Quy hoạch lại ngành xuất bản: Muộn còn hơn không
- Sách giáo dục cũng in lậu tràn lan
- Không ngừng đổi mới các chính sách giáo dục, đáp ứng nhu cầu hội nhập
Ngày 5/8 vừa qua, tại TP HCM đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có kết luận sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW: Ngành xuất bản đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu phát triển về số lượng sách thấp, chưa ngăn được in lậu, phát hành chưa đến vùng sâu, vùng xa. Các NXB hoạt động dựa vào liên kết còn nhiều và hầu hết các sai phạm đều nằm ở chỗ liên kết này.
Thay vì NXB có quyền lực đối với khách hàng, thực tế đang ngược lại. Nhiều NXB sống nhờ liên kết đang rơi vào khó khăn, chết lâm sàng. Vì vậy cần quy hoạch lại. Các cơ quan có trách nhiệm rà soát các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản và nêu ra những khó khăn, vướng mắc để cùng đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới. Sau quy hoạch báo chí, sẽ tính đến quy hoạch ngành xuất bản, giải thể những NXB hoạt động kém hiệu quả, không thể để tình trạng chết lâm sàng cứ tăng lên, việc sống nhờ liên kết không ổn, lệ thuộc khách hàng...
Bài toán cụt tay. |
Thực ra thì đó đã là câu chuyện muôn thuở của ngành xuất bản bấy lâu nay. Thực tế cho thấy, càng ngày, với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, văn hóa đọc đang bị xuống cấp, và để thu hút được độc giả, nhiều kệ sách ở các hội chợ, các nhà sách... đã giảm giá thê thảm, chỉ còn 5 đến 10 nghìn đồng một cuốn sách. Các NXB báo lỗ, nhân viên không có việc làm, lương thấp, những cuốn sách có giá trị dần bị thay thế bởi những cuốn sách thị trường để hút khách. Hoạt động của NXB chịu nhiều sai phạm bởi buông lỏng cho các đầu mối liên kết.
Cũng bởi vậy thời gian vừa qua, một loạt cuốn sách "có vấn đề" được nhân dân, báo chí, truyền thông phản ánh. Chẳng hạn như như bìa sách phản cảm (với hình ảnh diễn viên hài Công Lý) của cuốn sách "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" (của NXB Lao động - Xã hội) hay những cuốn sách tái bản cẩu thả, nội dung kém, tự tiện thay đổi tên sách so với tác phẩm gốc như cuốn "Văn hóa tộc người Việt Nam" (2013, tác giả Nguyễn Từ Chi) và cuốn "Văn hóa Việt Nam" (2013 của GS Trần Quốc Vượng) của NXB Thời đại.
Đại diện NXB Thời đại cũng thừa nhận khi làm hai cuốn sách này, đội ngũ biên tập đã không chấp hành nghiêm quy trình biên tập, dẫn đến việc cắt bỏ một số bài viết, sửa chữa khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Cục Xuất bản cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với những sai phạm của NXB Thời đại, trong đó có "hành vi không nộp lưu chiểu ấn phẩm xuất bản", "không xuất trình được văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả".
Sách 5.000 đồng một cuốn. |
Một loạt cuốn sách liên quan tới giáo dục cũng bị phát hiện sai phạm như cuốn sách sai về sự kiện lịch sử, chủ quyền biên giới, biển đảo (thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Phú Quốc, sử dụng minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Việt Nam...), hoặc những bài toán "đánh đố", "khó hiểu", thậm chí đi ngược lại "thuần phong mỹ tục" của người Việt như bài về "tính tuổi của bố mẹ".
Theo bài toán đó, tính ra tuổi bố em bé là 16, còn người mẹ chỉ mới 12 tuổi. Hay như bài toán về chặt ngón tay, yêu cầu học trò đếm số ngón tay trên bàn tay, sau khi đã... chặt bớt 2 ngón! Gần hơn nữa là việc một cuốn sách đồng dao kể toàn chuyện bạo lực cho con trẻ, thậm chí còn có những câu bất nhân đến độ "sinh ra rồi đập chết đem chôn"...
Hay xung quanh cuốn "Từ điển Tiếng việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất do NXB Hồng Đức phát hành năm 2013, với số lượng 15 ngàn cuốn được cho là "liều độc dược giết chết tiếng Việt". Nhiều người đã phải dùng những từ cảm thán mạnh mẽ sau khi xem cuốn từ điển này. Một loạt định nghĩa gây "sốc", ngô nghê, bi hài thậm chí là sai lệch về kiến thức nhan nhản trong cuốn sách khiến dư luận hết sức lo ngại về tính chính xác của các loại sách từ điển trên thị trường.
Chẳng hạn như: Bia là tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả; Bồ bịch là bạn bè thân thích; Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào; Đồn trưởng là trưởng đồn; Lâu đài là lầu và đền đài; Thơ ngây là ngây thơ; Cào cấu là vừa cào vừa cấu; Nắn bóp là nắn và bóp; Bế mạc là hết dứt buổi hát; Bản sắc là màu tự nhiên; Bóng đèn là bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện...
Lễ trao chứng chỉ nghề biên tập. |
Theo tìm hiểu sau đó thì cuốn sách này được sao chép và cắt bỏ một cách cẩu thả từ cuốn “Việt Nam tân tự điển” của tác giả Thanh Nghị năm 1967. Những cuốn sách với nội dung phản giáo dục ấy vẫn được lưu hành đến tay các em học sinh đã làm dấy lên những lo ngại về việc buông lỏng quản lý xuất bản cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực xuất bản đối với những ấn phẩm được xuất bản tới công chúng.
Và khi được truy đến cùng thì những cuốn sách ấy đều nằm trong danh mục những sách liên kết xuất bản. Các NXB chỉ đứng ra với tư cách pháp nhân để bán giấy phép và hoàn toàn không đoái hoài gì tới việc "đứa con" mình bán ra hình thù ra sao, có gì xấu hay tốt?
Thực ra thì việc liên kết xuất bản cũng tạo ra động lực phát triển cho xuất bản cũng như tạo ra được sự đa dạng trong ngành xuất bản. Tuy nhiên nó cũng tạo ra một thị trường sách với "thiên hình vạn quyển tạp-pí-lù", cứ thế lần lượt có mặt trên giá sách, và nếu cứ thế này thì còn có rất nhiều cuốn sách sai phạm xảy ra, nhất là từ khi chủ trương liên kết xuất bản nằm xã hội hóa công tác xuất bản, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành xuất bản cũng như văn hóa đọc vốn eo sèo trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay.
Tuy nhiên, một vấn đề bất cập là hầu hết những quy định của luật liên kết này dù đã được đưa ra song chưa thực sự được các NXB, các công ty liên kết áp dụng chặt chẽ, chưa nghiêm ngặt, nên đã khiến có nhiều sách bị lỗi về kiến thức, bị sai phạm về quy trình cũng như bị thu hồi do vi phạm các quy định.
Ông Chu Văn Hòa. |
Trao đổi về vấn đề này, Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản cho hay: Rõ ràng tất cả sách vi phạm vừa qua thì không có cuốn nào của NXB làm cả, mà do liên kết. Người ta thường đổ cho liên kết, nhưng không ai hiểu rằng, để có thành tựu của xuất bản hiện nay, thì có thành tựu rất lớn của việc mở rộng liên kết. Liên kết chính là một bước đi mang tính tất yếu cho hoạt động xuất bản. Vì chúng ta không thể bao cấp toàn bộ cho ngành xuất bản được mà phải huy động nguồn lực xã hội trong phát triển.
Việc chúng ta có 30 nghìn đầu sách mỗi năm, 300 triệu bản sách một năm có công lao phần lớn là sách liên kết. Vì thế không thể phủ nhận vai trò của họ trong vấn đề này. Việc của chúng ta là nâng cao công tác, chất lượng quản lý nhà nước để liên kết đúng và lành mạnh như bản chất của nó. Còn bây giờ gọi đó là dịch vụ giấy phép.
Như các ông xe ôm cạnh tranh khách của nhau vậy. Giấy phép đang từ 5.000, có thể giảm giá còn 1.000 hay 500 đồng để bán cho dễ. Nhìn ở phía này chúng ta thấy rất thảm hại, vì các giám đốc nếu không làm thế thì không lấy tiền đâu trả cho nhân viên. Do đó, việc các giám đốc để sai phạm là điều rất dễ xảy ra.
Một cơ quan chủ quản không thể hiện hết vai trò trách nhiệm đối với một NXB được thành lập thì đồng nghĩa với việc đưa đến cho xã hội những người làm công tác xuất bản làm việc với mọi giá. Lỗi ấy một phần do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, chỉ đạo với các NXB. Họ không thể không nhìn nhận trách nhiệm của mình. Tới đây, khi có sai phạm, ngoài việc xử lý tập thể thì chúng tôi sẽ xử lý tới từng cá nhân.
Đây cũng là dịp các cơ quan nhà nước có cơ hội để xử lý các NXB làm ăn gian lận, người ngay bị kẻ gian ăn cắp (nạn in lậu)... Sau thời gian chấn chỉnh hoạt động các NXB trong cả nước, đến nay từ phía Bộ VH-TT&DL có 3 NXB: NXB Văn hóa - Thông tin, NXB Âm nhạc, NXB Văn hóa dân tộc sáp nhập thành một, lấy tên là NXB Văn hóa dân tộc. 2 NXB được cơ quan chủ quản chủ động xin giải thể là NXB Hồng Bàng (thành lập từ năm 2011) và NXB Thời đại (thành lập từ năm 2009).
Theo báo cáo tổng kết dự thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết về lĩnh vực xuất bản, năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản đạt 4,1 bản sách/ đầu người/ năm (tăng 1,4 lần so với 2004); tổng vốn huy động sản xuất trong năm 2015 là hơn 1.900 tỉ đồng, tăng 3,86 lần so với 2004. Lĩnh vực in có sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng, tốc độ tăng tưởng từ 8% đến 10%/năm. Lĩnh vực phát hành cũng đạt được một số thành tựu như phát triển mạnh số lượng, mở rộng quy mô, năng lực hoạt động...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, lĩnh vực xuất bản chưa đạt chỉ tiêu phát triển về số lượng sách, cơ cấu sách bất hợp lý, chất lượng một số mảng sách còn hạn chế. Đến năm 2015, số bản sách trên đầu người chỉ 4,1 bản/người/năm (ở các nước phát triển, tỉ lệ thường là 15 bản sách/ đầu người/ năm), 70% là sách giáo dục. Mô hình tổ chức hoạt động nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao, năm 2015 chỉ có 33/61 NXB (chiếm 55%) đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Số lượng NXB theo mô hình doanh nghiệp giảm nhanh (từ 45% năm 2004 còn 29% năm 2015)...
Thực tế cho thấy, các NXB vẫn tồn tại như một tất yếu, song không phải NXB nào cũng đang hoạt động theo đúng tiêu chí đề ra, mà họ đang núp bóng để làm những công việc khác nhằm kiếm lợi.
Với cơ chế quản lý lỏng lẻo, phó mặc cho các mối liên kết sách, họ đã và đang tạo ra những đầu sách phản cảm, phản giáo dục, đi ngược lại thuần phong mỹ tục thậm chí là với những biên tập viên cẩu thả, không có kinh nghiệm, những cuốn sách đó còn có sai phạm. Trong thời gian qua, Cục Xuất bản đã tổ chức những lớp học để cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên. Đây là một bước chấp hành Luật Xuất bản có hiệu lực từ năm 2013.
Song song với việc cấp chứng chỉ hành nghề, Cục Xuất bản sẽ đăng tải công khai trên mạng các thông số về những cuốn sách đã xuất bản. Người mua sách có thể tra đủ thông tin về tên sách, tác giả, dịch giả, người biên tập, người chịu trách nhiệm xuất bản... Hy vọng, đây sẽ là bước đầu để ngành xuất bản có một lộ trình bền vững để tránh những "hạt sạn" như thời gian qua...