Sa mạc hóa - thảm trạng lớn trong thế kỷ XX

Thứ Sáu, 11/12/2009, 19:40
Theo con đường thẳng dẫn từ trung tâm Sahara tới ven bờ sông Niger, hàng đoàn người đang lặng lẽ bước. Đó là dòng người bất tận hàng ngày đi lấy nước nhằm thỏa mãn nhu cầu tồn tại tối thiểu.

Bị sa mạc "xua đuổi", hàng triệu người trên hành tinh đã phải rời bỏ nhà cửa nơi chôn nhau cắt rốn tới sống đâu đó gần các nguồn nước. Khắp nơi đang diễn ra thảm cảnh tương tự: từ Sahel ở châu Phi tới vùng đông bắc Brazil; từ các khu vực khô hạn tại PeruChile đến bang Rajasthan ở Ấn Độ...

Sự bành trướng của sa mạc đang gặm nhấm dần trái đất, hay như lời tiên đoán của nhà văn Pháp René Daumal (1908-1944), thì đó chính là: "Thảm trạng lớn trong thế kỷ XXI!".

Những luồng gió khô và nóng từ Sahara thổi thấu tới tận cực nam châu Phi. Sự sa mạc hóa gần đây ở Sahel cho thấy rõ sức bành trướng của sa mạc Sahara. Làm sao để chặn đứng tiến trình này lại được - mỗi năm "biển cát" lại lấn thêm 10km tại các vùng cận nhiệt đới trên cả 5 châu lục của hành tinh?

Và làm sao để chặn đứng làn sóng dân tị nạn - những người chạy trốn khỏi bệnh tật và đói kém do sa mạc mang lại? Rất nhiều các hội nghị quốc tế trong vòng 2 thập niên qua đã đưa ra các lời khuyên cùng nhiều giải pháp. Nhưng để giải quyết tận gốc rễ vấn đề "sa mạc hóa" thật không đơn giản và tình hình thực tế cứ ngày một tồi tệ hơn. Một phần ba diện tích mặt đất là sa mạc.

Nhưng những giới hạn lịch sử về địa chất luôn bị phá vỡ, sa mạc cứ dần "lấn lướt" các diện tích đất canh tác còn lại của địa cầu. Tiến sĩ Harold Dreen, chuyên gia nổi tiếng về hiện tượng "sa mạc hóa" của Đại học Tổng hợp tiểu bang Texas (Mỹ), nói: "Hàng ngàn năm trước, ngay cả các vùng cao thuộc Sahara cũng phủ dày cây cối xanh tươi. Các tranh vẽ trên vách đá vẫn còn mục kích được là những bằng chứng cho thấy: vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên đã từng có một nền văn minh phồn thịnh nơi đây.

Sau đó, quá trình sa mạc hóa lan khắp vùng Bắc Phi, khiến những "vựa lúa dồi dào" của Đế chế La Mã biến mất theo. Còn vào khoảng 2000 năm trước, xứ Tunisia đã mất đứt một nửa đất canh tác của mình. Tiến trình này vẫn đang tiếp tục và mỗi khi có điều kiện như khí hậu thay đổi do trái đất nóng dần lên chẳng hạn - sa mạc lại càng bành trướng mạnh hơn!".

Vào năm 1968, đột nhiên "mọc" lên một sa mạc mới - Sahel - vùng đất trải dài giữa hai nước SenegalSomalia. Tai họa này là nguyên nhân gây ra cái chết của 250 nghìn người và hơn 1 triệu đầu gia súc từng là sức kéo chủ yếu cho nhà nông - sau một thời kỳ dài không có mưa, đất đai nứt nẻ và "biển cát" lan tới.

Lượng mưa sau năm 1974 trở lại bình thường được vài năm, tới năm 1978 lại giảm dần và dẫn tới thảm kịch mới, đe dọa trực tiếp cuộc sống của cả 200 triệu con người. Trong thời kỳ này, sa mạc cũng bành trướng ở những phần đất khác trên thế giới, nhất là tại vùng đông bắc Brazil khiến 3 triệu người phải di cư và hàng chục ngàn người khác chết đói. Rồi phía bắc Ấn Độ, Chile và châu Úc...

Nhiều vùng phía tây của nước Mỹ bây giờ cũng có nguy cơ bị sa mạc hóa - nơi vốn được coi là có hệ thống tưới nước bảo đảm nhất. "Hàng năm - ông Bradford Morz, nguyên Tổng điều hành Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), nói - sự sa mạc hóa làm thế giới thiệt hại 30 tỉ USD. Theo đánh giá của chúng tôi, cần phải mất tới 4 thập niên với khoản kinh phí cả trăm tỉ USD để giành lại những miền đất bị sa mạc lấn từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước trở lại đây".

Nhưng đó là mới chỉ nói về đất đai, còn phải có những nguồn tài chính lớn hơn để cứu hàng chục triệu người tị nạn khỏi bị chết đói, dựng nhà cửa mới cho họ - Những thử nghiệm bất thành trong lĩnh vực này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia kém phát triển lâm vào cảnh nợ nần, không thể trả nổi những khoản vay tín dụng khổng lồ kéo dài từ nhiều thập niên nay.

Ví như tại Nouakchott, thủ đô xứ Mauritania thuộc châu Phi đã bị sa mạc "bủa vây", mùa mưa gần đây nhất kéo dài đúng... 10 phút. Tình hình thật đáng báo động. Thành phố Nouakchott trước đây chỉ có 12 nghìn dân, bây giờ là 20 vạn và đa phần họ đều suy dinh dưỡng. Ngoài những nguyên nhân do khí hậu và hạn hán ra, sự sa mạc hóa cũng là hệ quả trực tiếp do sức tàn phá của con người.

Như ở các làng mạc ven sườn nam Sahara, sự triệt hạ cây xanh còn lớn gấp bội phần do khô hạn làm cây chết. Giống như tại các nước đang phát triển khác, hơn 90% dân trong vùng lấy gỗ làm củi đun. Sự bùng nổ dân số cũng là một nguyên nhân nữa kích thích sự sa mạc hóa.

Những sai lầm kỹ thuật cũng "giúp" cho sự bành trướng của sa mạc. Như ở thung lũng Imperial (tiểu bang California, Hoa Kỳ), do sơ suất khi thiết kế một hệ thống thủy lợi, đã làm nhiễm mặn hàng ngàn mẫu Anh đất canh tác.

Các biện pháp ngăn chặn thường đòi hỏi khoảng thời gian dài, với nguồn kinh phí quá sức chịu đựng đối với nhiều nước, chưa kể nhiều dự án còn mang tính chất viển vông phi thực tế nữa. Như tại Ai Cập, hàng nghìn đàn ông cường tráng được huy động dọn cát phủ trên mặt các quốc lộ, nhưng chỉ sau 10 ngày thì... đâu lại vào đấy.

Người ta phải làm lại đường mới lấn qua đất nông nghiệp, chịu "nhường bước" trước sa mạc và cứ vậy cho đến... hết! Hay ở Algeria từng thực thi một chương trình của chính phủ có sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế, hàng chục ngàn thanh niên lao động trồng cây chắn cát. Kết quả đem lại thật khả quan.

Nhưng để trồng đủ cây "rào" Sahara lại, đòi hỏi sức lao động khổng lồ của hàng triệu người trong nhiều năm ròng. Riêng tại châu Úc, ven rìa sa mạc trung tâm người ta trồng sồi sa mạc - một loài cây được tạo giống trong phòng thí nghiệm với sự trợ giúp của máy điện toán, có sức chịu đựng cao và vẫn phát triển tốt ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất

Trần Hồng (theo Panorama)
.
.