“Quảng virus” và sự nổi tiếng không mong đợi

Thứ Sáu, 16/05/2008, 08:00
Vào Internet, chỉ cần gõ tên Nguyễn Tử Quảng, sau 0,29 giây, bạn có thể tìm thấy 54.100 thông tin có liên quan đến anh, ngang ngửa với thông tin về... hoa hậu. Nguyễn Tử Quảng là một trong số không nhiều người Việt Nam trẻ tuổi có tên trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trong đó ghi: "Nguyễn Tử Quảng là một người nổi tiếng tại Việt Nam".

Mà Quảng nổi tiếng từ rất sớm khi 20 tuổi đã phát minh ra phần mềm diệt virus Bkav, khi 25 tuổi trở thành Giám đốc Trung tâm An ninh mạng của một trường đại học danh tiếng là Đại học Bách khoa Hà Nội và bây giờ anh 33 tuổi là chuyên gia đầu ngành về virus máy tính.

Nhưng lý do tôi đến gặp Quảng không chỉ bởi sự nổi tiếng của anh mà bởi vì tôi muốn đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi: Tại sao người thanh niên trẻ tuổi, sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở một vùng quê nghèo lại không bán phát minh của mình cho nước ngoài, tại sao anh không chọn con đường du học như cách thông thường mà quyết định ở lại Việt Nam, cung cấp miễn phí phát minh của mình cho hàng triệu triệu lượt người sử dụng máy tính trong suốt 11 năm qua?

Và Quảng ngồi trước mặt tôi trong một căn phòng bài trí giản dị tại trụ sở của Trung tâm An ninh mạng (gọi tắt là BKIS)  tọa lạc trên tầng 5 của tòa nhà công nghệ cao nằm trong khuôn viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Khác nhiều so với tưởng tượng về một người nổi tiếng, Quảng không complê, cà vạt, không kính cận dày cộp, không nói năng trịnh trọng.

Đầu húi cua trọc lốc, vận áo phông, quần bò, Quảng gọi tôi là “chị”, xưng “em” một cách thật giản đơn. Chàng trai này dường như không có chuẩn bị gì để làm người nổi tiếng. Phương châm sống của Quảng, bây giờ trở thành slogan của BKIS, được treo trang trọng ngay trang chủ của website và ngoài cửa trụ sở là: “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”.

Thực tế đã chứng minh điều đó là hoàn toàn đúng. Quá khứ của Quảng là một tuổi thơ nghèo tại thị xã Ninh Bình bé nhỏ. Là con trai lớn trong một gia đình sinh đẻ... vượt kế hoạch, cả nhà trông vào đồng lương giáo viên ít ỏi của cha, 14 tuổi Quảng từ quê lên Hà Nội học chuyên toán Đại học Sư phạm Hà Nội 1, hành trang của Quảng không có gì ngoài khát vọng học tập.

Lúc ấy, cậu bé gầy gò, đen thui, chỉ cao có 1,4m không bao giờ nghĩ đến mục đích học để làm người nổi tiếng mà chỉ đơn giản học toán để thỏa mãn sự say mê với những con số.

Tốt nghiệp phổ thông chuyên toán, Quảng thi đậu vào Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Quảng chọn công nghệ thông tin để học cũng không phải vì đó là một ngành hot, dễ kiếm tiền và dễ nổi tiếng như quan niệm của nhiều người bây giờ mà cũng đơn giản chỉ vì Quảng rất say mê máy tính.

Mà những năm 1987-1988 máy tính đối với người Việt là một thứ gì đó xa lạ và xa xỉ. Học chuyên toán ở trường đại học tận Hà Nội, nơi tập trung tất cả những thứ tinh hoa nhất, Quảng mới may mắn có được cơ hội tiếp xúc với máy tính “chứ nếu em học ở quê thì lúc đó làm sao biết được cái vi tính là cái gì”, như cách nói bông lơn của Quảng. Thậm chí lúc ấy, ngay cả những gia đình giàu có ở thủ đô cũng chưa mấy nhà có máy tính cá nhân.

Ấy thế mà năm 1995, khi đang học năm thứ ba Khoa Công nghệ thông tin, Quảng dám viết thư về quê xin cha mẹ một chiếc máy tính. Chiếc máy vi tính thời đó trị giá hơn hai cây vàng, đắt ngang với một chiếc xe máy. Đối với một gia đình nhà giáo như cha mẹ Quảng, khoản tiền ấy quả là quá lớn.

Thế mà chỉ độ một tháng sau, không hiểu bằng cách nào, cha mẹ Quảng đã thu xếp đủ 10 triệu đồng gửi lên cho Quảng để mua máy tính. Sau này, về quê, thấy cha mẹ vất vả Quảng bỗng thấy ân hận. Quảng không dám nói lời xin lỗi mà chọn cách viết một lá thư gửi về nhà để xin lỗi cha mẹ.

Nhưng Quảng không có lỗi. Chiếc máy vi tính đầu tiên ấy sau này không chỉ là một báu vật trong cuộc đời Quảng mà còn gắn liền với một dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành công nghệ thông tin còn non trẻ của Việt Nam. Trên chiếc máy tính này, Nguyễn Tử Quảng đã viết ra phần mềm diệt virus đầu tiên, lấy tên là Bkav.

Lúc ấy, Quảng viết Bkav không với niềm hy vọng sẽ nổi tiếng vì nó,  mà đơn giản Quảng chỉ coi đó là một món quà tặng cho bạn bè cùng lớp vì viruts là một thứ vấn nạn đối với tất cả những người dùng computer.

Bản thân Quảng và tất cả các bạn bè trong lớp đều khốn khổ vì virus máy tính. Không chỉ làm cho một chiếc máy trở nên vô dụng không hoạt động được mà thậm chí khi khôi phục được thì ôi thôi dữ liệu đã bị virus ăn mất hết cả. Có bạn làm bài tập trên máy, hì hụi cả tháng trời, đến lúc gần xong thì máy bị virus, mất hết toàn bộ, chỉ còn mỗi cái màn hình trắng trơn.

Bkav diệt virus của Quảng lúc ấy như một thứ cứu cánh cho những người dùng để chống lại sự phá phách của virus máy tính. Cùng nghiên cứu với Quảng còn có hai người bạn nữa, một người bây giờ đã là chủ của một doanh nghiệp tư nhân, một  người đã làm xong tiến sĩ ở Pháp và về giúp Quảng phụ trách mảng đào tạo ở BKIS.

Tiếng lành đồn xa, Bkav lúc đầu Quảng viết chỉ để tặng các bạn trong lớp, sau rồi người nọ mách người kia tìm đến Quảng. Thời ấy, ở Việt Nam chưa có mạng Internet nên không thể tung lên mạng để ai thích thì Download về dùng đơn giản như bây giờ, mà chỉ có cách thủ công là đem đĩa mềm đến Quảng xin copy về cài đặt trên máy để dùng.

Số người đến xin nhiều quá, Quảng không tiếp xuể nên mới nghĩ ra cách thông qua Tạp chí Thế giới Vi tính PCWorld (phía Nam) và Tạp chí Tin học và Đời sống (phía Bắc). Người sử dụng máy tính hàng ngày đến tòa soạn của 2 tạp chí để copy bằng đĩa mềm, sau đó truyền tay nhau  để cài đặt sử dụng. Quảng cũng để lại số điện thoại của Quảng và hai người bạn cùng nhóm để những người dùng khi cần có thể được trợ giúp. --PageBreak--

Quảng cứ làm, hoàn toàn miễn phí như thế như một thứ nhu cầu tự thân muốn giúp đỡ mọi người chống lại những phiền toái do virus gây ra mà không hề có ý định bán lại phần mềm này để lấy tiền. Cho dù, lúc ấy đối với một sinh viên đại học tỉnh lẻ như Quảng, chuyện áo cơm không phải chuyện đùa. Cha mẹ Quảng đến tận lúc ấy vẫn phải chắt chiu từng đồng lương ít ỏi gửi từ quê lên Hà Nội cho Quảng ăn học và... nghiên cứu phát triển Bkav. Tôi đã đặt câu hỏi: “Tại sao?” với Quảng và câu trả lời: “Đơn giản, em chỉ coi đó như một thứ quà tặng”.

Hai năm sau, năm 1997 Quảng tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc và được giữ lại Trường đại học Bách khoa Hà Nội làm giảng viên Khoa Công nghệ thông tin. Lúc này, ở Việt Nam đã bắt đầu có mạng Internet. Tháng 7/1997, Bkav công bố phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên: AV-ONLINE, tích hợp vào mạng Trí tuệ Việt Nam.

Cũng do có mạng Internet nên virus lây lan với tốc độ chóng mặt, hoành hành ác liệt: ăn cắp mật khẩu, phá phách hệ thống máy tính, hệ thống mạng. Mỗi ngày Quảng và hai người bạn cùng nghiên cứu trong nhóm nhận được hàng trăm cuộc gọi và e-mail từ khắp cả nước gửi về nhờ trợ giúp về virus máy tính.

Nhưng như đã nói ở trên, Bkav hoạt động phi lợi nhuận, chỉ đơn giản là một món quà và công việc chính của Quảng là hàng ngày lên lớp giảng dạy ở Trường đại học Bách khoa. Vì thế, thời gian này, Quảng bị cộng đồng mạng gọi là “Mr Hứa”. Bởi lẽ, qua điện thoại Quảng hứa là sẽ trợ giúp nhưng cuối cùng cũng chỉ giúp được một số người thôi bởi công việc quá tải, Quảng và hai người bạn trong Bkav không thể kham nổi.

Quảng kể, ngay đến tận lúc ấy, Quảng cũng không thể ngờ rằng món quà tặng Bkav ấy lại biến Quảng thành một người bận rộn và được nhiều người biết đến vậy. Thậm chí cũng rất “cay mũi” khi bị gọi là “Mr Hứa” và cũng chính bởi sự bất lực đã khiến anh phải trăn trở rất nhiều để tìm ra phương cách làm thế nào để công việc hỗ trợ mọi người được hiệu quả?

Cũng thời điểm đó, các nguy cơ an ninh mạng tại Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ có cách phải tăng thêm người, phải có cơ sở hạ tầng và có chi phí vận hành. Tuy nhiên, công việc từ trước tới thời điểm này hoàn toàn là phi lợi nhuận, nên việc tăng nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành là bài toán nan giải. Sau nhiều ngày trăn trở, Quảng quyết định chỉ có cách thương mại hóa Bkav thì mới giải quyết được khó khăn này.

Và, cuối cùng Quảng đành đánh liều lên gặp GS-TS Hoàng Văn Phong, lúc đó là Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội (bây giờ là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ), đề đạt nguyện vọng xin nhà trường cho phép  thành lập một trung tâm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh hệ thống mạng Internet (trong đó việc cung cấp phần mềm diệt virus chỉ là một phần việc).

Lúc ấy là năm 2000. Bây giờ ngẫm lại mới thấy là liều chứ lúc đó đối với Quảng đơn giản chỉ là thấy việc làm ấy tốt cho cộng đồng thì đề xuất thôi chứ chả có thâm ý gì lớn lao hơn.

Không ngờ, chỉ độ hai tháng sau, nguyện vọng của Quảng được thầy Phong đồng ý. Bây giờ trong câu chuyện với tôi, dù GS-TS Hoàng Văn Phong đã là Bộ trưởng nhưng Quảng vẫn luôn miệng gọi là “thầy Phong” với tất cả sự hàm ơn mà nói như Quảng thì “nếu thầy Phong lắc đầu thì sẽ không bao giờ có được một BKIS lớn mạnh như bây giờ”.

Các chuyên gia của BKIS đang phân tích virus.

Và, còn bất ngờ hơn là thầy Phong tin tưởng giao cho Quảng làm Giám đốc trung tâm này. Nhiều người đánh giá đây là một quyết định dũng cảm bởi vì thông thường làm quản lý một trung tâm thuộc một trường đại học danh tiếng như Bách khoa thì phải có học hàm học vị cao, phải có kinh nghiệm quản lý. Thế mà lúc đó Quảng mới 25 tuổi, thuộc hàng ngũ những giảng viên trẻ nhất trường; học vị cũng mới chỉ là thạc sĩ và... vẫn chưa là đảng viên.

Và BKIS đã ra đời như thế. Lúc đầu, BKIS được Trường đại học Bách khoa cấp cho hai căn phòng, 10 chiếc máy tính và bao cấp cho toàn bộ tiền điện, nước, điện thoại, Internet. Những lứa sinh viên giỏi nhất trong Khoa Công nghệ thông tin được Quảng chọn về BKIS đào tạo, vừa học vừa nghiên cứu. Sau 5 năm chuẩn bị, lực lượng đã sẵn sàng, bao gồm: Hơn 50 chuyên gia phân tích virus, hàng trăm kỹ thuật viên hỗ trợ khách hàng.

Tháng 7/2005, thành lập Bkav Research Center - Trung tâm Nghiên cứu virus.

Tháng 11/2005, phiên bản thương mại đầu tiên được đưa ra thị trường: Bkav 2006. Thời điểm đó, việc mua, bán phần mềm tại Việt Nam còn chưa phổ biến. Hình thức bán Bkav là qua mạng.

 Năm 2007, Bkav phát hành các bộ sản phẩm mới: BkavEnterprise và BkavGateway - là các giải pháp phòng chống virus tổng thể dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Trung tâm Bkav Contact Center dựa trên bộ phận Hỗ trợ khách hàng cũ để đáp ứng với lượng khách hàng ngày càng tăng. Thiết lập 48 đại lý tại Hà Nội (Trần Anh, Đăng Khoa, Ben, Mai Hoàng...), 91 đại lý tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam và 65 đại lý tại TP HCM. Tính đến thời điểm này, tổng cộng có 212 đại lý tại 54 tỉnh, thành.

Bkav bây giờ đã trở thành thương hiệu. Sau 8 năm là quà tặng miễn phí, Bkav mới trở thành phần mềm thương mại với giá bán chỉ có 299 nghìn đồng cho một năm sử dụng. Tuy nhiên, song song với thương mại Bkav vẫn có phiên bản miễn phí cho người sử dụng. BKIS bây giờ có đến hơn 200 kỹ sư nhân viên. Mức lương mà Trung tâm trả cho các kỹ sư cao không kém gì các doanh nghiệp nước ngoài.

Bkav từ một món quà Quảng viết để tặng bạn bè đã mang lại nhiều vinh quang cho Quảng. Anh đã được phong Hiệp sĩ công nghệ thông tin và trở nên nổi tiếng vì nó. Nhưng điều quan trọng hơn là ích lợi của Bkav mang lại cho cộng đồng.

Mới đây, khi Bộ Công an thành lập Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, các kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu virus còn có thêm nhiệm vụ trợ giúp, phối hợp với Cơ quan Công an trong các cuộc truy tìm tội phạm có liên quan đến công nghệ cao. Quảng gọi, đó là một vinh dự...

Đặng Huyền
.
.