Phim nhảm ra rạp, doanh thu khủng: Lộng giả thành chân

Thứ Tư, 19/11/2014, 10:14

Đã có khoảng thời gian, khán giả liên tiếp mong đợi rồi thất vọng trước những bộ phim Việt được quảng bá rầm rộ nhưng thực tế khi công chiếu lại có chất lượng quá... dở. Mặc dù vẫn là "bổn cũ soạn lại": phim kiểu mì ăn liền ồn ào ra rạp, kích thích sự tò mò, ồn ào doanh thu,... song kết quả là các thông tin bên lề về phim vẫn có thể kéo một lượng đông đảo khán giả vốn dễ tính hơn trong việc "móc hầu bao" chi phí cho nhu cầu vui chơi giải trí đến rạp mua vé.

Dự án phim kết thúc, khi những chiếc áo lấp lánh mang danh nghệ thuật được cởi bỏ cũng là lúc "vở diễn" hạ màn. Và, kết cục chung gần như giống nhau: thất vọng, buồn nhiều hơn vui. Điện ảnh nhiều khi chỉ nghiêng về những phi vụ làm ăn béo bở của người làm kinh doanh hơn là vì mục đích nghệ thuật... Vì sao?

Hài nhảm và nỗi oan phim hài

Nắm bắt tâm lý dễ dãi và dễ thể tất hơn, thích tìm kiếm những gì vui vui, giải trí nhẹ nhàng với số đông người Việt sau khoảng thời gian vất vả, căng thẳng, "sống gấp" với những bộn bề lo toan của cuộc sống, dòng phim hài đã và vẫn giữ một thị phần quan trọng trong thị trường điện ảnh Việt. Người đi tiên phong và thành công trong mảng phim này phải kể đến ông bầu - nghệ sĩ Phước Sang. Kinh nghiệm của những tháng năm đẫm mình  vào đời sống văn hóa nghệ thuật, sự nhạy bén của người làm kinh doanh giúp anh đánh trúng tâm lý số đông muốn tìm kiếm sản phẩm giải trí nhất thời.

Công thức: đội ngũ người nổi tiếng, đặc biệt là danh hài đang ăn khách + câu chuyện hài hước, có khi thêm "chiếc áo" nhân văn cho sang trọng + khai thác công nghệ PR bài bản và triệt để kích thích sự tò mò của công chúng giúp các phim hài tết của Phước Sang chưa một lần thất bại về mặt doanh thu. Tất nhiên, đây chỉ là kết quả theo công bố của chính ông bầu này sau mỗi dự án phim. Thực tế, phim có mang về doanh thu vài chục tỉ hay không còn có thể có nhiều ý kiến trái chiều.

Với bất kỳ nhà sản xuất hay người làm nghệ thuật nào, hình ảnh khán giả rồng rắn xếp hàng mua vé xem phim do bản thân góp sức làm nên là sự an ủi, động viên lớn, nếu chưa muốn nói là tự hào. Phước Sang với tư cách nhà sản xuất, rộng thêm nữa là cả vai trò ông bầu sân khấu đã có những đóng góp đáng kể vào thành tựu chung cho văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Về điện ảnh, dù có khắt khe đến đâu, người trong giới cũng không thể phủ nhận thành công của Hãng Phước Sang với "Áo lụa Hà Đông". Tuy nhiên, đây lại không phải phim hài. Thuộc thể loại tâm lý xã hội và có hài với sự tham gia của những gương mặt diễn viên hài nổi tiếng, không thể không kể đến dấu ấn của Hãng Phước Sang với "Xóm gà". Nhưng đây là... phim truyền hình. Chỉ sau những sản phẩm phim chiếu rạp như "Thiên sứ 99", "Hello cô Ba", phim hài Phước Sang gần như được mặc định là phim hài... nhảm.

Độc quyền danh hài Hoài Linh không giúp “Năm sau con lại về” thoát “danh hiệu” phim... thảm họa.

Cùng với những bước trượt dài về mặt chất lượng, từ hài vui vui phục vụ nhu cầu của khán giả vào những dịp lễ tết, hàng loạt phim hài nhảm đến phim... thảm họa của điện ảnh Việt ồn ào ra đời khiến người yêu thích và mong muốn được xem những tác phẩm điện ảnh trở nên ngán ngẩm. Đi mãi thành đường, ăn mãi thành quen, lâu dần, người xem dễ đánh đồng và dễ nghi ngại hài là nhảm nhí. Nỗi oan phim hài và "hài nhảm Phước Sang" càng khó lý giải khi hàng loạt sản phẩm phim hài tiếp theo sử dụng "công thức" sản xuất kiểu Phước Sang được rất nhiều nhà sản xuất tiếp nối. Thậm chí, họ còn "qua mặt" cả... thầy.

Không chỉ tập hợp sự chú ý của người hâm mộ hàng loạt các danh hài: Hoài Linh, Chí Tài, Tấn Beo, Tấn Bo... trong một phim như ông bầu Phước Sang, vài năm gần đây, việc tận dụng tên tuổi của diễn viên hài có lượng người hâm mộ đặc biệt lớn để lôi kéo sự quan tâm của công chúng được đẩy lên "đẳng cấp" cao hơn: Nhà sản xuất ký độc quyền với danh hài trong suốt một mùa phim nhất định. Nếu dịp cuối năm 2013, đầu năm 2014, khán giả hâm mộ danh hài Hoài Linh muốn mua vé vào rạp xem phim có anh diễn xuất chỉ có lựa chọn duy nhất là "Nhà có 5 nàng tiên". Cuối năm 2014, họ cũng chỉ còn có "Năm sau con lại về".

Để "sở hữu độc quyền" danh hài, theo tiết lộ từ nhà sản xuất, họ chấp nhận chi trả mức cát xê thuộc diện "ngất ngưởng" cho anh: 1 tỉ đồng/phim. Tất nhiên, không thể nói con số 1 tỉ này không gây hiệu ứng truyền thông, nếu không muốn nói là được tận dụng tối đa để thu hút sự chú ý của truyền thông, dư luận.

Sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu "Năm sau con lại về" lại là cả một sự ê chề thất vọng về chất lượng. Phim nhựa ra rạp nhưng như một món lẩu thập cẩm gồm cả kịch lẫn điện ảnh. Tính kịch lấn át khiến nhiều phân đoạn xem phim điện ảnh không khác gì xem kịch, hơn thế còn là kịch cương. Tính cách nhân vật được đẩy quá lên nhằm mục đích gây cười nhưng tình tiết quá vô lý khiến nhiều đoạn người xem muốn cười cũng cười không nổi.

Hoài Linh - "át chủ bài" của bộ phim đương nhiên được dành nhiều đất diễn. Nhưng một  Hoài Linh cộng thêm vài tên tuổi ăn khách khác không đủ để cứu "Năm sau con lại về" khỏi danh hiệu "phim thảm họa"…

Mặt trái của công nghệ PR

Có một thực tế tưởng chừng đầy nghịch lý không chỉ với dòng phim hài nhảm mà khá nhiều phim ra rạp khác do tư nhân đầu tư sản xuất, dù chất lượng không cao nhưng lại thường mang về doanh thu "khủng". Cái thời doanh thu phim mang về hơn chục tỉ và trên 20 tỉ theo công bố của Hãng phim Phước Sang đã "lùi vào dĩ vãng" khi hàng loạt các hãng phim khác đều công bố mức doanh thu trên 30 tỉ, 40 tỉ, 50 tỉ thậm chí đến 60 tỉ/ phim khiến người cả tin "mắt tròn mắt dẹt" vì ngạc nhiên.

Còn nhớ, vào thời điểm, việc công bố doanh thu phim đang là chiêu trò PR hiệu quả thu hút sự chú ý của số đông, cố ý khoe mức doanh thu của một phim đối thủ với người phụ trách truyền thông của một bộ phim khác đang khoe thu về mức doanh thu ngoài sức tưởng tượng, tôi nhận ngay được câu trả lời: “Nó "nổ" thế thôi, lấy đâu ra con số ấy!”.

Người phụ trách PR bộ phim nọ còn chỉ thêm cách tính: Cứ lấy số ghế mỗi rạp nhân với số suất chiếu được công bố mỗi ngày, nhân thêm tiền vé sẽ ra con số tương đối chính xác và con số sẽ khác "một trời một vực" với mức doanh thu được công bố. Với các nhà sản xuất này, những ánh mắt dò xét từ phía nhân viên Cục Thuế đã trở nên... vô hiệu. Bởi, theo người phụ trách truyền thông của dự án phim nọ, từ lâu, thuế đã không còn quan tâm đến mấy thông tin doanh thu khủng của phim trên báo chí. Nhân viên thu thuế làm việc dựa theo chứng từ sổ sách chứ không phải mấy thông tin kiểu vô thưởng vô phạt trên truyền thông.

Hơn thế, đầu tư cho một phim không phải chỉ có một công ty mà nhiều công ty, chi phí trả cái này, thuê cái kia một cách chính xác, có khi chỉ những người hợp tác với nhau là rõ nhất. Chứng từ chỉ là tương đối, trong khi làm một bộ phim thì vạn thứ phải chi. Kiểm soát được hết mới... mệt. Thế nên, từ lâu, với nhiều người, kết quả doanh thu công bố từ nhà sản xuất đã chỉ là một kênh tham khảo để chứng tỏ phần nào mức khán giả có quan tâm mua vé xem phim.

Ở một bình diện khác, việc phim nhảm nhưng có doanh thu cao dù có thể không cao ngất ngưởng như các nhà sản xuất công bố đang chứng tỏ  việc đánh rất trúng tâm lý của số đông khán giả hiện nay. Khi người nổi tiếng, dù là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu hoặc chí ít là hotboy, hotgirl nhưng hoạt động cùng lúc trên rất nhiều lĩnh vực, sức ảnh hưởng của họ với số đông càng rộng. Mỗi người, mỗi lĩnh vực đều có số lượng fan trung thành nhất định. Những gương mặt nổi tiếng luôn là cầu nối được đội ngũ làm công tác truyền thông tận dụng triệt để.

Không chỉ "gây sốc" bằng doanh thu phim, bằng cát xê tiền tỉ như trên, tất tần tật mọi thông tin có thể tạo sự chú ý của công chúng đều được tận dụng triệt để và tối đa: từ công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhất, chuyện đời tư diễn viên, hậu trường phim, thực tế công chiếu đều được cập nhật thường xuyên đến tận ngày "hạ màn" - kết thúc công chiếu. Sự khoa trương càng quá đà cùng với chất lượng phim khi ra rạp không như kỳ vọng, quảng bá khiến sự thất vọng càng cao. Thành công của phim có khi không gì hơn ngoài doanh thu của nhà sản xuất và chứng tỏ năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông.

Khi vẫn còn những nhà sản xuất, người làm nghệ thuật điện ảnh nghiêng nặng về công cụ kiếm tiền hơn mục đích vì nghệ thuật, vì con người như thế thì việc chờ đợi rằng không còn những phim nhảm ra rạp, xem ra vẫn còn là ước mơ xa xỉ

Ngọc Nguyễn
.
.