Phương Thảo – Ngọc Lễ: Mối tình ngày xưa yêu dấu!
- Phương Thảo – Ngọc Lễ: Những lời tình như mây
- Cặp đôi Phương Thảo - Ngọc Lễ: Vui sao nước mắt lại trào
Còn tôi, tôi gọi họ là những tri âm của nhau, bởi sự đồng cảm, sự nhường nhịn và biết sống vì nhau, từ âm nhạc cho đến những điều bình thường, nhỏ nhặt nhất.
Title bài là câu hát nổi tiếng của Ngọc Lễ năm nào “Xe đạp ơi”, chỉ là mối tình ngày xưa ấy vẫn đang viên mãn ngày sau.
Ngày nào cũng như lễ tình nhân
Phương Thảo – Ngọc Lễ trước nhất gắn bó với nhau bằng sự tâm giao trong âm nhạc. Cho đến tận bây giờ, cả hai vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ.
Gia đình Ngọc Lễ - Phương Thảo. Ảnh: Lê Nhân. |
Khi ấy, Phương Thảo trong mắt Ngọc Lễ là cô ca sĩ ngu ngơ, chẳng bao giờ tranh giành với bất cứ ai, ngủ ngon lành cả khi bị đồng nghiệp hát lấn giờ hay bắt chờ dài cổ. Còn Ngọc Lễ lại khiến cô ca sĩ có tính cách hiền lành như cây cỏ ấy chú ý bởi vẻ ngoài vụng về chân chất, đáng yêu. Chỉ có điều ấn tượng về cả hai cũng chỉ dừng lại ở thiện cảm ban đầu ấy, chứ không phải tình yêu “sét đánh” như nhiều lời đồn đoán. Ngọc Lễ kể mối duyên giữa anh và Phương Thảo bắt đầu từ một sơ suất nhỏ của anh: “quên kéo khóa quần”. Sau này, anh gặp lại cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ ấy nằm ngủ ngon lành trong lúc chờ đến lượt mình tập nhạc. Tình bạn giữa họ bắt đầu, dịu dàng, hồn nhiên và truyền cảm hứng cho Ngọc Lễ viết “Ai cho em tình yêu”.
Cái kết đẹp như mơ của Phương Thảo – Ngọc Lễ sau 22 năm chung sống là hai cô con gái cùng niềm hạnh phúc bình dị vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Nhiều người hỏi “bí quyết” nào khiến họ có thể bên nhau mà vẫn đắm say, vẫn nồng nàn như thuở mới yêu, họ cười lớn đáp vui: “Chắc tại do may mắn!”.
Đợi tiếng cười lắng, Phương Thảo thổ lộ, chính thời gian làm việc cùng nhau đã giúp cả hai hiểu nhau và chưa bao giờ giận nhau quá lâu. Phương Thảo – Ngọc Lễ thường nói vui rằng, điều tiếc nuối nhất là họ đã kết duyên với nhau sớm hơn. Và cũng chính vì vậy họ không ngần ngại hẹn thề sẽ gặp lại và yêu nhau ở… kiếp sau. Nói như lời Ngọc Lễ thì cuộc sống của anh nếu không có Phương Thảo sẽ vô vị biết bao, huống hồ cô còn đem lại cho anh nguồn sống vô giá là hai cô con gái nhỏ.
- Nhắc đến Phương Thảo – Ngọc Lễ, thính giả yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến hàng loạt bài hit mà đỉnh cao là album ‘Café một mình’ (1995). Anh có thể chia sẻ về giai đoạn đỉnh cao này trước khi anh chị chuyển hẳn qua sáng tác và hát nhạc gia đình?
Ngọc Lễ: Album ‘Café một mình’ là dấu ấn tình yêu của Phương Thảo – Ngọc Lễ mà Lễ không bao giờ quên được. Chính nhờ Phương Thảo mà Lễ mới viết được những bài hát trong album này. Nhiều khi nghe lại, càng thấy cảm ơn Phương Thảo.
Phương Thảo: Sẵn đây Thảo cũng muốn cảm ơn ngược lại. (cười) Trước khi gặp anh Lễ, Thảo là ca sĩ solo với tâm lý như các ca sĩ hát solo khác là khi diễn ở một tụ điểm ca nhạc, nếu ai đến trước thì hát những bài hit trước, được khán giả ủng hộ nhiều. Còn nếu đến sau thì hát những bài không được chuộng thì mất quyền lợi. Lúc đó, Thảo cũng thầm ước là có được một người nhạc sĩ hiểu được khả năng của mình, viết bài đo ni đóng giày cho mình. Một ngày đẹp trời, Thảo gặp được anh Lễ. Anh đã nghe được tâm sự của Thảo và đã âm thầm “chớp thời cơ”. (cười) Nói chung, hai đứa chắc cũng có duyên với nhau nên kết hợp với nhau mới tạo được những bài hát tình yêu một cách chân thành như vậy.
- Trước khi anh chị kết hợp với nhau, chị Phương Thảo đã là cái tên thuộc hàng sao, được chào đón nồng nhiệt tại các tụ điểm ca nhạc. Khi chị gặp anh và chọn thể loại nhạc trầm hơn, ít thị trường hơn, nhiều thính giả cũng rất ngạc nhiên không biết tại sao chị lại lựa chọn như vậy?
Phương Thảo: Trước khi gặp anh Lễ, Thảo là ca sĩ tự do đúng theo nghĩa đen. Sau khi ra khỏi Đoàn ca nhạc nhẹ và Đoàn Bông Sen. Thảo đụng đâu tấp đó. Nghĩa là ai mời thì mình hát, mình không có nhất định thuộc trong nhóm nào, ban nào. Nhưng mà thực sự lúc đó Thảo không có xu hướng rõ ràng về âm nhạc. Thảo chỉ hát lại những gì đang ăn khách. Có lẽ mình may mắn vì vừa là một gương mặt mới, có thể vì mình lạ do vẻ ngoài hơi lai lai nên có cái gì đó bắt mắt. Còn về chuyên môn thì thành thật mà nói thì nó rất là kém… Nó mới bắt đầu thôi nhưng Tổ đãi thì mình cứ đi.
Cho đến khi Thảo tìm được anh Lễ, mình mới thấy là mình đang ở đâu và xây dựng hình ảnh cho riêng mình. Thời hát solo, Thảo chưa bao giờ có khái niệm, có ý nghĩ mình là một ca sĩ nổi tiếng, ở vị trí cao nên Thảo sống rất hồn nhiên. Nhờ vậy khi gặp anh Lễ, Thảo sống rất bình thường. Lúc nào Thảo cũng nghĩ là mình đang đi tìm con đường nghệ thuật cho riêng mình nên Thảo sống rất yên ổn.
- Trong rất nhiều bài hit của anh chị, tôi nhớ nhất là bài “Con gái” từng gây nhiều tranh cãi nhưng cũng rất được ưa chuộng. Anh có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh sáng tác bài hát này?
Ngọc Lễ: À, lúc đó Lễ đi ngoài đường về. Thảo ngồi ở bàn cơm chờ Lễ. Lễ hỏi là: “Em ăn chưa?” Thảo bảo: “Em ăn rồi!”. Thế là Lễ ngồi vào bàn. Nhưng càng ăn thì Lễ thấy mặt Thảo càng sầm tối lại. Lễ giật mình hỏi lại: “Em nói thật chứ?” Thảo đáp: “Bộ người ta nói là tin sao?”. Vậy là Thảo giận suốt cả buổi chiều hôm đó, vô phòng đóng cửa. Lễ ngồi ngoài này mới lấy giấy viết vài câu: ‘Con gái nói có là không, nói không là có/ Hãy nhìn vào đôi mắt em đây’ và hát cho Thảo nghe. Thế là Thảo hết giận.
Cảm xúc bình dị từ tổ ấm nhỏ
Âm nhạc của Ngọc Lễ được khơi nguồn từ cảm xúc thật trong đời sống, nên từ ngày có Na, có Nấm, say sưa với hạnh phúc gia đình, Ngọc Lễ và Phương Thảo gần như chuyển hẳn sang viết và hát những bài tụng ca hạnh phúc, tụng ca những niềm vui nhỏ bé trong nhà mà chẳng cần gợi ý từ một cuộc vận động sáng tác nào. Sự “dấn thân” hồn nhiên của Phương Thảo – Ngọc Lễ đã khơi nguồn cho dòng nhạc tạm gọi là “gia đình ca”. “Khi Lễ viết những bài hát về gia đình, thẳm sâu trong lòng, Lễ mong sẽ được nhiều người chia sẻ. Những đứa con sẽ yêu thương nhau hơn, yêu thương cha mẹ hơn. Các ông bố bà mẹ có trách nhiệm với con cái hơn, mỗi gia đình đầm ấm hơn. m nhạc của mình góp một phần nào đó thì mình vô cùng hạnh phúc.” – Ngọc Lễ bộc bạch vậy.
Và cũng vì tình yêu con, Ngọc Lễ từ chối cơ hội trở thành cây viết nhạc ăn khách. |
Chừng ấy năm trôi qua, những bài hát vẫn được hát đi hát lại như minh chứng hùng hồn cho sự gần gụi cũng như giá trị của bài hát. Ngọc Lễ dí dỏm có lẽ vậy mà người nghe nhạc của anh có từ một tuổi đến cả trăm tuổi. Điều quan trọng nhất là anh đã có được người vợ mà nếu được lựa chọn lại, anh vẫn chọn và sẽ suốt đời yêu Phương Thảo.
Và cũng vì tình yêu con, Ngọc Lễ từ chối cơ hội trở thành cây viết nhạc ăn khách, Phương Thảo không màng đến giấc mơ diva, âm thầm định cư trên đất Mỹ. Trên đất lạ, để có thể toàn vẹn chăm sóc hai con, một lần nữa, Phương Thảo – Ngọc Lễ chọn cuộc sống lặng lẽ. Người hâm mộ chẳng nghe gì về anh chị cũng như chẳng tìm thấy một nhạc phẩm mới nào, cả trên các sân khấu và các trung tâm ca nhạc hải ngoại.
Trong khi Phương Thảo vào bếp chăm lo từng bữa ăn cho cả gia đình thì Ngọc Lễ cũng biết làm nhiều việc hơn để giúp đỡ vợ, kể từ việc rửa bát. Kể cả những lúc nhận được lời mời đi biểu diễn, cả anh và Phương Thảo đều thống nhất nhận lời biểu diễn trong những chương trình mà có thể đưa con lên biểu diễn cùng bố mẹ.
Ước mơ lớn nhất là làm nghề cùng con
- Định hình với dòng nhạc gia đình và đang ở thời kỳ đỉnh cao, đâu là lý do mà anh chị quyết định sang Mỹ định cư?
Ngọc Lễ: Lễ nghĩ hai đứa phải biết lùi một bước để đi cùng với con. Ước mơ của Lễ - Thảo là làm nghề cùng con, mình phải chịu khó học hỏi nếu không thì không theo kịp con.
- Điều kiện cuộc sống của anh chị ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau nhiều lắm không?
Ngọc Lễ: Ở Việt Nam, Lễ - Thảo đi hát nhiều nên điều kiện cuộc sống cũng tốt và thoải mái. Cuộc sống bên Mỹ thì khó khăn hơn, Lễ thì làm việc ở phòng thu và hoà âm, Thảo thì dạy các ca sĩ trẻ hát phòng thu, cũng vừa đủ để trang trải cuộc sống. Nếu đi show nhiều thì sẽ thoải mái nhưng Lễ - Thảo không muốn bỏ con ở nhà nên không chọn việc đi hát.
Bây giờ Lễ - Thảo chỉ đi diễn khi có lời mời cả gia đình. Với Lễ - Thảo thì gia đình là quan trọng nhất, đầu tư tình cảm xứng đáng hơn vật chất.
- Anh chị truyền cảm hứng âm nhạc cho hai bé Na – Nấm như thế nào?
Ngọc Lễ: Thật ra Lễ - Thảo rất muốn con theo âm nhạc nhưng cũng rất dè dặt khi hướng con. Vì sẽ rất nguy hiểm nếu mình tạo cho con môi trường chỉ có âm nhạc không, sau này con khám phá ra mơ ước của con ở hướng khác thì sao. Nên Lễ - Thảo để tự do cho Na - Nấm. Na thích hội họa, vẽ tranh điện tử, Nấm thì thích đọc sách và mơ ước trở thành nhà văn. Lễ - Thảo cứ để như vậy.
Hai năm trở lại đây thì từ từ Na - Nấm cảm thấy thích âm nhạc, sáng tác nhạc thì mình tạo mọi điều kiện cần thiết để con học. Kết quả là hai bé học rất nhanh. Na sáng tác được rất nhiều bài hát, Nấm viết được bài đầu tiên. Sáng tác của Na - Nấm cũng rất bất ngờ với Lễ - Thảo vì nó không giống tí nào âm nhạc của Lễ hết. Đó là điều Lễ rất mừng vì kiểu nhạc đó là của Na - Nấm.