Phước Hải Tự và ngài Obama

Thứ Sáu, 27/05/2016, 18:35
Tọa lạc trên một con phố nhỏ mang tên Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, chùa Ngọc Hoàng (hay Phước Hải Tự) khoác lên mình một vẻ đẹp của sự linh thiêng kỳ bí. Chùa được xây theo kiến trúc, tín ngưỡng của người Hoa. Ngôi chùa là một địa chỉ của niềm tin cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, cho bao đôi tình nhân trắc trở, và cho những ai gặp trúc trắc trên đường đời...

Khách hành hương đến chùa như tìm đến chốn bình an, để quên đi những sân si đời thường. Nhiều người tìm đến nơi này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa đã hơn 100 năm tuổi, nơi vẫn còn giữ nhiều liễn đối, tranh thờ, bao lam, hương án.

Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện các cuộc họp mặt của chư tiên về chầu Ngọc Hoàng. Năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Phía trước chùa.

1. Chùa Ngọc Hoàng xưa có tên gọi là Ngọc Hoàng Điện (hiện chữ Ngọc Hoàng Điện bằng chữ Hán vẫn còn được lưu giữ trước chính điện). Chùa do ông Lưu Minh, người Tàu, người theo đạo “Minh Sư”, ăn chay trường, có tư tưởng “phản Thanh phục Minh”, xuất tiền tạo lập, vừa để thờ phụng, vừa để làm nơi hội kín. Bên trong chíánh điện thờ đức Ngọc Đế, tiền điện thờ đức Thích Ca...

Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã miêu tả cách bài trí trong điện rất chi tiết: "Trước miếu có gian phòng bày cảnh thập diện và cảnh thiên đàng chạm trên mây rất đẹp, bên tả điện có treo bức tranh “Đạt Ma Tổ sư quá hải”, tranh vẽ trên giấy nét bút thần tình. Kế bên có thang đưa lên tầng lầu, nơi đây có thờ Quan Đế và bài vị những người có công tạo lập cảnh chùa. Bước ít bước tới có sân lộ thiên, đứng đây dòm bao quát thấy đủ nóc bắt bông bắt chỉ bằng đồ gốm tinh xảo vô cùng, lại thấy sự thâm ý hạn chế ánh sáng làm cho trong chùa có vẻ âm u huyền bí theo ý nhà kiến trúc sư tinh thông thuật tâm lý...".

Bước vào chùa, khách hành hương cảm nhận ngay được không gian yên bình nơi cửa phật. Vào những ngày lễ tết, mùng một, hôm rằm, khách thập phương tới vãn cảnh chùa rất đông, nhiều khi phải xếp hàng cả buổi mới vào được chính điện, nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Trong chính điện, chính giữa thờ Ngọc Hoàng, hai bên là chư thần tiên, các bậc thiên tướng... Trước bàn thắp nhang lễ Ngọc Hoàng lúc nào cũng có một người đứng túc trực, người này sẽ nhận những lọ tinh dầu mà khách mua tại quầy bán nhang đèn trong chùa để rót vào ngọn đèn cúng dường lên Ngọc Hoàng và chư tiên, thiên tướng. Khách sẽ nói tên và điều mình mong cầu để người này vừa rót dầu cúng, vừa khấn nguyện cho gia chủ.

Khách tới chùa, người thì cầu sức khỏe, người cầu bình an, người cầu tài, cầu lộc, người cầu công việc suôn sẻ, người cầu cho người thân an lành... Trong chùa Ngọc Hoàng còn có ban thờ phật Dược Sư để khách cầu sức khỏe, ban Thần Tài để cầu tài, lộc và đặc biệt là ban thờ đức Quán Thế Âm được đặt trên lầu. Ban Quan Âm cũng chính là nơi thầy trụ trì và phật tử tụng kinh, cúng lễ hằng ngày.

Bình yên nơi sân chùa.

Trong chùa có hơn 300 bức tượng và nhiều linh vật được chạm khắc tinh xảo, ấn tượng nhất có lẽ là hai pho tượng Thanh Long, Phục Hổ ở gần cửa ra vào chính điện. Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi. Chùa có một khoảng sân khá rộng phía trước và được che mát bởi bóng cây bồ đề cổ thụ.

Nằm ngay chính giữa khoảng sân rộng là hồ nuôi cá và hồ nuôi rùa bên tay phải từ ngoài vào. Trên mái chùa, có đàn chim bồ câu lên tới hàng trăm con thi thoảng bay sà xuống sân chùa nhặt thóc do khách cho ăn, rồi lại tung cánh bay lên trời. Tất cả tạo nên một cảm giác bình an, thư thái cho khách hành hương.

Ông Minh, ngoại lục tuần, người đã có gần 30 năm làm công quả trong chùa, cho chúng tôi biết, chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào năm 1892, trải qua hơn 100 năm, chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính vốn có của nó. Trừ phần sân được lát gạch lại cho sạch sẽ thì toàn bộ kiến trúc trong chính điện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn so với ban đầu.

Vào năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vị trụ trì hiện tại của chùa là thầy Thích Minh Tông. Những ngày này, trụ trì rất bận, bởi ông lo chuẩn bị đón khách quý - Tổng thống Mỹ Barack Obama - tới thăm chùa, nên không có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi.

Chùa Ngọc Hoàng là một trong những cơ sở tín ngưỡng dân gian thu hút đông đảo khách hành hương chiêm bái, không chỉ đón khách trong nước mà còn là một trong những ngôi chùa được khách quốc tế đến tham quan nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dịp lễ hội thu hút khách đông nhất là dịp lễ vía Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Và có thể, sau sự kiện Tổng thống Obama đến thăm thì ngôi chùa này sẽ trở thành một địa chỉ tâm linh nổi tiếng và thu hút khách thập phương hơn nữa.

Không như các chùa khác, chùa Ngọc Hoàng không chỉ là nơi cho du khách vãn cảnh, mà chùa Ngọc Hoàng còn khoác lên mình một vẻ đẹp của sự linh thiêng kỳ bí khó lý giải. Ngôi chùa đã và đang là địa chỉ niềm tin cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, cho bao đôi tình nhân trắc trở... Họ đến cầu nguyện để tìm lại sự bình yên.

Trong cuộc sống, còn niềm tin là còn hy vọng. Thành tâm kính tin giúp cho con người ta vượt qua bể khổ, tìm đến những động lực, là chỗ dựa để vươn lên giữa những vất vả đời thường.

2. Nói đến chùa Ngọc Hoàng, không chỉ những người đã và đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đều biết, nó còn nổi tiếng với khách thập phương, kể cả du khách nước ngoài. Đây là ngôi chùa có tiếng linh thiêng, nhất là về việc cầu tự.  Sự linh ứng được lan truyền dựa trên những trường hợp diệu kỳ về chuyện cầu con.

Không ai có thể khẳng định được rằng chuyện con cái cứ đến đây cầu là được. Tuy nhiên có những sự trùng hợp khó lý giải về sự linh ứng nên nhiều người đặt niềm tin vào các đấng siêu nhiên. Ông Minh, năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông làm công quả ở đây suốt gần 30 năm qua, người đã chứng kiến rất nhiều cặp vợ chồng nhang đèn đến cầu xin trời phật ban cho họ những đứa con, cũng chỉ có thể nói rằng: Tùy duyên!

“Tùy duyên”, đó là câu trả lời chính xác nhất trong trường hợp cầu con này. Bởi theo ông Minh, qua những gì ông chứng kiến thì có cặp vợ chồng đến cầu nguyện một lần là có con ngay, có người cầu từ năm này qua năm khác, miệt mài cầu khẩn nhưng duyên vẫn chưa thành.

Dấu ấn kiến trúc mái chùa.

Ông nói, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến chùa cầu nguyện và sau đó về nhà họ có con thật nên họ tin tưởng và cho rằng lời cầu nguyện của họ linh ứng. Cứ thế tiếng lành đồn xa nên người ta khuyên nhau đến đây cầu nguyện ngày một đông. Thật ra không hẳn như vậy. Theo thuyết nhà Phật, con cái là nhân duyên kiếp trước nên khi đủ duyên thì họ thành tâm tin tưởng cầu nguyện mới có được. Còn chưa đủ duyên thì dẫu có cầu khẩn cũng bằng không, như cây không đủ tuổi, đủ chất thì chưa thể đơm hoa kết trái vậy.

Tuy không thể khẳng định về sự linh ứng trong việc cầu con là như thế nào, song, ở chùa Ngọc Hoàng có hẳn một không gian riêng thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, đặc biệt trên bàn thờ có tượng 12 bà mụ - Mẹ Sanh Mẹ Độ. Đây chính là nơi các cặp vợ chồng sau khi đã bái lạy đức Phật, Ngọc Hoàng và các bậc chư tiên đến để cầu con. 

Theo quan niệm dân gian, 12 bà mụ làm việc nặn hình người cho bé từ lúc thai sinh. Mỗi người nặn một bộ phận trong cơ thể như tai, mắt, mũi, miệng... Mụ còn dạy bé cười, chọc bé khóc, nâng đỡ bé mỗi khi bé ngã... Ngày nay, tục thờ cúng 12 mụ bà còn gọi là bà Mẹ Sanh khá phổ biến tại nhiều gia đình, nhất là ở các miền quê.

Bên cạnh tượng mỗi mụ bà có những tượng bé trai, bé gái. Vợ chồng nào muốn cầu con trai hay con gái thì vuốt vào tượng tương đương rồi xoa vào bụng mình. Để tiến hành khấn nguyện, các cặp vợ chồng hay mua nhang đèn, hoa và trái cây dâng lên Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Có thể nói, dòng người hành hương vãn cảnh chùa lúc nào cũng đông và nghi ngút khói hương, cả ngày lễ cũng như ngày thường.

Tượng Đại tướng quân Thanh Long và Phục Hổ.

“Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả” - ông Minh nói với chúng tôi.

Thêm một điểm đặc biệt khiến nơi thờ tự này lúc nào cũng đông đúc đó chính là trên ban thờ, ngoài Thánh Mẫu, 12 mụ bà thì còn có thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Nên ngoài cầu con thì khách hành hương có thể cầu tình duyên tại đây. Khách thắp hương và khấn tên mình, sau đó đến tên “người trong mộng” để ông Tơ, bà Nguyệt xe duyên. Tiếng đồn về sự linh thiêng trong việc cầu tình duyên tại đây cũng không hề kém so với việc cầu tự (?!).

Trong lúc nghỉ ngơi tại sân chùa, chúng tôi gặp một đôi “tình nhân” Mỹ - Việt, ông Charles B. và bà Nguyễn Thị L. Họ từng là vợ chồng, có hôn thú và có một người con trai. Năm 1974, họ đưa nhau qua Mỹ, nhưng vì nhớ nhà, bà L đã trở về Việt Nam, hẹn sẽ quay lại. Sau đó vì hoàn cảnh, bà không thể sang Mỹ, từ đó hai người bặt tin nhau. Không biết có phải “duyên” chưa dứt mà họ được gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách khi cả hai đã ngoài 60 tuổi. Hỏi ông bà đưa nhau tới chùa cầu gì, họ chỉ cười, rồi ngước lên phía chính điện.

Ông Charles B. cho biết, nghe nói chùa Ngọc Hoàng linh ứng và đẹp, lại nghe nói Tổng thống Obama sẽ ghé thăm chùa nên ông đến đây, trước là vãn cảnh, sau là có cái để “khoe” với bạn bè rằng ông đã tới ngôi chùa, trước một ngày, nơi mà Tổng thống Obama từng ghé.

Văn Hào
.
.