Phim nghệ thuật: Vật vã ra rạp

Chủ Nhật, 16/08/2015, 09:25
Có một dòng phim không dành cho thị hiếu số đông khán giả, cũng không phải đạo diễn nào cũng đủ tầm để làm và các nhà sản xuất tư nhân thì lắc đầu, le lưỡi vì biết trước lợi nhuận thu về sẽ là muối bỏ bể. Đó là dòng phim nghệ thuật, hay gọi như các nhà chuyên môn là phim tác giả.

Phim nghệ thuật (phim tác giả)  thể hiện cái tôi cá nhân sáng tạo độc đáo mang tính nghệ thuật, ngay khi công chiếu sẽ được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao, nổi đình nổi đám ở các kỳ liên hoan phim uy tín trong nước hoặc quốc tế, liên tiếp giật giải, các nhà làm phim lên bục nhận giấy khen, bằng khen nhưng đến khi khởi chiếu thì khán giả thưa thớt lèo tèo và sẽ lỗ nặng. Hành trình làm phim nghệ thuật (nếu không phải kinh phí do Nhà nước đặt hàng) thì sẽ khó khăn như đi trên dây khi các nhà làm phim loay hoay đi tìm kinh phí  và vất vả vô cùng khi chen chân ra rạp tìm chỗ đứng.

1. Năm ngoái, khi “Hương Ga” của đạo diễn việt kiều Cường Ngô chiếm lĩnh các rạp phim trong nước từ Bắc chí Nam, khán giả rầm rộ đi xem. Bộ phim mang lại doanh thu khủng được chiếu nhiều trong rạp và ở buổi chiếu nào cũng đông kín ghế. “Hương Ga” là một phim giải trí thị trường ăn khách với các góc quay đẹp và một dàn diễn viên hùng hậu bởi có hotboy, hotgirl, người mẫu…

Cảnh trong phim “Ngọc Viễn Đông” của nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Cường Ngô.

Thành công về doanh thu khiến cho nhà sản xuất hả hê và đạo diễn thì đầy khí thế nhưng ít ai biết trước đấy 2 năm đạo diễn Cường Ngô (sinh năm 1978) đã từng thất bại nặng nề về doanh thu khi lần đầu anh về nước làm phim nghệ thuật "Ngọc viễn đông". Cường Ngô xuất thân từ một diễn viên ở một nhà hát tại TP HCM, sau này anh sang Canada học chuyên ngành đạo diễn, từ Canada anh làm việc qua email với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang sống ở Mỹ để bàn về ý tưởng làm phim “Ngọc viễn đông”.

“Ngọc viễn đông” là một chùm phim bao gồm 7 phim ngắn bắt đầu bằng chữ cái T - “Thơ”, “Tin nhắn”, “Trăng khuyết”, “Thuyền”, “Thức”, “Tặng phẩm và Thời gian”. Câu chuyện của chùm 7 phim ngắn này xoay quanh câu chuyện số phận của những người phụ nữ Việt Nam ở các độ tuổi khác nhau ra mắt khán giả trong nước vào đúng dịp mồng 8-3-2012, quy tụ một dàn diễn viên vô cùng hot, có cả NSND Như Quỳnh, đả nữ Ngô Thanh Vân, người đẹp Trương Ngọc Ánh… “Ngọc viễn đông” được nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc trau chuốt kịch bản, và đạo diễn tỉ mẩn khi lên khuôn hình. Đó đích thị là một phim nghệ thuật được kết hợp vô cùng ăn ý giữa tác giả và đạo diễn, lại được quy tụ bởi dàn diễn viên lung linh xinh như mộng. Bộ phim trước khi khởi chiếu tại Việt Nam đã nhận hai giải của Liên hoan phim độc lập California, Mỹ, tuy nhiên  nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết khi ra rạp bộ phim đã bị lỗ nặng, khiến ê kíp sản xuất phim choáng váng về con số doanh thu mang về không khác nào muối bỏ bể khi đầu tư hơn 15 tỉ đồng để hoàn thành bộ phim.

Dàn diễn viên nữ đóng phim này cũng không được một đồng cátxê nào. Câu chuyện về doanh thu cũng đã phần nào "dạy" cho đạo diễn Cường Ngô một bài học về làm phim để khi trở lại Việt Nam lần thứ hai bắt tay vào một kịch bản mới, lần này cũng kết hợp với tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Cả hai đã cho ra đời một bộ phim hoàn toàn mang yếu tố thị trường mang tên “Hương Ga”. Bộ phim này đã làm khán giả dậy sóng, gây ồn ào trong giới truyền thông suốt một thời gian dài và khiến cho các nhà sản xuất ở các hãng khác phải ganh tị và thèm khát. Thế mới biết làm phim thị trường dễ tìm kinh phí hơn, càng dễ dàng hơn ở khâu phát hành, được truyền thông săn đón cũng bởi vì phim thị trường bỏ ra một số tiền không nhỏ đầu tư vào công việc PR (quảng cáo) phim.

Nếu như phim thị trường có cả một lực lượng hùng hậu để PR sản phẩm thì phim nghệ thuật lại ít được giới truyền thông nhòm ngó đến, hay có tung hô cũng chẳng trống dong cờ mở mà èo uột  dăm ba bài lọt thỏm trong mớ hỗn độn thông tin khác.

Cách đây không lâu, bộ phim do Nhà nước đặt hàng làm về đề tài chiến tranh “Sống cùng lịch sử” do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn đã chịu một số phận bi đát khi lặng lẽ ra rạp, đìu hiu khởi chiếu, và lèo tèo khán giả. Bộ phim này chỉ được khán giả biết đến khi nhiều báo rầm rộ đồng loạt đăng tin: Phim ra rạp chỉ có vài ba khán giả đến xem khi ngốn kinh phí gần 21 tỉ đồng.

Đạo diễn Thanh Vân tâm sự: "Lúc bắt tay vào làm, tôi cũng không hề ảo tưởng phim mình sẽ ăn khách. Nhưng hiệu quả thế này thì buồn quá vì tâm huyết, lao động của mình không được khán giả đón nhận…". Đạo diễn này cũng cho biết, phim của mình không được khán giả biết đến cũng bởi khâu quảng cáo: "Kinh phí quảng cáo cho một bộ phim tư nhân vào loại thấp cũng đã 500 triệu đồng, còn có những phim dành 1 tỉ hoặc hơn trong khi đó “Sống cùng lịch sử” con số làm phim hơn 21 tỉ nhưng toàn bộ số tiền dùng cho quảng cáo bộ phim như họp báo, in poster, treo banner, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng không đến 50 triệu đồng, trước đây con số này chỉ có 30 triệu".

Nói về bộ phim này, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết: "Cần phải hiểu đây là phim do Nhà nước đặt hàng để tuyên truyền nên nó không có nhiệm vụ phải đem chiếu kinh doanh để thu hồi vốn”. Ông cũng cho biết thêm: Chính vì không có kinh phí cho khâu quảng cáo, thế nhưng bộ phim vốn là tâm huyết của đạo diễn Thanh Vân nên ông đã làm một việc mà theo ông là rất ấu trĩ là ra các rạp dùng uy tín cá nhân của mình để nói khó với các rạp khởi chiếu phim “Sống cùng lịch sử”. Nhưng ông giám đốc cũng nói việc phát hành phim đâu phải chỉ đơn giản thế!!!

Trước đây, “Đời cát” của đạo diễn Thanh Vân cũng là một hiện tượng phim làm về chiến tranh mang yếu tố nghệ thuật. “Đời cát” có thể coi là dấu son về sự nghiệp không chỉ của đạo diễn mà cả dàn diễn viên, và Hồng Ánh được biết đến là gương mặt điện ảnh đầy triển vọng. Diễn viên Mai Hoa thì nói chắc nịch: "Phim này thành công thì em chết cũng thấy đã". “Đời cát” khi đi thi Liên hoan phim quốc tế, Mai Hoa đã vượt qua diễn viên danh giá Trương Mạn Ngọc đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương 2000.

Đạo diễn Thanh Vân tâm sự rằng, bộ phim khi chiếu trong nước cũng không có nhiều khán giả đến xem và doanh thu chỉ tầm tầm. Cùng cảnh ngộ với chồng, bộ phim “Lạc lối” của nữ đạo diễn Nhuệ Giang giành giải Cánh diều bạc 2012, Bông sen bạc 2013. Nhuệ Giang tâm sự, bộ phim được làm từ 3 nguồn tài trợ kinh phí với tất cả tâm huyết của chị nhưng rất chật vật khi tìm chỗ đứng ở rạp.

Các rạp chiếu phim cũng không hồ hởi khi đón chào phim nghệ thuật mà họ dành xuất chiếu cho những phim thị trường ăn khách. Họ dành đất treo biển quảng cáo cho phim thị trường, còn với phim nghệ thuật họ không treo, không quảng cáo hoặc nếu bắt buộc thì có chăng chỉ là qua loa lấy lệ. Nhiều phim khác được giới phê bình điện ảnh, các nhà chuyên môn đánh giá cao như “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”, “Mùa đu đủ xanh”, “Mùa len trâu”… nhưng khi ra rạp các phim này cũng không mấy khả quan, luôn chịu cảnh thưa vắng khán giả.

2. Câu chuyện về doanh thu với phim nghệ thuật là một bài toán khó, khó với nhà làm phim, nhà sản xuất, không có một nhà làm phim nào mà ảo tưởng sẽ làm phim nghệ thuật để kiếm doanh thu. Vì vậy các nhà làm phim cũng mong khán giả hiểu rằng đừng đánh giá chất lượng phim qua doanh thu. Có những phim thắng lớn về doanh thu nhưng thất bại về nội dung. Có những phim thắng lớn về nghệ thuật lại thảm bại doanh thu.

Cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”.

Câu chuyện này được bà Đinh Thanh Hương - Tổng Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân chia sẻ: "Phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Bi đừng sợ” của Phan Đăng Di đoạt giải ở những liên hoan phim đẳng cấp thế giới, nhưng về Việt Nam ra rạp doanh thu của cả hai phim này sau mấy tuần công chiếu không bằng doanh thu 1 ngày chiếu Tết của “Quả tim máu”. Đấy là sự thật chua xót của người làm nghề. Điều đó cũng nói lên một điều là đừng nên nhìn vào doanh thu để vội kết tội một bộ phim”.

Ai cũng biết, làm phim nghệ thuật là phải dư tiền, còn nghĩ đến lợi nhuận thì đừng có dại mà làm. Chính vì thế, đạo diễn Việt kiều Victor Vũ, một trong những đạo diễn được coi là làm phim thị trường ăn khách số 1 hiện nay hằng năm cặm cụi, miệt mài cày phim thị trường (phim dành cho khán giả) và gần như phim nào của đạo diễn này doanh thu cũng cao ngất ngưởng làm hỉ hả các nhà đầu tư.

Nhiều năm liên tiếp làm phim thị trường, được kiểm chứng bằng doanh thu phòng vé, đạo diễn Victor Vũ là cái tên mà các hãng phim tư nhân chọn mặt gửi vàng, đầu tư tiền khủng để vị đạo diễn này làm phim vì phim của anh chỉ lãi chứ không bao giờ lỗ. Nếu không có Nhà nước đặt hàng đạo diễn Victor Vũ làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng tạo nên cơn sốt và giải thưởng văn học  thì không biết đến bao giờ anh mới "chịu" làm phim nghệ thuật.

Áp lực với đạo diễn để chuyên tâm làm phim nghệ thuật là rất lớn, vô vàn khó khăn khi đi tìm kinh phí, trừ những phim do Nhà nước đặt hàng không phải hoàn lại vốn, hãng phim tư nhân thì thờ ơ, lạnh lùng ngoảnh mặt quay đi, các nhà làm phim lại phải tìm tiền đầu tư làm phim nghệ thuật ở khắp các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.  Chính vì thế, một bộ phim nghệ thuật ra đời có khi phải mất đến đến vài ba, thậm chí dăm bảy năm để đi kêu gọi các nguồn tài trợ kinh phí ở khắp mọi nơi.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tác giả của “Đập cánh giữa không trung” bộ phim đã ẵm không ít giải thưởng quốc tế và được các nhà phê bình điện ảnh trong nước khen hết lời. Để ra đời bộ phim này là quãng hành trình khá gian nan trong vòng 5 năm. Năm 2008, hoàn thành xong phần kịch bản, và cô mang đi tham dự dự án Quỹ Ford và kịch bản đã sửa đi sửa lại nhiều lần. Từ năm 2010 -2012, cô lại mang dự án này đi trình bày ở Pusan - Hàn Quốc, sau đó tiếp tục giới thiệu tại một LHP Cannes (Pháp), LHP Berlin (Đức), LHP Hà Nội để tìm nhà sản xuất.

Sau hành trình 5 năm chật vật đi tìm kiếm nguồn tài trợ kinh phí cho phim đến năm 2013 đạo diễn mới bắt tay vào làm công việc sản xuất. Bộ phim được bấm máy với 3 nhà đồng sản xuất Pháp, Đức, Na Uy.

Nói về việc làm phim nghệ thuật, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định: Phát hành phim nghệ thuật thuần túy lúc nào cũng khó khăn. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển nhất cũng vậy thôi. Nhiều bộ phim giành giải Oscar hay các LHP uy tín trên thế giới hiếm khi thu về lợi nhuận khổng lồ ở phòng vé. Mặc dù vậy, điện ảnh thế giới vẫn coi trọng và tôn vinh những nhà làm phim nghệ thuật - phim tác giả, họ cho rằng đó là tiếng nói cá nhân cần phải được tôn trọng và nhìn nhận”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tác giả của “Sống trong sợ hãi”, bộ phim được những nhà phê bình đánh giá cao, trau chuốt trong từng thước phim nhưng khi ra rạp cũng không mấy khả quan. Anh cho biết: "Phim nghệ thuật ít khán giả bởi vì phim nghệ thuật không phải là phim thương mại. Tôi đã chọn làm phim nghệ thuật là tôi chấp nhận ít khán giả, bởi phải hiểu khách hàng số đông đi xem phim là để giải trí”.

3. Con đường làm phim nghệ thuật xem ra vẫn còn mãi gian nan, và là bài toán khó với các nhà làm phim. Loay hoay đi tìm nguồn tiền tài trợ, chật vật khi phát hành, lại chịu cảnh đìu hiu thưa vắng khán giả, èo uột về doanh thu. Xem ra, giờ đây phim nghệ thuật chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước thì mới dám xuất xưởng để không chịu bị áp lực về việc thu hồi vốn, hoặc các "ông lớn" nhà sản xuất tư nhân, sau khi có lợi nhuận khủng từ các bộ phim thị trường mang lại, lâu lâu muốn nổi đình nổi đám, làm nghệ thuật để thỏa mãn cái tôi cá nhân chứ không tính lãi, tính lời.

Hoặc các nhà làm phim độc lập thì chịu khó ấp ủ dự án phim nghệ thuật chạy vạy khắp nơi dăm bảy năm tại các kỳ hội thảo thương thuyết, thống thiết trình bày dự án nhằm mong nguồn tài trợ kinh phí.

Mỹ Trân
.
.