Phnôm Pênh: Ly kỳ pho tượng đồng đen ở chùa vàng chùa bạc
Cách trung tâm TP HCM 230km, thủ đô Phnôm Pênh ở Vương quốc Campuchia có nhiều điểm dừng lý thú nhưng nổi bật nhất là phức hợp sòng bài - khách sạn 5 sao Nagaword mà dân Việt quen gọi Naga casino hay sòng bạc rắn bảy đầu. Cùng đó là hoàng cung Campuchia với điểm nhấn chùa vàng chùa bạc. Hai điểm đến này hấp dẫn đến độ cư dân Việt kháo với nhau, đến Phnôm Pênh mà không ghé “rắn bảy đầu” và hoàng cung xem chùa vàng chùa bạc kể như chưa đến!
Với giá vé vào cổng 25.000 riel (tương đương 130.000VNĐ), hoàng cung Campuchia với điểm nhấn “chùa vàng chùa bạc” có hấp lực vô biên với không chỉ du khách Việt mà với cả du khách quốc tế. Trong ngôi chùa nguy nga này, người ta kháo với nhau rằng chùa được dát hàng ngàn tấn bạc, chứa đựng gần 2.000 bảo vật quốc gia bằng vàng, bạc, đá quý, ngà voi… nhưng quý và gây nhiều ấn tượng với du khách Việt là pho tượng bằng đồng đen. Các đoàn khách Việt Nam khi ghé nơi này tham quan đều được các hướng dẫn viên bật mí cho rằng pho tượng này có mối liên hệ mật thiết với Quốc vương Norodom, ẩn trong nó nhiều huyền tích ly kỳ.
Chuyện này có thật?!
1. Sợ giá vé đến hẹn lại tăng, ám ảnh nạn nói thách và chặt chém, kinh hãi các màn chèo kéo của người ăn xin lẫn bán rong… mà dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, thay vì đến Vũng Tàu, đi Phan Thiết, ghé Đà Lạt như mọi khi thì nhiều cư dân đất Sài thành chọn Phnôm Pênh làm điểm du hí thiên đường của mình và người thân. Chỉ với giá vé 200.000 đồng và sau 5 giờ xe lăn bánh, du khách Việt đã đặt chân đến thủ đô nước bạn, từ đây được tự do khám phá miền đất lạ trong sự yên bình mà chẳng lo mình bị biến thành "con mồi" chém chặt của cư dân quốc gia sở tại.
Điểm đến thu hút khách nhất Phnôm Pênh có lẽ là hoàng cung Campuchia - nơi có chùa vàng chùa bạc với pho tượng bằng đồng đen bí hiểm. Được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Neak Okhna Tepnimith Mak và được xây dựng dưới sự bảo trợ của người Pháp vào năm 1866, cung điện hoàng gia Campuchia là quần thể kiến trúc với nhiều công trình được xây dựng theo phong cách truyền thống Khmer.
Trong rất nhiều công trình mà khách du lịch được tham quan như điện Phochani (nơi đón tiếp và tổ chức hội nghị của hoàng gia), điện Napoleon III (được Hoàng đế Napoleon III gửi tặng Vua Norodom năm 1876), điện Samsan Phirum (nơi trưng bày kỷ vật của các nhà lãnh đạo nước ngoài)…, nổi bật nhất như đã nói là chùa Wat Preah Morakat mà người Việt gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như chùa vàng chùa bạc, chùa Phật ngọc lục bảo…
Trước khi đến hoàng cung Campuchia ghé ngôi chùa ngàn vàng để được "diện kiến" pho tượng Phật bằng đồng đen bí hiểm, chúng tôi dạo qua nhiều diễn đàn của dân lữ hành về những ngôi chùa có tiếng tăm ở Phnôm Pênh và được biết 2 ngôi chùa Wat Phnôm và Wat Preah Morakat là nổi bật hơn cả thảy, được nhiều người trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Với tuổi đời hơn 600 năm (xây dựng năm 1373), chùa Wat Phnôm nằm trên ngọn đồi nhân tạo cao khoảng 30m gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ, hư hư thực thực liên quan đến quả phụ giàu có là Daun Chi Pênh. Chuyện kể rằng năm 1372, bà Pênh tình cờ vớt được cây gỗ khổng lồ rỗng ruột, bên trong có 4 cốt Phật cổ xưa bằng gỗ và đá quý. Nghĩ đó là nhân duyên nên bà quả phụ mộ đạo phát tâm, quyết xây chùa thờ Phật. Nhưng thời bấy giờ nạn lụt lội hoành hành, năm nào nước sông từ dòng Mê Kông hùng vĩ cũng dâng cao nên bà Pênh cho triển khai đắp ngọn đồi nhân tạo (phnôm = đồi) dựng ngôi chùa (wat = chùa) trên ấy để thờ Phật. Về sau để ghi nhớ lòng thành của bà quả phụ này, người dân đã ghép tên bà Pênh với ngọn đồi nhân tạo, gọi là Phnôm Pênh (đồi bà Pênh). Tên gọi của thủ đô Phnôm Pênh được "khai sinh" từ đó.
Như đã nói, trong hàng trăm tượng Phật cổ bằng các chất liệu quý hiếm, nhiều giá trị trên các mặt như vàng, bạc, đá quý, kim cương…, khi biết được trong chùa vàng chùa bạc có pho tượng Phật bằng đồng đen, nhiều du khách Việt kéo đến chiêm ngưỡng. Cũng đúng thôi, hồi nào giờ họ chỉ biết đồng đen qua những vụ án lừa bạc tỉ, họ chỉ nghe đồn rằng đồng đen quý lắm, quý hơn vàng rất nhiều, rằng đồng đen có tác dụng diệt trừ tà ma, hút vàng, hấp thụ linh khí của đất trời… chứ có gặp bao giờ?! Và cũng vì bí hiểm như vậy nên đồng đen là chất xúc tác kết nối nhiều kẻ ham hố đồ độc hay hám lợi với phường gian mà nhiều người phải khóc ròng khi phải mất danh dự, mất nhiều tỉ đồng, mất tài sản sau bao năm tích cóp cũng vì thứ gọi là đồng đen đưa lối.
Nườm nượp khách Việt đến Phnôm Pênh để xem tượng phật bằng đồng đen ở chùa vàng chùa bạc. |
Đến Phnôm Pênh, trước khi vào hoàng cung ghé chùa vàng chùa bạc, chúng tôi gặp một số cư dân chính hiệu ở nơi này hỏi chuyện về pho tượng Phật nhưng cả thảy những người chúng tôi hỏi chuyện đều lắc đầu không biết. Chị Sà Sết, 36 tuổi, có "bố người Việt mẹ người Khmer bảo từ nhỏ đến giờ chị chưa từng nghe đến cụm từ đồng đen. Chuyện chùa bạc có pho tượng quý hơn cả vàng ấy chị càng không hề được biết đến.
Tìm đến hoàng cung Campuchia, vào thăm ngôi chùa mà ai đến Campuchia cũng háo hức được một lần dừng chân ngắm vàng xem bạc, chúng tôi mới biết chùa vàng chùa bạc không phải là hai ngôi chùa với một vàng một bạc như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là một ngôi chùa: "Chùa nằm ở phía nam cung điện hoàng gia. Sở dĩ chùa có tên "chùa bạc" vì nền chùa được lát đến 5.329 viên gạch bạc, mỗi viên có trọng lượng hơn 1,1kg. Trung tâm chùa có tượng Phật với kích cỡ như người thật trong tư thế thiền được làm từ ngọc lục bảo và có nhiều bảo tượng bằng vàng ròng nên còn được gọi "chùa vàng". Khách phương Tây gọi chùa là Silver Pagoda (chùa bạc), nhưng người Việt thì quen gọi ghép chùa vàng chùa bạc".
Bí mật trên tôi "nắm" được từ bỏ nhỏ của Keo Siu, 28 tuổi, người Việt định cư trên đất Campuchia, nhân viên lữ hành Công ty Mê Kông có trụ sở ở khu vực chợ Ô-xây (Orussey, còn gọi chợ Cây Tre, thủ đô Phnôm Pênh). Keo Siu cho biết chuyện lạ kỳ ở chỗ tiếng là chùa nhưng Wat Preah Morakat hầu như không có chức năng thờ cúng, chùa không hề có vị sư nào, có thế mạnh về lưu giữ bảo vật mang đậm giá trị văn hóa, phong cách Khmer.
Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1892 dưới triều đại của Vua Norodom (năm 1962 được hoàng gia Campuchia xây dựng lại), ngỡ ngàng khi được biết bên trong "chùa vàng chùa bạc" lưu giữ gần 1.700 tượng Phật và báu vật với chất liệu vàng, bạc, ngọc, ngà voi… Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là chiếc "ngai" được vua dùng trong ngày đăng quang với phần vàng nặng đến 23 kg. Cùng đó là tượng Phật Di Lặc đúc năm 1904 theo di huấn của Vua Norodom. Tượng nặng 90kg bằng vàng ròng, đính đến 2.086 viên kim cương, trong đó có 2 viên lớn nhất nặng 20 và 25 cara…
Keo Siu tiết lộ điều ít người biết về pho tượng này rằng tượng được đúc vào năm 1904 bởi Vua Sisowath, theo di chiếu của Quốc vương Norodom. Chuyện kể rằng sau khi băng hà, thi thể của Quốc vương Norodom được hỏa táng trong chiếc quan tài vàng và chiếc quan tài ấy được nấu chảy để làm bức tượng Phật Di Lặc trên, tượng được đặt tên là Preah Chin Raingsei Rachik Norodom.
Du khách tham quan mê mẩn trước rừng tượng vàng và pho tượng bằng đồng đen bí hiểm. Ảnh T.L. |
2. Vào trong đại sảnh của ngôi "chùa vàng", chúng tôi "choáng" trước kho báu giá trị trên các mặt, ánh vàng ánh ngọc chói lòa chiếu sáng căn phòng khổng lồ, không ít bảo vật bằng vàng ròng hắt lên luồng sáng ma mị. Trong ngôi chùa này, đâu đâu cũng thấy la liệt bảo vật bằng vàng bạc ngọc ngà nhưng điều lạ kỳ hơn cả là du khách Việt dồn nhiều sự quan tâm đến pho tượng bằng đồng đen nằm sát tường ở cuối ngôi chùa, trong vị trí khá khiêm tốn.
Quan sát pho tượng, cảm giác của chúng tôi chẳng mấy ấn tượng. Tượng cao khoảng 30cm, màu xám đen, tọa thiền trên ngọn tháp trong tư thế kiết già, gương mặt thanh toát, vô ưu… như bao pho tượng bằng vàng và đá quý khác.
"Hồi nào giờ nghe nói đồng đen chứ chưa có ai từng gặp, nay là dịp để bà con được thấy đồng đen ngay trước mắt. Đồng đen có giá trị cao gấp 4 lần vàng nên quý lắm, bởi vậy có nhiều người ở Việt Nam mình bị lừa... Bản thân pho tượng này càng quý hơn khi nó đã từng gắn liền với Quốc vương Norodom. Chuyện kể rằng lúc sinh thời, Quốc vương thường ngày tưới nước lên thân tượng, sau đó lấy nước thiêng ấy rửa mặt, nhờ vậy mà sức khỏe của ngài lúc nào cũng tráng kiện. Sau thấy sự thần hiệu từ pho tượng nên Quốc vương không giữ cho riêng mình, mà ngài đã cống hiến cho toàn dân, để mọi người cùng được ân huệ như ngài".
Khi đưa khách vào tham quan ngôi chùa ngàn vàng trong hoàng cung, anh hướng dẫn tự giới thiệu tên Minh thuyết minh như thế. Vừa nói anh Minh vừa dùng tay để từ vai pho tượng vừa giải thích rằng để có được sự may mắn, an lành, khách hành hương dùng tay để từ vai pho tượng trở xuống, không được xoa đầu vì như thế phạm húy, mất sự tôn nghiêm. Minh vừa dứt lời thì nhiều người tranh nhau sờ vào vai pho tượng Phật mát lạnh rồi xoa lên người…
Đoàn của anh Minh vừa rời khỏi thì một đoàn khách Việt khác đến. Lần này bên cạnh câu chuyện Quốc vương Norodom hiến pho tượng để mọi người cùng được phước báu như mình thì cô hướng dẫn tên Lan còn tiết lộ rằng, vì pho tượng có từ trường rất mạnh nên những ai đeo đồng hồ tự động không nên đến gần pho tượng: "Từ trường của đồng đen kinh khủng lắm" - Cô Lan lưu ý với du khách: "Ngày trước, để di chuyển pho tượng, các phương tiện hiện đại không thể làm gì được bởi từ trường của pho tượng làm chết động cơ. Thế nên quá trình dịch chuyển pho tượng phải dùng xe thô sơ, đấy chính là lý do mà pho tượng quý gấp 4 lần vàng này đến hoàng cung bằng cỗ xe bò truyền thống" (?!).
Để được rõ hơn câu chuyện pho tượng Phật bằng đồng đen ly kỳ kia, chúng tôi hỏi cô hướng dẫn viên về nguồn gốc, trọng lượng, niên đại của pho tượng nhưng cô lắc đầu, chỉ biết rằng những chuyện liên quan đến pho tượng cô góp nhặt từ những hướng dẫn viên khác. Anh chàng hướng dẫn tên Minh cũng có câu trả lời tương tự. Chúng tôi hỏi anh Bảo ở chợ Nga, người khá rành rẽ về cổ vật ở Campuchia, đặc biệt là tượng Phật cổ, nhưng anh cũng lắc đầu. Nói tóm lại ai đó muốn kiếm tìm thông tin chính thống về pho tượng lạ kỳ này hẳn sẽ lâm cảnh mò kim đáy bể…
Thế nên chuyện tượng nặng bao nhiêu ký lô, ai đúc, được đúc ở đâu, niên đại bao nhiêu… đến nay vẫn là bí ẩn lớn! Chỉ biết rằng câu chuyện ly kỳ liên quan đến tượng Phật được làm từ chất liệu quý gấp 4 lần vàng ròng kia thu hút sự hiếu kỳ lẫn tín ngưỡng đến mãnh liệt của rất đông du khách Việt. Bất ngờ khi được nhiều người cho biết họ đến Phnôm Pênh chỉ để chủ đích xem tượng đồng đen được những người đi trước về kể lại.
Từ câu chuyện pho tượng đồng đen ở chùa vàng chùa bạc, càng ngẫm càng thấy buồn, TP HCM khi có rất nhiều ngôi cổ tự ẩn trong mình những pho tượng Phật quý hiếm từ chất liệu đến giá trị lịch sử. Nhưng điều đáng buồn là chẳng ngôi chùa nào được xem là điển hình của chùa Việt cũng như có sức hút mãnh liệt với khách du lịch quốc tế mà bất kỳ ai khi đến "thành phố rồng" đều quyết tâm tìm đến tham quan như chùa vàng chùa bạc ở Vương quốc Campuchia