Phim Việt 2020 - Những tín hiệu khởi sắc
- Khi phim Việt xin khán giả “rủ long thương”
- Để nâng cao chất lượng phim Việt
- Giải pháp nào nâng cao chất lượng phim Việt thời hội nhập?
Chỉ tính đến ngày 27-12, doanh thu của “Mắt biếc” lên đến 100 tỷ đồng, “Chị chị em em” 47 tỷ đồng, dự kiến 2 bộ phim này sẽ còn tăng thêm doanh thu ở những ngày tiếp theo.
Con số khủng tại các phòng vé trên địa bàn cả nước: “Mắt biếc phá kỷ lục với 3.000 suất chiếu/ngày và “Chị chị em em” với 1.500 suất/ngày. Trước đây rải rác từ đầu năm 2019, một số phim Việt cũng đạt doanh thu ấn tượng từ các phòng bán vé như: “Cua lại vợ bầu” đạt doanh thu 187 tỷ, “Hai Phượng” 145 tỷ, “Lật mặt bốn nhà có khách” 100 tỷ, “Trạng Quỳnh” 99 tỷ, “Chị trợ lý của anh” 62 tỷ, “Pháp sư mù” 59 tỷ, “Chị Mười Ba: Phần kết thập tam muội” 54 tỷ, “Thất sơn tâm linh” 50 tỷ.
Với doanh thu khủng thu được từ các phòng vé, liệu con số ấn tượng này có thực sự là tín hiệu khả quan cho điện ảnh Việt hay không?
Giải mã 2 phim Việt gây bão vào những ngày cuối năm
Vào những ngày cuối cùng của năm 2019, lại đúng dịp lễ Noel và chuẩn bị chào đón tết dương lịch 2020, tại các rạp ra mắt 2 phim Việt là “Mắt biếc” và “Chị chị em em”. Hai bộ phim khác xa nhau về chủ đề tư tưởng nhưng trước đấy đều được khán giả đón đợi khi xem trailer giới thiệu. Phim “Mắt biếc” sau 3 ngày công chiếu doanh thu lên đến 50 tỷ đồng.
“Mắt biếc” là bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Victo Vũ (một đạo diễn có cá tính sáng tạo nổi bật và luôn có duyên với các phim ra thị trường, chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, (tác giả viết cho thanh thiếu niên có một lượng người hâm mộ hùng hậu và chưa bao giờ giảm nhiệt khi ra sách).
Còn “Chị chị em em” lại có dàn diễn viên hạng sao như Thanh Hằng, Chi Pu, ở chủ đề được nhiều người tò mò là đề cập đến vấn đề đồng tính nữ.
Và không quá ngạc nhiên khi hai bộ phim này đều khuynh đảo, làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim, bỏ xa phim ngoại như sở thích của khán giả đến rạp xem những loại phim hành động Mỹ. Nhiều bạn trẻ nói rằng đây là hai bộ phim Việt đáng xem nhất trong năm 2019.
Dàn làm phim “Mắt biếc” - bộ phim đang thống lĩnh thị trường. |
Quả là nhà sản xuất cũng đã tính yếu tố khơi gợi sự tò mò và tính đến yếu tố thị trường vì trước đó, vào năm 2015 đạo diễn Victo Vũ đã làm một cú nhảy ngoạn mục, thắng lớn tại các rạp chiếu phim, gây bão dư luận khi đạo diễn thành công rực rỡ với phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm truyện được yêu thích của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Cú bắt tay của hai con người nổi tiếng thú vị này đã mang lại cảm xúc đặc biệt khi xem phim.
Tất nhiên, điện ảnh như một món ăn, có thể hợp khẩu vị với người này nhưng lại trái ý người kia. Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mang lại dư luận trái chiều nhưng đa phần là đánh giá cao và bộ phim là làm được một điều không tưởng là kéo chân những người quen ngồi trước màn hình ti vi, chưa bao giờ bước đến rạp mà lại chịu đến rạp để bỏ tiền mua vé xem phim.
Và, phim lôi kéo được cả những bậc phụ huynh, bằng chứng là sau khi xem xong bộ phim thì trên các diễn đàn mạng xã hội, không chỉ giới trẻ mà ngay cả những bậc làm cha làm mẹ cũng trải lòng về bộ phim.
Dư âm của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quả thật quá lớn nên lần này nhà sản xuất đã tính đến thị trường. Một bài toán an toàn khi mời một đạo diễn đầy cá tính, luôn có “chiêu trò” mới mẻ trong sáng tạo Victo Vũ và không thể nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, tác giả sung mãn và ăn khách bậc nhất với giới trẻ.
Cảnh phim “Trạng Quỳnh” - bộ phim được coi là hài nhảm nhưng vẫn có doanh thu cao. |
“Chị chị em em” là một phim thị trường có một số cảnh nhạy cảm nhưng được đánh giá là sạch và cần thiết cho phim. Điều đáng nói là tuy phim có cảnh được cho là “nóng” nhưng không hề bị hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia cắt đi.
Trước “Chị chị em em”, vấn đề đồng tính nữ đã được các nhà làm phim khai thác như: “Chơi vơi”, “Mỹ nhân kế”, mới đây nhất có “Người vợ ba” - bộ phim đang chiếu tại rạp thì đột ngột bị một số ý kiến cho rằng trong phim có một số cảnh nóng quá nhạy cảm với trẻ 16 tuổi... Những lùm xùm, bàn ra tán vào của bộ phim đã khiến nhà sản xuất phải dừng chiếu.
Gần đây, “Ròm” - một phim của Việt Nam đã gặt hái được một số giải ở liên hoan phim quốc tế nhưng lại không được chiếu ở quê hương chỉ vì lí do phim đã có một số cảnh nhạy cảm không phù hợp với giới trẻ.
Một số tờ báo đã phản ứng với cách duyệt phim cắt đi nhiều cảnh trong phim “Ròm” và cho rằng đó là cách kiểm duyệt cứng nhắc, “nghiền nát” nền điện ảnh... Không biết có phải vì thế mà Hội đồng duyệt phim quốc gia không cắt bất cứ cảnh nhạy cảm nào trong “Chị chị em em” cũng khiến cho khán giả hả hê và mát nhãn, tăng hiệu ứng cho người đến rạp.
Con số doanh thu khủng từ một số phim Việt liệu có thực sự khả quan cho nền điện ảnh nước nhà?
TS Ngô Phương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) cho biết: Năm 2018 tuy doanh thu tại phòng vé tăng cao nhưng con số thực tế cho thấy hơn 2/3 phim thất bại thảm hại về doanh thu, nghĩa là thu về không đủ vốn. Nhiều người nghi ngại liệu điện ảnh Việt có bị thoái trào?
Một cảnh trong “Chị chị em em” đang đạt doanh thu cao tại các rạp chiếu phim. |
Trong 40 phim Việt ra rạp một năm thì đến trên 30 phim bị lỗ nặng, mất trắng số tiền đầu tư. Làm phim thật sự là một sự rủi ro lớn, không thể cầm chắc phần thắng trong tay. Theo Cục Điện ảnh, hiện nay con số 500 hãng phim được cấp giấy phép kinh doanh và sản xuất phim. Đây cũng là một con số khá nhiều so với các nước khác trên thế giới. Nhưng thực chất, các hãng làm phim điện ảnh chỉ là con số rất nhỏ đếm trên đầu ngón tay, còn lại sau khi mở công ty làm phim thì “chết như ngả rạ”.
Năm 2019 số phim Việt ra rạp đã lên đến con số ấn tượng 43 phim. Người ta tổng kết chỉ có 13 phim đạt doanh thu còn 30 phim thất bại, thua lỗ. Có 4 phim có doanh thu khủng từ 100 tỷ trở lên như: “Mắt biếc”, “Cua lại vợ bầu, “Hai Phượng”, “Nhà có khách”, liệu đấy có phải là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt?
Trước đây, một số các nhà làm phim điện ảnh đã bị thua lỗ nặng khi phim ra rạp thì èo uột khán giả, mặc dù nhiều bộ phim cũng đã tính yếu tố làm mới dàn diễn viên. Phim của Vícto Vũ trong “Mắt biếc” không hề có sao mà là những gương mặt điện ảnh mới toanh được chọn lựa kĩ càng từ 1.400 người đi casting phim nhưng sự bắt tay giữa hai ông lớn Victo Vũ và Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự làm nên trò.
Liệu rằng chỉ với một vài bộ phim lẻ tẻ có thực sự làm sống dậy điện ảnh Việt hay không thì còn là điều đáng bàn.
Một cảnh trong “Cua lại vợ bầu” - bộ phim đạt doanh thu cao năm 2019. |
Theo TS Ngô Phương Lan: Nếu như ở Việt Nam, công ty nội địa của cả nhà nước và tư nhân cộng lại chỉ chiếm 20%. Điều này rất là buồn và cũng rất là khó do hệ quả của chính sách và cam kết quốc tế. Phim nhập luôn chiếm trên 200 phim trong một năm, khi phim ở trong nước chỉ có khoảng tối đa là 40 phim.
Riêng năm 2019 tăng thêm 3 phim lên đến con số 43 phim. Còn những năm trước, phim trong nước chỉ có khoảng 10 phim, một con số rất thấp so với phim nhập. Hai doanh nghiệp nước ngoài của Hàn Quốc là CGV và Lotte cinema chiếm lĩnh trên 60% thị phần điện ảnh tại Việt Nam nên mới dẫn đến độc quyền, chiếm lĩnh thị trường.
TS Ngô Phương Lan chia sẻ: Vì tỷ lệ rạp chiếu phim của nhà nước dưới 10% và một nơi được coi là điểm sáng của chiếu phim là Trung tâm chiếu phim Quốc gia cách đây 3-4 năm chiếm 5% tổng doanh thu chiếu phim một năm. Nhưng đến năm 2018, doanh thu của Trung tâm chiếu phim Quốc gia xuống chỉ còn 2% tổng doanh thu chiếu phim một năm. Sang năm 2019 con số này nhỉnh hơn một chút nhưng không thấm gì với doanh thu rạp chiếu phim ngoại đang thống lĩnh thị trường.
Giải mã phim Việt ăn khách, đạo diễn Phan Đăng Di lý giải: “Giờ đây, sự ra đời của hàng loạt rạp chiếu bóng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, có hiệu ứng tốt về âm thanh và cơ sở vật chất phát triển như bây giờ cũng là một nơi mà mọi người thích đến. Cả hai bộ phim Việt đang công chiếu tại các rạp hiện nay đều có những người tên tuổi tham gia.
“Mắt biếc” rất hợp với xu thể khán giả phía Nam, đặc biệt là khán giả trẻ, được chuyển thể từ truyện nổi tiếng nhiều người yêu thích. Phim kết hợp giữa đạo diễn nổi tiếng và tác giả ăn khách nên hút giới trẻ. Bản thân nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có lượng fan hâm mộ hùng hậu, giới trẻ đặc biệt yêu thích truyện của ông. Nhưng, một vài bộ phim thắng về doanh thu không làm thay đổi nền điển ảnh Việt Nam.
Nếu mình đặt ra một nền điện ảnh bền lâu như Hàn Quốc để có thể xuất khẩu phim, việc làm phim đi rộng ra thế giới được thì cuối cùng chúng ta vẫn phải quay trở lại nền điện ảnh được xây dựng nền tảng đào tạo nhân lực bài bản tốt ở tất cả các khâu thì trên nền tảng vững chắc mới có thể cạnh tranh lâu dài.
Đạo diễn Phan Đăng Di nhận định: “Điện ảnh Việt Nam đang ở xuất phát điểm thấp, chưa ai biết đến nhiều và có nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam là những chất liệu sống hay đang rất hợp với điện ảnh. Đất nước ta sau chiến tranh, đang vươn lên, có nhiều chất liệu để điện ảnh khai thác. Và, câu thoại hay cũng là thứ để hấp dẫn khán giả, những phim gần đây cho thấy các bộ phim được đầu tư lời thoại rất kỹ.
Theo quan sát của tôi, điện ảnh của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đã qua thời kỳ huy hoàng. Điện ảnh của họ đang ở giai đoạn thiếu tài năng mới, hay chất liệu mới vì họ đã có giai đoạn tuyệt vời trong sáng tạo rồi. Chỉ trừ có Mỹ là không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của xã hội do nền công nghiệp điện ảnh Mỹ quá mạnh, có sự thích ứng lớn và không phụ thuộc vào bối cảnh xã hội nhiều.
Có một cái được nữa là các đạo diễn trẻ Việt Nam rất tự tin và hoàn toàn có thể đi ra thế giới theo cách của họ. Cứ đà này thì trong vài năm tới, điện ảnh Việt Nam sẽ có giải ở quốc tế và cũng là sự nhận diện cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”.