Robot phẫu thuật, thành công và tai tiếng

Thứ Sáu, 08/11/2013, 09:45

Theo những ý kiến ấy, robot phẫu thuật được lập trình hoạt động bằng các phần mềm chuyên sâu về cơ thể người, về bệnh lý. Vì vậy nó có thể tiến hành những ca mổ từ đơn giản đến phức tạp. Bác sĩ đôi khi vẫn gặp sai lầm trong thao tác - nhất là với những ca mổ khó nhưng robot thì không. Trong những ca vi phẫu hoặc bóc tách những khối u ác tính, robot thực hiện chính xác đến từng phần trăm milimet, và đó cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều bệnh viện trên thế giới đưa robot phẫu thuật vào ứng dụng trong lâm sàng.

Tiến sĩ, bác sĩ Kimberland, Bệnh viện Hoàng gia London, Anh cho biết: "Chẳng bác sĩ nào dám khẳng định là mình đã lấy sạch khối u, bảo đảm nó không còn khả năng di căn nhưng robot hoàn toàn có thể làm được".

Ưu điểm lớn nhất ngoài sự chính xác, các ca phẫu thuật do robot thực hiện thường ít gây chảy máu và điều đó đồng nghĩa với việc không cần phải truyền máu, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, chưa kể mỗi ca mổ theo cách truyền thống phải cần từ 4 đến 5 người thì với robot, chỉ cần 1 người điều khiển.

Vì vậy, chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi những con robot trị giá hàng triệu USD đang được nhiều quốc gia sử dụng trong phẫu thuật cắt tử cung, cắt túi mật, thay van tim, bóc tách các tổ chức ung thư, cắt dạ dày và các trường hợp tắc ruột, hoại tử. Bên cạnh đó, nó còn làm được nhiều phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, lấy mỡ bụng, căng da mặt, thu nhỏ khung hàm…

Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào hoạt động (năm 2000), việc sử dụng robot phẫu thuật, ngày càng xuất hiện những lo ngại về rủi ro và hiệu quả của robot. Kể từ năm 2009, chỉ riêng nước Mỹ đã có ít nhất 90 trường hợp tử vong do robot, bao gồm cắt nhầm mạch máu trong quá trình cắt bỏ tử cung, thủng dạ dày khi cắt lá lách và thủng động mạch gan khi cắt túi mật. Giải thích về chuyện này, giới chuyên môn cho rằng lỗi là do những người điều khiển robot.

Một trong những trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất là một người đàn ông sống ở miền Đông Bắc nước Anh, bị ung thư tuyến tiền liệt. Luật sư của ông ta là Fletchers cho biết khi tiến hành phẫu thuật, robot đã làm thủng ruột bệnh nhân, dẫn đến nhiễm trùng, suy đa phủ tạng và ngừng tim.

Sau hơn 2 tháng cấp cứu, hồi sức tích cực, ông ta may mắn thoát chết. Phía sử dụng robot nói, phẫu thuật tuyến tiền liệt không liên quan gì đến ruột vì bộ phận này nằm ngoài ổ bụng, còn bệnh nhân bị thủng ruột là do một nguyên nhân khác. Phía phản đối nói sự bất cẩn, ỷ lại vào máy móc và tay nghề non kém của người điều khiển robot đã để cánh tay robot can thiệp quá sâu, dẫn đến chọc thủng màng bụng, thủng đại tràng. Luật sư Fletchers, nói: "Robot thực hiện ca mổ đó tên là Da Vinci, được sử dụng trong một số bệnh viện ở Anh.

Hiện tại, hãng sản xuất ra Da Vinci có trụ sở tại bang California, Mỹ đang phải đối mặt với "một đống lớn" các vụ kiện từ nhiều bệnh nhân trên thế giới có liên quan đến con robot ấy, như thủng các cơ quan nội tạng, nhiễm trùng cấp".

Kể từ tháng 1/2012, đã có 500 vấn đề liên quan đến tai biến do robot phẫu thuật được báo cáo về Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trong đó có những vấn đề rất đáng kinh ngạc, chẳng hạn như dòng điện dùng để vận hành robot bị rò rỉ, đã khiến cho bệnh nhân bị điện giật.

Bà Sheena Wilson, 45 tuổi, ở bang New Jersey, Mỹ - là một trong những người khởi kiện hãng chế tạo ra robot Da Vinci hồi đầu năm nay cho biết sau phẫu thuật bằng robot, bà bị những cơn đau bụng triền miên và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng mà nguyên nhân do dòng điện từ cánh tay robot phóng vào người bà trong quá trình phẫu thuật.

Chuẩn bị robot cho một ca mổ.

Theo FDA, việc làm vệ sinh cánh tay robot bằng cách cạo sạch đã làm hở lớp nhựa bảo vệ, dẫn đến hiện tượng phóng hồ quang, nhưng các hãng sản xuất đã không hướng dẫn nhân viên y tế cụ thể về vấn đề này.

Một trường hợp khác - dù hiếm gặp nhưng vẫn xảy ra. Đó là trong khi điều khiển robot, bác sĩ đã vô tình cắt đứt động mạch của bệnh nhân. Một chuyên gia phẫu thuật bụng tại Đại học Johns Hopkins, bang Maryland, Mỹ, viết trên Tạp chí The Health: "Nếu mổ bằng tay, chúng tôi có thể cảm thấy độ săn chắc cũng như chuyển động của dòng máu trong động mạch. Nhưng mổ bằng robot thì không có được cái cảm nhận ấy".

Tháng trước, tạp chí chuyên ngành sản phụ khoa Obstetrics & Gynecology đã cho đăng tải một bài báo, nội dung một nghiên cứu do Đại học Columbia, Mỹ, thực hiện với 16.000 phụ nữ cắt tử cung bằng robot cho thấy biến chứng do robot gây ra không giảm hơn là mấy so với các kỹ thuật thông thường, thậm chí robot còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm  sau phẫu thuật, chưa kể có những bác sĩ không đủ kỹ năng và chưa được đào tạo đầy đủ để vận hành robot mà cũng mổ, dẫn đến chết người.

CE (Conformité Europeenne - phù hợp cho cộng đồng châu Âu) là dấu chứng nhận an toàn của thiết bị, được công nhận trên toàn châu Âu. Bất kỳ một sản phẩm nào có dán dấu này - kể cả đồ chơi của trẻ em - đều được phép lưu hành rộng rãi - không chỉ với những nước nằm trong cộng đồng châu Âu, mà là nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, như các vụ nâng ngực bằng robot đầy bê bối xảy ra hồi năm ngoái mà hầu hết nạn nhân đều bị nhiễm trùng nghiêm trọng, đã cho thấy dấu chứng nhận CE dán trên robot chẳng là… cái "đinh" gì! Những cuộc điều tra sau đó kết luận rằng, robot có dấu chứng nhận CE chưa chắc đã an toàn vì nó có thể mua được tại những quốc gia mà các thử nghiệm không đủ tính chính xác và sự nghiêm ngặt

Hiện tại, vấn đề lớn nhất trong việc sử dụng robot phẫu thuật là đào tạo người điều khiển robot. Ông Omer Karim, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tiết niệu tại Bệnh viện Heatherwood và Wexham của Anh - và cũng là người hướng dẫn các bác sĩ sử dụng robot Da Vinci, cho biết: "Nước Anh vẫn chưa có cơ chế chính thức về việc đào tạo và kiểm tra một bác sĩ có thành thạo về robot phẫu thuật hay không. Khá nhiều bác sĩ phẫu thuật nhảy vào cuộc mà chưa được học hành đến nơi đến chốn trong lúc theo yêu cầu, họ phải thực hiện ít nhất 20 ca mổ bằng robot với sự giám sát của các chuyên gia trước khi có thể hoạt động độc lập. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng giải quyết và hy vọng là trong một thời gian ngắn nữa, mọi việc sẽ được cải thiện".

Trước những thất bại của robot phẫu thuật, các bác sĩ ủng hộ phẫu thuật bằng robot vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Bác sĩ Kenwood, Bệnh viện Maryland, Mỹ nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, phẫu thuật bằng robot là một sự phát triển tuyệt với và thú vị. Trong tương lai, nó sẽ còn chứng minh cho nhiều thành công khác về lĩnh vực y khoa" nhưng theo Tiến sĩ Peter McCulloch: "Như với bất kỳ một ca mổ nào khác, mổ bằng robot Da Vinci không phải là không có rủi ro. Và mặc dù nó là một công cụ tiên tiến nhưng nó không thể thay thế kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật, những kinh nghiệm chỉ có sau nhiều năm lăn lộn với nghề…"

Hòa Cao (theo báo nước ngoài)
.
.