Quản lý đào tạo, sát hạch GPLX: "Vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Thứ Tư, 30/01/2019, 19:28
Người nghiện ma túy, đang bị truy nã và nhiều vướng mắc khác nhưng vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX). Đó là những vi phạm "chết người" trong công tác đào tạo, sát hạch GPLX.

Điều đáng nói, chính những sơ hở, vi phạm đó đã gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, bị thương. Chỉ trong tuần đầu ra quân tổng kiểm soát xe từ 8 chỗ trở lên, xe tải, xe container, lực lượng chức năng đã phát hiện 37 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.

Những vụ tai nạn đau lòng do lái xe "có vấn đề"

Chỉ trong ít ngày đầu năm 2019, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Vụ thứ nhất xảy ra vào chiều 2-1, tại ngã tư Bình Nhật, thuộc địa phận xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, Long An, khi các phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ thì xe container đã tông thẳng vào khiến 4 người chết, hàng chục người bị thương. Lái xe gây tai nạn liên hoàn được xác định là Phạm Thành Hiếu, SN 1987, trú ở Bến Lức, Long An. Sau khi gây tai nạn, lái xe đã rời  khỏi hiện trường, 10 tiếng sau mới ra trình diện nhưng qua kiểm tra, nồng độ cồn của Phạm Thành Hiếu vẫn vượt quá 2 lần so với quy định và dương tính với ma túy.

Tiếp đó, ngày 21-1, trên QL5, đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương, đoàn cán bộ xã Kim Lương trong khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ đã bị xe container tông vào khiến 8 người chết, 8 người bị thương. Lái xe là Lương Văn Tâm, 28 tuổi, trú ở xã Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cũng dương tính với ma túy.

Trước đây, vào ngày 7-5-2012, trên QL14 thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, xe ô tô khách BKS 47V-2371 khi đang lưu thông hướng Đắk Lắk - Đắk Nông đã lao xuống sông Sêrêpôk khiến 34 người chết, 22 người bị thương vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người, đặc biệt là gia đình các nạn nhân và những người làm công tác cứu hộ. 

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định lái xe là Phạm Ngọc Lâm, SN 1970, trú ở Khánh Hòa là đối tượng nghiện ma túy. Điều đáng nói là Lâm bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 8 năm tù giam nhưng không hiểu lý do gì, trong thời gian đang chấp hành án tại trại giam, Lâm vẫn được đổi GPLX (trong khi quy định đổi GPLX phải có ảnh chụp trước 6 tháng và giấy khám sức khỏe do cơ quan thẩm quyền cấp).

Vụ lật xe ô tô ở Núi Guộc, Nghệ An vào năm 2013 cũng khiến mọi người hết sức bất ngờ và bức xúc khi lái xe bị cụt 1 chân.

Hàng nghìn GPLX không có người nhận, vì sao?

Hiện nay, tại các phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) của tất cả các địa phương trong cả nước đều đang lưu giữ hàng trăm nghìn GPLX nhưng không có người đến nhận. Thống kê trong 2 năm gần đây đã có tổng số 159.515 hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Trong đó, có 122.137 trường hợp (585 GPLX ô tô) bị tạm giữ để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời gian hẹn mà người vi phạm không đến nhận, xử lý; 37.378 trường hợp đã hết thời hạn tước quyền sử dụng GPLX nhưng người vi phạm không đến nhận lại. Nhiều địa phương tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn GPLX như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An... khiến các tủ hồ sơ của phòng CSGT bị quá tải.

Kiểm tra giấy tờ lái xe.

Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang tồn đọng hàng nghìn GPLX không có người đến nhận, mặc dù cán bộ xử lý đã gửi thông báo đến người vi phạm yêu cầu đến làm việc theo quy định nhưng đều "bặt  vô âm tín". Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân người vi phạm. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Tuy nhiên, những lái xe trên không đến nộp phạt, cũng không nhận lại GPLX.

Rõ ràng, với hàng trăm nghìn GPLX tồn đọng trên, chắc chắn hơn 100 nghìn người vi phạm không phải ai cũng bỏ luôn việc lái xe, thậm chí, có thể tất cả trong số họ vẫn tiếp tục lái xe. Nhưng, lý do họ không đến nhận vì việc làm lại, thi lại GPLX quá dễ dãi, số tiền bỏ ra để xin cấp lại, thi lại ít hơn số tiền họ bị nộp phạt nên họ sẵn sàng "lách luật".

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã phát hiện không ít trường hợp có đến 2-3 GPLX cùng tồn tại song song. Điển hình như trường hợp ông Đặng Hữu Bình ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam sử dụng cùng lúc 2 GPLX do sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng cấp. Trong thời gian ông Bình đang bị Công an Thừa Thiên Huế tạm giữ GPLX hạng B2 do bị vi phạm thì ông lại được Sở GTVT Đà Nẵng cấp GPLX hạng C. "Oan gia ngõ hẹp" khi ông Bình lại bị CSGT Thừa Thiên Huế phát hiện vi phạm nên đã lập biên bản thu hồi 1 GPLX. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định sau khi bị tạm giữ GPLX hạng B2, ông Bình đã đến cơ sở đào tạo khác cũng tại TP Đà Nẵng học GPLX hạng C và vẫn được Sở GTVT cấp GPLX sau khi sát hạch.

Trường hợp ông Đặng Ngọc Doanh ở TP Hồ Chí Minh sử dụng GPLX số 790039247520 hạng C do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp ngày 16-7-2015, đến ngày 29-7-2016 ông Doanh điều khiển phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ bị CSGT lập biên bản nhưng không đến nộp phạt. Sau đó, lực lượng chức năng phát hiện ông Doanh đã được sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp lại GPLX. Lý do ông Doanh không đến nộp phạt vì lỗi của ông bị xử phạt nhiều tiền hơn nhiều so với tiền làm thủ tục xin cấp lại GPLX.

Nhiều lái xe cho rằng việc cấp lại GPLX quá dễ dàng, ít tốn kém, trong khi số tiền họ bị xử phạt rất cao, nhất là các lỗi về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ có thể lên đến hàng chục triệu đồng nên họ không đến nộp phạt như trường hợp của ông Doanh.

Theo thống kê của cục CSGT, trong 2 năm 2015-2016, CSGT Công an các địa phương đã gửi thông báo 211.149 trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX đến cơ quan đã cấp theo quy định của pháp luật nhưng chỉ nhận được 2.722 trường hợp phản hồi (chiếm 1,3%) còn 208.427 trường hợp (chiếm 98,7%) chưa nhận được các thông tin phản hồi của các cơ quan cấp giấy phép.

Nhiều vi phạm trong đào tạo, sát hạch GPLX

Rõ ràng, trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân lái xe thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng xử lý tình huống kém đã phản ánh chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX còn hạn chế, thậm chí tiêu cực. Bên cạnh đó, phương tiện dùng cho đào tạo, sát hạch GPLX còn cũ nát, lạc hậu, không cập nhật kịp thời công nghệ mới khiến lái xe khi ra thực tế gặp nhiều bỡ ngỡ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

CSGT hiện giữ hàng trăm nghìn giấy phép lái xe.

Qua thực tế công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT chỉ được tạm giữ 1 trong các loại giấy tờ để đảm bảo việc xử phạt (theo thứ tự: GPLX, đăng ký xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), nhưng mức tiền xử phạt cao, trong khi thủ tục cấp lại GPLX tại các sở GTVT đơn giản, lệ phí thấp nên người vi phạm không đến nộp phạt mà báo mất để xin cấp lại.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng công tác quản lý đào tạo lái xe không đáp ứng được yêu cầu, chạy theo giá trị thiếu chuẩn mực (cạnh tranh giá học phí, theo dõi thời gian học lỏng lẻo, nhiều người không muốn học nhưng lại muốn có giấy phép...). Trong bài thi cấp GPLX thì lỗi dẫn đến không đạt nhiều nhất là lỗi trên sa hình, nhưng lỗi này không phải là lỗi chính dẫn đến TNGT. Trong khi nội dung quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT là kỹ năng đi trên đường thì việc sát hạch đường trường lại rất ít bị trượt, rất cảm tính. "Ở nước ngoài, sát hạch đường trường rất khó và sát hạch viên phải đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và công tâm. Họ phải là "quan tòa" để đánh giá kết quả thi trước đó (lý thuyết và sa hình), còn chúng ta thì không" - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Sai phạm trong đào tạo, sát hạch GPLX phải nói là khá phổ biến, lực lượng Công an cũng đã điều tra, xử lý một số vụ nghiêm trọng. Điển hình như tại Sơn La, qua công tác nắm tình hình, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La và phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện tại Trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục dạy nghề huyện Thuận Châu có nhiều sai phạm nên đã lập chuyên án đấu tranh. 

Qua đó, đã bắt 7 đối tượng thuộc trung tâm sát hạch và Công ty CP xây dựng công trình giao thông 1, thuộc Sở GTVT Sơn La đã câu kết với 2 đối tượng bên ngoài lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong tổ chức sát hạch GPLX. Cụ thể, lợi dụng tâm lý đa số bà con dân tộc thiểu số muốn có GPLX nhưng không biết Luật Giao thông, các đối tượng bên ngoài đã móc nối với cán bộ lập hồ sơ khống của các thí sinh (thí sinh không phải học, chỉ dự thi phần lý thuyết nhưng để trống bài thi sau đó sát hạch viên tích kết quả). Mỗi người đăng ký để được cấp GPLX phải nộp từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Tại Đắk Lắk, qua công tác nghiệp vụ, phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 50 giáo viên ở 5 trường, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH và bổ túc PTTH giả để làm hồ sơ làm giáo viên dạy thực hành lái xe và theo học các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ dạy thực hành lái xe ô tô. Như vậy, ngay chính những "người thầy" này đã không đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để đào tạo lái xe thì làm sao có thể đào tạo các học viên có đủ kỹ năng, trình độ lái xe được? Ngay sau khi phát hiện các trường hợp sử dụng bằng giả, Công an Đắk Lắk đã có công văn đề nghị sở GTVT xử lý theo quy định.

Cần tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp GPLX

Rõ ràng, công tác đào tạo, sát hạch GPLX đang có vấn đề. Từ năm 1995 trở về trước, lực lượng Công an tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX, đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, bởi vì khi xử phạt vi phạm cũng đồng thời theo dõi quản lý được lịch sử lái xe vi phạm, chấm điểm được quá trình lái xe để có các biện pháp giám sát chặt chẽ lái xe.

Hiện nay, công tác đào tạo, sát hạch lái xe đều do ngành GTVT quản lý theo kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi",  đào tạo quá dễ dãi và sát hạch cũng sơ hở, dễ dãi không kém nên rõ ràng chất lượng, đạo đức lái xe không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc cấp lại GPLX của các sở GTVT cũng quá dễ dàng, không trao đổi lại với CSGT, thậm chí trong hơn 100 nghìn trường hợp CSGT đã có công văn trao đổi nhưng cũng không nhận được câu trả lời dẫn đến việc xử phạt hành chính không thực hiện được, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX. Nên tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do hai lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa. "Theo kinh nghiệm của một số nước (Nhật Bản, Singapore...) là những nước có hệ số an toàn giao thông cao thì việc đào tạo do cơ quan quản lý về giao thông chịu trách nhiệm còn sát hạch thuộc về lực lượng Cảnh sát vì lực lượng Cảnh sát nắm bắt được quá trình hoạt động của người lái xe như thói quen, các lỗi vi phạm thường gặp, đặc điểm giao thông của các vùng, miền..." - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có kết luận các giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian tới, trong đó yêu cầu việc cấp lại GPLX phải có ý kiến của lực lượng CSGT. Đây là chủ trương đúng nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe bị tước, tạm giữ GPLX báo mất để xin cấp lại.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng vừa ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác đảm bảo ATGT, kết nối chia sẻ dữ liệu trong công tác đảm bảo TTATGT, quản lý lái xe, lái tàu, phương  tiện, xử lý vi phạm...

Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo hai Bộ, sự hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc triển khai Kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an  chưa thể thực hiện ngay.

Phương Thủy
.
.