Phố “hàng độc” ở Buôn Đôn

Thứ Ba, 08/01/2013, 19:35

Nhắc đến Buôn Đôn là nhắc đến vua săn voi Amakông với chiến tích săn bắt và thuần dưỡng đến 298 con voi rừng cùng những "ông khổng lồ" thông minh, hiền lành, thân thiện. Đầu tháng 11 năm nay, vua săn voi qua đời ở tuổi 104 tại nhà riêng của ông - ngôi nhà sàn cổ được thiết kế theo phong cách M'nông hơn 100 năm tuổi tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Amakông qua đời là mất mát, tổn thất lớn, đã để lại nhiều khoảng lặng trong tâm khảm con cháu, dòng tộc, cộng đồng người M'nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Dẫu vậy thương hiệu Buôn Đôn không vì thế mà sụt giảm. Vào những ngày cuối tuần, khách vẫn đến Buôn Đôn nườm nượp. Người ta đến Buôn Đôn để được ngắm voi, được cưỡi voi và quan trọng hơn họ đến vì không cưỡng được lời đồn đãi lẫn những cái rỉ tai của nhiều người đi trước, rằng Buôn Đôn bày bán rất nhiều loại… hàng độc!

Cận cảnh bộ sưu tập khủng của một dân chơi

Q.Hùng năm nay 33 tuổi (ngụ phường Long Bình, quận 9, TP HCM) tuy được sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng lại rất "máu rừng", cụ thể hơn là máu cái vụ săn đồ rừng để làm vật lưu niệm bày biện trong tư gia. Trong phòng riêng của mình, Hùng bày biện rất nhiều loại đồ độc có xuất xứ từ rừng núi như đầu sừng sơn dương, heo rừng, nai cà-tông (loài to lớn có cặp sừng chẻ thành nhiều nhánh). Cùng đó là vô số nanh vuốt mãnh thú, có cả mấy con trăn, rắn hổ chúa, báo, mèo rừng, đại bàng… nhồi bông trông cứ như thật!

Hùng tự hào khoe bộ sưu tập đồ rừng hơi bị khủng kia được anh ta thu nhặt từ nhiều chuyến du lịch, du khảo ở khắp các cánh rừng thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên, chủ yếu từ những vùng rừng của quê hương đất đỏ bazan màu mỡ. Hùng không nhớ đã bao lần lội rừng Tây Nguyên, chỉ biết là quá nhiều lần, nhiều đến độ nhớ không nổi, đếm không xuể.  Trong các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Hùng bảo Đắk Lắk là địa bàn tới lui thường xuyên của anh ta với Buôn Đôn là tâm điểm, nhằm mục đích "săn đồ độc".

"Hàng rừng ở Buôn Đôn dữ thần lắm, ông muốn gì, muốn con nào, muốn trong tình trạng nào cũng được các chủ quầy hàng chuyên bán đồ lưu niệm đáp ứng tận răng, miễn là chịu chi. Ví như loài báo hoa mai, ông muốn da có da, muốn nanh vuốt có nanh vuốt, muốn nhồi bông có nhồi bông, muốn có bộ xí quách để ninh cao bồi bổ sức khỏe cũng có nốt… Nói chung là đồ rừng ở Buôn Đôn rất phong phú, đa dạng, việc mua bán dễ dàng nên tôi thường xuyên tới lui nơi này săn hàng là vậy".

Huyên thuyên đã đời rồi, Hùng kéo khách đến trước chiếc tủ kính âm tường sâu khoảng 40cm, dài gần 3m, khung viền được ốp gỗ pơ-mu lên nước bóng loáng, nhìn khá sang trọng và bắt mắt, bên trong có hơn chục cái "đầu lâu" còn nguyên bộ răng hàm lẫn răng nanh mà theo lời Hùng toàn thú dữ như gấu, cọp, beo, heo rừng. Những cái sọ thú ấy có cái úa màu thời gian với màu ngà trầm lắng nhưng cũng có cái trắng hếu, chứng tỏ đó là "hàng" mới chứ không phải đồ lâu năm như những cái khác. Để cho khách ngắm và trầm trồ đã đời, Hùng bỏ nhỏ "toàn hàng Buôn Đôn không đấy!".

Dẫu nghe rõ nhưng để chắc ăn, tôi hỏi lại thì Hùng vẫn câu trả lời ấy. Chỉ vào cái sọ thú trắng hếu có 4 cái răng nanh, Hùng bảo hôm hay tin vua săn voi Amakông qua đời, anh lên Đắk Lắk để đưa tiễn ông vua không ngai cuối cùng trên đất Tây Nguyên về nơi an nghỉ cuối cùng và nhân thể tuyển cái sọ này. "Đây là sọ của một con báo. Tôi mua nó với giá 4 củ (4 triệu đồng). Cũng cái sọ này nhưng đám con buôn ở phố rao giá đến hơn chục củ. Nó quý ở chỗ hổng mất cái răng nào, đặc biệt là mấy cái răng nanh nhọn sắc như dao cạo". (?!)

Rao bán lông đuôi voi và lược xương voi.

"Phụ tùng của heo rừng, gấu, cọp, voi… muốn gì có nấy"

Mọi lần đến Buôn Đôn, chúng tôi rất lấy làm lạ trước hiện tượng hầu như quầy hàng lưu niệm nào ở đây cũng bày bán lông đuôi voi hay nhẫn xỏ lông đuôi voi. Người ta tin rằng lông đuôi voi là biểu tượng của sự may mắn và thủy chung. Ai đeo nhẫn vận may sẽ đến liên tục và với những đôi lứa đang yêu nhau, nếu chàng trai (cô gái) tặng cho người tình chiếc nhẫn lông đuôi voi thì chẳng lo người tình phản bội, hay chơi trò bắt cá 2 tay. Bị người bán "thuốc" như thế nên thiên hạ tin ầm ầm, ai đến Buôn Đôn cũng mua ít nhất 1 cái lông đuôi voi với giá 100.000-200.000 đồng (tùy mức độ dài ngắn) về xỏ nhẫn hay tặng người thân mà không hề biết đó là… đồ dỏm.

Trở lại Buôn Đôn lần này, mang theo những hình ảnh về bộ sưu tập thú dữ có xuất xứ từ Buôn Đôn của anh chàng máu rừng Q.Hùng, chúng tôi sững sờ trước đủ kiểu buôn bán những mặt hàng thú vật được người bán quảng cáo và khẳng định "hàng rừng chính hiệu". Bên cạnh mặt hàng chủ lực là lông đuôi voi, những gì liên quan đến thú dữ có tên trong Sách đỏ Việt Nam được bày bán la liệt.

Tại ki-ốt của bà Xuân, thấy khách dán mắt vào nhúm lông đuôi voi nhưng không tỏ vẻ mặn mà, chừng như hiểu được tâm tư của "thượng đế" nên bà này lên giọng trấn an khách và quả quyết lông đuôi voi mà mình rao bán là lông thiệt chứ không phải lông giả. Nói có sách mách có chứng, bà Xuân thọc tay vào hộc tủ lấy ra một mẫu đuôi voi khô đét với tua tủa lông rồi hắng giọng: "Mua đồ của chị em an tâm tuyệt đối, hàng từ đuôi voi thứ thiệt chứ không phải hàng dỏm. Mua cái thứ này nếu em lơ ngơ dễ bị người ta thuốc lắm!".

Khách chẳng đoái hoài đến cái vụ lông đuôi của những ông Bồ (voi rừng - cách gọi của người Chơro) nên bà Xuân thay đổi chiến thuật. Kéo khách vào trong, bà này dừng lại trước chiếc tủ kính bên trong lổn nghổn các mặt hàng lưu niệm từ voi rừng như nịt da voi, lược xương voi, tẩu hút thuốc bằng xương voi, thậm chí có cả những mặt hàng bằng ngà voi được chạm khắc đủ dạng đủ kiểu. Bà Xuân lại tiếp tục khẳng định tất cả mặt hàng này đều từ voi chính hiệu.

Bà nói Buôn Đôn là xứ voi nên voi nhiều dữ lắm. Voi rừng, voi nhà đầy đường nên các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ voi rất được khách du lịch trong và ngoài nước ưa dùng. "Nịt da voi chắc chắn, càng sử dụng lâu càng lên nước bóng loáng. Lược từ xương voi, ngà voi là thứ quý hiếm ngày trước chỉ vua chúa mới được dùng, nó có tác dụng điều hòa khí huyết, giúp xua đuổi tà khí, giúp ổn định nhịp tim nên những người giàu có thường đeo “còng ngà voi là vậy”.

Nếu như ki-ốt của bà Xuân và một số người khác chuyên các mặt hàng về voi thì tại quầy hàng mỹ nghệ của người đàn ông tên Minh chỉ cách quầy của bà Xuân mươi bước chân bày bán đủ loại thủ cấp của mãnh thú Buôn Đôn. Ông Minh bày trong quầy hàng của mình hầu như chẳng thiếu "cơ phận" của con gì - tất nhiên là những loài thú nổi tiếng đẹp, có sức mạnh vô song, được người đời hăng hái săn lùng để thỏa đam mê khoe mẽ ta đây dân chơi sành điệu như gấu, cọp, beo, voi... Đa phần các món hàng độc ấy là nanh vuốt, và đặc biệt hơn, có những cái đầu lâu thú hoang nguyên hộp sọ, bộ xương hàm cùng răng nanh tua tủa.

Tại nhiều quầy hàng lưu niệm khác, chúng tôi tiếp tục lia đủ màn đủ cảnh kẻ bán người mua xăng xái tiến hành các phi vụ giao dịch nanh hổ, vuốt gấu, tẩu ngà, sừng sơn dương, thủ cấp heo rừng, sọ voọc… Vờ bảo mấy thứ này thường, hỏi rằng có món gì độc hơn, tưởng với câu nói hơi bị cắc cớ ấy các ông bà chủ sẽ tịt họng, ai ngờ cả thảy đùng đùng "nổi giận" quất ngược lại bằng câu trả lời kiêm câu hỏi "vậy muốn thứ gì?". Ông K. chủ quầy hàng lưu niệm tại lối vào cầu treo bắc sang đảo Ây-Nô, trọng điểm tham quan của Buôn Đôn, đoán  chắc rằng Buôn Đôn này là xứ rừng nên thú gì cũng có. "Muốn beo rừng, da hổ, gấu nhồi bông gì cũng Ok. Có điều giá hơi đắt sợ chú em mày theo không nổi"…

Các quầy hàng lưu niệm ở Buôn Đôn luôn tấp nập khách đến tìm hiểu và mua hàng độc.

Nhiều điều trăn trở

Beo, gấu, cọp, voi, voọc… đều là những loài thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt là cọp và voi, không chỉ được Sách đỏ Việt Nam mà còn cả Sách đỏ thế giới liệt vào nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, giết hại, mua bán dưới mọi hình thức. Thế nhưng buồn làm sao, như những gì chúng tôi chứng kiến thì tại Buôn Đôn, sự thể hoàn toàn trái ngược. Người ta mặc sức bày bán các mặt hàng liên quan đến cơ thể của 2 loài này một cách công khai, ầm ĩ mà chẳng gặp bất kỳ sự cấm cản, chế tài nào.

Buồn lòng khi được ông Tình, 45 tuổi, đến từ TP HCM lúc "rinh" được cái lược ngà voi tặng vợ, cái nanh cọp chạm rồng để đeo lấy hên và vài cái lông đuôi voi tặng bạn bè, người thân, hân hoan thổ lộ rất kết hàng hóa tại Buôn Đôn: "Toàn hàng độc, giá hữu nghị, lựa mua thoải mái chẳng lo bị chính quyền khó dễ, bắt bớ. Bởi vậy khi có bạn bè muốn đi du lịch Tây Nguyên, tôi đều khuyên đến Buôn Đôn bằng câu nói "Ăn được nhiều món ngon, thấy được lắm cảnh lạ, săn được vô số hàng độc".

Những chiếc xe du lịch đời mới lại tấp nập đổ về Buôn Đôn. Xe dừng, khách túa ra và sau đó dán chặt vào những quầy lưu niệm với lông đuôi voi, móng gấu, nanh cọp, xương hàm thú các loại được bày bán la liệt. Trước cảnh chướng mắt ấy, chúng tôi tìm gặp ông Y Lươm Knul - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na tỏ bày những điều mắt thấy tai nghe ấy. Ông Phó Chủ tịch tiếp nhận thông tin với ánh mắt trầm ngâm.

Khi được hỏi liệu những mặt hàng "Nhà nước cấm, Sách đỏ buồn, con buôn khoái" kia có đúng là hàng rừng chính hiệu, ông Y Lươm Knul chẳng rõ có phải vì ngại va chạm hay khó xử điều gì đó nên chỉ trả lời đại thể rằng chuyện ấy rất khó nói, đó là chuyện giữa kẻ bán người mua: "Làm gì có nhiều voi, nhiều cọp, nhiều beo rừng… mà ai cũng rao bán nhiều như vậy được" - ông Y Lươm Knul nhấn mạnh.

Trò chuyện về những mặt hàng độc từ mãnh thú, trong khi những người bán khẳng định cả thảy "rừng chính hiệu" thì nhiều người dân sở tại ôm bụng cười khùng khục với lời khuyên đừng có dại mà trả tiền thật rinh đồ dỏm. "Voi ở Buôn Đôn mình giờ chỉ còn khoảng 50 con, mỗi con voi chỉ có khoảng 200-300 sợi lông đuôi, nhổ một sợi lông đuôi sẽ làm voi đau đớn, vết thương chảy máu, thịt thối, voi sẽ đau bệnh nên đâu có chuyện chủ voi nhổ lông đuôi bán cho khách. Vậy thì lấy đâu ra lông đuôi mà người ta bán với số lượng không giới hạn".

Đấy là bật mí của nài voi Y Nul 31 tuổi. Do ngại va chạm nên Y Nul đề nghị không nêu rõ họ tên. Theo Y Nul, có thể lấy chuyện lông đuôi voi giải thích cho hàng loạt chuyện nanh vuốt, sọ thú được bày bán ở khu du lịch: "Lông đuôi voi thực ra được đúc từ nhựa tổng hợp. Và nanh vuốt thì cũng được chế biến theo công thức đó. Chứ cọp làm gì còn mà ai cũng bán, khách mua bao nhiêu cũng có".

Nếu đúng như thế thì khách du lịch đến Buôn Đôn, trả tiền mua hàng độc để rồi rinh hàng đúc từ nhựa tổng hợp hay bột đá mà không hay biết. Mà cứ cho là Y Nul và nhiều người khác nói bậy nói trật đi, cứ cho rằng các mặt hàng độc kia là đồ rừng chính hiệu thì rõ là sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi việc mua bán đều vi phạm pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã và việc thả nổi cho hoạt động này của chính quyền địa phương là không thể chấp nhận được!

Dù là hàng giả hay thật thì hoạt động kinh doanh những thứ liên quan đến thú quý hiếm kia phải cần được xóa bỏ để Buôn Đôn xứng danh là khu du lịch xanh, chứ không phải là nơi tới lui của dân chơi săn đồ rừng… làm cảnh!

Nguyễn Sỹ
.
.