Điện ảnh với chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội:

Rộng đường nhưng hẹp cửa?

Thứ Ba, 04/07/2017, 10:11
Những mục tiêu Hà Nội đặt ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020 không chỉ là sự cần thiết để phát huy được các tiềm năng điện ảnh, đặc biệt là đội ngũ chuyên môn mà còn là mong muốn thiết thực của người làm nghề.

Theo chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt, ngành điện ảnh của Hà thành phấn đấu giai đoạn 2016 đến 2020 đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8 đến 1,2 triệu lượt người/năm xem phim, sản xuất từ 3 đến 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ 4 đến 6 phim/năm.

Nếu so với tổng số phim đã, đang được sản xuất trên cả nước, đây là một con số khá khiêm tốn. Thế nhưng, không ít người làm điện ảnh của thủ đô ngàn năm văn hiến lại bày tỏ nghi ngại rằng đây là một con số quá lạc quan?

Trầy trật làm phim

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến con số từ 3 đến 5 phim truyện nhựa được sản xuất mỗi năm theo mục tiêu đặt ra của UBND thành phố Hà Nội, đạo diễn Đan Thiết Thụ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội nói ngay: Nếu được như thế thì quá tốt, chỉ sợ thực tế khó đạt được như mục tiêu... Và, thay vì giải thích lý do, ông đặt lên bàn một chồng 30 tập kịch bản "Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm" do tác giả Minh Quỳnh và chính ông đứng tên biên soạn.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, đạo diễn Đan Thiết Thụ bên chồng kịch bản "Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm".

Ông Thụ cho biết, đây là các tập kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng đã 6 năm nay và là kịch bản phim truyện truyền hình. Để có tư liệu cho bộ phim "trong mơ" này, các tác giả không ngại lặn lội về các địa phương lục tìm tư liệu, gặp gỡ cả những kho tư liệu sống của dòng họ Lê nhiều tỉnh, thành, kêu gọi đầu tư vốn để làm phim.

"Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm" khai thác hai hình tượng chính là anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - những người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến suốt 10 năm đánh đuổi giặc Minh, giải phóng Thăng Long, giành độc lập cho đất nước.

Theo dự định của Hội, bộ phim sẽ là công trình nghệ thuật kỷ niệm 600 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (năm 2018). Phim được sản xuất với sự hợp tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa cùng với dòng tộc họ Lê Việt Nam, kinh phí sản xuất theo quy chế đặt hàng của UBND thành phố Hà Nội và xã hội hóa. Quy chế đặt hàng làm phim được dựa theo văn bản đã được Hà Nội ban hành từ năm 2006 (Quyết định số 187/2006/QĐUB).

Để có cơ hội được duyệt kinh phí làm phim, trước đó, Hội đã gửi nội dung kịch bản đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội thẩm định, được Hội Liên hiệp đánh giá cao và có văn bản ủng hộ, đề nghị Hà Nội xem xét. Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội đồng dòng họ Lê Việt Nam, một số nhà nghiên cứu có uy tín cũng có văn bản, thư ủng hộ sản xuất. Nhưng, dự án không được duyệt.

Lý do được đưa ra từ Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội là trong nội dung yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố năm 2016 (thời điểm Hội Điện ảnh Hà Nội, Hãng phim Sao Khuê đề nghị hỗ trợ kinh phí làm phim) không có tác phẩm điện ảnh "Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm" nên không thể đặt hàng đối với bộ phim này?

Trái bóng hỗ trợ kinh phí làm phim được chuyển sang UBND tỉnh Thanh Hóa vì bộ phim được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đã được Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa thẩm định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kinh phí làm phim vẫn là bài toán chưa có đáp án.

Gần 12 giờ trưa cuối tuần, khán giả vẫn đầy lối ra vào một phòng chiếu phim ở Hà Nội.

Cũng theo ông Đan Thiết Thụ, "Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm" mới là phim truyện truyền hình và phim truyện truyền hình về đề tài lịch sử đã từng có tiền lệ được thành phố hỗ trợ kinh phí làm phim nên có thể có nhiều kỳ vọng hơn. Mục tiêu đặt ra trong chiến lược của phát triển điện ảnh của thành phố là phim truyện nhựa.

Lâu nay, hoạt động sản xuất phim chiếu rạp của Hà Nội là "mặt trận" bị bỏ ngỏ. Hà Nội hiện nay chỉ có hãng phim Sao Khuê tham gia sản xuất phim nhưng chủ yếu là làm phim tài liệu và phim truyền hình. Phim truyện nhựa để chiếu rạp, khối làm phim tư nhân Hà Nội cũng không tham gia. Phần lớn phim Việt Nam chiếu rạp mấy năm gần đây đều do các hãng phim phía Nam sản xuất.

Cùng một đánh giá, nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc, một trong số những gương mặt có uy tín và kinh nghiệm lâu năm nhất trong làm phim hoạt hình của Việt Nam cho rằng, mục tiêu Hà Nội đặt ra với phim tài liệu, phim khoa học anh không rõ nhưng nếu đặt mục tiêu Hà Nội sản xuất 4 đến 6 phim hoạt hình mỗi năm trong giai đoạn 2016 đến 2020 và là phim chất lượng cao, thu hút khán giả mua vé vào rạp sẽ cũng rất khó thành hiện thực.

Tiềm năng vẫn chờ được... đánh thức

Trao đổi quanh câu chuyện về phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đại diện một trong số các hệ thống phát hành phim lớn nhất Việt Nam hiện nay cho rằng, Việt Nam đang có những lợi thế lớn cho các nhà đầu tư ở tất cả các lĩnh vực nói chung, trong ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng: Tình hình an ninh chính trị ổn định của đất nước tạo nên sự yên tâm cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư; Nguồn nhân lực dồi dào, kỹ năng tốt và rất chăm chỉ cần cù. Điện ảnh và người làm phim rất có triển vọng. 

Đây là thời điểm mà các nhà điều hành rạp chiếu, phát hành phim, đội ngũ người làm phim đều đang rất nỗ lực. Nếu nói chung về thị trường chiếu phim, trong 5 năm qua, Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, khoảng 25% mỗi năm.

Thống kê của đơn vị này cho thấy, năm 2015, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 105 triệu USD bao gồm cả phim Việt và phim nước ngoài. Năm 2016, doanh thu tại Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD.

"Món ăn tinh thần" chính dành cho khán giả Thủ đô mua vé vào rạp là phim nước ngoài.

Theo dự đoán, năm 2017, doanh thu thị trường phim tại Việt Nam có khả năng cán mốc khoảng 155 triệu USD với khoảng 45 triệu lượt khách xem phim. Lợi nhuận được tạo ra qua việc kinh doanh rạp chiếu phim góp phần tiếp tục tái đầu tư vào các tựa phim trong nước, thúc đẩy lượng đầu phim Việt tăng lên. Với số lượng ngày càng tăng, việc nâng cao chất lượng phim đang một lần nữa khuyến khích các nhà điều hành rạp chiếu mở rộng và phân phối phim đi khắp mọi miền.

Thực tế, mục tiêu đặt ra của Hà Nội về đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8 đến 1,2 triệu lượt người/năm xem phim không gây tranh cãi nhiều. Lý do là lượng người yêu thích điện ảnh, chấp nhận mua vé vào rạp xem phim không phải là ít. Chỉ có điều, doanh thu phòng vé hiện nay vẫn chủ yếu là từ phim ngoại nhập. Băn khoăn, có chăng là dành cho mục tiêu sản xuất phim.

Nói như chia sẻ của Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội thì Thủ đô không có phim truyện nhựa chiếu rạp không  phải vì không có nhân lực. Riêng Hội Điện ảnh Hà Nội đã có 250 hội viên. Hằng năm, Hội đều có tổ chức trại sáng tác. Nếu điểm sơ sơ, chỉ riêng kịch bản phim về Hà Nội được đánh giá cao, ít nhất cũng khoảng hơn chục kịch bản. Nhưng muốn thành phim thì phải cần có kinh phí...

Đi tìm lời giải cho câu chuyện này, nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc cho rằng ngoài lý do về cơ sở vật chất, về công nghệ làm phim còn có lý do rất quan trọng khác là đội ngũ người thẩm định, tổ chức sản xuất, phát hành phim. Từng tham gia nhiều "sân chơi" chuyên về phim hoạt hình lớn của khu vực và thế giới nên anh biết rất rõ, làm một bộ phim hoạt hình cần rất nhiều kinh phí và đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực khác, đặc biệt là về mỹ thuật...

Hà Nội có thể không quá khó khăn để chấp nhận bỏ khoản chi phí đến 40.000USD cho hoạt động làm phim hoạt hình nhưng để có người biết thẩm định, biết tổ chức sản xuất, phát hành đúng cách và có hiệu quả thì không dễ. Có lẽ cũng không phải riêng với phim hoạt hình mà với sản xuất phim nói chung, nếu không có người biết cách tổ chức tốt, có khi kinh phí được rót về vẫn khó triển khai. Chuyện này, làng phim Việt chưa phải chưa có tiền lệ.

Một thành viên gắn bó lâu năm với Hội Điện ảnh Hà Nội, từng thường xuyên viết cho một tờ tạp chí chuyên sâu về điện ảnh chia sẻ rằng cách tổ chức, quy trình cho phim được duyệt kinh phí theo đúng quy chế đặt hàng còn có nhiều bất cập. Phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố mới được thành phố đặt hàng nhưng thời điểm giải ngân thường rất muộn. Nếu muốn đáp ứng đúng thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm nào đó theo kế hoạch, người làm phim phải chấp nhận những thỏa hiệp nhất định về mặt chuyên môn để rút ngắn thời gian. Chưa kể, cách giải ngân còn máy móc.

Thế nên mới có chuyện, thành phố đầu tư kinh phí sản xuất, phim hoàn thành rồi nhưng bí cách quyết toán. Có phim đã phải nhờ gián tiếp qua một số tỉnh, thành khác và thời gian quyết toán kéo dài đến cả năm sau đó. Nếu sản xuất phim theo hình thức xã hội hóa, quan điểm của người làm nghề, phần lớn là những người đã gắn bó với điện ảnh lâu năm lại khá bảo thủ, ít chịu thỏa hiệp với cách làm phim của nhà đầu tư sản xuất phim thương mại. Chưa kể, người cũ, cách kể chuyện cũng cũ...

Đại diện của đơn vị phát hành phim nói trên cũng nhận định: Bên cạnh những tiềm năng, thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung, điện ảnh Hà Nội nói riêng còn nhiều thách thức. Tốc độ đô thị hóa ở các vùng miền khác nhau, nhiều nơi chưa có đủ cơ sở hạ tầng nên các nhà phát hành phim khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí thích hợp để xây dựng các rạp chiếu phim chất lượng cao.

Nhưng có lẽ, thách thức lớn hơn cả là nhiều đơn vị liên quan trong ngành vẫn chưa nhận ra được tiềm năng của ngành công nghiệp điện ảnh, thiếu tầm nhìn vĩ mô, dẫn đến các định hướng ngắn hạn thay vì có một chiến lược đầu tư dài hạn. Nhiều đơn vị đang chú ý quá nhiều vào thị phần, doanh thu, thay vì tập trung vào tầm nhìn xa hơn cho sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh...

Những mục tiêu Hà Nội đặt ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020 không chỉ là sự cần thiết để phát huy được các tiềm năng điện ảnh, đặc biệt là đội ngũ chuyên môn mà còn là mong muốn thiết thực của người làm nghề. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì thành phố cần phải có lộ trình với từng kế hoạch cụ thể hơn, có cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của hoạt động sản xuất, phát hành phim nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát các đề án, dự án phim được thành phố đầu tư sản xuất một cách hiệu quả.

Minh Hà
.
.