Reginald Spiers và chuyến "du hành" đặc biệt

Thứ Ba, 31/12/2019, 15:19
Giấc mơ được tham dự Olympic của VĐV ném lao người Úc Reginald Spiers đã khiến anh phải liều mạng sống của mình và có một quyết định đáng kinh ngạc.

VĐV này đã từng được tặng huy chương tại giải vô địch Úc từ những năm 60-70. Nhưng Reginald chỉ trở nên nổi tiếng bởi một sự kiện khác: 55 năm trước anh ta đã nằm trong hòm gỗ như một kiện hàng để được vận chuyển từ London về thành phố Pert của nước Úc. Trên đường anh đã suýt mất mạng, tuy nhiên cuối cùng đã đến được nơi dự định.

Giấc mơ Olympic

Đến năm 18 tuổi Reginald trở thành một chàng trai cao gần 2m rắn rỏi và xử lý ngọn giáo rất khéo léo. Hai lần liên tiếp Reginald đã trở thành người chiến thắng giải Vô địch Úc, đã lên đường đến Thế vận hội của Khối thịnh vượng chung được tổ chức tại Úc và nghiêm túc tuyên bố sẽ tham dự Olympic 1964 tại Tokyo.

VĐV ném lao Reginald Spiers.

Tuy nhiên, một số chấn thương liên tiếp đã khiến cho Reginald không còn giữ được phong độ đỉnh cao như trước. Anh không đạt trình độ chuyên môn theo mức tiêu chuẩn và để thua các đồng đội của mình. Reginald không bỏ cuộc và vẫn cố gắng để được lọt vào vào đội tuyển Olympic. 

Để lại vợ và con gái ở nhà, anh đã gom tất cả tiền tiết kiệm của mình và đi tập huấn tại London với hy vọng có thể nhanh chóng lấy lại phong độ dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia người Anh

Tuy vậy, chấn thương ở tay đã khiến cho Reginald không có đủ sức mạnh để ném lao, anh đã phải nói lời tạm biệt với giấc mơ Thế vận hội. Lúc này cần phải từ London trở về nhà, nhưng bằng cách nào? Reginald đã tiêu hết số tiền mà chuyến bay khứ hồi qua nửa vòng trái đất lại rất tốn kém. Spiers đã tìm một công việc tại nhà ga hàng hóa tại sân bay Heathrow ở London, kiếm được tiền một cách trung thực để mua vé và mua quà sinh nhật cho con gái. 

Thế nhưng chuyện không may xảy ra: chiếc ví đựng tất cả số tiền khá lớn của anh đã bị đánh cắp. Chỉ còn rất ít thời gian và cần phải gấp rút kiếm thật nhiều tiền, hoặc nghĩ ra cách nào đó để về nước Úc mà không mất tiền. Và Reginald đã chọn cách thứ hai.

"Bưu kiện" đặc biệt

Anh ta đã nghĩ cách ẩn mình vào chiếc hòm để được vận chuyển bằng đường hàng không. Người nhận hàng sẽ phải trả tiền khi được giao hàng. Còn nếu người nhận là không có thực thì sẽ không ai trả tiền. Dù bất kể trường hợp nào thì Reginald Spiers cũng không phải chi trả số tiền đó. Vậy là VĐV thất thế này đã kể kế hoạch của mình cho một người bạn đồng môn thể thao ở London tên là John McSorley. Người này đã đồng ý giúp anh thực hiện mọi việc.

Chiếc hòm gỗ mà R.Spiers đã ẩn náu.

Bạn bè của Reginald đã làm một chiếc hòm gỗ lớn có kích thước chấp nhận được cho việc vận chuyển bưu kiện qua đường hàng không.

 Chiếc hòm được trang bị những cánh cửa đặc biệt chỉ mở được từ bên trong, có thêm một vài lỗ thông hơi nhỏ và dây an toàn để "thứ hàng đặc biệt" này sẽ không bị va đập vào thành hòm trong quá trình vận chuyển. McSorley đã "đóng gói hàng", trang bị thêm cho Spiers một cái gối, chăn, đèn pin, thực phẩm đóng hộp, một vài chai nước lọc, nước trái cây và một chiếc bao rỗng. 

Sau đó, anh ta viết địa chỉ của người nhận hàng tưởng tượng ở Perth với tên hàng hóa là "sơn" rồi chở đến sân bay. Đến thời điểm đó dường như mọi thứ đã diễn ra dễ dàng cho cuộc hành trình London-Paris-Perth. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo thì không ai biết trước được.

Chuyến đi bất ngờ

Sương mù ở London ngay lập tức đã làm rối tung mọi kế hoạch, chuyến bay có chiếc hòm gỗ đã bị trì hoãn hơn một ngày. Suốt thời gian này Spiers vẫn ở bên trong hòm, sau này anh ta nhớ lại rằng có lúc bàng quang của mình sắp vỡ đến nơi, anh chỉ mạo hiểm ra ngoài khi máy bay cất cánh. Thế rồi lịch trình đầu tiên của chuyến bay cũng nhanh chóng kết thúc và cần phải chui vào hòm. 

Điều khó khăn nhất là khi đến Ấn Độ. Chiếc hòm đựng Spiers sau khi được dỡ khỏi máy bay bị bỏ lại ngoài trời và dựng theo cách khiến cho anh chàng VĐV bị lộn ngược. Spiers đã phải trải qua vài giờ trong tình cảnh cái nóng khủng khiếp cho đến khi hàng hóa được chất lên một tàu bay chở hàng khác. Spiers đã bị mất nước, tình trạng của anh rất nguy kịch.

Đã 63 giờ trôi qua kể từ khi John McSorley đi gửi "bưu kiện", chiếc hòm đã được dỡ xuống ở Perth và được gửi đến ga hàng hóa. Reginald Spiers đã kiệt sức khi chờ đợi cho đến khi các công nhân rời khỏi nhà kho và khó nhọc ra khỏi chiếc hòm gỗ. Nhưng sau đó lại gặp phải một vấn đề khác: cần phải tìm cách ra khỏi nhà ga lúc đó đã bị đóng cửa. Thật may mắn là Spiers tìm thấy ở khu bảo dưỡng máy bay một bộ dụng cụ, liền khoét một lỗ trên tường rồi bỏ chạy.

Anh ta đi nhờ một chiếc ôtô và quá giang đến Adelaide nhưng đã quên gửi bức điện báo cho bạn mình ở London rằng cuộc hành trình đã kết thúc. Không nhận được tin báo, McSorley lo ngại có chuyện không may xảy ra với Spiers nên đã kể với một nhà báo quen biết tất cả mọi sự. 

Và khi Spiers về được đến nhà trong tình trạng mệt lả thì các phóng viên đang tác nghiệp tại đó. Sau khi VĐV này thú nhận việc đã lừa dối hãng hàng không, ban lãnh đạo hãng đã không bắt anh trả tiền hàng hóa bởi họ ấn tượng với sự tháo vát và kiên trì của VĐV người Úc. Spiers đã kịp về dịp sinh nhật con gái.

Sau sự kiện kỳ dị này Spiers vẫn tiếp tục sự nghiệp thể thao. Anh ta vẫn là VĐV ném lao cho đến năm 1980, đã hai lần trở thành nhà vô địch Úc, xác lập kỷ lục cá nhân nhưng không đủ điều kiện để tham dự Olympic.

Bước ngoặt cuộc đời

Sau khi chán nản buông xuôi và rời bỏ thể thao, số phận của Spiers lại trở nên kịch tính hơn: anh ta trở thành kẻ buôn lậu và đã buôn bán ma túy. Đã hai lần bị bắt tại Adelaide và Mumbai và được cảnh sát Úc và Ấn độ thả cho tại ngoại thì cả hai lần Spiers đều bỏ trốn. 

Thế nhưng anh ta không thể thoát khỏi cảnh sát Sri Lanka. Cựu VĐV ném lao đã bị giam giữ vào năm 1984 với chiếc hộ chiếu giả vì tội buôn lậu vũ khí và ma túy rồi bị tòa án nước này tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực của các luật sư nên sau đó án phạt này đã được thay bằng án tù chung thân. Spiers được dẫn độ về Úc và chỉ phải ngồi tù 5 năm tại quê nhà. Một thời gian sau anh ta lại vài lần bị buộc tội trồng cần sa và buôn bán ma túy, thế nhưng văn phòng công tố viên không lần nào có thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục.

Reginald Spiers hiện vẫn còn sống và năm nay đã 77 tuổi. Ông đã cùng với McSorley ra mắt một cuốn tự truyện và thỉnh thoảng có xuất hiện trên truyền hình.

Hải Yến (Theo Sport)
.
.