Sách giáo khoa ngoại ngữ, nên thế nào?

Chủ Nhật, 16/02/2020, 10:52
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố quyết định phê duyệt 6 đầu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc phê duyệt sách tiếng Anh muộn hơn so với sách giáo khoa thuộc các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc chủ yếu liên quan đến vấn đề gỡ nút thắt người nước ngoài không được biên soạn sách giáo khoa.

Việc “Việt hóa” tác giả biên soạn sách ngoại ngữ - một môn học có nhiều đặc thù đã thu hút nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Chậm vì “không có tổng chủ biên người Việt Nam”

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 22-12-2017, người biên soạn sách giáo khoa (SGK) phải “có đầy đủ quyền công dân”. Các tổ chức biên soạn SGK tiếng Anh đã vận dụng quy định này để mời các tác giả, chủ biên là người nước ngoài tham gia soạn sách vì họ dựa trên quan điểm người biên soạn sách có "đầy đủ quyền công dân" thì có thể là công dân nước khác.

Trong số 6 đầu sách tiếng Anh lớp 1 được Bộ GD-ĐT đánh giá “đạt” thì có đến 5 đầu sách do tác giả nước ngoài biên soạn, chỉ có 1 đầu sách tiếng Anh thuộc bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam.

Khi Bộ GD-ĐT công bố Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 22-11-2019, chỉ có 32 đầu sách thuộc các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc được phê duyệt. Còn lại 6 đầu sách tiếng Anh 1 bị ách lại mặc dù đã được Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt”. Lý giải về điều này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết môn tiếng Anh là môn học tự chọn ở lớp 1, do đó sẽ công bố quyết định phê duyệt sau.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục – Đào tạo).

Trước cách lý giải trên, có nhiều ý kiến cho rằng dù là môn học tự chọn ở lớp 1 nhưng môn tiếng Anh cũng nằm trong thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới, được thẩm định theo cùng một quy định, một hệ thống tiêu chí của Thông tư 33 thì sao lại phải công bố phê duyệt sau? Hơn nữa, việc phê duyệt sau sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên cũng như tiến độ in và phát hành sách chuẩn bị cho năm học mới.

Có ý kiến thắc mắc tại sao SGK tiếng Anh được đánh giá “đạt” mà vẫn còn bị ách lại, vậy thì “đạt” được đánh giá theo tiêu chí gì? Bà Phạm Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh cấp tiểu học giải thích rằng “đạt” ở đây là đảm bảo yêu cầu về chương trình, nội dung theo các tiêu chí chuyên môn. Hội đồng thẩm định chỉ xem xét các bản mẫu SGK ở khía cạnh chuyên môn còn các yếu tố căn cứ pháp lý theo quy định của Thông tư 33 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến xuất bản SGK thì phải được xem xét riêng.

Thực tế trong quá trình rà soát các luật liên quan để phê duyệt SGK mới, nhận thấy có những vướng mắc ở phần tác giả biên soạn SGK tiếng Anh nên Bộ GD-ĐT phải tham vấn ý kiến của một số bộ, ngành để đi đến quy định cụ thể. Tuy Thông tư 33 không quy định cụ thể người biên soạn sách có quyền công dân nước nào nhưng cần hiểu ở đây là quyền công dân Việt Nam, trong khi đa số các đầu sách tiếng Anh lớp 1 đều do người nước ngoài biên soạn.

Ví dụ, bản mẫu sách tiếng Anh trong bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam là cuốn "Family and Friends” (National Edition), "Student book" của tác giả Naomi Simmons, NXB Đại học Oxford, Anh.

Ngày 13-1, ông Thái Văn Tài nhấn mạnh: “Tất cả SGK tiếng Anh chỉ được phê duyệt và công bố khi có tác giả là người Việt và tham khảo các tài liệu có đảm bảo tính pháp lý, có bản quyền sở hữu của các NXB. Người nước ngoài tham gia biên soạn sách tiếng Anh thì sách đó sẽ không được phê duyệt và công bố”.

Vì thế, 5/6 đơn vị biên soạn sách tiếng Anh đã phải điều chỉnh, hiệu đính trên nền tảng giáo trình tiếng Anh của nước ngoài, bổ sung tổng chủ biên, chủ biên người Việt Nam.

Một bìa sách tiếng Anh lớp 1 đã được phê duyệt; Danh mục 6 đầu sách tiếng Anh lớp 1 được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt.

Tác giả sách giáo khoa tiếng Anh có nhất thiết phải là người Việt?

Theo ông Thái Văn Tài, các sách tiếng Anh nước ngoài có nội dung khá tốt, tuy nhiên vẫn cần thiết phải bổ sung tác giả người Việt để có những điều chỉnh, trong đó thay đổi cả kênh hình để phù hợp với văn hóa Việt Nam, mở rộng thêm các nội dung thực tế phù hợp với lớp học Việt Nam.

Vẫn theo quan điểm của Bộ GD-ĐT thì điều này hoàn toàn đúng với Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT đề ra mục tiêu chương trình lớp 1 đối với môn tiếng Anh là giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hóa của một số nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; đồng thời biết tự hào, yêu quý và trân trọng ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng không cần phải bổ sung người Việt Nam là tác giả của các SGK tiếng Anh do tác giả nước ngoài biên soạn. Vì trong các quy định về việc tổ chức biên soạn SGK của Bộ GD-ĐT không có nội dung nào bắt buộc người biên soạn sách phải là người Việt Nam. Nếu người Việt Nam tham gia điều chỉnh nội dung thì không tránh khỏi tình trạng cấu trúc sẵn có của cuốn sách bị xô lệch, khó có thể điều chỉnh trong một thời gian ngắn. Trong khi nhập khẩu sách tiếng Anh vừa kế thừa được ưu điểm của sách nước ngoài vừa đỡ tốn kinh phí biên soạn sách.

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ ngôn ngữ Trần Thị Quế Chi - Công ty Cổ phần sách Thái Hà cho rằng: “Ngôn ngữ luôn bao hàm cả yếu tố văn hóa. Do đó học ngoại ngữ không chỉ là học vỏ ngôn ngữ mà còn học cả văn hóa. Chúng ta sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì không có được cảm thức ngôn ngữ như người bản địa, do vậy nên học theo giáo trình do người bản địa biên soạn”.

GS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội trong một cuộc toạ đàm về SGK cũng nêu rõ: “Sách tiếng Anh có 2 nhiệm vụ chính: Cung cấp ngôn ngữ tiếng Anh để diễn đạt những kiến thức sẵn có của trẻ và cung cấp kiến thức thế giới để trẻ mở rộng tầm mắt. Còn nhiệm vụ cung cấp nền văn hóa Việt Nam thì lại không phải của môn tiếng Anh mà của các môn khác”.

Có thể thấy, hiện tại giữa quy định của Bộ GD-ĐT và Thông tư 33 đang có sự vênh nhau về tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK. Điều này dẫn đến các quan điểm khác nhau về nội dung chương trình, mục tiêu dạy học tiếng Anh lớp 1-2. Vì vậy, Bộ đã gấp rút ban hành Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư số 33/2017/TT- BGDĐT, trong đó quy định rõ người biên soạn SGK “là công dân Việt Nam”.

Nếu dự thảo này được thông qua thì SGK tiếng Anh nhất thiết phải do người Việt Nam biên soạn và kiểm soát nội dung chương trình. Việc kiểm soát như thế nào cho hợp lý sẽ vẫn là vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong thời gian tới khi cả nước đồng loạt tiếp cận với SGK tiếng Anh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giờ học tiếng Anh tự chọn của các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Không nên vội vàng

Bộ GD-ĐT đã đề ra mục tiêu của chương trình tiếng Anh lớp 1-2 nhằm giúp học sinh bước đầu có nhận thức đơn giản nhất về tiếng Anh, làm quen, khám phá và trải nghiệm để hình thành kỹ năng tiếng Anh theo các ngữ cảnh phù hợp lứa tuổi. Đây cũng là giai đoạn học đọc và học viết tiếng Việt, do đó sẽ chú trọng phát triển kỹ năng nghe - nói, còn kỹ năng đọc - viết tiếng Anh sẽ chỉ được giới thiệu ở mức độ đơn giản.

Cụ thể hơn, học sinh sẽ được nghe và nhận biết được tên các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, nghe hiểu các số đếm trong phạm vi 20, nghe hiểu được các từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh, có thể nghe hiểu và hồi đáp phi ngôn ngữ trong tình huống giao tiếp đơn giản, gần gũi với đời sống của học sinh...

Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh đầu cấp tiểu học và cách tiếp cận chủ đạo trong giảng dạy tiếng Anh ở giai đoạn này. Nên sử dụng phối hợp các tình huống, trò chơi hoặc bài hát, sách truyện rất đơn giản bằng tiếng Anh, dễ nhớ, gần gũi với lứa tuổi lớp 1-2; sử dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến và học liệu phong phú để nâng cao hiệu quả dạy học. Việc kiểm tra đánh giá được lồng ghép nhẹ nhàng vào các hoạt động trên lớp, không đặt nặng kết quả kiểm tra.

Thực tế là một số đầu sách tiếng Anh được phê duyệt lần này đã được đưa vào dạy tự chọn ở một số trường từ nhiều năm nay. Vì vậy, những cuốn sách như "Family and Friends”, “I-learn Smart Start” đã không còn xa lạ với một bộ phận học sinh Việt Nam. Tuy nhiên mức độ tiếp cận kiến thức của học sinh không đồng đều.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Tuyết Mai - một giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học nhiều năm ở Hà Nội cho rằng giáo trình nước ngoài có cấu trúc chương trình hợp lý, nội dung hấp dẫn, phù hợp với trình độ học sinh. Tuy nhiên, theo một số giáo viên tiếng Anh tiểu học ở Vĩnh Phúc thì giáo trình nước ngoài có những kiến thức khó, nhiều em học sinh không theo được. Thêm nữa, không phải địa phương nào cũng có điều kiện cho học sinh học tiếng Anh sớm ngay từ lớp 1-2. Ở các trường vùng sâu, vùng xa, học sinh chỉ được học tiếng Anh theo chương trình bắt buộc từ lớp 3.

Từ năm học tới, các trường tiểu học cả nước có thể lựa chọn một trong số 6 đầu sách tiếng Anh do Bộ GD-ĐT đã phê duyệt để giảng dạy cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, đây cũng vẫn là chương trình làm quen, chưa phải là chương trình chính thức và bắt buộc.

Vì vậy, theo PGS.TS Phan Văn Hòa - Trưởng Ban soạn thảo chương trình tiếng Anh lớp 1-2, nếu cơ sở giáo dục chưa đảm bảo được những điều kiện triển khai ban đầu về nhân lực, cơ sở vật chất, kế hoạch dạy học, nội dung và hình thức dạy học thì không bắt buộc phải triển khai chương trình này. Học sinh lớp 1-2 không được tham gia chương trình làm quen này vẫn có thể học chương trình tiếng Anh lớp 3 một cách bình thường.

Theo Quyết định số 180/QĐBGDĐT ban hành ngày 20-1-2020 của Bộ GD-ĐT, 6 đầu SGK tiếng Anh lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm: 2 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam gồm Tiếng Anh 1 và Tiếng Anh 1 (Family and Friends); 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm là Tiếng Anh 1 (English Discovery); 3 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh gồm Tiếng Anh 1 (I-learn Smart Start), Tiếng Anh 1 (Explore Our World), Tiếng Anh 1 (Macmillan Next Move).
Huyền Anh
.
.