Philippines: Nghề y tá và ước mơ đổi đời

Thứ Tư, 16/12/2020, 09:36
Theo một thống kê chưa đầy đủ, Philippines hiện có khoảng 500.000 y tá được đào tạo bài bản, nhưng có tới 200.000 người trong số này hiện đang thất nghiệp. Vì thế ước mơ đổi đời của họ là được ra nước ngoài.

Vẫn theo thống kê, trước đại dịch COVID-19, mỗi năm có hơn 16.000 y tá Philippines đến làm việc tại một số nước Trung Đông, châu Âu và nước Mỹ…

1. Hơn 2 thập niên trước, Lorna Sianen Pagaduan, y tá người Philippines từ giã Hong Kong khi nơi này được người Anh trao trả cho Trung Quốc để lên đường đến Lybia nhận việc tại một bệnh viện. Lúc ấy cô nghĩ vận may của mình đã chấm dứt bởi lẽ ở Hong Kong, mức lương mỗi tháng của cô là 2.000 bảng Anh. 

Nhưng sau 22 năm ở Lybia, Lorna quay lại Philippines vì đại dịch COVID-19 và số tiền cô dành dụm trong suốt thời gian ấy, đủ để nuôi 6 đứa em ăn học thành người, chưa kể cô còn được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Y tá Philippines, chi nhánh Manila. Giải thích về việc phải ra nước ngoài kiếm sống, Lorna nói: "Các bệnh viện ở Philippines cần y tá nhưng chúng tôi cũng cần có tiền để sinh sống hàng ngày. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ở vào hoàn cảnh như tôi, có 6 đứa em học hành chưa đến nơi đến chốn, cha mẹ già yếu, thất nghiệp. Tôi tin rằng khi ấy bạn sẽ chọn gia đình dù bạn rất yêu nước…".

Các y tá Philippines trong lễ tốt nghiệp.

Cũng như Lorna, tháng 8-2009, Nenen Momay Castillo vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tại Trường cao đẳng điều dưỡng Manila rồi được nhận vào làm việc tại một bệnh viện công ở tỉnh Sultan Kudarat, nơi lúc nào cũng quá tải vì lượng bệnh nhân nhiều không đếm xuể. Khi ấy, với Nenen, ngày nào cũng như ngày nào: Sáng đi làm và nếu không phải trực thì tối về với gia đình. Cho đến chiều 23-11-2009, cô nhận được cuộc gọi từ người chú của mình, nói rằng cha cô, ông Bebot Momay, phóng viên ảnh của tờ Midland đã bị phục kích cùng đoàn xe chính phủ bởi những phần tử phiến loạn vũ trang ở thị trấn Maguindanao, tỉnh Ampatuan.

Từ thảm kịch quốc gia này, được biết đến rộng rãi ở Philippines và trên thế giới với cái tên "vụ thảm sát Maguindanao", 57 thi thể đã được tìm thấy nhưng tới nay, ông Bebot Momay vẫn biệt tăm. Nhiều năm sau đó, Nenen đã làm tất cả những gì có thể để tiếng nói của mình được lắng nghe: Cô đăng ký phát biểu tại các hội thảo về Công ước nhân quyền Liên Hợp Quốc, thúc đẩy mối quan hệ với giới truyền thông, kể câu chuyện của cha cô cho bất kỳ ai quan tâm. Kết quả là Nenen đã trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Abu Sayaf, trong đó có những kẻ đã bị kết án vì vụ giết người kinh hoàng nêu trên.

Năm 2012, Nenen cùng chồng và hai con rời Philippines để đến làm y tá ở một bệnh viện tại bang Minnesota, Mỹ. Nenen cho biết: "Không phải là tôi không yêu đất nước mình, nơi tôi sinh ra, lớn lên, thành người. Nhưng cũng tại nơi này, cha tôi đã biệt tích. Mỗi ngày trôi qua, hy vọng tìm thấy cha tôi - dù chỉ là một nắm xương - càng mờ nhạt. Vì thế tôi phải quyết định cuộc sống của gia đình mình để không rơi vào bi kịch như cha tôi…".

2. Nenen chỉ là 1 trong 150.000 y tá người Philippines đang làm việc ở Mỹ, nơi hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - hiện đang ở tuyến đầu chống lại đại dịch COVID-19. Họ là thành phần lớn nhất trong lực lượng y tế Mỹ nên vai trò của họ càng trở nên quan trọng. 

Y tá Philippines làm việc tại một bệnh viện ở Đức.

Theo Giáo sư Catherine Choy, khoa Nghiên cứu dân tộc tại Đại học Berkeley, bang California, Mỹ, việc di cư của các y tá Philippines sang Mỹ không phải là mới, mà nó xuất phát từ lịch sử lâu đời khi chủ nghĩa thực dân Mỹ xâm nhập Philippines. Lúc ấy, người Mỹ đã thiết lập ở Philippines một hệ thống giáo dục theo kiểu Mỹ, bao gồm cả giáo dục y tá. Khá nhiều y tá Philippines được đưa sang Mỹ làm việc rồi khi trở về nước, họ đã góp phần thành lập những trường điều dưỡng trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1940.

Sau Thế chiến II, nhu cầu về y tá Philippines ngày càng tăng. Giáo sư Choy nói tiếp: "Lúc ấy, nước Mỹ lâm vào tình trạng thiếu y tá. Vì thế, Philippines trở thành nguồn cung cấp hàng đầu vì họ được đào tạo bởi người Mỹ". Đến những năm 1960, khi phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới bùng nổ ở Mỹ, dẫn đến phụ nữ Mỹ có nhiều cơ hội việc làm hơn thì các ngành nghề như y tá, giáo dục, thợ thủ công…, bỗng trở thành thứ yếu. Hệ quả là nước Mỹ lại thiếu y tá! Để lấp đầy khoảng trống đó, không gì khác hơn là y tá Philippines.

Thập niên 1970, hiện tượng y tá Philippines ồ ạt sang Mỹ được ủng hộ bởi Tổng thống Ferdinand Marcos. Do nền kinh tế trì trệ, nhiều nam, nữ thanh niên Philippines không tìm được việc làm nên ông Marcos xem đây là cơ hội thúc đẩy lao động di cư, nhất là các cơ sở chăm sóc y tế ở Mỹ ưu tiên tuyển dụng y tá Philippines. 

Thậm chí có lúc ông Marcos còn tuyên bố: "Nếu họ (người Mỹ) muốn có y tá Philippines, chúng tôi sẽ đào tạo nhiều hơn". Theo Giáo sư Catherine Choy, tuyên bố của Tổng thống Marcos  được xem là một chính sách tạm thời nhằm giải quyết các mối quan tâm trước mắt về việc làm nhưng bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế xã hội trì trệ ở trong nước vẫn tồn tại nên "xuất khẩu y tá" vô hình trung đã trở thành chiến lược sống còn. Bà Choy nhấn mạnh: "Giai đoạn ấy Philippines còn gặp phải những bất ổn về an ninh tạo ra bởi các nhóm phiến quân và các thành phần xã hội chống lại sự độc tài của ông Marcos. Vì thế, rất nhiều y tá muốn ra nước ngoài không chỉ vì kiếm được nhiều tiền mà còn vì sự an toàn cho bản thân họ".

3. Từ đó đến nay, việc ồ ạt đào tạo đã khiến Philippines là quốc gia có số lượng y tá lớn nhất Đông Nam Á nhưng trong nước lại không đủ việc làm. Khá nhiều bệnh viện trả lương còn thấp hơn lương của người bán hàng trong siêu thị. Vì thế, dù muốn dù không, chính phủ vẫn phải hướng đến việc xuất khẩu. 

Gần đây nhất, năm 2018, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có 16.000 y tá ra nước ngoài làm việc nhưng con số thậm chí còn có thể cao hơn vì chính phủ Philippines chỉ thống kê sự hoàn thành các "đơn đặt hàng nước ngoài" chứ không tính đến những y tá ra đi với tư cách là "người chăm sóc sức khỏe" như Lorna Sianen Pagaduan đã làm suốt hơn 20 năm ở Hong Kong. Và dù đi chính thức hay đi "chui", các y tá Philippines vẫn nổi tiếng bởi tính siêng năng, chăm chỉ, sẵn sàng nhận bất cứ việc gì do cơ quan tuyển dụng bố trí nên họ được đặc biệt ưa chuộng ở các quốc gia Trung Đông, châu Âu và nước Mỹ với mức lương không thua gì so với y tá bản xứ.

Tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở Mỹ phần lớn là y tá Philippines.

Nhằm thống nhất các chính sách về y tá làm việc tại nước ngoài, năm 1982 Philippines đã thành lập Cơ quan quản lý việc làm ở nước ngoài (POEA) nhưng theo nhà nghiên cứu Feina Cai: "Chính sách xuất khẩu lao động y tá chỉ giải quyết các triệu chứng chứ không giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Sau nhiều năm thực hiện, các yếu tố định hình vẫn chưa được cải thiện ". 

Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu lao động có tổ chức, các quốc gia khác ngoài Mỹ cũng bắt đầu tìm đến Philippines để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành Y. Ngày nay, Vương quốc Anh có khoảng 18.500 người Philippines làm việc trong các dịch vụ y tế quốc gia; Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có khoảng 30.000 y tá người Philippines. Và với sự gia tăng toàn cầu do đại dịch, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Đức, Pháp… cũng đã tìm cách tuyển dụng y tá từ Philippines.

Với những người ở lại, hiện không rõ có bao nhiêu y tá đang làm việc trong các bệnh viện công lẫn bệnh viện tư vì cơ quan thống kê của chính phủ không thực hiện việc đó. 

Theo Hiệp hội y tá Philippines - Filipino Nurses United, khoảng 200.000 y tá được đào tạo bài bản vẫn đang thất nghiệp hoặc đang làm các công việc khác với chuyên môn. Trước đó, năm 2017, Trung tâm thông tin nghiên cứu y khoa toàn cầu có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, đưa ra số lượng y tá Philippines thất nghiệp là 500.000 người. Cũng trong năm 2017, một báo cáo Hiệp hội y tá Philippines cho thấy chỉ khoảng 68.000 y tá được tuyển dụng vào các bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng do nhà nước quản lý. 

Bác sĩ Hans Jesper del Mundo, người Philippines nói: "Không có đủ cơ hội việc làm ngay cả trong các bệnh viện chính phủ. Đây là lý do chính khiến hầu hết y tá muốn ra làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển đổi sang những nghề nghiệp khác". Tiến sĩ Jean Franco, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Philippines nói thêm: "Chúng tôi thực sự không thiếu y tá. Có 200.000 y tá thất nghiệp vì họ không muốn làm việc trong các bệnh viện với mức lương không tương xứng vì sau khi bỏ ra 500.000 peso (tương đương 10.400USD) cho khóa học điều dưỡng kéo dài 4 năm, nhiều y tá  tìm cách thu hồi vốn qua những việc được trả lương cao ở các thẩm mỹ viện và phòng khám VIP".

Vẫn theo Tiến sĩ Jean Franco, lỗi thuộc về chính phủ vì đã thương mại hóa nghề y tá như một phần của chính sách xuất khẩu nhân lực kéo dài hàng thập kỷ, và điều này đã khuyến khích tình trạng cung vượt quá cầu, dẫn đến hiện tượng nhiều bệnh viện trong nước chỉ thuê y tá làm hợp đồng tạm thời với mức lương thấp bởi sự e ngại họ sẽ bỏ việc để ra nước ngoài khi đã đủ kinh nghiệm. 

Tiến sĩ Jean Franco nói: "Một số bệnh viện ở Philippines trả cho y tá 500 peso (10,40 USD) một ngày - ít hơn những gì mà một nhân viên trong chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn có thể kiếm được. Nói cách khác, họ là những "y tá dùng một lần", chưa kể họ còn phải làm việc quá sức". Nhiều bệnh viện còn phớt lờ hướng dẫn của Bộ Y tế rằng một y tá chỉ nên chăm sóc tối đa 12 bệnh nhân trong khoảng thời gian 8 giờ mỗi ngày nhưng thực tế, họ thường phải chăm sóc 40 bệnh nhân trong các ca làm việc kéo dài từ 12 đến 16 tiếng.

4. Thế nhưng, khi đại dịch COVID 19 bùng phát ở Philippines với hơn 435.000 trường hợp dương tính và hơn 8.200 trường hợp tử vong, đứng hàng thứ 2 ở Đông Nam Á, ngành y tế nước này mới nhận ra rằng họ không đủ y tá để chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy ngày 2-4-2020, Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello đã ban hành lệnh cấm tạm thời các y tá rời khỏi đất nước.

Theo lệnh này: "Lợi ích quan trọng nhất là phải bảo đảm rằng quốc gia sẽ có đủ để duy trì nguồn cung cấp nhân viên y tế nhằm đáp ứng kịp thời bất kỳ trường hợp nào xảy ra..." Đến ngày 13-4, Chính phủ Philippines dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép các y tá có hợp đồng với nước ngoài được xuất cảnh và ngày 21-11, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua việc chấm dứt lệnh cấm. Maristela Abenojar, Chủ tịch Hiệp hội y tá Philippines nói nếu các y tá phải ở lại làm việc trong nước, họ nên được bồi thường xứng đáng vì phải bỏ hợp đồng.

Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Tòa án Tối cao Philippines đã ra phán quyết rằng các y tá làm việc cho các bệnh viện công và các trung tâm y tế sẽ được hưởng mức lương cơ bản cao hơn, lên đến 30.531 peso (636 USD) mỗi tháng, thậm chí có nơi như khu tự trị Bangsamoro đầy xung đột dành cho người Mindanao theo đạo Hồi, mức lương là 41.000 peso/tháng.

Ông Maristela Abenojar, Chủ tịch Hiệp hội Y tá Philippines nhấn mạnh: "Các y tá cần được công nhận xứng đáng, thậm chí có thể giống như sự tôn kính của chúng ta đối với bác sĩ. Họ phục vụ bệnh nhân 24 giờ 1 ngày, 7 ngày 1 tuần. Vì thế, không lý do gì để quay lưng với họ…".

Vũ Cao (Theo World Politics - Philippines Nurses)
.
.