Triển lãm tranh của trẻ tự kỉ: Phía trước là bầu trời

Thứ Năm, 11/06/2015, 17:30
Cuối tháng 5, ngày nghỉ hè bắt đầu, học sinh không còn phải đến lớp, với những đứa trẻ khác sẽ có nhiều sự lựa chọn cho những tháng hè dài, nhưng 5 cậu bé chúng tôi đề cập trong bài viết này lại là một sự khác biệt rất lớn. Cả 5 cậu bé đều mắc hội chứng tự kỉ đều có biệt tài vẽ tranh, bước vào thế giới của các em là một cuộc sống phong phú, đa dạng, đầy sắc màu.

Khi cuộc triển lãm tranh của 5 họa sĩ nhí khai mạc, họa sĩ Lê Thiết Cương ngẩn ngơ trước những bức tranh và anh phải thốt lên: “Có những bức tranh mình phải sững người vì ngay cả họa sĩ chuyên nghiệp cũng không thể nào vẽ được như thế. Các em vẽ hoàn toàn theo bản năng vô thức mách bảo và cho ra những sản phẩm không thể tuyệt hơn”.

Khi nắng chiều vào gần cuối ngày vẫn hầm hập như một chảo lửa sôi sục của những ngày hè oi nồng, cháy khét chúng tôi bước chân vào một ngôi nhà trên phố Lý Quốc Sư, những bức tranh của 5 cậu bé đã gây ấn tượng mạnh vào thị giác và tự nhiên chúng tôi cảm thấy như bước vào một thế giới khác, đó là một ngôi làng với không gian êm đềm, thơ mộng.

Những con trâu bằng giấy đen bóng bụng phình to với những chiếc sừng nhọn hoắt cong cong, con hươu cao cổ có bộ da màu cam sáng rực đáng yêu một cách kỳ lạ… và vô vàn bức tranh mà mỗi bức là một thế giới của sự tưởng tượng phong phú của các em. Hội họa là tiếng nói riêng được các em giao tiếp bằng màu sắc, đường nét, hình khối với nhiều chủ đề phong phú.

Năm cậu bé thường ngày không thích nghi với khả năng giao tiếp là mấy, mà hôm đấy trở nên bẽn lẽn và đáng yêu đến lạ lùng.

Có lẽ cảm giác nhìn người đôi khi không chuẩn vì người ta vẫn thường cảm nhận bằng cảm tính, nhưng một cảm nhận chung của mọi người khi đến với cuộc triển lãm tranh của trẻ tự kỉ là chúng ta bỏ đi, quên bặt cái thế giới ồn ào ở ngoài kia để rồi bước vào vườn cổ tích, một thế giới trẻ thơ phong phú và kỳ ảo đầy hứng khởi cho ta trở về thời thơ ấu, cái thời mà đọc Đô Rê Mon hay Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Trở về với cái thời hồi xửa hồi xưa ấy vào ngày hè mà hoa phượng nở đỏ rực trên vòm cây và tiếng ve sầu râm ran trên các con phố.

5 cậu bé là 5 câu chuyện khác nhau mà ở đó 5 tiểu hành tinh đầy sự khác biệt và đối lập với các bạn nhỏ khác. Đã có lần cha mẹ của những cậu bé này tưởng chừng như vô vọng thế rồi chiếc đũa thần kỳ đã hiện ra và nàng tiên trong chuyện cổ tích không ai khác chính là những người mẹ đã luôn theo sát, lắng nghe tiếng nói của các em. Tiếng nói  không phải nghe bằng thính giác mà được thể hiện bằng một loại hình giao tiếp bằng thị giác qua hội họa.

Cậu bé Hoàng Minh năm nay 13 tuổi, và mẹ cậu nhớ lại cũng vào khoảng thời gian này cách đây 8 năm, cái ngày cậu bé 4 tuổi rưỡi thì ngôi nhà của cậu biến thành một trường học nhỏ cho một học trò duy nhất là Hoàng Minh. Với những đứa trẻ cất tiếng gọi bi bô đầu đời vào giai đoạn đạt chuẩn cho trẻ nhỏ, thì Minh lại chẳng nói gì. Cậu bé im lặng một cách đáng sợ nhưng cậu lại thể hiện một ngôn ngữ khác, cậu muốn vẽ, khi cậu bé được chạm tay vào cây cọ với những bột màu nước, phấn sáp, bút dạ, bút bi, bút chì, bút dạ, phấn bảng. Cậu trải hồn mình trên trang giấy và say sưa thể hiện.

Hoàng Minh bên tác phẩm hội họa của mình.

Mẹ Hoàng Minh kể khi cậu bé chưa nói được là lúc cậu vẽ nhiều nhất. Số lượng tranh vẽ của cậu tích lại hàng chục kilôgam giấy. Vào những ngày nghỉ mẹ đưa Minh ra công viên và cậu bé ngay khi về đến nhà là vẽ cầu trượt, cái xích đu. Cậu bé ra ngoài đường thấy người ta đi lại là cậu về vẽ ôtô, xe đạp, xe máy… Khi mẹ kể cho bé về những câu chuyện cổ tích là ngay lập tức bé lại mang giấy bút ra vẽ lại câu chuyện mẹ kể về bác gấu đen và các nhân vật... Cậu bé đi ăn phở và về vẽ bác chặt thịt gà. Cuộc sống muôn màu ở ngoài kia qua lăng kính của cậu trở nên ngộ nghĩnh, chân thực, sống động.

Mẹ cậu bảo: "Thay cho ngôn ngữ nói thì con vẽ về những gì con thấy, con thích, con tưởng tượng và con ghi nhớ được. Con kể chuyện và con giao tiếp theo kiểu riêng của con, và cứ mỗi ngày những bức vẽ của con lại dày lên. Hằng ngày chị lại quan sát và cảm nhận để hiểu con mình qua những bức vẽ của con và cảm nhận con đang lớn lên, thay đổi và phát triển ra sao. Để hôm nay, qua những bức vẽ của con trong cuộc triển lãm chị bật thốt lên: "Thật là tuyệt vời, con duy trì được sự phát triển trong cả một giai đoạn dài, tuy chậm chạp từng bước một nhưng đó chính là nhịp điệu của riêng con".

Bình Minh là cậu bé đặc biệt, khi đứa trẻ khác luôn thích nô đùa, nghịch ngợm, chọc phá và chơi các trò chơi dành cho con trẻ, thì cậu bé lại sống thu mình lại và tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Thế giới của cậu là một thế giới nội tâm không biểu hiện qua lời nói và có một thứ duy nhất cậu thích đó là tờ giấy.

Năm cậu lên 6, lần đầu tiên cậu nhìn thấy một cây kéo, cậu cắt nó trên một tờ giấy và cảm thấy vô cùng thích thú. Sợ con mình cầm kéo sẽ xảy ra chuyện nhưng có điều đặc biệt là con chỉ cắt vào giấy chứ không cắt vào các vật liệu khác, nhưng đã là giấy thì giấy nào cậu bé cũng cắt từ giấy ở trong vở đi học, giấy văn phòng, giấy màu, giấy khen, giấy bọc đồ, tất cả các loại giấy mà em nhìn thấy em đều cắt, người ta mang hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước đến nhà, mẹ đang loay hoay vào nhà lấy tiền, tờ hóa đơn rơi vào tay em là em đã cắt.

Bình Minh bên những con giống do em sáng tạo.

Điều kỳ lạ là Minh có tư duy ước lượng đặc biệt về hình học. Mẩu giấy nhỏ thì em cắt thành hình nhỏ. Tờ giấy lớn thì em cắt thành hình lớn, hoàn toàn cân đối, không hề phải đo vẽ dùng khuôn. Có một câu chuyện xảy ra về cái sự "thích cắt" của Minh, đó là khi cả hai bố mẹ vừa mới đi gửi tiền tiết kiệm về, quyển sổ chưa kịp cất đi để trên bàn, và hai bố mẹ đang làm việc riêng vậy là cậu nhìn nó chăm chú bất ngờ đưa kéo lên cắt thành hình trái tim. Sau lần ấy, bố mẹ giận lắm và muốn em tham gia vào nhiều hoạt động khác nên “tịch thu” kéo của Minh.

Từ ngày không còn kéo nữa, Minh quay sang xé. Cậu bé dùng đôi bàn tay trắng xinh của mình xé những mảnh giấy mà cậu vô tình nhìn thấy được, giấy báo bọc đồ, hóa đơn. Thấy con không có kéo mà giấy được xé bằng tay vẫn cân đối và đẹp bố mẹ thấy lạ lắm. Muốn con mình thêm không gian sống và chơi như bao đứa trẻ khác, bố mẹ đưa em đi chơi nặn tượng, đi chơi công viên bách thảo, vườn bách thú. Tuy cả chặng đường đi em không nói năng gì nhưng khi về đến nhà vào những ngày sau đó có khi cả tháng sau có một tờ giấy và cây kéo vô tình lọt vào tay cậu thì cậu lẳng lặng cắt hình con thú giống như con vật đã được nhìn thấy.

Một lần Minh cùng gia đình ăn tại nhà hàng hải sản, khi cả nhà đã ngồi vào bàn ăn, không ai nhìn thấy Minh đâu, mẹ chạy ra tìm thì thấy cậu bé chăm chú nhìn mấy con cá chình bơi trong hồ nước. Cả bữa ăn cậu chẳng nói năng gì và những ngày sau đó cậu cho ra đời tác phẩm bằng giấy về cả đàn cá chình. Hoàng Minh đã thổi hồn vào đàn cá, chúng thật sống động. Và rồi, thế giới ngộ nghĩnh và trẻ thơ đấy làm cho cả gia đình vui lên, cứ mỗi lần thấy con say sưa cắt tỉ mẩn như vậy, bố mẹ lại mỉm cười với cậu.

Trước đây đã có lần từng bị thu kéo, thu giấy thì giờ đây bố mẹ cậu lại chọn cho cậu những loại giấy nào tốt nhất, màu sắc nào mà cậu ưng nhất. Cậu bé tạo nên cả vườn bách thú trong nhà với những con vật đầy màu sắc bằng những tờ giấy, tờ bìa để khi chúng tôi nhìn ngắm và chạm tay vào thế giới những con vật nhỏ đấy thì chúng tôi thấy đó không phải là một cậu bé tự kỉ mà đó là một nghệ nhân tí hon với đôi bàn tay khéo léo có một tâm hồn tinh tế, với bộ não tính toán khoa học.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cùng có sự đồng cảm như chúng tôi, anh lặng đi bên tác phẩm của cậu bé và bất giác thốt lên: "Thật tuyệt vời!".

Những tác phẩm trong triển lãm.

Cậu bé mang tên Gia Bảo năm nay 12 tuổi là một cậu bé tự kỉ tăng động. Ngày còn bé cậu nghịch khủng khiếp và luôn tay chân, có cảm giác như một sức mạnh nào đó luôn hoạt động trong người em không ngưng nghỉ. Cậu nghịch đến độ bàn ăn luôn là bãi chiến trường, bàn phấn trang điểm của mẹ càng trở nên tệ hại hơn khi cậu dùng thỏi son vẽ lên gương, lên tường, lên bất kỳ mặt phẳng nào. Hộp phấn mới mua của mẹ cũng bị lật tung phá hỏng, cậu còn trèo lên nóc tủ và sẵn sàng thả mình xuống đất. Mỗi lần đưa cậu bé sang đường ai đi cùng với cậu cũng phải nắm chặt tay vì nếu không cậu sẵn sàng lao ra khi những phương tiện giao thông ngược xuôi như mắc cửi.

Năm Gia Bảo gần 3 tuổi gia đình biết cậu bé có chứng tự kỉ và cậu và bố mẹ là hai thế giới riêng biệt. Lớn thêm một chút cậu thích vẽ, nghịch là vậy nhưng chỉ có tập giấy tô màu trong tay là cậu có thể ngồi cả ngày không rời khỏi vị trí ấy. Tường nhà là cái bảng lý tưởng nhất cho việc vẽ của cậu bé. Bức tường không có chỗ nào không có nét vẽ của Bảo.

Mới đầu thấy nhà cửa chỗ nào cũng toàn là những nét vẽ của Bảo, cha mẹ rầy la lắm, nhưng nói riết rồi cậu bé cũng chả chịu nghe. Những gì cậu nhìn thấy hằng ngày đều theo cậu vào tranh. Cả những câu chuyện cổ tích mẹ kể  qua lăng kính tưởng tượng của em thành những nét vẽ tươi mới độc đáo.  Thấy con đam mê vẽ như vậy nên bố mẹ không cấm đoán nữa mà chủ động đi mua mực và giấy bút về cho con vẽ. Khi cậu bé đến trường các bạn trong lớp rất quý cậu và thường nhờ cậu vẽ chân dung cho mình.

Trong 5 cậu bé, Trung Hiếu lớn tuổi nhất, năm nay em đã 15 tuổi. 5 tuổi, em mới bập bẹ những câu nói đầu tiên và khi được dạy về những con số là em cầm bút viết từ 1 đến 10 ở khắp nơi trong nhà mình.  Năm 7 tuổi, cả trăm bức vẽ mèo được cậu bé hoàn thành say sưa. Mèo ngủ trong đống rơm. Mèo nghịch bóng. Mèo nằm gần cửa sổ, mèo trên ghế, mèo trên giường…

Ban đầu, tranh của em chỉ là những con số và mèo. Dần dần bằng sự dịu dàng và ân cần của mẹ, ông bà, em bắt đầu vẽ bố, mẹ, ông, bà, cây cối, xe cộ… Cứ dần dần thế giới người và vật bên ngoài cuộc sống chạy vào tranh của em. Vẽ với em là khả năng giao tiếp qua tranh, từ bức tranh mẹ có thể cảm nhận em đang nhìn nhận cuộc sống ra sao, em muốn nói gì, em thích gì, cần gì, đang vui hay buồn. Bên em là bảng màu, cây cọ và tờ giấy, em vẽ lên điều em muốn nói và không quan tâm mọi người nhận xét ra sao. Em vẽ bằng cảm xúc đang dâng lên, em nghĩ gì thì vẽ nấy đó là thông điệp của em.

Những bức tranh vẽ từ sự vô thức trần trụi ấy lại mượt mà êm đềm trong lành như làn nước và rực rỡ chói sáng như ánh mặt trời. Nó xua đi sự sợ hãi của bố mẹ em. Cậu bé đang tồn tại, đang đi song song với chúng ta, chỉ có điều cậu tìm một ngôn ngữ khác để thể hiện, và ngôn ngữ đấy không phải ai cũng có thể làm được.

Cậu bé Nem 10 tuổi, đây là lần thứ hai tôi gặp lại cậu. Cũng vào thời gian này năm ngoái một triển lãm tranh cá nhân của em được trưng bày và nó khiến cho nhiều nghệ sĩ thực thụ háo hức. Khối lượng tranh của cậu bé cho  đến giờ đã đạt con số kỷ lục hàng nghìn bức. Và cha mẹ của cậu đều giữ lại hết, những bức đẹp được đóng khung. Nem có cô em gái rất dễ thương. Nem gặp khó khăn qua giao tiếp và hành động và em chỉ biểu hiện mọi cung bậc cảm xúc và suy nghĩ của mình qua tranh.

Mẹ Nem tâm sự, mẹ rất muốn tình yêu hội họa của Nem sau này lớn lên không thay đổi, em sẽ trở thành họa sĩ thực thụ, hội họa trở thành một nghề để nuôi sống bản thân. Mẹ cũng dạy cho em gái Nem biết yêu thương anh, có trách nhiệm với anh, sự yêu thương và trách nhiệm này là hoàn toàn tự giác.  Cứ từ lớp về tới nhà là Nem luôn say sưa miệt mài bên đống toan giấy và màu sắc. Nhìn cậu lao động hăng say như vậy những người lớn cũng cảm thấy em đang truyền lửa cho mọi người.

Tại các cuộc hội thảo về trẻ tự kỉ mẹ Nem luôn chia sẻ những câu chuyện của mình và chúng tôi biết các bà mẹ đã phải kỳ công như thế nào để chăm lo cho con, ở đó là cả bầu trời yêu thương và trìu mến vì những người phụ nữ ấy vừa là người mẹ dịu dàng, là bạn thân thiết, và bác sĩ tâm lý tuyệt vời để đồng hành cùng với con trước đây, bây giờ và cả quãng đường rất dài sau này.

Mỹ Trân
.
.