"Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi"...

Thứ Hai, 23/11/2020, 12:25
Sống đến trăm năm, nếm trải đủ những buồn vui của kiếp người, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có lẽ là nhà thơ còn lại của phong trào thơ Mới (1930-1945), cho dù hiện tại, ở tuổi bách niên giai lão, ông không thể đi lại được nhưng sức sống của một tâm hồn thi ca để lại với những câu thơ đã ghi dấu ấn trong dòng văn học Việt Nam thì không thể nào lãng quên...

"Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà...".

Người thơ sống đẹp trong lòng bè bạn...

Tôi có vài dịp được đến thăm vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, ngày ông bà còn minh mẫn và khỏe mạnh, ông còn có thể cầm bút viết lời đề tặng trên tập sách. Rồi thời gian trôi qua, gia đình ông có những đổi thay, ông chuyển chỗ ở, cuộc sống người già của hai vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, người vợ kém ông 7 tuổi, trông hết cả vào người cháu gái.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Nhưng quê gốc của ông lại thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho, từ ông nội cho đến cha mẹ đều yêu văn chương nên văn chương sớm thấm đẫm trong tâm hồn ông từ thơ ấu. Tốt nghiệp tú tài ở Hà Nội, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên yêu nước và đi theo cách mạng. 14 tuổi Xuân Sanh đã có thơ in báo, 16 tuổi đã viết bài thơ tình "Xây mơ" đầu tiên gửi cho bạn học thời ấu thơ là Chế Lan Viên, sau đó in ở Báo Tiếng địch ở Huế. Bài thơ đó ông chỉ nhớ được hai câu đầu và cuối: "Tay sương lam mờ đương buông tơ/ Nghe sương lam mờ đường giăng mơ/... Nghe mộng ngọt ngào xuôi bến mắt/ Đêm tàn hồn tôi đương buông tơ".

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và vợ hồi trẻ.

Sau này, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng với những người bạn của mình lập nên nhóm "Xuân Thu nhã tập" để lại ấn tượng mạnh trong tiến trình văn học nghệ thuật Việt Nam, ông cũng là thành viên sáng lập trẻ tuổi nhất của nhóm. Nhóm "Xuân Thu nhã tập" là tập sáng tác của 6 tác giả hợp thành một nhóm văn chương nghệ thuật có cùng quan điểm. "Trí thức - Sáng tạo - Đạo lý" là tuyên ngôn nghệ thuật của cả nhóm.

Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, tôn chỉ này của nhóm đã thâu tóm những phẩm chất, giá trị về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật. Những bài thơ Nguyễn Xuân Sanh viết thời kỳ này như "Buồn xưa", "Hồn ngàn mùa", "Bình tàn thu" cũng khác về chất so với thời kỳ đầu. Ông chịu ảnh hưởng của Baudelaire Verlaire về phong cách, thi pháp nhưng ý tưởng sáng tạo chịu ảnh hưởng của Xuân Thu. Xuân, Thu hai cổ tự mang cái đẹp của sắc xuân và hương thu.

Và Nguyễn Xuân Sanh là một nhà thơ tiêu biểu. Từ một nhà thơ lãng mạn, tượng trưng đã sớm trở về với cuộc đời thực, khẳng định chỗ đứng vững chắc cho đời, cho thơ trong cơn bão tố của thời kỳ 1930-1945...

Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn Văn nghệ Liên khu IV, phụ trách Tạp chí Sáng tạo.

Năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch.

Trong thơ, nhà văn Nguyễn Xuân Sanh coi trọng cấu trúc, đặc biệt thận trọng từng chữ, từng lời. Từ một nhà thơ thuộc nhóm "Xuân Thu nhã tập" với những câu thơ bảng lảng theo chủ nghĩa "bí hiểm", "tượng trưng" như: "Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa", "Anh đợi đầu sân, em đứng đâu mà câu hát đưa anh vào ngõ trúc", hay "Chiếc lá cuối cùng vừa mới rụng/ Thế là đã hết gió thu qua...".

Nhưng, khi đến với cách mạng chưa bao lâu, ông đã rũ bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, đi vào cuộc sống phản ánh hiện thực. Song, cho dù đi theo hướng nào, sáng tác của ông vẫn hướng tới con người, vì con người và giải thoát con người để tiến lên cuộc sống mới của cách mạng, của quê hương.

Ông từng chia sẻ: "Nghệ sĩ ngày nay phải chịu trách nhiệm tạo thành những rung cảm ngày sau, những xúc động sau, những vô biên mới, những vĩnh viễn ngày mai. Nghệ thuật trộn vào chút đau hay vui, chút lạnh hay ấm đều góp vào sức sống có một mà gấp nhiều".

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thành công trong đường văn nghiệp không chỉ bởi những sáng tác thơ văn, tiểu luận, mà với văn học dịch, ông cũng đã có đóng góp một số lượng không nhỏ các tác phẩm dịch thuật. Năm 1982, ông được nhà nước Ba Lan tặng Huân chương Công trạng, tổ chức trao tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội).

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương thì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh xuất hiện trong phong trào Thơ Mới nhưng đường lối thơ ông có nét khác biệt. Ấy là lúc dòng thơ lãng mạn tiêu biểu của Thơ Mới đã lên đến đỉnh với các tên tuổi Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... thì một số nhà thơ muốn đẩy thơ lên một nấc cách tân mới hơn, tìm một vẻ đẹp thuần túy cho thơ, một vẻ thơ thuần túy cho cái đẹp. Trong khuynh hướng ấy, nhóm “Xuân thu nhã tập” (tên nhóm là tên tờ tạp chí do họ chủ trương) là một lực lượng đáng kể.

Tại Xóm Chòi - Việt Bắc, Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.

Đáng kể vì họ tập hợp được nhiều lĩnh vực: văn, thơ, mỹ thuật, âm nhạc. Nguyễn Xuân Sanh chính là một trong sáu thành viên của nhóm này (còn có Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Đoàn Phú Tứ). Đi tìm một thứ thơ thuần túy, không vụ lợi, Nguyễn Xuân Sanh đã đi từ những bài thơ giản dị, viết vào các năm 1934, 1935: "Sáng nay anh lạnh quá em ơi! Bởi gió thu em đã đến rồi" đến những bài thơ chịu ảnh hưởng của tượng trưng, siêu thực, hướng vào cõi trực giác, vô thức.

Nhà phê bình Mã Giang Lân cũng nhận xét: Nguyễn Xuân Sanh nghĩ đẹp, sáng tạo những vần thơ đẹp thì đã rõ, ông còn đẹp với những ứng xử, cử chỉ trong đời sống hàng ngày, ông từ tốn, lịch thiệp với mọi người, dù đồng lứa hay với các thế hệ em út. Có lần nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tặng thơ cho nhà phê bình Mã Giang Lân mà ông đi bộ từ nơi ở phố Trần Quốc Toản xuống phố Cảm Hội cuối Lò Đúc, cách mấy cây số. Chữ ông viết đề tặng đẹp, duy mỹ, nắn nót, trân trọng và gợi cảm xúc cho người được nhận sách. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng khẳng định, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là người rất cẩn thận, trách nhiệm trong công việc. Ông không làm việc một cách tùy hứng.

Ví như, với Nguyễn Xuân Sanh, dù lớp học chỉ còn một người, ông vẫn lên lớp bằng nhiệt tình không thay đổi. Trong ngữ điệu không hề có dấu hiệu chán nản, mệt mỏi và đặc biệt là chỉ có... quá giờ chứ không khi nào ông cắt bớt thời gian.

Người chồng, người cha mẫu mực...

Cả một đời thủy chung son sắt, ông sống bình lặng bên cạnh người vợ thương yêu kém mình 7 tuổi, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh. Sau khi học hết tiểu học ở Quảng Bình, bà vào học Trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Tại đây, bà đã sớm tham gia cách mạng và hoạt động bí mật trong phong trào học sinh. Sau Cách mạng Tháng Tám, bà là Bí thư Tỉnh đội Phụ nữ cứu quốc đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Sau đó, bà được điều ra công tác phụ nữ ở Liên khu 4. Sau này, bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng và tuần báo Văn học. Bà cũng là người phụ nữ hiếm hoi được làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 (1963-1983), ủy viên ban phụ trách tuần báo Văn nghệ trong nhiều năm.

Sau khi kết hôn cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thì bà là người vị nể chồng và chiều chuộng chồng hết mực. Là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát nhưng dường như bà chấp nhận làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp văn chương của chồng thăng hoa. Là hai người viết văn, hai cá tính văn khác nhau, nhưng bà và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có điểm chung là tôn trọng tác phẩm của nhau. Thường thì họ sẽ gợi mở cho nhau những cảm xúc, mạch văn và là độc giả đầu tiên của nhau.

Bây giờ, bà vẫn ngày ngày ở bên ông, cùng con cháu chăm chút cho ông, dù sức khỏe của bà cũng không còn được như xưa nhưng trong ánh mắt, nụ cười, trong cách nói về chồng, vẫn nhận ra rằng, sự nhẹ nhàng của bà, sự đắm đuối và chung tình của ông làm cho mối tình ấy có một kết dính bền chặt, gắn bó yêu thương dài lâu mà vẫn nhịn nhường nhau, kề vai sát cánh cùng nhau.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và vợ năm 2015.

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện tình yêu của hai người: “Hai chúng tôi cùng ở Quảng Bình. Nhưng ngày đó anh Sanh đã rất nổi tiếng, còn tôi mới 17 tuổi, đang học Trường Đồng Khánh, Huế. Có lần về nhà, thầy mẹ tôi nói nhà anh Sanh xin cưới tôi. Tôi phản đối vì tôi chưa gặp anh Sanh, chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Ngày đó tôi nghĩ, con trai đi học ở Hà Nội về, đôi khi lại nhiễm thói chơi bời. 4 năm sau, tôi đi học lớp bồi dưỡng Huyện ủy viên Khu 4, thì anh Sanh là người tổ chức lớp học ấy. Đúng như mẹ tôi nói, có duyên thì còn gặp lại, vậy là bén duyên nhau. Đám cưới của tôi và anh Sanh do anh ông Nguyễn Chí Thanh làm chủ hôn, khách dự chủ yếu là anh em văn nghệ sĩ. Đám cưới giản dị, đầm ấm. Và chúng tôi giữ nếp giản dị từ bấy đến tận bây giờ”.

PGS-TS Nguyễn Việt Triều - nguyên cán bộ của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, người con gái thường qua lại chăm sóc vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Sanh đã bày tỏ: “Trong cuộc sống, cha mẹ tôi luôn nhường nhịn nhau. Hiếm thấy bố mẹ tôi to tiếng. Mẹ tôi là người quán xuyến công việc trong gia đình, con cái, còn cha tôi, ông miệt mài bên những trang văn. Ngày còn khỏe mạnh, minh mẫn, ông ngồi suốt ngày bên bàn làm việc, ông đọc nhiều, viết nhiều và cũng bởi vậy, ông sống lãng mạn, nhẹ nhàng như những trang viết đầy xúc cảm của ông. Ông không bao giờ quát mắng con, không ép con phải theo ý mình. Gia đình chúng tôi sống hòa thuận và ấm áp”.

Mỗi đời người đều có một số phận riêng. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là cây bút còn lại của phong trào Thơ Mới. Một bông hoa, một làn hương đóng góp với vườn thơ rực rỡ một thời. Và ông có đóng góp đời thơ riêng cho dòng thơ ca Việt Nam như một tiếng nói quý giá.

Xin được kể lại câu chuyện về nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua lời kể của giáo sư Hà Minh Đức: Tháng 4/1957, Đại hội thành lập Hội Nhà văn và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được cử làm Phó Tổng thư ký thường trực kiêm phụ trách đối ngoại. Mỗi lần đi thăm nước bạn về ông lại thường kể chuyện về chuyến đi và giới thiệu văn thơ nước bạn. Một lần thăm Ba Lan cùng nhà thơ Tế Hanh về ông giới thiệu thơ A-đam Mi-kê-vích và khoe hai nhà văn được bạn cho ngủ trong cung vua. Đêm ấy, giấc mơ chắc là thú vị!

Thấm thoắt năm tháng đi qua, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đất nước đổi mới, Nguyễn Xuân Sanh vẫn sáng tác, hôm nay ông đã ở đỉnh cao của tuổi thọ (100 tuổi). Những bông hoa hương sắc chúc mừng ông và cảm ơn ông với những trang thơ xúc động và gây ấn tượng một thời...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.