Quốc gia biển và chính sách bảo tồn văn hóa biển

Thứ Sáu, 01/07/2011, 08:20

Nằm trong chương trình hoạt động của Festival Biển Khánh Hòa 2011 tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, Hội thảo “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới học giả, trí thức trong và ngoài nước. Hội thảo đã quy tụ được 64 báo cáo khoa học.

Tham luận “Quốc gia biển và chính sách bảo tồn văn hóa biển” của TS. Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, được chọn là 1 trong 3 tham luận trình bày tại phiên hội nghị toàn thể của Hội thảo. Bài viết sau đây được chính tác giả hoàn thiện và gửi đến độc giả Chuyên đề ANTG, trên cơ sở nội dung của tham luận đã trình bày.

Người Việt với biển

Với 3.260 km bờ biển trải dọc theo chiều dài đất nước và hơn 2.800 hòn đảo, bãi đá ngầm được tuyên bố chủ quyền, cùng với 29 triệu cư dân có cuộc sống gắn liền với biển, Việt Nam thực sự là một quốc gia biển.

Dấu ấn của biển đã hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời kỳ tiền sử. Những di chỉ "đống vỏ sò" hay "cồn sò điệp" trong các nền văn hóa khảo cổ như: văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… là những dấu tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử trú ở ven biển. Những hoa văn "dấu vỏ sò" trên đồ gốm chính là dấu vết của biển trong đời sống kinh tế - xã hội của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh ở Trung bộ Việt Nam. Từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên của người Việt đã xác định được vai trò "kinh tế biển" đối với đời sống của họ.

Người Việt đã biết dùng nước biển để làm muối từ hàng ngàn năm trước và kỹ thuật làm muối của người Việt cũng vô cùng độc đáo: nấu nước biển để lấy muối. Chính vì thế, mà trong khi người Hoa gọi dân làm muối là diêm dân, thì người Việt lại gọi người làm muối là táo hộ hay táo công. Cách thức làm muối độc đáo ấy không chỉ được phản ánh trong sách Đại Việt sử ký toàn thư mà còn được chứng thực bởi nghề làm muối ở làng Nại Hiên (thành phố Đà Nẵng).

Người Việt còn biết chế biến những sản phẩm của biển thành những "đặc sản" để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực. Nước mắm là "thành tựu" vĩ đại nhất mà người Việt đã phát minh trong quá trình sống chung với biển.

Người Việt còn chinh phục biển bằng cách "quai đê, lấn biển", "thau chua, rửa mặn". Sự hình thành hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) vào thời Nguyễn (1802 - 1945) gắn liền với tên tuổi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một minh chứng điển hình.

Từ thế kỷ XVI - XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các lân bang như Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Nam Dương, Xiêm La… Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc trên những vùng biển đảo xa xôi.

Trưng bày tái hiện Lễ Cầu ngư tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Những chuyến vượt biển ấy chính là tiền đề cho một ngành đóng thuyền phát triển mạnh mẽ vào thời chúa Nguyễn (1558 - 1786), thời Tây Sơn (1771 - 1802) và thời Nguyễn. Theo Thomas Bowyear, một nhà buôn người Anh đến Đàng Trong trong 2 năm 1695 - 1696, thì lực lượng thủy quân ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có đến 200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo; 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo… và những chiến thuyền này đều do xưởng thuyền của phủ chúa đóng. Nhờ vào lực lượng thủy quân hùng mạnh này mà quân đội của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An, ở gần Huế) vào năm 1644.

Người Việt không chỉ đóng thuyền để lưu thông và chinh phục biển khơi mà còn đóng thuyền để xuất khẩu sang các nước láng giềng. Năm 1789, Nguyễn Ánh đã sai người đóng 40 đại chiến thuyền và hơn 100 ghe bầu cung cấp cho Xiêm La để đổi lấy vũ khí và sắt thép. Từ nửa sau thế kỷ XVIII, thương nhân người Hoa đã đến Đàng Trong thuê người Việt đóng thuyền để chở lúa gạo từ Nam Bộ đưa về Trung Quốc, bán cả thuyền lẫn gạo. Việt Nam còn bán cho cả thương nhân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tàu thuyền do người Việt đóng lúc ấy đã đạt trình độ kỹ thuật cao khiến người phương Tây phải khâm phục.

Viên trung úy hải quân người Anh John White đến Việt Nam vào năm 1819 đã nhận xét trong cuốn hồi ký “A Voyage to Cochinchina” (Hành trình đến Nam Kỳ) rằng: "Một đất nước có những chuyên gia tài giỏi, có thể đóng những con tàu tốt là thế, thì phải là một dân tộc đi biển rất cừ khôi".

Một quốc gia biển phải có chính sách bảo tồn văn hóa biển

Các quốc gia láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển tích cực và hữu hiệu. Tháng 10-2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) tham dự Hội thảo Nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên do Viện Nghiên cứu về Tương tác Văn hóa (Đại học Kansai phối hợp với Đại học Ryukyu tổ chức). Tại hội thảo này các học giả Nhật Bản và Hàn Quốc đã trình bày những tham luận cho thấy từ nhiều thế kỷ qua, Nhật Bản và Triều Tiên (sau này là Hàn Quốc) đã có chính sách nhất quán và đắc dụng trong chinh phục và khai thác biển, cũng như trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển. Các chính sách này góp phần tạo nên tâm lý "hướng biển", kích thích hoạt động khai thác biển và nuôi dưỡng lòng tự hào về thành tựu chinh phục biển cho các thế hệ người dân Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ban tổ chức đã mời các học giả đi tham quan các bảo tàng và di tích lịch sử liên quan đến nghề đi biển và văn hóa biển. Tại Bảo tàng Okinawa, người hướng dẫn đã mở đầu bài thuyết minh bằng một câu nói rất ấn tượng: "Một quốc gia biển phải có những bảo tàng về văn hóa biển. Bảo tàng Okinawa là một bảo tàng như thế. Và chúng tôi rất tự hào về nền văn hóa biển của vương quốc Ryukyu được trưng bày và bảo tồn trong bảo tàng này".

Ryukyu (Lưu Cầu) là tên gọi trước đây của quần đảo Okinawa, một vương quốc tồn tại độc lập với đế chế Nhật Bản. Người Ryukyu coi hải thương và khai thác biển là những nghề chính để mưu sinh. Hàng trăm năm trước, người Ryukyu đã dong thuyền đi lên các vùng biển Hoa Nam và Hoa Đông, biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải, xuống tận vùng biển Đông Nam Á để buôn bán và đánh bắt hải sản. Họ sống nhờ vào biển cả nên ý thức chủ quyền của họ đối với biển cả được xác lập từ rất sớm (thông qua các văn kiện được trưng bày trong Bảo tàng Okinawa). Biển in đậm dấu vết lên đời sống kinh tế - xã hội, lên nền văn hóa vật thể và phi vật thể của đảo quốc Ryukyu. Tất cả đều được tái hiện một cách sống động, thông qua các hiện vật, tư liệu thành văn, phim ảnh và những tổ hợp kiến trúc phục dựng trong Bảo tàng Okinawa.

Bảo tàng Hải dương học và Bảo tàng Tàu thuyền là nơi trưng bày tất cả những gì liên quan đến biển và cách thức người Ryukyu "sống chung" với biển. Chúng tôi cũng được mời đi khảo sát các bến cảng cổ ở Okinawa, thăm các ngôi mộ cổ của cư dân Ryukyu nằm trên triền một ngọn núi sát bến cảng Unten, thăm các ngôi nhà truyền thống của người Ryukyu có tường rào bằng đá bao quanh và có bức bình phong án ngữ phía trước để ngăn những cơn gió chướng trong mùa biển động khỏi thốc vào nhà…

TS. Lee Chul-han, đến từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Văn hóa Hải dương ở Mokpo (Hàn Quốc) giới thiệu một loại thuyền cổ của Triều Tiên, gọi là geobukseon (thuyền rùa). Đây là loại thuyền chiến bọc sắt đầu tiên ở châu Á, do Đô đốc Yi Sun-sin của Triều Tiên phát minh và được sử dụng trong những cuộc hải chiến chống lại quân xâm lược Nhật Bản trong các năm 1592 - 1598. Geobukseon là niềm tự hào của người Triều Tiên và hình ảnh loại thuyền rùa này đã được in trên tờ giấy bạc 10 won của Hàn Quốc. Ông Chung Ju-yung, người sáng lập Tập đoàn Hyundai, đã sử dụng hình ảnh chiếc thuyền rùa trên tờ 10 won như một "bảo chứng quốc gia" để vay 80 triệu USD của Ngân hàng Barclays (Anh) để phát triển công nghiệp đóng tàu của Hyundai và biến Hyundai thành một thương hiệu toàn cầu trong ngành đóng tàu.

Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đang chủ trương xây dựng nước ta thành một "quốc gia biển". Đó là một chủ trương đúng, nhưng các chính sách do nhà nước đề ra nhằm quảng bá hình ảnh và xây dựng Việt Nam trở thành một "quốc gia biển" thì chưa thực sự đắc dụng và hiệu quả như ở các nước láng giềng.

Tâm lý "sợ biển", "quay lưng với biển" là một hiện thực lịch sử trong thái độ ứng xử với biển của người Việt. Tâm lý ấy là một trở ngại trong chiến lược xây dựng Việt Nam trở thành một "quốc gia biển" hùng mạnh trong khu vực. Người Việt chỉ có thể từ bỏ tâm lý "sợ biển" và thay đổi cách ứng xử với biển theo hướng tích cực một khi tiềm năng và nguồn lợi của biển được khai thác một cách an toàn và hiệu quả, nghề đi biển được bảo trợ và tôn vinh. Và quan trọng là, nhà nước phải có một chính sách bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa biển một cách thiết thực và hiệu quả.

Trưng bày ghe thuyền và ngư cụ tại Bảo tàng Okinawa.

Ngày trước, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không chỉ chăm lo phát triển ngành đóng thuyền mà còn chú trọng đến vấn đề xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với những đảo và quần đảo ở ngoài khơi như Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa), Côn Lôn, Phú Quốc… Các chúa Nguyễn cũng đã phái những thương thuyền đi buôn bán, giao lưu với các "quốc gia biển" trong khu vực, vừa để mở rộng bang giao, vừa để phô trương thanh thế của mình. Những người có công lao trong việc khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì được tôn vinh là những "hùng binh" và được triều đình khen thưởng khi họ còn sống, được sắc phong và thờ tự sau khi họ qua đời. Dấu vết của nền văn hóa biển còn được phản ánh trong các bộ sách do các học giả biên soạn và được triều đình cho in ấn, phát hành và lưu truyền cho đời sau như các bộ sách: Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…

Một "quốc gia biển" chỉ thực sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc và chiến lược "phát triển kinh tế biển" phải gắn liền với "bảo tồn văn hóa biển".

Hiện tại, ở nước ta chưa có một bảo tàng nào liên quan đến nghề đi biển hay truyền thống văn hóa biển của người Việt. Nhà nước cũng chưa có chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Niềm tự hào về một truyền thống văn hóa biển của người Việt đang có nguy cơ mai một trong khi tâm lý "sợ biển", "ngại biển" vẫn đang hiện hữu. Đây là một thực tế đáng buồn.

Không thể chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa biển ở trong ký ức của cộng đồng các cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn chúng trong các bảo tàng quy mô và hiện đại do Nhà nước đầu tư và thông qua các chính sách phát triển văn hóa do Nhà nước chủ trương. Cần có ít nhất một bảo tàng về ngành hàng hải ở miền Bắc, một bảo tàng về ngành đóng thuyền ở miền Nam và một bảo tàng về văn hóa biển ở miền Trung. Những bảo tàng này không chỉ là nơi lưu dấu về lịch sử khai thác và chinh phục biển của người Việt, mà là môi trường giáo dục niềm tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt.

Ngoài ra, Nhà nước phải giao cho các cơ quan hữu quan tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa biển của người Việt (cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) để định hướng bảo tồn và phát huy các di sản này sao cho hiệu quả. Cần phải ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến quá trình khai thác, chinh phục, xác lập và giữ gìn chủ quyền biển đảo; xây dựng các chương trình quảng bá di sản văn hóa biển Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Niềm tự hào về một truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác và chinh phục biển đã được tiền nhân khai mở và vun đắp, cần tiếp tục được nuôi dưỡng và trao truyền cho các thế hệ người Việt kế cận. Khi ấy thì ước vọng về một "vị thế đại dương" cho "quốc gia biển" Việt Nam mới có thể trở thành hiện thực

T.Đ.A.S.
.
.