Sách và phát triển văn hóa đọc
- Trên 510.000 học sinh, sinh viên dự thi “Đại sứ văn hóa đọc 2019”
- Nhiều thách thức đối với văn hóa đọc truyền thống
- Sách và văn hóa đọc với thiếu nhi
Những tín hiệu vui
Sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam (năm 2014) và nhất là “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2017) đã trở thành chất xúc tác khơi mạch nguồn cho văn hóa đọc.
Tại khắp các địa phương trên cả nước, các hoạt động về sách và văn hóa đọc liên tục được đẩy mạnh thông qua các hội sách, các buổi giao lưu giới thiệu sách, đặc biệt là các tọa đàm nhằm gỡ những nút thắt trong việc thúc đẩy văn hóa đọc.
Khai mạc hội sách Việt nam 2019. |
Đáng chú ý, việc vận động các nguồn tài trợ cho phát triển văn hóa đọc đã được nhiều đơn vị hưởng ứng. Trong suốt 2 năm qua, hành trình đã mang đến cho cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Rai… cơ hội được học hỏi, tiếp cận với sách báo, tài liệu phục phụ học tập, phát triển văn hóa đọc.
Khắp cả nước còn có biết bao tổ chức, cá nhân đã và đang miệt mài góp sức cho hành trình lan tỏa văn hóa đọc.
Đó là mô hình “Sách hóa nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch – người đã dành 10 năm để nghiên cứu các mô hình thư viện cũng như xây dựng chiến lược truyền thông để mô hình tủ sách của mình có thể tồn tại và làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc đọc sách; là những không gian đọc truyền cảm hứng cho biết bao bạn đọc nhỏ tuổi như: Không gian đọc Hy vọng ở Thái Bình; Không gian đọc Bồ Đề Tâm ở Hà Nội; Không gian đọc của anh Trần Thiện Tùng ở TP. Hồ Chí Minh; là những thư viện tư nhân ở Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội); thư viện thôn Bình Vọng (huyện Thường Tín, Hà Nội)… rồi biết bao những tủ sách phụ huynh, gia đình, dòng họ…
Theo số liệu của Bộ TT&TT, trong 5 năm qua, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc. Tại các hệ thống an ninh, quốc phòng, các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam được tổ chức gắn với việc thực hiện nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Tiêu biểu là mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” - dấu ấn nổi bật được xây dựng tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể kể đến: Ngày hội đọc sách với chủ đề “Ánh sáng - niềm tin”, “Niềm tin và hy vọng” của tỉnh Sơn La; “Đọc sách thay đổi cuộc đời” của tỉnh Bình Dương; “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” của tỉnh Đắk Nông…
Riêng với ngành xuất bản, kể từ khi triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, toàn ngành đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản.
Chất lượng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.
Và khoảng trống chưa thể lấp đầy
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, số lượng sách bổ sung hàng năm trong các thư viện công cộng có tăng tuy nhiên không theo kịp sự gia tăng của dân số.
Cụ thể, tính đến năm 2018, chỉ tiêu bình quân số bản sách trên đầu dân hiện nay là 0,44 và nguy cơ khó đạt được chỉ tiêu 1 bản sách/ người dân trong thư viện cộng đồng vào năm 2020.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan (trái) chia sẻ với độc giả tại buổi giao lưu “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách” được tổ chức tại Thư viện Quân đội ngày 5-4-2019. |
Tại nhiều thư viện, kinh phí hoạt động gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn (hiện cả nước còn 5 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập; 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hàng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác; thư viện cấp xã, thư viện trường học chưa được quan tâm. Vấn đề hiện đại hóa thư viện đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được quan tâm đầu tư phát triển.
Giám đốc NXB Phụ nữ - bà Khúc Thị Hoa Phượng trong buổi tọa đàm về “Khai thác mỏ vàng trong thế giới sách” được tổ chức tại Thư viện Quân đội đầu tháng 4 vừa qua đã đưa ra một con số khiến nhiều người phải chạnh lòng: “Ở Việt Nam mỗi người chỉ đọc có 0,7% cuốn sách/ một năm trong đó đã tính cả sách giáo khoa”.
So sánh với các nước trên thế giới nhất là các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Đức, Singapore… thì tỷ lệ này quá thấp: “Ở Nhật một người đọc trung bình 20 cuốn sách/năm. Còn Malaysia, 10 năm trước tỷ lệ đọc sách của người dân cũng chỉ tương đương như ở Việt Nam bây giờ, nhưng từ khi có chính sách quốc gia về phát triển văn hóa đọc, hiện nay số đầu sách đọc trung bình của một người đã là 10 cuốn/ năm” – bà Hoa Phượng cho hay.
Dù rằng năm 2018, ngành xuất bản đã có 32.000 cuốn sách mới với 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017, tuy nhiên sự gia tăng cả về số đầu sách lẫn bản sách cũng chưa đủ để khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản nói chung, văn hóa đọc nói riêng.
Dù rằng tổng lượt bạn đọc đến thư viện trên cả nước năm 2018 đạt 36 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017, nhưng khoảng chênh lệch về văn hóa đọc giữa thành phố với nông thôn nhất là những vùng sâu vùng xa dường như vẫn chưa thể thu hẹp. Còn rất nhiều các em có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với sách…
Để văn hóa đọc ngày một lan tỏa
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng 18-4-2019, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thu Thủy cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ xuất bản và cung cấp xuất bản phẩm miễn phí cho người dân, đặc biệt người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Có chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng, tăng cường nguồn vốn cho phát triển vốn tài liệu trong thư viện và nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác thư viện.
Thế hệ trẻ không thể thiếu hành trang là sách. Ảnh trong bài: Đặng Thủy. |
Ngoài ra, cũng cần có các hình thức khen thưởng để tôn vinh những cơ quan, tập thể, cá nhân có thành tích phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Thạch - người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí cho rằng Bộ GD&ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện.
“Bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học, xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh; nêu rõ tiêu chí số đầu sách tối thiểu trẻ em nghe và đọc hàng năm. Tiêu chuẩn thư viện theo Quyết định 01/2003/QĐ – BGDĐT năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vốn nhiều bất cập ngay khi ban hành và quá lỗi thời so với nhu cầu của xã hội” – ông Thạch nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm của một địa phương đi đầu trong việc xây dựng tủ sách lớp học ở các cấp, theo ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cần tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa, khích lệ các tổ chức, cá nhân, gia đình trong việc xây dựng thư viện công cộng, xây dựng và duy trì thói quen đọc sách tại cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, đây chỉ là lực lượng “nhóm lửa”, còn các cấp chính quyền, nhất là chính quyền xã, phòng giáo dục huyện đặc biệt là nhà trường mới là lực lượng có vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và thúc đẩy thói quen đọc sách trong học sinh và nhân dân.
Theo dịch giả, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, đọc sách là trải nghiệm đầu đời quan trọng và đầy ý nghĩa. Đọc sách cũng là học – một sự học tự nhiên, thường xuyên, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc. Tuy nhiên, thúc đẩy văn hóa đọc không chỉ giản đơn là đọc nhiều mà còn là đọc gì và đọc như thế nào.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan bày tỏ: “Tôi mong các bạn sinh viên hãy rèn cho mình một thói quen đọc sách để sau này các bạn có thể truyền tình yêu sách ấy cho các con mình. Tôi cũng mong mỗi người khi đọc một cuốn sách hay hãy khuyến khích thêm một độc giả thích đọc cuốn sách đó nữa đặc biệt là khuyến khích cho độc giả nhỏ tuổi”.
Có thể nói, những chuyển động tích cực của văn hóa đọc thời gian qua đã mở ra những tín hiệu vui cho ngành xuất bản cũng như đời sống văn hóa.
Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; để những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận nhiều hơn với sách… đó là cả một chặng đường dài cần có sự chung tay của cả xã hội, các cơ quan chức năng, và không thể thiếu được đó là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, mỗi gia đình, trường học cũng như các cá nhân trong cộng đồng.
Có như thế văn hóa đọc mới có thể phát triển và bám rễ sâu trong đời sống; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam.
Những năm gần đây trong lực lượng Công an nhân dân, hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam đã được đặc biệt quan tâm. Một trong những hoạt động được chú ý nhất hằng năm là tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm và phát động phong trào đọc sách trong toàn lực lượng. Ngoài ra, Bộ Công an còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách, tuyên truyền, giới thiệu sách trong Công an nhân dân. Tại Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng gắn với phát động phong trào “Công an nhân dân học tập thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “Bạn trẻ đọc sách”, “Đoàn viên tích cực, tự giác đọc sách, báo”, “Tự học, tự rèn, tự đào tạo”, “Mỗi tuần một cuốn sách hay, mỗi ngày thêm một kiến thức mới”, “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một hạt nhân trong phong trào đọc”, duy trì phong trào “Giờ đọc báo buổi sáng”, phong trào “Trao tặng sách cho thư viện, tri ân bạn đọc”, “Góp 01 cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay”… Để làm tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Bộ Công an đã quan tâm đầu tư một số các cơ sở vật chất để phát triển hoạt động thư viện. Hàng năm Bộ cũng đã cấp kinh phí bổ sung tài liệu cho Công an các đơn vị, địa phương là 3 tỷ đồng; kinh phí bổ sung tài liệu học tập theo chuyên đề hơn 4 tỷ đồng. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động thường xuyên tổ chức tiếp nhận, cập nhật các đầu sách, báo, tạp chí cho thư viện, tủ sách; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện; ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử nhằm khai thác hiệu quả tài liệu hiện có. |