Phim Việt: Vẫn đành bóc ngắn cắn dài
- Phim Việt ra rạp cuối năm: Bài toán doanh thu không dễ giải
- Một âm hưởng hiếm có trong phim Việt
- Cơ hội nào cho phim Việt tại “đấu trường Oscar”
Sự kiện Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018 với “đại tiệc” điện ảnh thịnh soạn để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Nhưng xét trên bình diện chung, những thành tựu này chỉ đều đều, chưa thấy tín hiệu rõ ràng cho một cuộc đột phá mới trong tương lai gần.
Đã qua “mê hồn trận” của hài nhảm, hài nhạt
Nếu vài năm trước, doanh thu phim chiếu rạp, đặc biệt phim chiếu rạp dịp Tết luôn nằm trong tầm ngắm, được cả giới làm phim lẫn số đông công chúng quan tâm, thậm chí “săm soi” thì năm 2018, những con số gần trăm tỷ, trên trăm tỷ mang về từ doanh thu phòng vé đã không còn “gây sốc” đám đông. Thay vào đó, những hứa hẹn và hiệu quả thực tế của chất lượng nghệ thuật tác phẩm, thành quả lao động sáng tạo của người nghệ sĩ được quan tâm hơn. Có lẽ, đây cũng là sự chuyển động tất yếu khi phim Việt đã qua thời nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu hài nhảm, hài nhạt.
Những khung hình lãng mạn, đẹp như mơ trong phim “Thạch Thảo” làm nên tín hiệu vui cho điện ảnh nửa cuối năm 2018. |
Nửa đầu năm 2018, nhiều người liên tục nhắc về thành công của “Siêu sao siêu ngố”; “Tháng năm rực rỡ” như một niềm tự hào của điện ảnh Việt. Dù rằng, đây chưa phải là những tác phẩm thực sự xuất sắc nhưng cũng đủ để người muốn khen có cái để khen. Nửa cuối năm 2018, nếu loại trừ những bộ phim được mặc định thuộc dạng “bánh mứt Tết” như “Cua lại vợ bầu”; “Táo quậy”; “Vu quy đại náo”…, người yêu điện ảnh vẫn có những lựa chọn khác với những hứa hẹn có nhiều hấp dẫn.
Nếu yêu thích phim hành động, phảng phất phong cách phim Mỹ, khán giả có “Hai Phượng” – tác phẩm đánh dấu sự trở lại của “đả nữ” Ngô Thanh Vân sau những “Dòng máu anh hùng”, “Lửa Phật” . Người yêu thích phong cách nhẹ nhàng, lãng mạn, trong sáng đã có “Thạch Thảo” – một dự án phim hợp tác sản xuất giữa Nhà nước và tư nhân, được kỳ vọng làm nên thành công tương tự dự án phim từng được sản xuất theo mô hình này là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Khi dòng phim do người Việt ở nước ngoài sản xuất đã dần rơi vào bão hòa, những tên tuổi từng được nhà sản xuất sử dụng như một chiêu thức hiệu quả để lôi kéo khán giả mua vé vào rạp xem phim đã không còn đảm bảo chắc chắn về doanh thu phòng vé thì sự hợp tác của Charlie Nguyễn với đạo diễn người Nhật Bản, Ken Ochiai với phim “Hồn papa, da con gái” là những hứa hẹn mới, tạo sự chú ý với số đông hơn. Sự xuất hiện của Thái Hòa – một trong số diễn viên từng được mặc định là “bảo chứng” cho doanh thu phòng vé và Kaity Nguyễn – nữ diễn viên xinh đẹp vừa cùng Kiều Minh Tuấn làm nên thành công vang dội cho “Em chưa 18” của mùa phim trước giúp “Hồn papa, da con gái” giữ được sự tin cậy về mức độ an toàn trong doanh thu, ít nhất cũng là giúp nhà làm phim có kinh phí để tái đầu tư sản xuất.
Trong khi đó, “Song Lang” là một món ngon lạ mà quen dành cho người yêu điện ảnh và tâm huyết với văn hóa truyền thống. Dù chỉ mượn bối cảnh và là một trong những cái cớ cho một câu chuyện khác nhưng người mộ điệu nghệ thuật cải lương xem phim đã ít nhiều hiểu hơn về đời sống sân khấu này thủa hoàng kim qua những thước phim chân thực, sống động và đậm chất điện ảnh này. Những tiếc nuối cùng hình ảnh khán giả chen chật rạp trong các suất chiếu phim “Song Lang” nói riêng, một số phim Việt Nam được chiếu trong Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ V nói chung là những ấn tượng đẹp khó quên của phim Việt trong năm 2018.
Với phim truyền hình, năm 2018 chưa có những hiện tượng “gây sốt” màn ảnh nhỏ như “Người phán xử”; “Sống chung với mẹ chồng” hay “Thương nhớ ở ai” như năm 2017. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, phim truyền hình Việt đã tạo lập được những vị trí quan trọng với khán giả. Những tranh cãi gay gắt quanh một số phim khai thác mặt trái của xã hội như “Quỳnh búp bê”; “Kẻ ngược dòng” khiến Đài truyền hình Việt Nam phải tạm dừng phát sóng, đổi khung giờ phát sóng, ít nhiều cho thấy sự chú ý của số đông người xem với lĩnh vực này.
Với phim cho thiếu nhi, “lãnh địa” tưởng chừng đã rơi vào quên lãng cũng bước đầu mang về những tín hiệu vui khi mới đây, nhà sản xuất “Rồng rắn lên mây” hồ hởi thông báo, phim dẫn đầu về lượng người xem chỉ sau vài tập đầu phát sóng trên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh. Khai thác những câu chuyện cổ tích đã quen thuộc với nhiều thế hệ, “Rồng rắn lên mây” cũng là dự án phim truyền hình tạo được sự chú ý trên cộng đồng mạng ngay từ những trailer đầu tiên.
Sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu từ phục trang đến bối cảnh, tôn trọng lịch sử trang phục Việt, việc tái hiện nhiều trò chơi dân gian một cách chân thực hơn, đưa những vần điệu đồng dao vào trong phim không chỉ tạo sự hấp dẫn với người xem mà còn tạo niềm tin và hy vọng mới cho người yêu thích phim cổ trang Việt.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa
Không thể phủ nhận sự thành công cũng như vị thế nhất định của phim Việt đối với khán giả trong năm 2018. Nhưng, nếu lạc quan quá cũng dễ thành lạc quan… tếu. Bởi, so với vài chục phim chiếu rạp được sản xuất, phát hành, vài trăm tập phim truyền hình được phát sóng trong năm, số phim hấp dẫn khán giả, được công nhận về mặt chất lượng nghệ thuật, mang về doanh thu cho nhà sản xuất vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đây cũng là thực trạng chung của phim Việt trong vài năm gần đây.
“Song Lang” là một trong những điểm sáng của điện ảnh Việt dù không thuộc top đầu phim có doanh thu cao nhất trong năm. |
Có lẽ vì thế nên thời điểm Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018 cận kề, khi Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan chia sẻ rằng, số lượng phim Việt sản xuất nhiều nhưng vẫn rất khó khăn khi tìm một ứng cử viên đủ sức đại diện Việt Nam để tranh giải với bạn bè quốc tế. Chưa kể, Liên hoan Phim được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.
Nếu tính tổng số phim Việt sản xuất trong 2 năm trước kỳ Liên hoan, con số phải cao ngót nghét gần 100. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng phát triển theo diện rộng, thiếu chiến lược lâu dài cũng là nguyên nhân khiến phim Việt khó tạo được dấu ấn đặc biệt trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Chẳng thế mà tại hội thảo về điện ảnh Iran – một trong số các hoạt động nhận được sự quan tâm tham gia của khá nhiều nhà sản xuất, phê bình điện ảnh trong nước, nước ngoài tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018, người làm phim Việt Nam và cả đại diện Cục Điện ảnh bất ngờ đến ngỡ ngàng khi một số nhà làm phim, phê bình điện ảnh nổi tiếng của nước bạn tuyên bố, lâu nay, họ mới biết về điện ảnh Việt qua các phim khai thác đề tài chiến tranh hay một số phim do người Việt ở nước ngoài sản xuất, phát hành ở ngoài nước hay một vài phim đã rất xưa, từng đạt giải quốc tế như “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Khi tham gia Liên hoan Phim, họ vô cùng ngạc nhiên vì không ngờ điện ảnh Việt Nam lại đa dạng, phong phú đến như thế.
“Soplifters – Kẻ trộm siêu thị” – phim đoạt giải Cannes 2018 nhưng nhiều nhà làm phim Việt chỉ coi như biểu tượng để ngắm và tham khảo. |
Thực tế, không chỉ có các nhà phê bình, làm phim nước ngoài mới có những phát hiện mới mẻ về phim Việt thông qua sự kiện này. Không ít người làm điện ảnh lão luyện trong nước cũng thẳng thắn bày tỏ rằng, “đại tiệc” phim với những “đặc sản” mới nhất từ điện ảnh thế giới giúp người làm phim định vị chính xác hơn vị trí của mình.
Lâu nay, cả khán giả và cả người làm phim bị cuốn vào cơn lốc phim thương mại do sản phẩm được các nhà phát hành đưa về, và cũng bao quát thị hiếu người xem theo số đông, là phim thương mại. Phim nghệ thuật hàn lâm khó được nhập về vì kén người xem, khó mang về doanh thu cho nhà phát hành. Thông tin về những phim bom tấn, đầy những siêu sao, kỹ xảo hoành tráng với các “cơn lốc” doanh thu càn quét phòng vé khiến người làm nghề, dù bản lĩnh đến đâu cũng có lúc không tránh khỏi lung lay ý chí, thậm chí đặt dấu hỏi ngược lại với mục tiêu mà bản thân dự định dành trọn tâm huyết theo đuổi.
Liên hoan Phim cũng là lần hiếm hoi, số đông công chúng có dịp tiếp cận những “siêu phẩm” điện ảnh thực sự và mới nhất, từng được ghi nhận bằng những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới như “Soplifters – Trộm cắp siêu thị” – phim đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2018 và “A Fantastic Women – Người phụ nữ tuyệt vời”, tác phẩm đạt giải phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại mùa giải Oscar 2018.
Nhưng thực tế hậu Liên hoan Phim cũng cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực đưa các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật mang tính hàn lâm về trong nước thì tại thời điểm này, sự kiện đình đám nhất trong năm của điện ảnh Việt vẫn giống một cuộc “chơi sang” của “nhà nghèo” trong hành trình khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Với đa số nhà làm phim Việt, nghệ thuật điện ảnh hàn lâm thế giới với những đỉnh cao mới nhất vẫn chỉ như biểu tượng để chiêm ngưỡng hơn là tìm cách học hỏi, phấn đấu và chạm tới. Doanh thu vẫn như vòng kim cô siết chặt người làm nghề và trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, nếu chỉ lỡ trớn, nghệ sĩ sẽ đánh mất mình, cả danh tiếng dày công xây dựng.
Hiện tượng của điện ảnh - Kiều Minh Tuấn những năm mới đây và chuyện tình tay ba giữa anh với Cát Phượng, diễn viên trẻ An Nguy bị nghi vấn mượn chiêu PR “bẩn” cho dự án phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” là một điển hình. Mặc dù nhà sản xuất đã lên tiếng đính chính không mượn chuyện tình tay ba của Kiều Minh Tuấn để PR cho phim nhưng “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” đã vấp phải thiệt hại nhất định khi làn sóng kêu gọi tẩy chay phim có chiều hướng lan rộng trong cộng đồng.
Riêng Kiều Minh Tuấn sau đó còn bị “nạp” thêm một lượng anti-fan đáng kể. Anh bị ghét đến mức, khi hình ảnh phim “Song Lang” được nhà sản xuất post lên mạng, không ít fan ủng hộ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nhận nhầm diễn viên trong phim là Kiều Minh Tuấn nên đã thẳng thừng kêu gọi tẩy chay phim ngay trên trang cá nhân của đả nữ này, khiến quản trị viên và fan hâm mộ của cô nhiều phen đính chính mệt nghỉ…
Để thoát ra được tình cảnh “bóc ngắn cắn dài”, mang đến được cho khán giả những thước phim giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn thị trường, xem ra các nhà làm phim Việt còn cả một chặng đường dài phía trước.