Quan họ được công nhận Di sản văn hoá nhân loại: Nỗi lo sau những tôn vinh

Thứ Năm, 15/10/2009, 15:29
Sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên, một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc - quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nằm trong 111 hồ sơ đến từ 34 quốc gia trên toàn thế giới, loại hình văn hóa có một không hai này đã may mắn nằm trong tốp 76 di sản được UNESCO ghi nhận và vinh danh vào lúc 20 giờ ngày 30/9.

Các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao ý nghĩa cũng như tính chất đặc biệt của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền khẩu. Nhưng, hậu di sản văn hóa thế giới này còn cả chặng đường dài mà mục tiêu quan trọng là, phải có biện pháp khẩn cấp để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này...

Những người lưu truyền quan họ cổ

Cửa ngõ phía đông bắc của thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 31 km, vùng đất Bắc Ninh trù phú với văn hóa đa dạng, quê hương của các vương triều Lý, đồng thời cũng là quê hương của Phật pháp gắn liền với nhiều sự tích và huyền thoại đã đi vào sử sách. Và, cũng tại vùng đất thiêng này, không biết tự bao giờ, tiếng hát quan họ cứ cha truyền con nối, trở thành món đặc sản tinh thần không thể thiếu của mỗi nếp nhà.

Chả vậy mà, cho đến nay, Kinh Bắc còn nguyên vẹn 49 làng quan họ cổ nằm rải rác ven dòng sông Cầu thơ mộng...  Rồi hễ, người Kinh Bắc đi tới đâu là mọi người lại nghĩ ngay đến chất giọng do được thổ nhưỡng nuôi dưỡng mà thành: "Chả ai hay hát quan họ bằng người đất Kinh Bắc, cũng chả ai hát quan họ hay bằng người Kinh Bắc".

Một ngày sau khi quê hương quan họ đón tin vui, chúng tôi có mặt tại nhà chị hai Quýnh (nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quýnh) ở làng Đặng Xá (giờ là làng Đương Xá), huyện Yên Phong, TP Bắc Ninh - một trong cái nôi của quan họ cổ.

Chị là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) quan họ của làng. Từ xa, tiếng hát luyến láy của các bà, các mẹ, các chị đã gọi mời giục giã, hối thúc chúng tôi bước vào nhà. Chừng hơn chục người cả già lẫn trẻ, trên khuôn mặt đều lộ vẻ tươi vui, phấn chấn.

Chị hai Quýnh giới thiệu tất cả đều là thành viên của CLB quan họ làng Đương Xá, và hồ hởi: "Hơn nửa đêm, chuông điện thoại đổ dồn, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền (nhà nghiên cứu, Viện Văn hóa - Văn nghệ Việt Nam - PV) báo tin vui quan họ đã được UNESCO công nhận...". Chị kể, tin mừng ấy làm chị Quýnh mừng quá, thao thức cả đêm, chỉ mong trời mau sáng để còn báo tin cho mọi người. Sáng sớm nay mọi người biết tin đã tụ tập ở nhà chị, và hát...

Nghệ nhân già còn sót lại của làng Đặng Xá, cụ Đặng Thị Nghĩa, năm nay đã gần 90 tuổi, cầm tay tôi nở nụ cười mãn nguyện. Chị Quýnh bảo mọi người gọi cụ là "Quan họ lẻ bạn". Đang ngơ ngác trước cụm từ khó hiểu, tôi được chị giải thích. Trước đây, làng có đôi hát là hai cụ Đặng Thị Chắt và Đặng Thị Nghĩa. Bấy lâu, hai cụ vẫn cứ hát cặp cùng nhau. Năm 2006, cụ Chắt về trời, cụ Nghĩa mất bạn, thành ra, người ta mới gọi cụ Nghĩa là "Quan họ lẻ bạn".

Ngay sau đấy, tôi bị hút vào nhan sắc nổi trội, đằm thắm của một phụ nữ, sau hồi trò chuyện được biết chị là giáo viên Trường tiểu học Vạn An, Thang Thị Oanh - chị hai quan họ của làng. Thú vị nhất là chúng tôi được hai cháu bé, cháu nội của chị Quyền, cháu gái Huyền Trang 11 tuổi hát bài “Mời trầu” và cháu Nguyễn Văn Quyền mới có 6 tuổi, hát bài “Mời nước”.

Đúng là, đích thị dân quan họ gốc, chả cần nhạc đệm, mà hai trẻ cất tiếng hát trong trẻo, luyến láy ngân nga. Chị vừa hát xong thì em đã ca tiếp, bài thì dài mà bé trai người nhỏ như cái kẹo thuộc làu làu. Khi chúng tôi bước chân vào nhà, cậu bé thấy người lạ, còn lẩn nấp sau lưng bà, ấy vậy mà khi hát lại dạn dĩ đến lạ. Cứ như thể tiếng hát là nguồn cội, ăn vào gốc rễ, vào máu thịt của trẻ nhỏ tự bao giờ. Thì ra, chị Quýnh đã dạy cháu khách đến chơi nhà là hát “Mời trầu” và “Mời nước”, trẻ hát thành quen, lại có tố chất của dân quan họ gốc nên "biểu diễn" thành thục như một nghệ sĩ đích thực.

Hai mẹ con nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quýnh.

Chị Quýnh cho biết, cũng giống như những làng quan họ cổ khác, làng Đương Xá có khoảng 500 nóc nhà, và hầu hết nhà nào cũng có người biết hát quan họ. CLB quan họ của làng Đương Xá được thành lập từ năm 1993 mới đầu chỉ vẻn vẹn 12 thành viên. Đến năm 1995, CLB có 24 thành viên và giờ đây sau gần 7 năm thành lập con số đã lên đến 47 thành viên, gồm 3 thế hệ, nghệ nhân già, trung niên và các cháu thanh thiếu niên.

Buổi nông nhàn, mọi người lại ghé qua nhà chủ nhiệm, hát vo, chả cần nhạc đệm, chào, hỏi nhau cũng bằng tiếng hát. Vậy là quan họ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng dân cư làng Đương Xá nói riêng và vùng Kinh Bắc nói chung. Nhưng để có được thành quả như bây giờ chả phải đơn giản, đó là cả một quãng đường lặn lội và xả thân của hai vợ chồng chị.

Chị là người đã đứng ra tổ chức canh hát quan họ cổ, tại chính ngôi nhà này. GS-TS Tô Ngọc Thanh - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Bắc Ninh và Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đến đây thưởng thức, thẩm định lại trước khi gửi hồ sơ dân ca quan họ Bắc Ninh trình UNESCO.

Chị hai Quýnh cũng là người góp sức trong bộ hồ sơ nặng 6kg gửi UNESCO về những tinh túy làm nên nét đẹp của quan họ Kinh Bắc. Vui vậy, mà ánh mắt chị thoáng buồn khi nhìn lên bàn thờ chồng, rưng rưng: “Ông nhà tôi giờ còn sống biết được tin này thì vui lắm!”.

Về Kinh Bắc, tìm hiểu quan họ, người ta vẫn nhắc tới ông Nguyễn Văn Cách, chồng chị. Người gần như cả đời đi sưu tầm quan họ cổ, giờ đã ra người thiên cổ từ cách đây 4 năm. Hai vợ chồng chị đều là bộ đội phục viên, lại có chung một ý nguyện, sợ rằng sau này các nghệ nhân già mất đi, quan họ thất truyền nên... ông Cách lặn lội tìm đến các nghệ nhân già, nắn nót ghi chép lại từng bài bài quan họ cổ, đánh số thứ tự một cách cẩn thận rồi ép plastic từng trang đóng lại thành quyển sổ. Quyển sổ được ông nâng niu và trân trọng, giữ như một báu vật.

Khi còn sống, ông tìm ra một số bài dễ hát, in lại rồi tặng cho mọi người. Bản thân ông cũng không ngờ rằng, nhờ sự kỳ công của mình mà những bài hát do ông sưu tầm, biên soạn như: “Khách đến chơi nhà”, “Mời trầu”, “Giã bạn”, “Giăng thanh gió mát”, “Xe chỉ luồn kim”, “Lúng liếng”... đã phổ cập làm phong phú thêm kho tàng trữ liệu dân ca quan họ. --PageBreak--

Khẩn cấp ngăn chặn sự biến tướng và thất truyền của quan họ

Trước khi tìm về làng quan họ cổ chúng tôi cứ nắc nỏm sẽ được đi trên những con đường đất được phủ bóng tre xanh rì, nhìn khóm chuối, bụi tre, những nhà vách đất lợp ngói thâm trầm, rêu mốc mùi thời gian, hình ảnh quen thuộc của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng, làng giờ thành phố, đường nhựa láng bóng, nhà cửa san sát, mới cũ lẫn lộn.

Chợt buồn vì thấy làng không còn nét quê duyên dáng vốn có. Nông thôn hóa thành thị là điều không thể tránh khỏi, rưng rưng nuối tiếc cho quan họ đã mất đi không gian diễn xướng, một trong những yếu tố hợp nhất làm nên nét đặc trưng trong quan họ cổ truyền. Tôi nhớ đến những cụm từ người ta hay sử dụng gần đây "Quan họ hóa thương mại".

Thời của công nghệ, của số hóa, nên dịch vụ nghe quan họ qua điện thoại, xem clip quan họ qua điện thoại di động cứ gửi tiền là nghe thỏa thích, là xem tha hồ. Thậm chí ở nhiều nhà hàng, người ta vừa nhộm nhạo nhai thức ăn, vừa toang toác chuyện trò, thi thoảng mới lại liếc mắt lên sân khấu để ngó nhìn các thiếu nữ đang e ấp trong tấm áo mớ ba, mớ bảy hát quan họ.

Đôi khi hứng chí, có vị khách cầm cả cốc bia lên chúc tụng và bắt gặp trong cái cảnh dở khóc dở cười "tiếng hát lại chả át được tiếng bia". Đấy là chưa kể có những kẻ cầm tiền bỏ vào tận trong "yếm đào" của liền chị...

Thế nhưng, nếu là người đặc biệt yêu thích quan họ, bạn hãy chịu khó vượt chặng đường quốc lộ trên tuyến đường cao tốc Hà Nội đi Lạng Sơn, qua địa phận Bắc Ninh, tìm đến những canh hát quan họ cổ để được tắm mình trong bầu không khí mang đậm phong vị trữ tình, đầy lãng mạn của những đêm trăng thanh, gió mát... để tận hưởng những vị ngọt ngào từ câu ca thắm đượm tình quê của các liền anh, liền chị của xứ Kinh Bắc.

Điều đó, chả khó khăn gì, vì hàng tháng các làng quan họ cổ của vùng đất Kinh Bắc cũng tổ chức hát đối quan họ làng này với làng khác. Sau nhiều năm thất truyền, tập tục này mấy năm gần đây đã được khôi phục lại. Và, hứng thú hơn cả là đa phần các làng trong vùng Kinh Bắc đều có CLB quan họ.

Chị hai quan họ của làng Đương Xá: Thang Thị Oanh.

49 ngôi làng có quan họ gốc thì CLB quan họ diễn ra sôi nổi hẳn, hàng tuần, hàng tháng đều sinh hoạt biểu diễn dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Du khách có nhu cầu muốn thưởng thức quan họ chỉ cần liên lạc với chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ, nếu bạn thực sự tha thiết thì một đêm diễn xướng dân gian với những câu ca quan họ sẽ được cất lên tại chính vùng đất khai sinh ra nó.

Nhiều du khách nước ngoài sau khi được thưởng thức văn hóa đặc sản của vùng đất Kinh Bắc này, còn được tặng thêm một bộ đồ trang phục biểu diễn làm kỷ niệm, bịn rịn không muốn chia tay ra về.

Dù vậy, nhưng loại hình diễn xướng dân gian này đang ít nhiều bị biến tướng bởi chịu sự chi phối của đồng tiền. Chính GS-TS Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tỏ ra lo lắng khi ông cho rằng "Quan họ làng cũng không còn giữ được nguyên gốc. Và hiện tượng hát quan họ để xin tiền cần phải được dẹp bỏ". 

Trước nay, trong suy nghĩ của nhiều người vẫn còn quan niệm sai lệch coi "nghệ sĩ biểu diễn" là "con hát là để mua vui" nên không ít người đã tung tiền ra để thưởng thức văn hóa nghệ thuật thực chất chỉ thỏa mãn cái tôi cá nhân tầm thường và làm dung tục hóa loại hình nghệ thuật cao quý và trong sáng khi tổ chức biểu diễn để làm cái việc "3 trong 1" là vừa ăn, vừa nghe, vừa xem... Hình thức biểu diễn quan họ ở các quán ăn, nhà hàng cũng cần nên được xem xét cẩn trọng và dẹp bỏ kịp thời.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Viện Văn hóa - Văn nghệ Việt Nam, tuy đắm say với quan họ nhưng ông cũng thẳng thắn thừa nhận hiện tượng rất nóng của quan họ bây giờ là thiếu liền anh, và ông đã dí dỏm gọi vui là "cháy liền anh"...

Quyển sổ của nghệ nhân Nguyễn Văn Cách ghi những bài quan họ cổ mà ông đã sưu tầm.

Ngay cả vùng đất quan họ cổ, hiện tượng thiếu liền anh một cách trầm trọng để đến nỗi liền chị phải chịu cảnh "lẻ loi, hững hờ"... Giải quyết vấn đề khúc mắc này, quyết không để quan họ bị mai một và thất truyền, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quýnh cùng các chị hai quan họ tại các làng quan họ cổ tâm huyết đã đưa ra ý tưởng, đưa quan họ vào phổ cập trong những môn học tại các trường phổ thông cơ sở và trung học phổ thông tại TP Bắc Ninh, thành môn học chính khóa bắt buộc.

Các chị hai quan họ sẵn sàng đứng ra dạy hát quan họ tại các trường thuộc phạm vi của mình lưu trú. Với bầu nhiệt huyết sẵn có các chị hai quan họ tin tưởng sẽ thổi lửa cho các học sinh biết trân trọng, nâng niu và có trách nhiệm với di sản độc đáo của riêng vùng đất thiên nhiên ban tặng cho Kinh Bắc này. Mong sao, trong tương lai không xa, giải pháp về bảo tồn và phát triển quan họ này sớm trở thành hiện thực

Mỹ Hiền
.
.