Qatar: Bí quyết phá vòng vây cô lập

Thứ Năm, 25/10/2018, 11:21
Hơn một năm sau khi bị cô lập tại Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, Qatar đã không nhượng bộ trước bất cứ yêu cầu nào của các nước láng giềng và đang tiến hành cuộc chiến gây ảnh hưởng ở cấp độ quốc tế. Tại Doha, các quan chức Qatar thậm chí còn tuyên bố rằng lệnh phong tỏa đã làm tăng thêm sự gắn kết của người dân và thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế của đất nước.

Mâu thuẫn tích tụ

Một cuộc khủng hoảng chưa từng có đã xảy ra tại khu vực Vùng Vịnh Arab - Ba Tư kể từ khi Qatar bị Ai Cập và 3 nước láng giềng thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tẩy chay.

Ngày 5-6-2017, bộ tứ này và một số nước đồng minh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar và Ai Cập đã ngay lập tức đóng cửa biên giới - con đường duy nhất nối bán đảo Qatar với đất liền trên bán đảo Arab. Kể từ đó, một số quan chức của Saudi Arabia còn nảy sinh ý tưởng đào một con kênh rộng 200m và dài 60km cắt đứt đường biên giới đất liền giữa Qatar và Saudi Arabia nhằm cô lập hơn nữa Qatar.

Nhưng, do chưa có sự xác nhận chính thức từ phía Riyadh, ở thời điểm hiện tại, tham vọng này dường như giống với một sự ảo tưởng mà Doha không thực sự coi là nghiêm chỉnh.

Có vẻ như sự cô lập của các nước láng giềng càng khiến Doha vươn lên mạnh mẽ hơn.

Những mâu thuẫn trước khi xảy ra khủng hoảng đã tích tụ trong nhiều năm, được thúc đẩy bởi thái độ thù địch ngày càng tăng giữa người Saudi Arabia với Qatar, một đất nước rất dồi dào nguồn khí đốt. Việc đột ngột bị cô lập đã khiến Qatar hết sức bất ngờ. Các nước láng giềng Arab cũng thực hiện sự phong tỏa một phần bằng cách đóng cửa các không gian biển và hàng không của họ đối với các tàu và máy bay của Qatar.

Theo hãng thông tấn Mỹ Associated Press, để được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Qatar phải tuân thủ yêu sách 13 điểm của 4 nước Arab. Theo đó, Qatar phải ngừng can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước thành viên khác thuộc GCC; ngừng hỗ trợ cho các tổ chức “khủng bố” trong khu vực, trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo; xóa bỏ kênh truyền hình Al-Jazeera và đặc biệt là phải quay lưng lại với Iran.

Đã hơn một năm qua, những mâu thuẫn đối kháng vẫn không được giải quyết. Nỗ lực hòa giải của Kuwait trong khuôn khổ GCC đã thất bại. Cuộc hòa giải được tổ chức tại Washington trong nhiều tháng đã vấp phải những bất đồng trong chính nội bộ chính quyền Washington.

Trong thời gian đó, Qatar phải chiến đấu trên mọi mặt trận kinh tế, ngoại giao, quân sự, truyền thông và thậm chí là pháp lý. Cuộc chiến này đã khiến hàng nghìn gia đình ở gần biên giới phải ly tán. Các tập đoàn đa quốc gia gặp khó khăn trong việc di dời cơ sở sản xuất. Trong khi không ai biết Vùng Vịnh sẽ thoát ra khỏi cuộc chiến này bằng cách nào thì các ngành công nghiệp vũ khí của các nước xuất khẩu vũ khí gồm Mỹ, Anh và đặc biệt là Pháp lại được hưởng lợi.

Có vẻ như sự cô lập của các nước láng giềng càng khiến Doha vươn lên mạnh mẽ hơn.

Càng phong tỏa càng mạnh?

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Công nghệ truyền thông Hessa Al-Jaber, thành viên Hội đồng cố vấn Shura - là một trong những cơ quan cố vấn quan trọng nhất của Qatar - đồng thời cũng là thành viên Ban Kiểm soát hãng xe hơi Volkswagen (Qatar là cổ đông lớn thứ 3) cho rằng, mặc dù nghe có vẻ kỳ cục, chính lệnh phong tỏa đã làm cho đất nước của ông (Qatar) trở nên mạnh hơn.

Và trên thực tế thì Qatar là một quốc gia giàu có. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của Qatar đứng hàng đầu thế giới, tới 128.378 USD, cao gấp đôi Thụy Sĩ.

Dầu khí được phát hiện từ trước Thế chiến II nhưng chính mỏ khí tự nhiên khổng lồ trên biển được phát hiện năm 1971 đã đưa Qatar từ một lãnh thổ hoang mạc trở thành một quốc gia dầu mỏ. Mỏ dầu North Dome nằm trên 2/3 vùng biển của Qatar và phần còn lại trên vùng biển của Iran. Việc khai thác chung mỏ dầu này đòi hỏi Iran và Qatar phải duy trì những mối quan hệ mật thiết. Nhưng cũng phải mãi đến năm 1995, Qatar mới tiến hành đầu tư ồ ạt, hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn như Exxon Mobil và Total.

Hoạt động khai thác dầu khí quy mô lớn đưa Qatar trở thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Với mức sản xuất hiện tại và trữ lượng dầu khí đã được chứng minh lớn thứ 3 chỉ sau Nga và Iran, Qatar còn khoảng hơn 100 năm để khai thác hoặc ít hơn nếu sản lượng khai thác từ 77 đến 100 triệu tấn mỗi năm từ nay đến năm 2023 như nước này dự tính.

Doanh thu về dầu khí chiếm phần lớn ngân sách của Qatar. Và dù bị cấm vận, không một chuyến tàu chở dầu hay khí đốt nào của Qatar bị trì hoãn hay hủy bỏ. Thậm chí, như UAE, một trong 4 quốc gia tham gia cô lập, thì cũng có tới 40% lượng điện phụ thuộc vào khí đốt đến từ Qatar.

Chính từ sự cô lập ấy, việc đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu, mở rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, châu Á hoặc châu Âu và việc lựa chọn các cảng Oman làm tuyến vận tải hàng hóa chính đã mang lại cho Qatar một luồng không khí mới. Thậm chí, nhiều quan chức Doha còn cho rằng lệnh phong tỏa đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước Qatar.

Trong vòng chưa đầy một năm, với 700 triệu USD, tập đoàn quốc gia Baladna của Qatar đã xây dựng được một trang trại rộng lớn, ngay giữa sa mạc ở miền Bắc nước này với 20.000 con bò chủ yếu nhập từ Mỹ. Tại một khu vực mà nhiệt độ đo được có thể lên tới 50oC, điều hòa hay thức ăn gia súc đều có giá cao. Tuy nhiên, Baladna không quan tâm đến chi phí.

Nguồn dầu mỏ và khí đốt vô tận đưa Qatar trở thành quốc gia giàu nhất thế giới.

Nhờ được trợ cấp phần lớn, giá bán lẻ 1 lít sữa chỉ là 1,6 euro. Cho dù có đạt hiệu quả kinh tế hay không thì ít nhất Qatar đã tự cung cấp được thực phẩm. Đó là vấn đề sống còn. Trước đây, hầu hết thực phẩm của Qatar đều nhập từ GCC.

Mặc dù các doanh nghiệp Qatar đang gặp khó khăn bởi cô lập nhưng theo báo cáo của IMF vào tháng 5/2018, Qatar có vẻ như đã vô hiệu hóa thành công lệnh phong tỏa nhờ vào những “công cụ giảm sốc” và các chính sách kinh tế vĩ mô khôn ngoan. Để huy động tiền mặt có tính thanh khoản cao, Chính phủ Qatar đã phát hành 13 tỷ USD trái phiếu ở nước ngoài.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là sự đảm bảo cho khả năng phục hồi kinh tế của Qatar. Dựa vào các nguồn tài nguyên vô tận, Qatar vẫn thừa đủ khả năng để chi tới 14 tỷ USD, nhiều hơn tổng số tiền kỷ lục 10 tỷ USD mà Nga đã chi cho World Cup 2018 để cải tạo và xây dựng mới 8 sân vận động cho việc đăng cai World Cup 2022.

Chỉ có điều, nếu các nước Arab vẫn duy trì lệnh phong tỏa như hiện nay thì dự báo sẽ có khoảng 1/3 trên tổng số 1,5 triệu cổ động viên có thể sẽ vắng mặt tại World Cup 2022. Các cổ động viên Saudi Arabia, UAE và Ai Cập sẽ không đến Qatar. Và đó sẽ là một nguồn thất thu lớn.

Ngay trong những ngày đầu tiên cấm vận, hãng hàng không Qatar Airways đã phải hủy bỏ nhiều chuyến bay, đóng cửa 18 đường bay. Adel Abdel Ghafar, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Brookings Doha tại Qatar cho biết: “Cuộc chiến giữa các hãng hàng không Vùng Vịnh là một cuộc xung đột trong cuộc xung đột. Ngoài những yêu sách chính trị, lệnh phong tỏa có lẽ nhắm tới một mục tiêu kinh tế: Kìm hãm sự phát triển của hãng hàng không Qatar Airways so với các hãng hàng không Emirates, Etihad (của UAE), Saudia (của Saudi Arabia) và Gulf Air (của Bahrain).

Trên mặt trận tuyên truyền

Trong trận chiến giành ảnh hưởng và cuộc đua giành sự ủng hộ giữa các nước đối thủ của Vùng Vịnh, mọi phương tiện đều được huy động. Những thông tin sai lệch tràn ngập các mạng xã hội. Các tin nhắn điện tử bị đánh cắp, nội dung của chúng được phát tán trên các phương tiện truyền thông nhằm gây thiệt hại cho đối thủ, chưa kể đến việc tạo ra các trang web giả mạo hoặc đăng tải những tài liệu giả.

Theo Reuters, số tiền mà Doha chi để vận động hành lang trong 1 năm vừa qua ở Mỹ tăng gấp 3 lần so với năm 2015-2016, lên gần 25 triệu USD, một mức ngân sách có thể so sánh với ngân sách vận động hành lang của cả Riyadh lẫn Abu Dhabi.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, Doha đã triển khai các hoạt động ngoại giao trên mọi phương diện. Các quan chức cấp cao, mà trước tiên là Quốc vương Qatar, đã gia tăng các chuyến thăm ngoại giao tới Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Nga và Mỹ.

Quân đội Qatar đang chứng kiến một cuộc nâng cấp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Vòng tròn luẩn quẩn xuất hiện khi một bên tìm các biện pháp để tăng cường an ninh. Điều này làm gia tăng cảm giác bất an của các nước khác, thúc đẩy họ nỗ lực xua tan cảm giác bất an đó, do vậy, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn.

Gia tăng đầu tư cho quốc phòng

Theo Mehran Kamrava, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và khu vực tại Qatar thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), với việc cung cấp vũ khí tối tân cho các bên đang mâu thuẫn với nhau, các cường quốc xuất khẩu vũ khí đã khiến tình hình bất ổn ở khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Số lượng vũ khí bán cho các nước Vùng Vịnh tăng lên đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều bên liên quan tới cuộc khủng hoảng này.

Về phía mình, Qatar cho rằng chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, khi mà căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ nằm ở phía Tây Nam thủ đô Doha, là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, với hơn 10.000 quân đồn trú.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) ước tính tỷ lệ nhập khẩu vũ khí của Qatar tăng 166% từ năm 2013 đến năm 2017 so với giai đoạn 2008-2012. Trong khi tỷ lệ này của Saudi Arabia là 225%, đưa nước này trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh nổ ra, hầu như không tháng nào không diễn ra các cuộc đàm phán về mua bán vũ khí tại Doha. Danh sách các nhà cung cấp gia tăng một cách chóng mặt, gồm Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nga, Italy, Trung Quốc, Na Uy...

Theo tính toán, trang thiết bị của Qatar đã vượt xa năng lực chiến đấu của binh sĩ nước này (ước tính lên đến 12.000 quân - chủ yếu là binh sĩ nước ngoài người Pakistan, Yemen hoặc Somali, trừ các sĩ quan cao cấp). Năm 2017, chỉ xét riêng lĩnh vực không quân, Doha đã mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon, 36 máy bay chiến đấu F-15, trong đó có 12 máy bay chiến đấu công nghệ cao Rafale, không kể 84 máy bay chiến đấu mua từ năm 2016.

Majed Mohammed al-Ansari, giáo sư xã hội học chính trị tại Đại học Qatar nhấn mạnh: “Việc mua sắm vũ khí chắc chắn phản ánh những quyết định chính trị, song cũng cần thiết cho mục đích răn đe”. Theo ông này, nguy cơ về một cuộc tấn công xâm lược của Saudi Arabia hay của UAE đã bị đẩy lùi.

Ảnh hưởng của Mỹ đối với Vùng Vịnh và những lợi ích của Mỹ liên quan đến việc khai thác các nguồn tài nguyên sống còn như dầu mỏ và khí đốt luôn là những rào cản ngăn cuộc xung đột giữa Qatar với các nước láng giềng Arab biến thành một cuộc chiến tranh thực sự. Nhưng mâu thuẫn thì khó có thể chấm dứt.

Còn theo Mehran Kamrava thì: “Cuộc khủng hoảng càng tiếp diễn, nó càng khiến các nước thực hiện lệnh phong tỏa phải trả giá bằng việc hình ảnh của họ bị suy giảm. Còn Qatar càng bị thiệt hại về kinh tế. Do vậy, tất cả các nước cần nghĩ tới việc dừng lại”.

Ngọc Diệp (tổng hợp)
.
.