Tặng giải thưởng, danh hiệu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật:

Rối rắm chuyên môn, loằng ngoằng quy định

Thứ Hai, 28/08/2017, 16:10
Giải thưởng, danh hiệu được trao cho các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là sự tôn vinh và qua đó góp phần khích lệ các văn nghệ sĩ, nghệ nhân cống hiến ngày càng nhiều hơn cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà, có nhiều hơn những hoạt động, tác phẩm, công trình có giá trị lớn với đời sống xã hội. Tuy nhiên, tôn vinh thế nào cho đúng lại là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.

Nghệ nhân nhân dân: Bao giờ mới có?

Đúng thời điểm ca sĩ nhạc “sến” nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng Ngọc Sơn trưng trổ tấm bằng khen được Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam ghi nhận học hàm thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu” - Giáo sư âm nhạc thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thi đua và khen thưởng cũng họp bàn tìm giải pháp triển khai, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nếu chuyện của Ngọc Sơn cùng Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam khiến nhiều người ngạc nhiên rồi “cười ra nước mắt” bởi sự ngô nghê, ấu trĩ trong nhận thức, quan niệm về học hàm, học vị thì kết quả thực hiện tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật cấp Nhà nước cũng khiến không ít người phải giật mình.

Cụ thể, sau 3 năm thực hiện xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, không có bất kỳ nghệ nhân nào trên cả nước được phong tặng là Nghệ nhân nhân dân mà chỉ có 617 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là những con người được ví như “bảo tàng sống”, là “báu vật nhân văn sống” mà không có một hình thức vật chất nào thay thế được.

Với các nghệ nhân, chế độ hỗ trợ phù hợp trong hoạt động thực tế rất quan trọng sau khi được vinh danh .

Việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân là hoạt động nhằm tạo điều kiện để tiếp tục gìn giữ, thực hành và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ. Đây cũng là hoạt động được xác định có vai trò vô cùng quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Chỉ có điều, theo nhiều đại diện của nhiều sở Văn hóa, thể thao và du lịch nhiều tỉnh thành thì số tiền khoảng chục triệu đồng dành cho các “báu vật nhân văn” được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú không thấm tháp gì so với yêu cầu của thực tiễn đời sống. Chưa kể, có những tiêu chí trong quy định xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân đang rất không khả thi.

Điển hình nhất là quy định nghệ nhân phải phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, các di sản văn hóa đều mang tính khu biệt vùng miền rất rõ ràng. Nếu đờn ca tài tử gắn liền với vùng đất Nam Bộ, thì quan họ gắn với người dân Kinh Bắc; hát xoan phổ biến ở Phú Thọ... Nghệ nhân hát xoan không thể phát huy giá trị di sản này ở Nam Bộ và ngược lại, đờn ca tài tử khó phát huy ở các tỉnh thành phía Bắc...

Vì vậy, nếu nghệ nhân có đủ các điều kiện khác, địa phương cũng không dám đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Chưa kể, để được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, người nghệ nhân phải có hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện nay, Nhà nước mới phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt đầu tiên.

Nhiều nghệ nhân thừa tuổi nghề hoạt động nhưng chưa là Nghệ nhân ưu tú đã về nơi thiên cổ khi chưa kịp nhận danh hiệu này nên khó có thể đợi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân theo quy định.

Một thực tế khác là để được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, hồ sơ phải trải qua 3 cấp Hội đồng thẩm định và trong quy trình thực hiện phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở cơ sở hoặc hội nghề nghiệp. Hội đồng cư dân ở cơ sở tất nhiên là yêu mến người của cộng đồng trong khi trình độ của hội nghề nghiệp không đồng đều, thậm chí còn “có vấn đề”.

Hiện tượng “giáo sư âm nhạc” dành cho Ngọc Sơn trên tấm bằng khen của Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam chỉ là một ví dụ điển hình.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua và khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho hay, thực tế quá trình xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân đợt đầu đã thể hiện một số bất cập. Có những hội đồng cấp tỉnh gửi hồ sơ xét tặng chưa đúng đối tượng.

Các hồ sơ liên quan về nghề thủ công, mỹ nghệ do Bộ Công thương xét tặng nhưng gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn đến hồ sơ bị trùng lắp. Không kể, một số hội đồng cấp tỉnh được thành lập còn thiếu thành viên hoặc chưa ưu tiên mời các cá nhân địa phương có chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực cần thẩm định và thiếu các nhà nghiên cứu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể tham gia hội đồng.

Ngay hội đồng cấp Bộ và hội đồng cấp Nhà nước cũng “vướng” ở điều kiện này với lý do, hầu hết các chuyên gia có uy tín nghề nghiệp tại các khu vực, vùng miền thì đã tham gia hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Quy định lại chỉ cho phép một người làm thành viên của một hội đồng trong một kỳ xét tặng...

Các nghệ sĩ Xiếc bị cho là chịu nhiều thiệt thòi khi áp dụng quy định hiện hành về xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Và với văn nghệ sĩ: Chưa hết bất hợp lý

Với hoạt động xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, không thể phủ nhận, sau 8 đợt tổ chức, nhiều quy định mới đã được điều chỉnh, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ. Thay vì quy định Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực múa phải có 15 năm tham gia hoạt động chuyên nghiệp và Nghệ sĩ nhân dân phải có thâm niên hoạt động 20 năm thì hiện nay, quy định về thời gian tham gia hoạt động chuyên nghiệp của nghệ sĩ múa đã giảm đến 5 năm.

Quy định Nghệ sĩ ưu tú phải có thời gian tối thiểu sau 5 năm mới được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cũng đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì một số lĩnh vực đặc thù như biểu diễn xiếc, nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet... nghệ sĩ khó có huy chương vàng, bạc theo đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Lý do là hằng năm, các liên hoan, hội diễn cho nghệ sĩ trong lĩnh vực này rất hiếm.

Nghệ sĩ có giải thưởng, huy chương thường “gặt hái” từ các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Nếu “đánh đồng” với liên hoan, giải thưởng trong nước sẽ bất hợp lý. Quy mô, tính chất, độ khó của từng liên hoan, cuộc thi ở nước ngoài cũng có mức độ yêu cầu chuyên môn khắt khe khác nhau. Nếu cứ áp dụng số lượng giải thưởng, huy chương giống nhau khi xét tặng sẽ có sự “vênh” nhau lớn về mặt chất lượng...

Với hoạt động xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì việc đánh đồng các huy chương, giải thưởng để làm điều kiện xét tặng là rất phi lý.

Có những tác phẩm, công trình không đoạt giải nhất của các hội chuyên ngành nhưng có khi chất lượng còn cao hơn nhiều giải vàng trong các liên hoan, hội diễn. Giải thưởng hiện nay lại nhiều vô số. Không ít giải thưởng được lập ra vì mục đích kinh tế hơn là chuyên môn. Chưa kể, quy định tác phẩm cần phải đạt những giải thưởng nhất định mới đủ điều kiện xét tặng là không phù hợp với các tác phẩm sáng tác trong điều kiện đất nước còn chiến tranh.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (ảnh trái); ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua và khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Những năm tháng này, cả nước vì tiền tuyến, rất nhiều tác phẩm ra đời đã có sức lan tỏa rất lớn, đã khẳng định giá trị trong xã hội nhưng “đo đếm” bằng giải thưởng thì lại là chuyện không tưởng. Lý do là khoảng thời gian này rất ít cuộc thi, liên hoan hay hội diễn, lấy đâu ra giải thưởng? Nhiều tác giả cũng không quan tâm đến việc gửi tác phẩm dự thi nên cũng không có giải thưởng, huy chương mang về.

Ngay thủ tục xét tặng giải thưởng cũng có vấn đề phải bàn thêm vì có tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước nhưng thực tế họ xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh nên sẽ thiệt thòi vì quy định tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước thì không được dự Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ sáng tác cũng có thời đỉnh cao, qua đỉnh này sẽ khó có tác phẩm xuất sắc hơn nữa.

Ngược lại, có người có tác phẩm đề nghị được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng chỉ xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước, hồ sơ cũng dễ bị đánh trượt. Như thế, sẽ rất thiệt thòi cho nghệ sĩ. Quy định phải có 90% tổng số thành viên trong hội đồng có tên trong quyết định bỏ phiếu đồng ý là quá cao. Trong thành phần hội đồng có một số thành viên không tham gia hoạt động nghệ thuật, nếu họ không am hiểu nghệ thuật mà bỏ phiếu trắng thì rất thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đặt vấn đề: Sự tôn vinh những người có đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà là cần thiết nhưng việc họ có được đãi ngộ xứng đáng và cơ chế đãi ngộ có đủ động lực để kích thích họ thực hành di sản văn hóa hay không còn quan trọng hơn. Khi họ tích cực thực hành, truyền dạy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người tiếp cận, hưởng thụ, từ đó sáng tạo thêm nhiều cái mới hơn.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng hỗ trợ rất lớn trong hoạt động truyền dạy, phát triển văn hóa truyền thống. Vì vậy, lãnh đạo cần có cơ chế hoạt động thuận lợi hơn mới mong văn hóa truyền thống Việt Nam bắt nhịp kịp xu thế thời đại. “Bên cạnh các hoạt động vinh danh, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến mong ước và cơ chế đội ngũ này” - Tiến sĩ Đặng Văn Bài khẳng định.

Thực tế cho thấy rõ ràng không phải cứ giải thưởng, danh hiệu đã là nhất. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị giải thưởng có chất lượng chuyên môn cao, giàu ý nghĩa trong đời sống cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần dẹp bớt tình trạng giải thưởng, danh hiệu nhảm nhí “lên ngôi”.

Minh Hà
.
.