Phương Mỹ Chi – Hiền Thục và sự tử tế xa xỉ
Phương Mỹ Chi, cô bé vừa hơn 10 tuổi, nổi bật từ chương trình The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) 2013. Có lẽ, Phương Mỹ Chi là cái tên đủ sức thu hút người quan tâm cho đến thời điểm này, bất chấp vào việc Phương Mỹ Chi chỉ đoạt giải Á Quân tại cuộc thi trên.
Phương Mỹ Chi có một lượng người hâm mộ đông đảo bởi giọng ca ngọt ngào, gợi nhớ đến những Hương Lan hay Cẩm Ly. Khán giả cũng nhanh chóng đặt một biệt danh cho Phương Mỹ Chi là "Chị Bảy".
Một bộ phận Truyền thông nước mình, như một căn bệnh cố hữu đã thành mãn tính, rất nhanh chóng gieo thị phi lên một cá nhân nổi bật. Và bất chấp cá nhân đó chỉ là một cô bé.
Phương Mỹ Chi đã không là một ngoại lệ.
1. Ca sĩ Hiền Thục, được biết đến vì là người hướng dẫn Phương Mỹ Chi trong cuộc thi The Voice Kids 2013. Vài hôm nữa, vào những ngày đầu của tháng 3/2014, ca sĩ Hiền Thục sẽ tổ chức liveshow nhằm kỷ niệm 25 năm ca hát của mình, có tên gọi là Dấu ấn. Và trong liveshow này, những thí sinh được Hiền Thục dẫn dắt khi tham gia The Voice Kids đa phần đều góp mặt tham gia, ngoại trừ Phương Mỹ Chi.
Phong ba nổi lên ngay tắp lự bởi sự vắng mặt của Phương Mỹ Chi. Rất nhanh chóng, một trang báo mạng cho in bài, tít nguyên văn "Phương Mỹ Chi vô ơn, Hiền Thục không mời đến liveshow".
Trong bài báo, có những đoạn đầy hằn học, như: "Bước ra từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí, Phương Mỹ Chi trở thành cái tên được săn đón không thua kém bất kỳ ngôi sao nào. Tuy nhiên, kể từ sau khi kết thúc cuộc thi, nhờ vào sự giúp đỡ của Quang Lê, sự nghiệp và cuộc sống của Phương Mỹ Chi cũng như gia đình cô thay đổi bất ngờ và Quang Lê trở thành người cha đỡ đầu luôn được chị Bảy kính trọng và dành những lời biết ơn.
Tuy nhiên, Phương Mỹ Chi và gia đình cô đã quên rằng nếu không có sự dạy dỗ của Hiền Thục và Ban tổ chức cuộc thi Giọng hát Việt nhí thì Giọng ca 10 tuổi có được cơ hội tiến vào showbiz không? Có cơ hội để được Quang Lê chú ý không? Vậy mà từ sau cuộc thi, Phương Mỹ Chi cũng như gia đình chưa từng một lần cám ơn họ. Phải chăng sự xa hoa của showbiz đã khiến gia đình Phương Mỹ Chi biến cô bé 10 tuổi trở thành người học trò vô ơn".
Sau những bài viết phỏng đoán gieo đầy thị phi lên cái tên Phương Mỹ Chi như bỏ học, đòi cát-sê cao, chảnh… mà Phương Mỹ Chi đã phải chịu đựng trước đây thì lần này, Phương Mỹ Chi lại bị mắng và "vô ơn".
Trong quan niệm của người Á Đông, thì "vô ơn" có lẽ là biểu hiện kém nhất trong cách đối nhân xử thế.
Thật sự thì Phương Mỹ Chi có "vô ơn" không? Và vì sao Phương Mỹ Chi lại không có mặt trong liveshow của Hiền Thục?
Đơn giản chỉ là, khi ca sĩ Hiền Thục gửi lời mời Phương Mỹ Chi tham dự liveshow của cô, thì Phương Mỹ Chi đã nhận lời mời tham dự liveshow của một ca sĩ khác diễn ra trùng ngày với liveshow của Hiền Thục. Điểm diễn là ở Hà Nội.
Chính ca sĩ Hiền Thục cũng lên tiếng về điều này, ca sĩ Hiền Thục cho biết trên trang cá nhân: "Mọi người ơi. Đừng suy nghĩ thiếu tích cực về bé Chi. Tội nghiệp em! Phương Mỹ Chi không thể tham dự được show của Thục vì trùng với ngày em ấy có lịch biểu diễn tại Hà Nội. Đây là lý do chính xác và mọi người phải thông cảm cho em. Thục không thấy có vấn đề gì cả bởi đây là chuyện rất thường đối với các ca sĩ chuyên nghiệp, không thể dựa vào đó để đo đếm tình cảm được. Chúng ta vẫn còn nhiều thời gian và các chương trình khác phía trước mà".
Đáng tiếc rằng, khi bài viết "Phương Mỹ Chi vô ơn, Hiền Thục không mời đến liveshow" xuất hiện, rất nhiều trang báo mạng, trang tin tổng hợp. Thậm chí, một vài tờ báo mạng vốn dĩ thuộc hàng chính thống cũng vội vã nhào vào bê lại nguyên xi bài báo trên về trang của mình.
Phương Mỹ Chi trước khi được minh oan, đã lâm vào tình cảnh khá giống ca sĩ Mỹ Tâm khi cô ca sĩ này từ chối hát tại một chương trình của thành phố Đà Nẵng, quê hương của cô. Đó là mâu thuẫn bởi không thể thương lượng được tiền cát-sê, về sau Mỹ Tâm nói có sự hiểu lầm do người quản lý. Dẫu sao, cũng chỉ là một cách nói.
Tôi vẫn nghĩ rằng, một ca sĩ chuyên nghiệp là một ca sĩ có quyền nhận lời hay không nhận lời tham gia một buổi biểu diễn, nếu như ca sĩ ấy cảm thấy không phù hợp hoặc không được thỏa mãn những yêu cầu mà mình đã đặt ra.
Giả như, Hiền Thục mời Phương Mỹ Chi tham gia liveshow Dấu ấn và Phương Mỹ Chi không tham gia chỉ vì "không thích", thì Phương Mỹ Chi có "vô ơn" không?
Chắc chắn là không. Phương Mỹ Chi với tư cách là một ca sĩ, cô bé hoàn toàn có quyền từ chối hoặc nhận lời.
Phương Mỹ Chi và ca sĩ Hiền Thục cùng tham gia một tiết mục trong chương trình The Voice Kids 2013. |
Hiền Thục là một huấn luyện viên trong chương trình The Voice Kids 2013. Hiền Thục cũng là một ca sĩ chuyên nghiệp, cô được nhà sản xuất chương trình là Công ty Cát Tiên Sa trả tiền để làm điều này.
Và hẳn nhiên ai cũng biết, trong một chương trình truyền hình của một công ty tư nhân, nghĩa rằng đó là một chương trình kinh doanh. Đơn giản hơn, đó chỉ là một hợp đồng thương mại.
Không phải, khi Phương Mỹ Chi không đoạt giải Quán quân The Voice Kids 2013, rất nhiều nhà báo đã lên tiếng rằng "Tại sao không là Phương Mỹ Chi?". Phàm đã kinh doanh, đều có toan tính. Không thương nhân nào dại dột đến mức bỏ hàng đống tiền ra để kinh doanh, mà lại đóng vai trò "đứng nhìn một sự công bằng". Thế nên, vai trò của ca sĩ Hiền Thục trong việc chỉ giáo cho Phương Mỹ Chi cũng ít nhiều hạn chế.
Tất nhiên, với truyền thống "Tôn sư trọng đạo", thì ngay trong một trò chơi có tính lời lãi, thì "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Nhưng, nên có biên độ và biết cách khoanh vùng mối quan hệ "thầy-trò" này lại đến đâu là hợp lý.
2. Phương Mỹ Chi, nói cho tận cùng thì đó chỉ là một cô bé. Một cô bé sớm tìm được danh vọng trong cái thế giới vốn dĩ đầy rẫy những sự vụ ầm ĩ, đầy rẫy những cá nhân bán mình cầu danh vọng. Đó là một thế giới rất khác biệt, tếu táo thì "Thân tại sàn diễn, mình không là mình".
Tôi vẫn nghĩ, cá nhân của một người thầy là bảo vệ cho học trò (Dẫu là học trò cũ hay chỉ là học trò trong một chương trình giải trí) trước những sóng gió mà học trò của mình bị động nhận phải. Nên tôi hơi bất ngờ khi ca sĩ Hiền Thục phải chờ đợi hơi lâu trước khi lên tiếng đập tan tin đồn về sự "vô ơn" của Phương Mỹ Chi. Nhẽ ra, Hiền Thục phải làm điều này sớm hơn. Nhưng chỉ là phỏng đoán vậy, bởi biết đâu, Hiền Thục đang bận rộn. Hơn nữa, quy luật của làng giải trí, thì trước mỗi sự kiện hay ra mắt album ca nhạc, ca sĩ cần phải có một cái cớ hợp lý để sự kiện hay album của mình được nhắc đến.
Như vừa rồi, có cô ca sĩ trẻ mà theo tôi là tài năng, ra album mới. Ngay lập tức mang câu chuyện với người yêu cũ (là một nam ca sĩ có chút tên tuổi) ra khóc thương hết trang báo mạng này đến tờ báo in khác. Lại vẫn giả như "Phương Mỹ Chi không tham gia vào liveshow của Hiền Thục", thì tiền nhân đã dạy "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Trước nhất, Hiền Thục phải xét lại mình đã. Cũng như mấy hôm nay, truyền thông đang ầm ĩ vụ cậu học trò ở Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã đánh lại thầy, sau khi bị thầy tát liên tiếp. Vẫn biết, không nên vì bất cứ lý do gì mà ủng hộ hành động "trò đánh lại thầy" cho dù nguyên cớ ra sao. Nhưng lại nghĩ rằng, những đứa trẻ chính là sự phản chiếu từ tấm gương mang tên "Người lớn".
Làng giải trí Việt, vốn dĩ thừa sự hiếu thắng, đố kị, ghen ghét mà thiếu đi sự tử tế. Không phải, song song với vụ Phương Mỹ Chi - Hiền Thục, chính là vụ nam diễn viên Minh Béo bị hàng loạt nam ca sĩ, diễn viên khác tố cáo quấy rối tình dục đồng tính hay sao(?). Trước đó nữa, là những cô gái cởi áo khoe thân, cởi quần khoe chân.
Nhẽ ra, trong bối cảnh nhộm nhoạm này, truyền thông phải đóng một vai trò khác. Thì ngược lại, một bộ phận trong giới truyền thông đang làm hết sức mình để cổ vũ cho những hành vi không mấy hay ho này. Loan tin về những điều không tử tế, không chắc đó là hành động của những người làm truyền thông tử tế. Hướng đám đông đến sự nghi kị dành cho một cô bé mới vừa hơn 10 tuổi thì càng có thể khẳng định đó là hành động không nên làm.
Phương Mỹ Chi. |
3. Điều nguy hại hơn, không phải tự bây giờ mà đã rất lâu trước đó, có một số cá nhân làm truyền thông bất chấp mọi thứ. Họ chỉ quan tâm đến chuyện lượt view (đọc, truy cập) mà họ có được là bao nhiêu dựa trên mỗi bài viết. Những giá trị có tính giáo dục, nhân văn hay hướng thiện mà những bài viết do họ thực hiện chính là một thứ xa xỉ, hoàn toàn không có trong khái niệm của họ. Đáng tiếc, lực lượng làm truyền thông kiểu này ngày càng nhiều.
Tôi biết có tờ báo mạng, không trả nhuận bút cho từng bài báo do phóng viên viết ra. Họ trả lương theo lượng view của độc giả dành cho bài viết đó. Họ khoán lượng view đến từng phóng viên. Ví dụ, phóng viên này mỗi tháng phải thực hiện những bài viết sao đó mà tổng lượng view phải trên 500.000, thì mức lương sẽ được tăng gấp đôi. Còn dưới 500.000 đến tháng thứ hai sẽ bị cho thôi việc.
Dưới áp lực của lượng view, phóng viên phải bất chấp tất cả để thực hiện những bài viết gây sốc nhằm kiếm đủ lượng view do ban biên tập giao khoán.
Họ hy vọng, với lượng view cao, họ có thể nhanh chóng đẩy vị thế của tờ báo lên một tầm cao mới. Từ đó, họ sẽ thu được quảng cáo. Mà có quảng cáo, thì mới sinh lợi nhuận. Bằng những gì tôi biết về thị trường quảng cáo hiện tại, có vẻ như đó là một tư duy sai lầm. Vì không phải một nhãn hàng quảng cáo nào cũng muốn xuất hiện trên những trang báo mạng làm việc theo cách thức "bất chấp mọi thứ như vậy".
"Phương Mỹ Chi vô ơn, Hiền Thục không mời đến liveshow", gợi nhớ vụ việc diễn ra vào 2 năm trước, khi mà chương trình Vietnam's Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt) dựa vào sự yêu thương con của mẹ một thí sinh 15 tuổi để đám đông mặc sức miệt thị cô bé lẫn gia đình không may này.
Bây giờ có tình trạng một bộ phận nhà báo đã manh nha không chịu trách nhiệm về những gì mà họ viết ra, thay vào đó họ quan tâm đến một thứ khác, thứ mà họ cho rằng "View càng cao, càng mau nổi tiếng". Chính vì vậy, mới có những bài viết chồng cũ tố cáo vợ cũ, rình rập xem nghệ sĩ vào khách sạn với ai và phóng viên luôn tỏ ra sốt sắng khi vài nghệ sĩ tào lao cãi nhau vì một chuyện không đâu nào đó…
Dẫu vậy, với bài viết "Phương Mỹ Chi vô ơn, Hiền Thục không mời đến liveshow", trẻ con còn bị mang ra vấy bẩn để câu view, để câu sự tò mò của độc giả thì có gì mà họ không dám làm nữa(?)