thời là Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật cột sống, bác sĩ Việt Nam đầu tiên sang CHLB Đức học kỹ thuật tiên tiến này, hồ hởi cho biết chỉ sau 5 ngày áp dụng vào điều trị, đã có 9 bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng được phẫu thuật và đều đạt kết quả tốt.

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Thạch cho biết với phương pháp này, những người bị thoát vị đĩa đệm giai đoạn 3, giai đoạn 4 sẽ được điều trị hiệu quả trong thời gian ngắn. Dù hiện số bệnh nhân đăng ký mổ rất đông, nhưng do thiết bị máy móc và bác sĩ lại ít trong khi khoa còn phải điều trị nhiều loại bệnh nên mỗi ngày khoa chỉ mổ được cho 2 bệnh nhân thoát vị đĩa đệm.

Nhưng trước khi nói tới kỹ thuật này, có lẽ cũng phải nói một chút để bạn đọc hiểu về căn bệnh mà theo ước tính của các bác sĩ, hiện đang có khoảng 30 triệu người Việt Nam đang bị hội chứng đau vùng thắt lưng do các bệnh lý về đĩa đệm.

Cột sống của con người do nhiều đốt ghép lại. Giữa các đốt sống lại được ngăn với nhau bởi những đĩa đệm. Đĩa đệm là chiếc gối đệm đàn hồi có dạng như một thấu kính lồi chêm vào giữa 2 đốt sống nhằm tạo sự uyển chuyển cho cột sống trong các động tác xoay, nghiêng, ưỡn, cúi... Đĩa đệm giúp cột sống phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc cho cơ thể. Để thực hiện được các chức năng trên, đĩa đệm có một cấu tạo đặc biệt gồm nhân nhầy, bao quanh là các vòng sợi và dây chằng.

Theo định nghĩa của các nhà y học, thoát vị đĩa đệm nghĩa là sự chuyển chỗ của nhân nhầy vượt quá giới hạn sinh lý vòng xơ. Phần trước của vòng xơ này dày và chắc hơn phần sau, do đó hầu hết các thoát vị đĩa đệm thường về phía sau, chèn ép vào các phần tủy và rễ thần kinh tương ứng. Bệnh nhân thường gặp ở tuổi 30 đến 50 gây ảnh hưởng tới người lao động.

Đau vùng thắt lưng là căn bệnh phổ biến. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số. Nguyên nhân phần lớn do thoát vị đĩa đệm là sự thoái hóa bên trong đĩa đệm, kết hợp với chấn thương bên ngoài như bị tai nạn, do tư thế lao động, nghề nghiệp mang vác nhiều, đi lại nhiều, các động tác cúi xoay nhiều, mang vác nặng sai cách. Đặc biệt hay gặp nhất là việc bê, vác vật nặng. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm...

Khi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, người bệnh có biểu hiện đau vùng gáy, vai. Đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở cả tay, cổ tay, bàn tay; giảm cơ lực tay. Các hiện tượng đau, nhức, tê tăng lên hay giảm xuống theo cử động cổ tay...

Thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng sẽ gây đau vùng thắt lưng: cảm giác đau tăng khi nằm nghiêng, đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, trường hợp nặng có thể bị liệt, không còn khả năng ưỡn của thắt lưng, không cúi được xuống thấp.

Với thoát vị đĩa đệm thắt lưng và cổ nếu điều trị đúng cách sẽ đạt hiệu quả tốt sau liệu pháp điều trị tới 95%. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đều tới viện khi đã ở giai đoạn muộn 3 và 4, nên khó có thể điều trị nội khoa hoặc tái tạo nhân nhầy được mà phải điều trị bằng ngoại khoa.

Theo TS Nguyễn Văn Thạch, tại Khoa Phẫu thuật cột sống từ nhiều năm nay đã áp dụng nhiều biện pháp để điều trị căn bệnh này. Trước kia, khi bệnh nhân phải phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng phương pháp mổ hở. Đây là phương pháp có thể giải quyết tốt tình trạng thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, nó lại có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đường mổ rộng nên dù không muốn nhưng một phần tổ chức phần mềm và xương sẽ bị phá hủy; bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu dụng cụ mổ cắt vào động mạch chủ bụng. Sau mổ, cột sống sẽ không vững nữa, bệnh dễ tái phát và sinh nhiều biến chứng như có thể bị nhiễm trùng, đau, thậm chí liệt. Không chỉ có thể gây biến chứng ở giai đoạn hậu phẫu, mà các biến chứng muộn như viêm vùng mổ, tăng sinh mô xơ sợi, dính rễ thần kinh... có thể xuất hiện. Hơn nữa, cơn đau rất hay tái phát. Có những bệnh nhân sau 3 hoặc 6 tháng đã tái phát các cơn đau.

Chỉ sau khoảng 20 phút phẫu thuật, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm sẽ thoát khỏi những cơn đau.

Do những nguy cơ sau mổ như vậy nên từ năm 2007, Khoa Phẫu thuật cột sống đã áp dụng phương pháp mới là mổ thoát vị đĩa đệm ít xâm lấn bằng các kỹ thuật mổ vi phẫu, tạo hình nhân nhầy đĩa đệm bằng sóng cao tần; mổ vi phẫu qua hệ thống ống nong nội soi. Với phương pháp mổ vi phẫu qua hệ thống ống nong nội soi, sau khi rạch một đường nhỏ 1cm, bác sĩ sẽ đưa hai ống cáp quang vào làm tăng sáng và nhân rộng hình ảnh vùng mổ, giúp phẫu thuật viên tránh làm tổn thương khu vực xung quanh, lấy nhân thoát vị một cách dễ dàng vẫn giúp bệnh nhân giữ được độ vững cột sống, tránh được khả năng tái phát hơn hẳn so với mổ thông thường. Đặc biệt, sau mổ, thời gian nằm hậu phẫu được rút ngắn, sau hai ngày mổ bệnh nhân có thể đi lại bình thường, còn sau một tuần là được xuất viện. Một tháng sau có thể đi làm trở lại và đến 6 tháng thì hồi phục hoàn toàn. Hiện đã có 200 bệnh nhân được mổ bằng phương pháp này.

Tháng 6/2007, Bệnh viện Việt - Đức áp dụng kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần, một công nghệ đã được thế giới áp dụng rất nhiều. Đây là công nghệ có tác dụng làm giảm áp lực nội đĩa bằng cách phân hủy tổ chức nhan nhầy nhưng ở nhiệt độ thấp, gây tổn thương ít nhất tới mô ở xung quanh.

Phẫu thuật nội soi qua lỗ liên hợp- phương pháp tiên tiến ít rủi ro

Tuy nhiên, trong điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay, phẫu thuật qua lỗ liên hợp là phương pháp tiên tiến nhất với rất nhiều ưu điểm. Theo TS Nguyễn Văn Thạch, với phương pháp này, vết mổ rất nhỏ, chỉ rộng 3-5 mm, luồn qua lỗ liên hợp trên cột sống vào trong ống sống để lấy khối thoát vị. Sau mổ cột sống vững, khả năng tái phát ít, ít nhiễm trùng, ít chảy máu, vì suốt quá trình phẫu thuật được cầm máu bằng sóng cao tần, không ảnh hưởng tới thần kinh, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình mổ để hợp tác với bác sĩ phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi được áp dụng cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thể bên, lỗ liên hợp và ngoài lỗ liên hợp. Các thoát vị đã vỡ, di rời trong ống sống cũng được áp dụng phương pháp này, điều mà trước đây mọi người nghĩ chỉ có thể mổ mở mới giải quyết được.

Kỹ thuật này được áp dụng từ năm 2001 và nhanh chóng được các bệnh viện trên thế giới áp dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hiện ở 10 nước châu Âu đang có tới 90 trung tâm phẫu thuật áp dụng kỹ thuật này; còn tại Mỹ cũng có 14 trung tâm áp dụng. Riêng Bác sĩ G.Krzok (CHLB Đức) từ năm 2004 tới tháng 11/2007 đã trực tiếp mổ cho 500 bệnh nhân. 

Nhờ có các mối quan hệ từ trước nên sau khi được Bộ Y tế đồng ý, tháng 3-2008, TS Nguyễn Văn Thạch lên đường sang CHLB Đức học kỹ thuật tiên tiến này. Tại Đức, ban đầu TS Thạch thực hành trên xác người, sau đó làm phụ mổ cho bác sĩ G.Krzok trên bệnh nhân. Đồng thời dự một khóa tập huấn về phẫu thuật cột sống bằng can thiệp ít xâm lấn lần đầu tiên tổ chức tại Mỹ. Sau TS Thạch, tháng 5/2008, ThS Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, cũng sang Đức học kỹ thuật này. Và điều khiến bác sĩ G.Krzok  ngạc nhiên là những đồng nghiệp đến từ Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh kỹ thuật của ông.

Sau chuyến đi học “chuyển giao kỹ thuật” ấy, Khoa Phẫu thuật cột sống quyết định phải nhanh chóng áp dụng vào điều trị bởi lượng bệnh nhân xếp hàng chờ mổ luôn quá tải. Tuy nhiên, khó khăn lúc này là không có thiết bị bởi hệ thống máy để thực hiện kỹ thuật này có giá tới 2 tỉ đồng.

Khi biết các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật nhưng chỉ còn thiếu máy, hãng chế tạo máy đã quyết định đưa một máy sang Việt Nam cho dùng thử và cũng là để quảng cáo sản phẩm luôn.

Máy móc đã có, kỹ thuật đã có, còn bệnh nhân thì... quá sẵn. Vì vậy, việc xác định bệnh nhân để áp dụng kỹ thuật này nhanh chóng được triển khai và người may mắn được chọn là bệnh nhân Trịnh Văn Luận, 42 tuổi, ở Hà Nam.

Đây là bệnh nhân bị tái phát thoát vị đĩa đệm đốt sống 3 – 4 bị vỡ và di dời trong ống sống. Nguyên nhân là, cách đây 7 năm bệnh nhân đã được mổ mở tại một bệnh viện khác, sau đó lại tái phát và đau ngày càng nhiều. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân bị đau dữ dội và đi lại rất khó khăn. Nếu tiến hành mổ mở hay các phương pháp khác sẽ rất khó khăn do vết mổ cũ bị tổn thương và dính nhiều.

Do là ca đầu tiên nên trước khi mổ, bệnh nhân Luận đã được thông báo toàn bộ và nhanh chóng đồng ý, và Bệnh viện Việt - Đức quyết định mời bác sĩ G.Krzok từ Đức sang tham gia cùng.

9h15' ngày 3/9, ca mổ được bắt đầu. Các bác sĩ nhẹ nhàng tạo một lỗ thông chỉ 5mm bên sườn bệnh nhân và đưa đường cáp quang nhỏ và một ống thông vào. Vừa làm các bác sĩ vừa hỏi chuyện xem bệnh nhân có đau không. Sau đó chụp toàn bộ các tổn thương xung quanh và bắt đầu đưa dụng cụ vào gỡ dính và lấy nhân đĩa đệm. Trong cả quá trình thực hiện, bệnh nhân không bị chảy máu (do hệ thống đốt và cầm máu bằng sóng cao tần đi cùng kỹ thuật) và không có tổn thương xung quanh. Sau 40' thực hiện, ca mổ đã hoàn tất.

TS Nguyễn Văn Thạch cho biết, bình thường ca mổ chỉ mất khoảng 15 phút. Song đây là ca đầu tiên do kỹ thuật mới, chuyên gia Đức vừa mổ vừa chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Việt Nam nên ca mổ kéo dài. Tuy nhiên ca mổ đã thành công, ngày hôm sau bệnh nhân được xuất viện. Sau mổ, bệnh nhân chỉ cần dùng kháng sinh chống viêm, trong một tháng đầu tiên sau mổ bệnh nhân phải đeo đai mềm và tránh lao động nặng.

Theo TS Nguyễn Văn Thạch, đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên áp dụng tại châu Á nên bệnh nhân chưa được chi trả bằng bảo hiểm. Song sắp tới, bệnh viện sẽ đề nghị Bộ Y tế đưa kỹ thuật này vào triển khai đại trà và thực hiện chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân. Dự kiến chi phí mỗi ca khoảng hơn 10 triệu đồng

Nguyễn Thiêm
.
.