Phim truyện truyền hình: Ao làng vẩn đục

Thứ Sáu, 01/05/2015, 09:35
Khi bình phẩm về một bộ phim truyền hình nhiều tập Việt Nam các nhà phê bình điện ảnh nội địa luôn đổ lỗi: "Điện ảnh Việt thiếu kịch bản hay; Đạo diễn trẻ nước ta thiếu tâm, thiếu tài; Diễn viên diễn xuất thiếu hồn vía và kỹ thuật hậu kỳ non kém…!".

Người ta đã nhiều lần - trong nhiều năm - nhân danh nền nghệ thuật điện ảnh của một... quốc gia nào đó để kêu gào: "Hãy cứu rỗi phim truyện truyền hình Việt!".

Thế nhưng, hàng đêm những bộ phim truyện truyền hình nhiều tập rất "quái" vẫn cứ ngang nhiên tồn tại trên sóng các đài truyền hình.

Vì đâu nên nỗi?

Những "hòn sạn" to

Năm 2013, cha đẻ của bộ phim truyền hình "Kiều nữ và đại gia" hoàn tất đề cương một bộ phim mới. Bất kỳ ai đọc được phần tóm lược nội dung trong bộ đề cương kịch bản đều hít hà cảm thán: "Phim hay và hot". Bộ phim đó kể về cuộc sống địa ngục của thợ đào đãi vàng trái phép trong những cánh rừng sâu. Những bãi vàng đều bị các băng nhóm giang hồ thôn tính. Chúng biến các thợ đào vàng thành nô lệ để bóc lột.

Dân trong nghề nhận thấy đó là một bộ phim phá cách, thoát được lối mòn "tình yêu luẩn quẩn" của phim truyện truyền hình. Họ mong ngóng ngày phim được lên sóng.

Cuối cùng, bộ phim cũng được lên sóng một đài truyền hình. Xem xong tập một, người ta đã ngờ ngợ rằng, đó là bộ phim nhảm nhí. Xem xong tập 2, người ta nhận ra rằng, đã hoang phí 40 phút vào một bộ phim rất nhảm nhí. Kết thúc tập 3, người ta không thưởng thức nội dung phim nữa mà xem phim để khám phá tận cùng sự nhảm nhí của phim. Từ tập 4 trở đi, người ta xem để "thưởng thức" sự ngây ngô của phim.

Một cảnh trong phim "Chạm tay vào nỗi nhớ", học viên Đại học Cảnh sát được phép để tóc dài, ngồi lên bàn để chân lên ghế thế kia?

Bộ phim ngây ngô đến mức, cứ mỗi lần tình huống bi kịch xuất hiện trong phim là khán giả phải cười phá lên mới không bị tăng huyết áp.

Ngoài những hạt cát, hạt sạn nhỏ về "rắc co" phim, người ta còn tìm thấy rất nhiều "tảng đá". Trong cảnh kể về một băng nhóm giang hồ tuyển mộ phu đào vàng. Người ta thấy các đại ca giang hồ ngồi chễm chệ sau một cái bàn rất đẹp đặt giữa cánh rừng già để tuyển dụng phu đào vàng. Người xem đã cố nặn óc suy nghĩ, vì sao những tay giang hồ rừng này không ngồi phệt dưới đất cho đúng chất lục lâm thảo khấu thì lại thêm "cảnh lạ" xuất hiện: Những gã giang hồ đàn em có gương mặt đằng đằng sát khí, vai đeo lủng lẳng súng AK47 đi tuần tra vòng tròn, bao quanh khu tuyển dụng. Chúng có vẻ như sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai bỏ chạy.

Chưa hết, từng người phu đào vàng đi lò mò đến chiếc bàn ấy để được gã giang hồ hỏi lý lịch trích ngang rồi hý hoáy ghi vào sổ giống như các bàn tuyển dụng của những công ty tuyển dụng lao động.

Không ai có thể hình dung nổi vì sao những con người tự nguyện đi xin việc kia lại bị bọn giang hồ trông chừng như tù binh như thế. Không ai hiểu vì sao giang hồ đào đãi vàng lại tuyển dụng người rất có "tổ chức" như thế.

Chưa kịp hoàn hồn thì khán giả lại chứng kiến gã giang hồ lạnh lùng hất mặt hỏi một nhân vật: "Hộ khẩu thường trú của mày đăng ký ở đâu?". Người phu vàng run lập cập trả lời bằng giọng Nam Bộ: "Dạ, quê em ở Hải Phòng".

Hoàn cảnh phim thể hiện rằng, tất cả những người đăng ký làm phu đào vàng đều nghèo khó, tự nguyện vào rừng để đào vàng thuê. Thế nhưng, sau khi tuyển dụng xong, những gã giang hồ phải dùng báng súng thúc vào lưng những người mới "trúng tuyển", họ mới chịu lê từng bước vào rừng.

Ở cảnh lực lượng cảnh sát bắt khẩn cấp một gã trùm ma túy tại ngôi biệt thự. Khán giả đã trông thấy gã trùm đưa 2 tay lên trời đầu hàng nhưng các sĩ quan cảnh sát vẫn chưa chịu buông tha. Viên sĩ quan chỉ huy dùng ký hiệu tay ra lệnh cho chiến sĩ núp ở các gốc cây tấn công biệt thự. Cứ mỗi lần rời gốc cây, các cảnh sát phải bắn vài phát đạn. Thậm chí, có cảnh sát bắn súng AK47 để hỗ trợ đồng đội tiếp cận ngôi biệt thự có gã trùm đang đầu hàng. Khi tiếp cận được căn biệt thự, các cảnh sát vẫn tiếp tục lần dò từng bước men theo bờ tường, ra khẩu lệnh cho đồng đội xung phong.

Chính tác giả kịch bản cũng xấu hổ khi xem "đứa con tinh thần bất ổn" của mình.

Kiểm tra lý lịch "đứa con tinh thần bất ổn" này, tác giả phát hiện ra, đạo diễn bộ phim mới vừa tốt nghiệp...

Một hiện trạng rất kinh hoàng trong làng phim truyện truyền hình nhiều tập là, không chỉ những đạo diễn non tay tạo nên những "đứa con tinh thần bất ổn" mà rất nhiều đạo diễn cứng tay cũng sản xuất đều đều những cảnh phim có thể gọi là "quái thai": Một nữ công an mang quân hàm thượng úy nhưng đồng nghiệp cứ hô "thưa Đại úy"; Một tốp sĩ quan cảnh sát còng tay bắt nóng tội phạm xong, cứ đứng nhìn bọn chúng cãi nhau chí chóe về tội trạng; Một cô gái bơi lội giỏi như rái cá nhưng khi té xuống sông, nước chỉ ngang đùi lại phải kêu cứu; Một chàng trai sống bằng nghề chèo đò nhưng lại không biết cầm mái dầm... Nếu xét nét, vạch lá tìm sâu thì hầu như bất cứ phim truyền hình nhiều tập nào cũng vấp những cảnh phim… ngớ ngẩn.

Ai cũng biết, trước khi lên sóng, một bộ phim truyền hình trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt. Thế nhưng, những cảnh phim như thế vẫn cứ đập vào mặt khán giả chan chát.

Vì sao?

Có một "chợ đầu mối" phim?

Thực trạng cho thấy, dù sản xuất phim dưới hình thức nào thì cuối cùng, chủ đầu tư chính là các đài truyền hình. Hay nói cách khác, đài truyền hình chính là "chợ đầu mối". Các nhà sản xuất phim là "thương lái". Thương lái thu mua phim để "mua sóng" rồi bán quảng cáo. Cũng có khi, thương lái không thu mua mà làm "cò" trung gian bán phim cho một doanh nhân mua sóng truyền hình.

Chính vì mang vai trò "chợ đầu mối" nên các đài truyền hình có quyền lập đội kiểm duyệt phim, giống như các đội... bảo vệ trật tự ở chợ(?)

Về nguyên tắc, đài truyền hình đi săn lùng kịch bản, biên tập, lên kế hoạch sản xuất rồi tiến hành xuất chi phí cho đạo diễn thực hiện. Đài truyền hình có thể liên kết với hãng phim tư nhân để sản xuất bộ phim.

Thế nhưng, hiện nay hầu hết các phim truyền hình được lên sóng đều đi ngược lại qui trình ấy. Các hãng phim tư nhân tổ chức săn lùng tác giả kịch bản.

Tác giả kịch bản chỉ cần viết một đề cương khái quát, tóm lược nội dung về bộ phim của mình rồi chào bán cho một hãng phim tư nhân nào đó.

Hãng phim tư nhân đem đến trình cho hội đồng thẩm định kịch bản của đài. Nếu kịch bản tốt, đài truyền hình sẽ đồng ý ký hợp đồng "mua" với một mức giá cụ thể.

Cụm từ "kịch bản tốt" trong trường hợp này rất nhiều nghĩa. Có khi kịch bản "tốt" thật. Nhưng cũng có khi kịch bản "tốt" nhưng lúc trình chiếu lại gây ... kinh hoàng cho cho người xem vì quá dở! Bởi vì, nhiều phim không "tốt" nhưng hãng phim tư nhân muốn lấy bằng được hợp đồng đã phải chấp nhận chung chi ngầm cho hội đồng thẩm định của đài. Mức giá sàn hiện nay là 10 triệu đồng/ 1 tập phim “tốt” thật và 20 triệu đồng/ 1 tập phim “tốt” giả.

Một số tác giả kịch bản có tên tuổi mang kịch bản rất hay đến tận đài truyền hình gửi đã bị chê ỏng eo. Thế nhưng cũng với kịch bản đó, khi gửi cho hãng phim tư nhân thì chui một cách trơn tru vào kế hoạch sản xuất của đài. Vì không thông qua hãng phim tư nhân thì hội đồng thẩm định không có cơ hội "bóp cổ" tiền duyệt kịch bản phim.

Tác giả bài viết này đã từng thử nghiệm, đem kịch bản đến tận phòng biên tập phim của một đài truyền hình. Sau 1 tháng chờ đợi, hội đồng thẩm định trả lời bằng văn bản: Kịch bản không sử dụng được vì có yếu tố nhạy cảm. Một tuần lễ sau, một hãng phim tư nhân dùng chính kịch bản đó, đổi tựa phim, lại được đưa vào kế hoạch sản xuất.

Những tác giả có thương hiệu thường đề nghị giá bán kịch bản với hãng sản xuất từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng/ 1 tập phim truyện nhiều tập. Nhưng với những tác phẩm đầu tay, hãng sản xuất chỉ trả nhuận bút từ 6 triệu đồng trở xuống 2 triệu đồng/ 1 tập. Ham lãi, nhiều hãng sản xuất biết kịch bản của những nhóm sinh viên mới tập viết vẫn mua. Vì đã có mức giá bôi trơn nên những phim này dễ dàng chui qua cổng thẩm định của đài truyền hình.

Khi kịch bản được duyệt, hãng phim tư nhân sẽ được đài truyền hình khoán giá sản xuất khoảng 200 triệu đồng đến khoảng 300 triệu đồng/ 1 tập.  Tất nhiên, trong giá đó có khoản "lại quả" cho hội đồng thẩm định phim.

Những gói đầu tư mà đài truyền hình trả cho hãng phim (trên danh nghĩa liên kết sản xuất) không thuộc ngân sách mà là tiền quảng cáo (trên danh nghĩa tài trợ). Vì vậy, trước khi ra quyết định thẩm định phim, hầu hết các kịch bản đều được chuyển đến tay các đầu nậu quảng cáo. Đầu nậu nhận thấy phim hay, thu hút được nhiều quảng cáo, sẽ gật đầu đồng ý tài trợ. Có thể nói 80% quyết định của hội đồng thẩm định chịu sự tác động trực tiếp của đầu nậu quảng cáo.

Để khỏi phải "mệt mỏi" với hội đồng thẩm định của đài, một số hãng phim tư nhân bỏ tiền mua "sóng", tức nhận khoán một khoảng giờ chiếu phim của đài. Khi đã có "sóng" trong tay, những hãng phim này trở thành đầu nậu kênh phim truyện. Họ tự sản xuất phim truyện để chiếu và bán quảng cáo trong giờ chiếu phim trên "sóng" mà họ đã mua.

Sau khi nắm chắc hợp đồng "mua" khoán của đài truyền hình, hãng phim mới bắt đầu ký hợp đồng "mua" kịch bản chính thức với tác giả kịch bản. Đến lúc đó, tác giả mới bắt đầu còng lưng viết kịch bản chi tiết. Kịch bản hoàn chỉnh, hãng phim lại đem đến đài truyền hình thẩm định mới đi vào sản xuất.

Hậu trường màu xám

Để lãi an toàn, hãng sản xuất giao khoán trọn gói sản xuất cho đạo diễn. Thường thì hãng sản xuất trừ ra 50 triệu tiền lãi cho mình, còn bao nhiêu giao cho đạo diễn. Với những đạo diễn mới tốt nghiệp, hãng sản xuất giao khoán khoảng 80 triệu đồng/ 1 tập phim. Thậm chí có trường hợp đạo diễn chỉ được giao 60 triệu đồng/ 1 tập phim. Với quy trình sản xuất phim truyện truyền hình như vậy, một số người không có đồng vốn lận lưng nhưng có mối quan hệ tốt với đài truyền hình đã nhảy ra lập hãng sản xuất. Họ không cần nghiệp vụ vẫn kinh doanh tốt, vì khâu sản xuất đã giao trọn cho đạo diễn.

Kinh phí thấp, trường quay đi mượn là chuyện bình thường.

Với mức giá "bóp cổ" như thế, đạo diễn đành phải sử dụng nhiều chiêu trò.  Giao vai lớn cho những diễn viên nghiệp dư để trả tiền cátxê thấp; Tìm những ca sĩ cần đánh bóng tên tuổi để giao vai với thỏa thuận không lấy tiền cátxê. Có khi ca sĩ phải đóng thêm tiền cho đạo diễn(!)

Chiêu thông thường nhất của đạo diễn là sản xuất tốc hành mỗi ngày 3 tập. Với tiến độ "thi công" như thế, chính đạo diễn cũng không đọc hết được kịch bản. Nhiều diễn viên phụ, khi đến trường quay mới được thư ký giao lời thoại. Khi vào cảnh, diễn viên chỉ cần lắng tai nghe người nhắc thoại rồi lặp lại như cái máy. Cách vào vai như vậy, diễn viên không đơ trên cảnh phim mới là điều lạ. Cách sản xuất như vậy, kịch bản hay lên sóng thành phim dở là chuyện bình thường.

Với cách nhận khoán như thế, chỉ cần đoàn phim vấp phải 1 cơn mưa bất chợt,  khiến tiến độ "thi công" dậm chân, đạo diễn xem như cầm chắc một khoản lỗ trong tay.

Khi có nguy cơ lỗ, một số đạo diễn dùng chiêu chê cameraman quay yếu, chê diễn viên diễn dở để... người đó tự ái rời đoàn phim. Tất nhiên, khi rời đoàn phim trong tình thế đó, họ không nhận được cátxê mà còn bị dọa bồi thường hợp đồng.

Sản xuất bát nháo như một cái chợ đầu mối, phim truyện nhiều tập trên sóng truyền hình gây dị ứng với khán giả trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Dù những biên kịch, đạo diễn, diễn viên tài giỏi đến đâu cũng đành thúc thủ.

Nguyễn Hoàng Kiệt
.
.