Phụ nữ châu Âu vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Thứ Tư, 16/04/2014, 09:30

Châu Âu vốn được xem là nơi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Phụ nữ châu Âu cũng được hưởng nhiều chính sách tốt hơn phụ nữ các nơi khác, được tự do hơn và bình đẳng với nam giới nhiều hơn.

Thế nhưng một báo cáo nhan đề “Bạo lực đối với phụ nữ (VAW)” được báo chí, truyền thông châu Âu mô tả là "hoành tráng" và "chết tiệt" được Cơ quan về Các quyền cơ bản của EU (FRA) tung ra vào giữa tháng 3 vừa qua, trong đó chứa đựng những dữ liệu, những con số hết sức đáng buồn. Đối với nhiều người, thật khó hình dung trong một xã hội được xem là phát triển về nhiều mặt, mà vẫn còn xảy ra những sự việc, những hành vi không khác gì ở những quốc gia, khu vực chậm phát triển hơn, ở những nơi nghèo khó hơn nhiều.

Bạo hành với phụ nữ đang trở thành một vấn nạn ở tất cả 28 quốc gia thành viên EU. Cụ thể, theo báo cáo của FRA, mỗi năm có đến 1/3, tức khoảng 62 triệu phụ nữ toàn châu Âu phải chịu các hình thức bạo hành, từ đánh đập cho đến dùng súng bắn, dọa đâm, siết cổ và hiếp dâm. Các hình thức bạo hành này diễn ra khắp nơi, từ trong gia đình cho đến công sở, nơi làm việc, lao động ở công xưởng hay nhà máy, nông trại,…

Khoảng 20% phụ nữ luôn luôn bị các hình thức quấy rối, khủng bố tinh thần qua tin nhắn, email, trên mạng xã hội,… Điều đáng ngạc nhiên là, một số quốc gia được đánh giá là có mức sống và xã hội phát triển cao lại có tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục cao nhất, đó là các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, với 52%, Phần Lan 47%, Thụy Điển 46%, và đặc biệt là nước Anh với 44%.

Khó khăn kinh tế trong những năm trở lại đây cũng góp phần làm cho tình hình ngược đãi phụ nữ tồi tệ thêm. Tại Tây Ban Nha, không cần đến báo cáo của FRA người ta cũng dễ dàng nắm được một thực tế đáng báo động đối với phụ nữ: trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Đáng chú ý, phụ nữ trẻ Tây Ban Nha lại có tỉ lệ thất nghiệp cao đến chóng mặt: đến 54,7%! Phụ nữ thất nghiệp không phải vì họ không làm được việc bằng nam giới, mà chủ yếu họ là nạn nhân của phân biệt đối xử trong lao động, mọi trong hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Thế mà trong tình thế đó, những người phụ nữ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã biết cách tự cứu mình và cứu giúp luôn những chị em đồng cảnh ngộ. Họ đã biết tự đứng dậy, tự mình "vùng lên" bằng việc lập ra những công ty, doanh nghiệp của riêng mình để tham gia vào thị trường, góp phần giải quyết những khó khăn chung về công ăn việc làm của nền kinh tế.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Âu, phụ nữ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tự đứng ra thành lập 800.000 doanh nghiệp - một con số kỷ lục không chỉ ở Tây Ban Nha mà cả châu Âu. Tùy theo quy mô doanh nghiệp và mức độ sử dụng lao động, số doanh nghiệp này đã góp phần đáng kể vào giải quyết công ăn việc làm cho lao động thất nghiệp, trong đó hưởng lợi nhiều nhất đương nhiên là lao động nữ

Văn Trương (tổng hợp)
.
.