Quái chiêu đối phó chính sách một con ở Trung Quốc
Hàng năm có ít nhất khoảng 3 triệu trẻ em Trung Quốc bị cha mẹ giấu kín trong nhà nhằm đối phó với chính sách 1 con của chính phủ. Câu chuyện này gần đây đã bị phát giác bởi một nhà nghiên cứu...
Bằng giọng cười chua chát, ông Fu Yang, người đàn ông 47 tuổi kiên nhẫn, với thái độ bồn chồn, vừa rót nước, ông vừa gợi chuyện: "Tôi là kẻ phạm tội lớn nhất vì đã vi phạm chính sách 1 con của chính phủ. Chỉ trong vòng 10 năm qua, chúng tôi đã có 7 cháu gái".
Vợ chồng ông Fu Yang chỉ là một trong số hàng triệu các bậc cha mẹ có hoàn cảnh hiếm muộn con trai, những người này có thể bị phạt tiền hoặc tệ hơn là bị tống giam vì đã tỏ thái độ coi thường chính sách 1 con của chính phủ. Vợ chồng ông Fu Yang hiện sống rất sung túc trong một ngôi làng nhỏ nằm ở phía nam của thành phố
Ông Fu Yang thừa nhận: "Thời gian qua là cả một cực hình đối với chúng tôi. Chúng tôi phải sống chui lủi. Nhưng suy cho cùng cũng không còn cách nào hơn. Tôi biết rằng nhiều đôi vợ chồng khác cũng chẳng vui gì việc có nhiều con gái, nhưng có ai là không muốn một gia đình trọn vẹn cả nếp lẫn tẻ".
Áp phích tuyên truyền chính sách 1 con của Trung Quốc. |
Kể từ năm 1978, Chính phủ Trung Quốc đã giới hạn cho mỗi một cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1 đứa con nhằm hạn chế tối đa sự gia tăng dân số vốn khổng lồ ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhằm triển khai luật mới, các cộng đồng địa phương ở Trung Quốc đã chú tâm triệt để tới các sản phụ, thậm chí các viên chức kế hoạch hóa gia đình còn đưa ra biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tăng dân số, chẳng hạn như việc đặt vòng tránh thai cho phụ nữ.
Tuy nhiên lại xảy ra mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách 1 con ở Trung Quốc. Chẳng hạn ở các vùng nông thôn, các bậc cha mẹ thường có khuynh hướng sinh thêm con thứ hai nếu chẳng may đứa đầu là "vịt giời". Hoặc khi hai vợ chồng thuộc dạng "rổ rá cạp lại" từng đã có mỗi người một con trước đó thì khi lập gia đình, họ lại muốn có thêm 2 đứa con mới.
Chính vì điều này mà mặc dù đã thực hiện chính sách 1 con nhưng nhìn chung dân số Trung Quốc không vì thế mà thuyên giảm, khi mà nhiều gia đình giàu có thậm chí còn nghĩ ra đủ "chiêu" để cố gắng kiếm thêm đứa con thứ hai. Nhưng một khi bị nhà chức trách phát hiện ra sự gian lận, những người sinh thêm con thứ hai có thể đối mặt với những án phạt rất nghiêm khắc.
Công nhân làm việc tại các xí nghiệp nhà nước có thể bị mất việc làm. Hoặc đối mặt với nhiều khoản phạt nặng nề như bị phá hoại nhà cửa hay thậm chí ngồi tù có thời hạn. Ông Fu Yang cho biết thêm: "Khi nhà chức trách phát hiện ra gia đình tôi có 7 đứa con, họ đã cố gắng để phá sập nhà tôi. Nhưng may mắn vì chú tôi là trưởng làng, nên họ dịu lại với mức tiền phạt là 600.000NDT (tương đương 60.000 bảng Anh). Nhưng tôi đã khước từ bằng mọi giá. Họ rất tức giận và phá hỏng một góc căn nhà của tôi, cuối cùng tôi cũng chỉ chấp nhận nộp phạt 2.000NDT mà thôi".
Theo một nghiên cứu của Liang Zhongtang - một nhà nhân khẩu học, bản thân ông Liang cũng từng là một thành viên của Hội đồng chuyên gia trực thuộc Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, cho biết: "Trong hàng triệu trường hợp, các gia đình sinh thêm con luôn có tâm lý sẵn sàng đối phó với việc bị phạt và tìm cách lách luật. Dựa trên các kết quả điều tra dân số, ông Liang nhận thấy rằng có rất nhiều luận điệu không nhất quán trong việc thoái thác lý do để nộp phạt.
Ông Liang cho biết: "Vào năm 1990, điều tra dân số quốc gia chỉ ghi nhận có 23 trường hợp sinh. Nhưng đến năm 2000, lại lòi ra tới 26 triệu trẻ em lên 10 tuổi, thế hóa ra là tự nhiên lại bị dư ra 3 triệu trẻ em. Chúng ở đâu ra?".
Theo nhìn nhận chung tại Trung Quốc, xét về mặt văn hóa truyền thống, đại đa phần các gia đình đều mong muốn có con trai để nói dõi tông đường. Nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn muốn sử dụng sóng siêu âm để đảm chắc về giới tính con sắp sinh của mình. Những nhà hoạch định chính sách 1 con đã cảnh báo rằng xã hội Trung Quốc đang có sự phân khúc khá lớn khi hàng triệu đàn ông độc thân sẽ rất khó có cơ hội tìm kiếm được bạn đời của mình, dẫn đến sự mất cân bằng về cấu trúc xã hội Trung Quốc, dẫn đến các hành vi quan hệ mại dâm và tội ác. Tuy nhiên, ông Liang nói rằng sự thiếu cân bằng giữa tỉ lệ nam - nữ thật ra không đến mức trầm trọng như các thống kê từng đề cập.
Với những trường hợp phụ nữ có nhu cầu phá thai, ông Liang dự báo rằng gia đình họ ít nhất đã có các con gái từ trước đó, nhưng mặc dù họ không công khai chúng. Ông Liang nhấn mạnh: "Chuyện gì sẽ xảy ra một khi những bé gái bị "vỡ kế hoạch" thường không được làm giấy chứng nhận với nhà chức trách sau khi chào đời. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi các bé gái bước vào tuổi 6, 7, thế nhưng trong một thời gian dài hình thành nhân cách thì nhà chức trách địa phương đâu có biết gì về chúng đâu"