Sắc màu thị trường Mỹ sau bầu cử

Thứ Ba, 17/11/2020, 20:19
Sau những ồn ào của cuộc bầu cử căng thẳng, nước Mỹ được cho là đang phải đối đầu với hàng loạt thách thức vô cùng nghiêm trọng: một cuộc khủng hoảng y tế công tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và một nền kinh tế còn đang oằn mình trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra...

Quá nhiều khó khăn trước mắt mà chính quyền sắp tới phải đối mặt đang tạo ra nhiều sắc màu trên thị trường Mỹ.

Phố Wall tràn ngập sắc xanh trong những ngày hậu bầu cử.

Thị trường chứng khoán Mỹ những ngày gần đây lại có dấu hiệu khởi sắc khi cuộc bầu cử đầy tranh cãi đã cho ra những kết quả ngày một rõ ràng hơn và đặc biệt là sau khi xuất hiện những tia hy vọng mới về một loại vaccine chống virus SARS-CoV-2, mở ra cơ hội chấm dứt giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì các quy định giãn cách, phong tỏa, hạn chế đi lại, từ đó đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo nhận định của Kenneth Rogoff, giảng viên Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard (Mỹ) trên trang Project Syndicate, mặc dù các tài sản thay thế như vàng và đồng tiền ảo Bitcoin đã phát triển mạnh giữa thời kỳ đại dịch, khiến một số nhà kinh tế học hàng đầu dự đoán rằng đồng USD sẽ chứng kiến sự sụt giá mạnh mẽ nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra.

Bất chấp việc Chính phủ Mỹ quản lý đại dịch một cách không nhất quán, đưa ra những cứu trợ thảm họa kinh tế gây thâm hụt chi tiêu khổng lồ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, mà như Chủ tịch Jerome Powell nhận định là đã “vượt qua rất nhiều ranh giới đỏ”, tỷ giá hối đoái của đồng USD vẫn yên tĩnh một cách kỳ lạ.

Vậy các thị trường ở Mỹ đã hoạt động như thế nào sau cuộc bầu cử đầy kịch tích vừa qua và thị trường chứng khoán sẽ thể hiện ra sao trong những tháng đầu tiên tân tổng thống bước vào nhiệm sở?

Những tuần lễ hậu bầu cử và giai đoạn chờ ngày nhậm chức

Năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử cho đến lễ nhậm chức tổng thống, sự gia tăng của thị trường trong những tháng khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức được thể hiện một cách nổi bật, mặc dù trước đó, trong đêm bầu cử, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh khi ông Trump bất ngờ chiến thắng bà Hillary Clinton. Nhưng ngay sau đó, S&P 500 đã tăng 5% trong vòng 1 tháng nhờ lời hứa của ông Trump về cắt giảm thuế và nới lỏng quy chế giám sát tài chính, mang lại hy vọng có thể thúc đẩy thăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama đã đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên khi nền kinh tế Mỹ đang rơi vào cuộc Đại khủng hoảng tài chính, một phần nguyên nhân khiến S&P 500 sụt giảm 15,5% trong giai đoạn từ sau khi ông tuyên bố chiến thắng bầu cử vào ngày 4-11-2008 cho đến lễ nhậm chức ngày 20-1-2009.

Các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.

Năm nay, giai đoạn chờ nhậm chức cũng đang được khởi động một cách khá tích cực, khi mà những hoài nghi và suy đoán về kết quả bầu cử dần rõ ràng, những dữ liệu tích cực từ giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 xuất hiện, tâm lý thị trường khởi sắc...

Ngay trong ngày 3-11, các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh, sau khi thị trường chốt phiên giao dịch chính thức với sắc xanh rực rỡ: chỉ số Dow Jones tăng 2,05%; S&P 500 tăng 1,78%; Nasdaq tăng 1,85%. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 tăng hơn 5% trong 5 ngày liên tiếp kể từ sau ngày bầu cử 3-11. Đây là một sự thể hiện tích cực nhất của chỉ số chứng khoán thời hậu bầu cử trong vòng ít nhất là 4 thập niên qua.

Giá dầu cũng tăng cao hơn. Ngày 11-11, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 3% lên 42,61 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc, tiêu chuẩn quốc tế để định giá dầu toàn cầu, tăng 2,8% lên 44,84 USD/thùng ở mức cao nhất trong ngày. Về phần mình, giá vàng đã lao dốc vào ngày 11-11, giảm 0,88% xuống 1.859 USD/ounce.

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn trông thấy hàng loạt rủi ro ở phía trước. Những rủi ro này bao gồm một làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, kéo theo đó là các đợt phong tỏa mới trên khắp nước Mỹ; sự hoang mang về những thông tin hậu bầu cử chưa thống nhất... Theo nhà phân tích Jim Cramer của CNBC, những cáo buộc về tính minh bạch của cuộc bầu cử là một mối lo ngại của thị trường.

Ông Cramer cảnh báo rằng thị trường phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn trong thời gian tới cho đến khi kết quả chính thức ngã ngũ. Ông nói: “Việc phủ nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử và cố gắng chống lại nó bằng mọi cách có thể, họ chắc chắn đang làm mất ổn định tình hình. Từ quan điểm của thị trường chứng khoán, đó là một vấn đề".

Ngoài ra, sau khi phiên giao dịch chứng khoán đóng cửa vào ngày 11-11, chuyên gia này còn đưa ra một giọng điệu thận trọng hơn về triển vọng của thị trường bởi đã xuất hiện những xu hướng trái ngược tại Phố Wall khi chỉ số Dow Jones giảm, còn S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng điểm trong ngày giao dịch. Ông nói: “Tôi cho rằng thị trường đang quá ung dung trước thực tế rằng số ca nhiễm mới trong một ngày của chúng ta đã vượt quá 130.000 người”.

Trong khi đó, cuộc tranh giành các ghế tại Thượng viện ở bang Georgia có thể kéo dài đến tận tháng 1 năm sau, đặt nhiều hoài nghi về khả năng chiếm ưu thế của đảng Dân chủ tại viện này. Nếu không nắm được thế đa số ở Thượng viện, người nào ở cương vị Tổng thống Mỹ cũng sẽ khó có thể làm gì nhiều trong vấn đề kinh tế. Chẳng hạn, trong quá trình tranh cử, với một chính phủ chia rẽ thì mọi dự định sẽ khó khả thi.

Một nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 liệu có khác trong nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm tới?.

100 ngày đầu tiên

Các thị trường chứng khoán thường dành những lời chào đón nồng nhiệt cho các tân tổng thống, mặc dù khó có thể nói liệu sự thể hiện tích cực đó có được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của một vị “giám đốc điều hành” mới, hay chỉ đơn giản là sự phản ánh xu hướng gia tăng truyền thống của thị trường theo thời gian.

Trong số 8/10 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ gần đây nhất, chỉ số S&P 500 đã tăng liên tục trong 100 ngày đầu tiên của năm mới dương lịch. Thế nhưng, trong hầu hết giai đoạn này của hơn 40 năm qua, chỉ số S&P 500 cũng đã tăng cao hơn, dù có tổng thống mới nhậm chức hay không.

Về phần mình, khả năng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục dành sự ủng hộ lớn cho các thị trường trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống, giống như những gì FED đã làm trong hầu hết cả năm 2020. Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters cho thấy việc ngân hàng trung ương cam kết tiếp tục cung cấp các biện pháp kích thích nền kinh tế đã nâng cao niềm tin của giới đầu tư trong năm nay và bảng cân đối kế toán của FED dự kiến sẽ tăng lên 9,1 nghìn tỷ USD vào tháng 12-2021.

Tỷ giá của đồng USD không bị tác động nhiều trong những ngày qua.

Sự yên tĩnh của đồng bạc xanh

Ngay giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn hết sức kịch tính, tỷ giá hối đoái của đồng USD cũng không bị tác động nhiều. Các nhà giao dịch và giới báo chí có thể bắt đầu theo dõi về hoạt động hằng ngày của “đồng bạc xanh” nhưng đối với phần lớn các nhà kinh tế học, những người quan tâm nhiều hơn tới xu hướng tỷ giá hối đoái dài hạn, thì phản ứng của họ cho đến nay là không có gì đáng phải lo ngại.

Thật vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đồng euro đã tăng giá khoảng 6% so với đồng USD trong năm 2020 nhưng biên độ này tương đối nhỏ so với những gì đã diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi đồng USD dao động trong khoảng 1,58 - 1,07 USD so với đồng euro. Tương tự, tỷ giá hối đoái giữa đồng yên của Nhật Bản và đồng USD cũng gần như không thay đổi trong suốt thời kỳ đại dịch, khác biệt hoàn toàn so với thời kỳ Đại suy thoái khi 1 USD đổi được khoảng 90-123 yên. Và chỉ số tỷ giá hối đoái rộng rãi của đồng USD so với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ hiện nằm ở mức xấp xỉ giữa tháng 2-2020.

Sau cuộc bầu cử Mỹ vừa rồi, trong ngắn hạn và trung hạn, đồng USD chắc chắn có thể tăng giá nhiều hơn. Giới chuyên gia cho rằng khả năng lớn là “đồng bạc xanh” vẫn sẽ giữ ngôi vương ít nhất là cho đến năm 2030.

Bớt chiến tranh thương mại, thêm đàm phán thương mại

Cuộc bầu cử Mỹ 2020 diễn ra sau 4 năm nước Mỹ được cho là trải qua các mối quan hệ quốc tế căng thẳng dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và gây ra hàng loạt mâu thuẫn với châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNBC qua điện thoại, Louis Dudley, Giám đốc danh mục đầu tư chứng khoán toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư Federated Hermes, nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống sắp tới nên áp dụng một cách tiếp cận “mềm mại hơn và chắc chắn là hợp tác hơn” với các mối quan hệ thương mại toàn cầu.

Theo bà, điều này có nghĩa là sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bớt “thăng trầm” hơn so với những năm vừa qua, bởi “sẽ có thêm các cuộc đàm phán thương mại và bớt các cuộc chiến tranh thương mại”. Từ đó, môi trường thương mại tích cực hơn sẽ được thiết lập để các doanh nghiệp có thể yên tâm phát triển.

Chuyên gia Henry thuộc Công ty quản lý đầu tư Quilter Cheviot (Anh), nhận định rằng nếu như Mỹ trở nên “hướng ngoại hơn với những nỗ lực quay trở lại xu hướng toàn cầu hóa”, ông hy vọng rằng những lợi ích từ triển vọng này có thể “lan tỏa ra toàn cầu”. Ông nói: “Các khu vực nhạy cảm hơn trước sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng có thể được hưởng lợi thông qua lĩnh vực chế tạo nổi bật của mình, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản.

Ngọc Bích
.
.