Phim lậu online: Sẽ xử lý mạnh tay!

Thứ Tư, 03/06/2015, 11:35
Cục An ninh Văn hóa Thông tin truyền thông (ANVHTT-TT) - Bộ Công an đang đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra vào cuộc khi phát hiện không ít trang mạng cung cấp nhiều bộ phim trái phép mà vẫn thu quảng cáo, phí thành viên... Theo các nhà quản lý thì thực trạng này đang diễn ra khá phức tạp, rất cần những chế tài đủ mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất những việc làm vi phạm pháp luật!

"Buôn" phim không vốn liếng

Mới đây, ANVHTT-TT - Bộ Công an đã nhận được trình báo của nhiều hãng phim Việt Nam và đài truyền hình về việc bị thiệt hại lớn do những bộ phim họ đang chiếu trong rạp bị đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Sau quá trình thu thập tài liệu, điều tra, Cục A87 đã phát hiện các nhà cung cấp dịch vụ và cá nhân quản trị trang web có hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh và hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. Làm việc với đại diện các trang mạng này, tất cả thừa nhận đã thuê máy chủ tại Việt Nam, sau đó cung cấp phim ảnh từ nhiều nguồn và thu phí quảng cáo, thu tiền người xem (nạp tiền bằng một vài hình thức khác nhau) trong thời gian dài.

Hành vi đăng tải phim ảnh lên mạng mà không được phép của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật!

Trong đó, có thể kể như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nasavina (Sundata) có địa chỉ trên giấy phép tại đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (và địa chỉ hiện tại đường Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú, TP HCM) do bà C.N.N làm giám đốc. Công ty này đã thực hiện việc cung cấp dịch vụ máy chủ, lưu trữ dữ liệu và hosting cho các cá nhân quản trị các trang web cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến không có bản quyền.

Làm việc với Cơ quan An ninh, ông Nguyễn Thăng Long (phụ trách kỹ thuật và kinh doanh của Công ty Sundata) cho biết, công ty này hoạt động từ cuối năm 2012 đến nay (hiện có khoảng 100 khách hàng). Ông Long xác nhận, hiện Công ty Sundata đang cung cấp dịch vụ VPS (share server - chia sẻ máy chủ) và dịch vụ máy chủ cho các khách hàng: phim3s.net, phim14.net và xemphimso.com. (Riêng trang phim3s.net được một công ty Thái Lan mua lại của một cá nhân trong nước từ tháng 5/2014).

Qua vận hành kỹ thuật cho các trang web trên, ông Long nhận thấy, đây là các trang web có chứa dữ liệu phim ảnh cho phép xem trực tuyến (online), dữ liệu chính được đặt trên Google, YouTube và các trang lưu trữ trực tuyến khác. Thành phần nội dung phim ảnh được đưa lên trang đều không có bản quyền, một số phim có nội dung nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Tại buổi làm việc với ông Long, Cơ quan An ninh đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Sundata sớm gỡ bỏ toàn bộ các thông tin về phim ảnh không có bản quyền trên cơ sở dữ liệu của mình, không cung cấp các dịch vụ vi phạm các quy định của pháp luật.

Đối với trang xemphimso.com, đầu tháng 2/2015, Cơ quan An ninh cũng đã làm việc với ông Lê Bửu Hòa (SN 1987, thường trú Tiền Giang, tạm trú phường 11, quận 3, TP HCM) là quản trị trang web này. Ông Hòa cho biết, trang web do ông nhờ người thiết kế và xây dựng từ đầu năm 2012. Khi trang web được xây dựng xong, chỉ có cá nhân ông Hòa trực tiếp vận hành bằng cách cập nhật các link (đường dẫn) chia sẻ phim từ các trang lưu trữ trực tuyến như YouTube, Picasa… và các nguồn phim từ các diễn đàn phim ảnh online như Hdvietnam và một số trang nước ngoài. Hiện nay, trang web có khoảng 5.000 phim bao gồm phim bộ và phim lẻ. Đây là phim của các quốc gia, trong đó có Việt Nam và toàn bộ các phim trên trang web đều không có bản quyền.

Trong thời gian hoạt động, có một số công ty và cá nhân đã mua quảng cáo trên trang web này với tổng số tiền hàng tháng khoảng 25 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản như chi phí vận hành, trả tiền server hàng tháng, chi phí cho hai người chuyên cập nhật phim, thu nhập hàng tháng của ông Hòa từ  12 - 15 triệu đồng.

Còn trang phim14.net do Lê Triều Thiên (SN 1991, quê Quảng Ngãi xây dựng. Thiên là sinh viên một trường đại học tại TP HCM) xây dựng và quản trị về mặt nội dung từ tháng 8/2013 đến nay. Trang web có khoảng 3.000 phim bao gồm cả phim bộ và phim lẻ (hầu hết đều không có bản quyền), trong đó có một số link (đường dẫn) không xem được phim và một số chỉ để tên phim và thông tin, không có video xem. Tương tự như trang xemphimso.com, với phim14.net, Thiên cũng cập nhật các link chia sẻ phim từ các trang lưu trữ miễn phí như youtube, picasa…

Lê Triều Thiên cho biết, từ tháng 8/2013 đến tháng 5/2014 do trang web mới vận hành nên chưa thu được quảng cáo. Nhưng từ tháng 6/2014, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề và quảng cáo trên trang web, với tổng số tiền quảng cáo hơn 100 triệu đồng/tháng. Chi phí quảng cáo thu được, Thiên đã trả cho môi giới của mỗi công ty khoảng 20% tổng chi phí, trả cho bên viết code khoảng 20% và Thiên nhận 60% còn lại. Trong 60% này, Thiên đã trả cho hai tài khoản upload phim nhiều nhất từ 2-3 triệu đồng/tháng, trả cho 9 người làm phụ đề phim 200 ngàn đồng/tập. Thu nhập của ông Thiên hàng tháng dao động từ 20-30 triệu đồng…

Cả Lê Bửu Hòa và Lê Triều Thiên đều thừa nhận việc làm của mình là trái phép vì chưa đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời các phim chia sẻ trên trang web đều không có bản quyền.

Có thể xử lý hình sự!

Theo Cục A87 thì hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ và cá nhân quản trị trang web trên đã vi phạm các quy định tại Điều 66 "Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi, sử dụng thông tin" theo Nghị định số 174/2013/NDD-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Từ đó, cơ quan này đã chuyển hồ sơ vi phạm của các đương sự trên cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP HCM xử lý theo quy định. Và mới đây, Thanh tra Sở TT&TT đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với quản trị hai trang mạng xemphimso.com và phim14.net. Lý do là hai trang này hoạt động không phép, thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà không có giấy phép của Bộ TT&TT, cung cấp nội dung phim không phù hợp, bạo lực... Hai trang này cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi làm việc với Cơ quan An ninh và bị Sở TT&TT xử phạt hành chính, trang phim14.net đã thông báo tạm dừng hoạt động trên trang của mình.

Tình trạng cung cấp phim trên mạng Internet, theo báo cáo của Thanh tra Cục Báo chí - Xuất bản (Bộ TT&TT), hiện tương đối phức tạp. Rất nhiều website cung cấp phim của nhiều hãng trên thế giới vào lãnh thổ Việt Nam, mà hầu hết các trang web này đều đăng ký tên miền quốc tế và đều vi phạm bản quyền. Việc kiểm tra, xử lý các trang web này khá khó khăn. Chỉ khi nào rơi vào các website Việt Nam thì mới có thể có điều kiện để phạt.

Chẳng hạn như vào tháng 4/2013, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đã có đơn gửi đến Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tố cáo 3 website có địa chỉ tên miền: pub.vn; phim47.com: v1vn.com (website đăng ký sở hữu ở Việt Nam) có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh (phim) thuộc sở hữu của các thành viên MPA, trong đó có nhiều bộ phim nổi tiếng như "Điệp viên 007", "Cuộc đời của Pi"…

Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh, kết quả cho thấy cả ba website này đều có hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh đúng như tố cáo của MPA. Đoàn Thanh tra đã yêu cầu quản trị của các trang web này chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi nói trên. Theo Khoản 2, Điều 22 Nghị định số 47/2009/NĐ-CP các đối tượng này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.

Hay trong tháng 6/2014, Công ty TNHH Phát thanh - Truyền hình Hồng Kông (TVB - Trung Quốc) đã khởi kiện 2 trang web Việt Nam vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ lên Bộ TT&TT và thanh tra chuyên ngành TT&TT xử lý các cá nhân, tổ chức quản lý hai trang web  phimso.info và phimtvb.biz vì có hành vi chiếu nhiều bộ phim Hồng Kông trên hai trang web này, nhưng chưa được chủ sở hữu các bộ phim này cho phép…

Từ những vụ việc này cho thấy, hành vi vi phạm của các trang mạng chiếu phim online là khá phổ biến hiện nay. Các trang mạng là nguồn nhanh nhất đưa các bộ phim đến với công chúng nhưng đây cũng là nguồn gây tổn thất nhất cho những nhà sản xuất nếu bị xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, bởi sự tiện lợi, dễ dàng và không mất tiền khi xem phim trên các website này (nếu mất cũng không đáng kể) mà người dùng Internet vẫn đang vô tình tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền phim.

Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Việt - Phó Trưởng phòng An ninh báo chí, Cục ANVHTT-TT - hiện có rất nhiều trang mạng hoạt động tương tự các trang web này, cung cấp các phim Việt Nam và quốc tế chưa có bản quyền. Hầu hết các trang đều chưa đăng ký hoạt động (không có giấy phép thiết lập trang tin điện tử và trang mạng xã hội) nhưng vẫn thu phí quảng cáo, phí thành viên truy cập dưới dạng tin nhắn, nạp card điện thoại, thẻ ATM trong nước, thẻ tín dụng… Việc xử lý của Sở TT&TT như vừa qua vẫn còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi sai phạm về vấn đề bản quyền. Ngoài ra, việc xem phim trực tuyến trái phép như vậy đã vi phạm quy định về truyền hình trả tiền, việc truyền dẫn phát sóng truyền hình…

Tuy nhiên, bước đầu việc xử lý các trang mạng trên sẽ nhằm cảnh báo các đối tượng khác khi thực hiện hành vi kinh doanh phim không có bản quyền và thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không phép trên mạng Internet. Những việc làm trái phép này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp điện ảnh trong nước vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề bản quyền, lợi nhuận của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phim.

"Những trang này có dấu hiệu hành vi kinh doanh trái phép, vi phạm bản quyền... Nếu các trang mạng không chấm dứt hành động vi phạm, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát công nghệ cao điều tra để có thể xử lý hình sự" - Trung tá Nguyễn Tuấn Việt nhấn mạnh.

Phú Lữ
.
.