RCEP với cơ hội hợp tác từ ASEAN

Thứ Tư, 23/09/2020, 18:27
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tập trung vào nhất thể hóa kinh tế khu vực, do 10 nước ASEAN khởi xướng và chủ đạo, đồng thời mời Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ cùng tham gia.

Mục đích là nhằm xây dựng một hiệp định thương mại tự do với một thị trường thống nhất thông qua việc cắt giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan, tạo dựng và cải thiện môi trường đầu tư tự do, mở rộng thương mại dịch vụ và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Vải vóc Trung Quốc chiếm thị phần cao tại ASEAN.

Nếu được ký kết thuận lợi và triển khai thành công, hiệp định này sẽ bao trùm khu thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ người và tổng GDP là 25.000 tỷ USD. Tháng 11-2019, tại RCEP lần thứ 3 ở Thái Lan, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi đàm phán. Hội nghị sau đó đưa ra tuyên bố chung rằng 15 nước thành viên của RCEP đã kết thúc đàm phán và bắt đầu xét duyệt văn bản pháp lý, dự kiến có thể ký kết trong năm 2020.

Trước sức ép của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương và đại địch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu hiện nay, RCEP được ký kết sẽ có lợi cho các nước trong khu vực. Điểm nhấn là sự phát triển vững chắc quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Đầu năm 2020, ASEAN trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc.

Số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN nửa đầu năm 2020 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.090 tỷ nhân dân tệ (NDT), chiếm 14,7% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc là 1.150 tỷ NDT, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 938,57 tỷ NDT, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu như vậy có thể coi là tương đối sáng sủa trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Từ góc độ phân bổ ngành nghề, ngành sản xuất điện tử đã trở thành một điểm sáng, có liên quan mật thiết và kéo theo sự tăng trưởng đáng kể của thương mại các sản phẩm liên quan. Trung Quốc nhập khẩu 226,81 tỷ NDT mạch tích hợp từ ASEAN, tăng 23,8%, chiếm 24,2% tổng giá trị nhập khẩu từ ASEAN. Xuất khẩu mạch tích hợp sang ASEAN là 89,68 tỷ NDT, tăng 29,1%, chiếm 7,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN.

Thiết bị điện tử và mạch tích hợp là mặt hàng trao đổi quan trọng của Trung Quốc – ASEAN.

Cần phải khẳng định rằng, sự thay đổi về mô hình và nội dung thương mại này đã mô tả chân thực về mối liên kết ngày càng chặt chẽ chất lượng cao và bền chặt giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời củng cố nền tảng cho việc thúc đẩy ký kết RCEP. Những năm gần đây, vải vóc Trung Quốc chiếm thị phần cao nhất ở Indonesia, dù công nghệ sản xuất vải của Nhật Bản và Hàn Quốc có tiên tiến hơn so với Trung Quốc, nhưng xét về tỷ lệ hiệu suất/giá cả, sản phẩm của Trung Quốc vẫn được các nhà thiết kế thời trang Indonesia yêu thích.

Đó chỉ là một ví dụ. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN ngày cảng bổ sung mạnh mẽ cho nhau và bắt đầu hình thành sự phối hợp. Koh King Kee, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á mới của Malaysia, cho rằng quá trình hòa nhập chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất của hai bên là một quá trình lấy mạnh bù yếu và cùng có lợi. Đặc biệt là việc Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động sản xuất trong thời kỳ đại dịch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển của kinh tế ASEAN.

Ví dụ, trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc đối với các đặc sản của Đông Nam Á vẫn không suy giảm. Các mặt hàng như gạo thơm Thái Lan, sầu riêng, cà phê trắng Malaysia vẫn bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Cùng với việc quan hệ kinh tế thương mại ngày càng đi vào chiều sâu là sự xuất hiện của các vấn đề nổi cộm về kinh tế thương mại và việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề này chắc chắn khiến RCEP được gửi gắm càng nhiều kỳ vọng.

2020 là năm thứ 5 Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. ASEAN với quy mô 3.000 tỷ USD đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tăng 2 bậc so với 4 năm trước. Mở rộng mạng lưới sản xuất chế tạo, đạt được tăng trưởng có giá trị tăng cao và có được vị trí thuận lợi trong chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành mục tiêu chung của các nước ASEAN. Thông tin lưu kho thương mại của các nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ được đưa vào mạng lưới thống nhất ASEAN, từ đó nâng cao mức độ thông tin hóa thương mại trong khối. Các cuộc tham vấn về khuôn khổ kết nối cho các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thuốc men ở các nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Để hoàn thiện cơ chế cạnh tranh thị trường, Campuchia dự kiến sẽ trở thành thành viên cuối cùng của ASEAN phê chuẩn luật cạnh tranh thị trường và luật bảo vệ người tiêu dùng vào năm 2020. Các chính sách này từng bước tháo gỡ những trở ngại bên trong giúp ASEAN đẩy nhanh việc đạt được hiệp định RCEP, nâng cao khả năng thực hiện thỏa thuận và củng cố thiện chí đàm phán.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.