Phương pháp Glenn Doman có thể giúp trẻ trở thành thiên tài?

Thứ Năm, 27/06/2013, 23:45

“Phương pháp giáo dục sớm” hay còn gọi là phương pháp Glenn Doman - cụm từ có lẽ sẽ không quá xa lạ với các bậc phụ huynh học sinh có con ở độ tuổi mầm non mong muốn con mình phát triển toàn diện. Nhưng không phải ai cũng hiểu và biết rõ phương pháp này nên bắt đầu thời gian nào và phương pháp như thế nào việc giáo dục đạt được kết quả cao nhất, kích thích nhất sự phát triển não bộ của trẻ.

Phương pháp Glenn Doman

Lấy tên người phát minh, một giáo sư người Mỹ, ông Glenn Doman, phương pháp Giáo dục sớm, hay còn gọi là phương pháp Glenn Doman là phương pháp khá phổ biến trên thế giới. Thực chất của giáo dục sớm là giúp cho não bộ của trẻ đạt được sự phát triển tốt nhất trong giai đoạn vàng, từ 0 đến 6 tuổi.

 Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD), khi tham dự buổi hội thảo "Cha mẹ và thiên tài" được tổ chức mới đây tại Hà Nội thì thời gian từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn rất đặc biệt. Tiềm năng của đứa trẻ rất dồi dào, vì các kết nối của hàng tỉ tế bào thần kinh của trẻ xuất hiện.

Ngay từ giai đoạn còn trong bụng mẹ, bào thai đã có thể tiếp nhận những âm thanh;  rồi đến khi ra đời, trẻ đã có một số khả năng bắt chước (như há miệng, liếm lưỡi...).  Giai đoạn từ bào thai đến 6 tuổi còn được coi là giai đoạn vàng, là giai đoạn não phải phát triển nhanh nên cần được đầu tư để trẻ phát triển tốt, và cần được kích thích để phát triển toàn diện. Theo nhà tâm lý học Liên Xô Ivan Petrovich Pavlov: "Trẻ sơ sinh mà đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ, là đã chậm mất 2 ngày...".

Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh so sánh rằng, việc tiếp nhận thông tin và sự phát triển của não bộ trẻ em giai đoạn này như một miếng bọt biển thấm nước, có khả năng chụp hình, ghi nhận thông tin tốc độ cao, nhận thức được môi trường xung quanh và kích thích các chỉ số phát triển toàn diện.

Giáo dục sớm theo công nghệ Glenn Doman là phương pháp giúp tạo hứng khởi và định hướng giúp "trẻ thông minh" vừa học, vừa chơi, vừa tiếp  khai mở trí thông minh, óc sáng tạo, tài năng.  Trẻ em không bị ép học sớm, không bị nhồi nhét kiến thức mà được phát triển hết sức tự nhiên. “Học mà chơi - chơi mà học”.

Đại diện Trường Mầm non Athena tiếp nhận phương pháp giáo dục sớm (phương pháp Glenn Doman).

Tạo môi trường học tập ngay tại nhà

Cô Bùi Kim Tuyến, từng là du học sinh tại Liên Xô (cũ) một chuyên gia về giáo dục mầm non, đã đưa ra những câu chuyện giản dị, gần gũi, nhưng rất thiết thực, chỉ cần cha mẹ phụ huynh, đặc biệt các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi mầm non, nếu quan tâm một chút,  sẽ có cách thức dạy dỗ đem lại những hiệu quả. Đó là khai những khả năng đặc biệt ở những đứa trẻ. Điều này được khẳng định là tất cả trẻ nhỏ khi ra đời có tài năng thiên bẩm như nhau.

Khi lớn lên, năng lực của mỗi đứa trẻ khác nhau, thì đó là sản phẩm của môi trường giáo dục. Vậy giáo dục sớm, giáo dục tốt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tất cả những hình ảnh, những câu chuyện mà cô Kim Tuyến đưa ra, đều rất thu hút và có một sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến hầu như cả hội trường, nơi có rất nhiều các bậc phụ huynh tham dự đều chăm chú lắng nghe.

Cô Tuyến kể, nhà cô ở một khu chung cư cao tầng nên thường bế cháu nhỏ xuống sân chơi, nơi tập trung nhiều các cháu bé ở độ tuổi ăn dặm, ăn cháo, hay lớn hơn một chút. Quan sát các bà các mẹ nói chuyện với con, có những động tác như "tặc... tặc". Vốn là một người nghiên cứu nhiều về độ tuổi mầm non, đặc biệt là được tiếp cận các phương pháp tiên tiến, cô tham gia với các phụ huynh, rằng, thay vì cứ "tặc, tặc" khi nói chuyện với các cháu bé, thì các bậc phụ huynh cứ thoải mái nói chuyện với con em mình như nói chuyện với một người lớn với những câu có ý nghĩa như: "Nào, con đi theo mẹ nhé"; hay "Chúng mình cùng chơi trò đu quay nào", "Chúng mình cùng hát nhé"...  và chơi một cách vui vẻ, làm bạn với con, sẽ khơi dậy được niềm đam mê của các bé, kích thích sự phát triển của não bộ.

Hay, có một cách khác cũng rất đơn giản. Với những đồ dùng thông dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, quạt máy, tranh treo tường... , ngoài việc nói tên các đồ vật cho các cháu nhỏ biết, thì chúng ta có thể dán những tờ giấy  nhỏ có ghi tên từng đồ vật. Các bé có thể chưa  biết chữ nhưng trẻ nhỏ, vốn có khả năng "chụp hình" rất nhanh, chúng sẽ tự động ghi nhớ vào bộ não. Khi hỏi lại chúng có thể trả lời không hề sai.

Để minh chứng cho khả năng "chụp hình" ghi nhớ của trẻ, cô Kim Tuyến mở một video. Bối cảnh là tại một trường mầm non. 2 đứa trẻ cách nhau khoảng 1 tuổi, nhưng đứa ít tuổi hơn (2 tuổi) lại đi học trước.

Cô giáo đưa những tờ giấy có ghi các hoạt động của trẻ, hoặc tên các đồ vật đó rồi xáo trộn các vị trí để kiểm tra lại các bé. Điều đặc biệt là, cho dù có xáo trộn về thứ tự, vị trí, bé nhỏ tuổi hơn vẫn trả lời đúng các câu hỏi của cô giáo, mặc dù cháu mới chỉ khoảng hơn 2 tuổi và chưa hề biết chữ.

Cô Kim Tuyến cũng cho biết việc chơi với trẻ sẽ tạo cho các cháu niềm đam mê.  Hiện nay gia đình nào hầu như cũng chỉ sinh 1, 2 cháu nên đều rất quan tâm chăm sóc, nhưng phải tạo ra sự cân bằng giữa sự ăn uống và chơi vui giáo dục. Sự chăm sóc thái quá sẽ tạo nên một số kết quả không tốt. Cô đưa ra 2 hình ảnh để minh chứng cho điều mình vừa nói. Một em bé bị bắt ép ăn uống thì mang một khuôn mặt căng thẳng, vì không muốn ăn mà bị bắt phải ăn; trái lại, một em bé khi tự xúc ăn lại mang một vẻ mặt rất hớn hở và thích thú khám phá, tự biết xúc cơm và biết đưa lên miệng.

Có một xu hướng nữa trong trẻ em mầm non hiện nay, mà cô Tuyến cũng muốn nhấn mạnh, đó là khả năng vui chơi tự do. Và cô không ưu tiên việc chơi tự phát, mà trong chơi phải có học, và trong học phải có chơi, việc học cũng được coi như sự vui chơi. Trước kia các cụ có nói "Khổ học thành tài", thì giờ có thể nói một cách vui vẻ rằng "Con ơi vui học vẫn thành tài" - cô Kim Tuyến hóm hỉnh.

Một vấn đề nữa mà phụ huynh cần lưu ý. Đó là phái mạnh (ông, bố hoặc anh em trai) cũng cần tham gia chơi với con nhiều hơn, để có sự cân bằng quan tâm giữa bà và mẹ. Vì phái mạnh, khi chơi với trẻ sẽ giúp trẻ mạnh mẽ hơn. Phụ nữ thường cưng nựng con cháu ôm ấp vào lòng, thì đàn ông thường hướng đứa trẻ ngoảnh ra ngoài. Trong chuyên môn ngành mầm non gọi là "nữ tính hóa".

MC Mỹ Vân, mẹ của hai cô con gái xinh đẹp, người đưa ra ý tưởng thành lập một trường mầm non chất lượng cao, bởi chị rất tâm huyết, chú trọng trong việc dạy dỗ hai cô con gái của mình. Khi được tiếp xúc với phương pháp giáo dục sớm, chị nhận thấy được cái hay và hấp dẫn của phương pháp này. Và với ý nghĩ, tại sao lại không đem kiến thức để truyền bá cho các bà mẹ. Mỹ Vân đã mạnh dạn thành lập một trường mầm non với mong muốn đem những kiến thức nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tiên tiến cho các bậc phụ huynh. Và cái tên Athena, đó là sự mong muốn cho các em nhỏ sẽ thông minh và tài giỏi.

Cũng với phương pháp "Học mà chơi, chơi mà học", được áp dụng rất rộng rãi trong việc học và dạy tiếng Anh. Nhiều phương pháp học và dạy tiếng Anh hay được áp dụng rộng rãi trong nhà trường, ngay cả với những đứa trẻ còn chưa làm quen với chữ cái tiếng Việt.

Có lẽ việc áp dụng phương pháp giáo dục sớm thực sự là một khám phá mới mẻ  cho các bậc phụ huynh và con em chúng ta

Ngô Thị Chuyên
.
.