Phim truyền hình Việt: Chuyên nghiệp mới mong làm nên chuyện

Thứ Ba, 20/06/2017, 15:55
Phim truyền hình Việt bước đầu đã có những cú huých mạnh mẽ sau một thời gian dài bị kêu ca về chất lượng. "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Tuổi thanh xuân 1, 2", "Khúc hát mặt trời"... là các phim Việt ấn tượng tạo nên cơn sốt lan rộng trên cộng đồng mạng.

Cuộc đại phẫu phim truyền hình

Theo đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP HCM (TFS), phim truyền hình Việt phát triển mạnh mẽ và nở rộ trong vòng 10 năm trở lại đây gắn liền với chủ trương xã hội hóa truyền hình và quy định tỷ lệ phát sóng dành cho phim Việt.

Tại TP HCM, Công ty Lasta được xem là đơn vị đầu tiên mở ra "Giờ vàng phim Việt" trên HTV7 vào tháng 5-2005 với bộ phim "Vòng xoáy tình yêu" gây được ấn tượng mạnh. Giờ vàng phim Việt lên đến đỉnh cao ở giai đoạn 2007-2010. Càng về sau, chúng ta càng đuối, phim ngày càng nhạt, na ná nhau và đầy sạn dù số lượng ồ ạt lấp sóng. Hàng loạt phim mang sắc màu của phim Hong Kong, các tình tiết như phim Hàn từ cách ứng xử, ăn nói đến trang phục diễn viên... Màu sắc Việt gần như mất hút.

Năm 2016 được cho là giai đoạn suy giảm tồi tệ của phim truyền hình. Các hãng phim lớn liên tục cắt giảm số tập dẫn đến tình trạng diễn viên, đạo diễn ngồi chơi xơi nước. Khán giả từ cơn khát phim chuyển sang bội thực phim. Thời điểm mà "nhà nhà làm phim, người người làm phim" thì báo chí lại ưu ái dành cho những mỹ từ như: "phim Việt tuột dốc không phanh", "phim Việt thoái trào, đi vào đường cùng"...

Nhiều câu thoại thú vị của "Người phán xử" được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.

Quả thật không hề ngoa khi báo chí nhận định như thế. Mà thảm hại nhất phải kể đến khâu kịch bản và diễn viên. Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương luôn phàn nàn vì có quá nhiều cây viết nghiệp dư, thậm chí cả học sinh đua nhau viết kịch bản. Thiếu kịch bản và kịch bản dở là căn bệnh trầm kha của phim Việt.

Đạo diễn Việt Linh chua chát ví von: "Thiếu kịch bản không khác gì chúng ta đang đi trên đường bằng những phương tiện rất hiện đại như xe hơi, máy bay nhưng chúng ta không có bản đồ hoặc dùng một bản đồ không rõ ràng. Do đó, chúng ta cứ đi lạc hoài".

Một thời gian dài nhiều ngôi sao đình đám ở các lĩnh vực khác nhảy vào phim ảnh, đặc biệt là phim truyền hình phía Nam. Người mẫu, ca sĩ, lực sĩ... đóng phim có thể tạo nên sự thú vị, tò mò để câu khách. Nếu họ hợp vai thì không sao, còn không hợp vai, diễn gượng gạo, vô cảm thì bộ phim nhanh chóng trở thành thảm họa. Bởi theo một khảo sát mới đây của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), công chúng dù yêu thích ngôi sao đến mấy thì khi xem một bộ phim, hai yếu tố họ quan tâm hàng đầu vẫn là cốt chuyện và khả năng diễn xuất.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC cho hay gần như trong các trường sân khấu điện ảnh không đào tạo sâu về phim truyền hình. Riêng đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng thì khẳng định chắc nịch: "Không ai dạy cả và cũng không có trường nào ở Việt Nam dạy làm phim truyền hình cả! Nói không ngoa, chính phim nước ngoài là người thầy gián tiếp dạy người Việt cách làm phim thông qua những bộ phim làm say đắm lòng người.

Phim "Tuổi thanh xuân 2" được ghi hình bằng công nghệ 4K.

Những bộ phim truyền hình như "Người giàu cũng khóc" (Mexico), "Osin" (Nhật Bản), "Anh em nhà bác sĩ" (Hàn Quốc)... là mẫu hình sống động, cuốn hút, truyền cảm hứng cho chúng tôi, giúp chúng tôi chắc lọc bài học quý báu, làm hành trang kiến thức cho nghề nghiệp của mình".

Ngoài những yếu tố tự thân như đội ngũ làm phim còn nghiệp dư, vừa thiếu vừa yếu ở mọi khâu thì có người đổ lỗi cho phim ngoại chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ khiến phim Việt bị chết bẹp dí ngay trên sân nhà. So sánh phim ngoại và phim Việt là một so sánh khập khiễng, nhất là về đẳng cấp.

NSND Hoàng Dũng cho rằng nhu cầu thích xem phim ngoại của khán giả là có thật, song câu nói "Khán giả quay lưng với phim Việt" là không đúng. Ngược lại, họ luôn khao khát xem phim Việt. Bằng chứng là khi có phim hay, khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình. Phim điện ảnh là minh chứng rõ ràng nhất. Khá nhiều phim đạt doanh thu cao ngất ngưởng và qua mặt bom tấn Mỹ. Vì sao vậy?

Bởi người Việt vẫn thích xem câu chuyện của chính người dân mình, đất nước mình với những tâm tư, tình cảm Việt mà phim ngoại dù hay đến cỡ nào cũng không với tới được. Hết phim ngoại, có người lại lôi gameshow truyền hình thực tế vào để buộc cho nó cái tội làm phim truyền hình bị khán giả ghẻ lạnh. Nhưng thử ngẫm lại, giai đoạn hoàng kim của phim truyền hình Việt 2007-2010, gameshow cũng phát triển mạnh mẽ còn gì?

"Sống chung với mẹ chồng" của VFC thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Thời điểm này, có cảm giác như chất lượng mặt bằng phim truyền hình phía Nam đang ngày càng xuống dốc trong khi miền Bắc lại vươn lên mạnh mẽ. Thường xuyên theo dõi phim truyền hình, Nhà báo Cát Vũ nhận định: "Hãng VFC hiện nay rất mạnh, họ có những sản phẩm ngày càng nâng cao, hấp dẫn, đặt ra những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hãng TFS thì cái thời có phim hay đã trở thành xa xưa rồi.

Phía Nam, các hãng tư nhân liên tục nhảy vào tham gia làm phim là một điều đáng mừng. Nhưng họ cần doanh thu, cần rating nên toàn chọn đề tài dễ dãi, chạy theo thị hiếu. Nội dung phim không đặt được vấn đề lớn, sâu sắc có tính nhân văn cao".

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng có lẽ các hãng phía Nam mải đầu tư nhiều cho phim điện ảnh nên chưa chú trọng phim truyền hình, bởi thử nhìn về lĩnh vực này sẽ thấy dường như thị trường điện ảnh phía Nam đang một mình một chợ. Nếu họ đầu tư nghiêm túc thì thị trường phim truyền hình phía Nam vươn lên chỉ là chuyện nay mai.

Không còn là cuộc chơi của tay mơ

Khi có quá nhiều thứ thừa mứa thì sự chọn lọc khắt khe của khán giả biến thành cuộc đại phẫu phim truyền hình Việt. Bước ra từ cuộc "đại phẫu" ấy, gần đây đã có nhiều phim nổi lên, được đánh giá cao về chất lượng. Đó là "Tuổi thanh xuân", "Khúc hát mặt trời", "Zippo, mù tạt và em", "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Chiều ngang qua phố cũ".

Đầu năm 2017, hai bộ phim của VFC là "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" đã tạo nên cơn bão trên mạng xã hội và khuấy đảo diễn đàn người xem truyền hình. Các hình ảnh, câu nói thú vị hoặc gây sốc của nhân vật trong phim đều được dân mạng chế ảnh rất hài hước và coi như câu cửa miệng trong cuộc "chém gió". Từng tình tiết, nhân vật trong phim cũng được người xem đem ra mổ xẻ, phân tích, lên án, bênh vực...

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng này khiến đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng hồ hởi kết luận: "Đây chính là bằng chứng hùng hồn nhất cho sự chuyên nghiệp trong cách làm phim truyền hình. Chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, khâu đầu tư. Phim truyền hình Việt hiện nay không làm cho mọi đối tượng một cách chung chung nữa mà hướng đến một đối tượng khán giả cụ thể. Họ cũng chuyên nghiệp hơn trong khâu thực hiện, trong đội ngũ làm phim từ đạo  diễn, biên kịch, diễn viên... đến công nghệ. Chuyên nghiệp cả trong cách PR, quảng bá và phát hành".

Đồng quan điểm với ý kiến trên, NSND Hoàng Dũng kể hồi quay phim "Tuổi thanh xuân", dù chỉ sắm một vai nhỏ, nhưng ông rất háo hức tham gia vì muốn biết xứ Hàn làm phim chuyên nghiệp như thế nào. Thời gian gần đây, nhiều người đã chịu khó sang nước ngoài học làm phim truyền hình, dù có người chỉ học mót chứ không hẳn là chính quy. Thế nhưng, tham gia những bộ phim do các bạn trẻ này thực hiện, NSND Hoàng Dũng hết sức ngạc nhiên trước sự thay đổi tích cực, đầy tính chuyên nghiệp của họ.

Cảnh trong phim "Chiều ngang qua phố cũ".

Phim Việt hiện nay không còn theo mô típ đơn giản, chậm rãi, xem tập 2 vẫn biết nội dung tập 1 mà đã có sự thay đổi theo tiết tấu nhanh, gọn. Nếu khán giả chỉ bỏ qua tầm chục phút thì sẽ không hiểu chuyện phim nên buộc họ không thể rời tivi. Công nghệ đang được chuyển từ chất lượng SD, HD, 2K sang công nghệ 4K (độ phân giải cao gấp 4 lần so với độ phân giải full HD). 4K đã tạo nên khuôn hình sắc nét, lung linh trong phim "Tuổi thanh xuân 2", "Người cộng sự" và sắp tới là "Ân oán tình đời", "Ngược chiều nước mắt". Trong tương lai, việc thu tiếng đồng bộ cũng sẽ dần thay thế cho kiểu lồng tiếng vốn đã lạc hậu.

Không còn bàn cãi, chuyên nghiệp hóa chính là hướng đi sống còn trong tương lai của phim truyền hình Việt. Những kẻ tay mơ, nghiệp dư sẽ không có chỗ trong cuộc đua mới này. Các sản phẩm "mì ăn liền" dĩ nhiên sẽ bị văng ra khỏi quỹ đạo để tạo nên một sân chơi lành mạnh. Sân chơi ấy được trả về cho người giỏi nghề, biết diễn chứ không phải hạng tay ngang đóng phim.

Tuy nhiên, vì những phim truyền hình ăn khách trên đa phần là phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài ("Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng") hoặc hợp tác với nước ngoài ("Tuổi thanh xuân", "Khúc hát mặt trời"...) nên sự chuyên nghiệp vẫn bị cho là ít nhiều có sự giúp sức nhiệt tình từ nước ngoài. Vậy thì thử nhìn lại phong trào Việt hóa kịch bản ăn khách của nước ngoài cách đây 10 năm ở phía Nam sẽ thấy phong trào đó không mấy thành công và không được đánh giá cao.

Rõ ràng, sự thành công của "Người phán xử" hay "Sống chung với mẹ chồng" là một câu chuyện khác thuộc về đẳng cấp. Tuy nhiên, để khẳng định vị thế phim Việt một cách chắc chắn, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều kịch bản thuần Việt, hứa hẹn khuynh đảo khán giả màn ảnh nhỏ.

Chuyên nghiệp hóa sẽ giúp phim truyền hình giữ chân khán giả, không ngại so găng với phim ngoại hay gameshow. Thế nhưng, đối thủ phim online thực sự là nguy cơ đe dọa. Báo cáo của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen hồi tháng 6-2016 cho biết 92% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hằng tuần. Đây là tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á, đưa Việt Nam nằm trong những quốc gia có lượng người xem video tăng vượt trội.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc máy tính, khán giả trở thành người chủ động chọn lựa những bộ phim yêu thích ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu chứ không phụ thuộc vào lịch phát sóng của nhà đài. Sự ra đời của nhiều trang web lậu khiến họ dễ dàng xem các tập phim mới nhất chỉ sau vài phút phát sóng trên đài. Nguồn doanh thu quảng cáo bị tụt giảm thảm hại vì lượng người xem giảm sút.

Để đối phó với xu thế tất yếu này, giới chuyên môn dự đoán trong tương lai từ phim bộ truyền hình (TV drama) sẽ xuất hiện biến thể khác như Web drama - tức phim bộ trực tuyến có thời lượng ngắn khoảng 20 phút. Đây là xu hướng đã được các nhà sản xuất Hàn Quốc áp dụng thành công và không sớm thì muộn sẽ được Việt Nam đi theo.

Mai Quỳnh Nga
.
.