Sách viết cho thiếu nhi - Những điều trăn trở

Thứ Ba, 02/06/2020, 22:04
Sách dành cho thiếu nhi luôn là một mảng đề tài được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và từ lâu cũng là một lĩnh vực tiềm năng trên thị trường sách Việt Nam. Khi đời sống xô bồ và bận rộn thì các bậc làm cha làm mẹ có con ở tuổi nhi đồng còn quan tâm đến việc nâng giấc tâm hồn của các con và sự bồi đắp này không thể thiếu vắng những tác phẩm văn học thiếu nhi.

Mặc dù rất cần những thể loại và cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với thời đại nhưng trên thực tế, mảng sách thiếu nhi trong nước hiện nay vẫn thiếu vắng tên tuổi làm nên những hiện tượng để thu hút các em thiếu nhi. Mặc dù các nhà xuất bản chuyên về sách cho thiếu nhi như: NXB Kim Đồng, NXB Trẻ... đều kêu gọi, đặt hàng các nhà văn những tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng thực sự, để kích cầu văn hóa đọc cho thiếu nhi với những tác phẩm hay và xuất sắc vẫn đang là một điều trăn trở...

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

"Mỗi đứa trẻ cần có một quyển sách cho riêng mình"

Tháng 5 này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều ra mắt cuốn sách thiếu nhi viết về các cháu của mình với tên gọi giản dị: "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya". Câu chuyện của hai đứa trẻ tên Mem và Kya qua ghi chép của “thư ký” cho hai cô cậu bé chính là người ông, nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Đó là những câu chuyện giản dị đời thường ví dụ như, tại sao Mem lại gọi là ông nội, mà Kya lại gọi ông là ông ngoại?

Tại sao Mem mới mấy tháng sinh ra đã được làm anh của Kya đã một tuổi? Tại sao quê nội của người này lại là quê ngoại của người kia? Tại sao tên của Mem và mẹ Ngân lại bị gọi thành tên món ăn: món nem và con ngan? Tại sao trẻ con mọc từng cái răng mà người lớn thì có nhiều răng thế? Tại sao con lại không được mời dự đám cưới của bố mẹ? Tại sao khi em Kya vui thì anh Mem lại hạnh phúc? Và ai thì được gọi là cụ là kỵ...?

Câu chuyện tưởng như riêng tư trong một gia đình mà gợi nhiều điều thú vị, như những bài học nhỏ cho con trẻ về gia đình, quan hệ xóm làng, về văn hóa dòng họ của một làng quê ven sông, cả về tình yêu thương chăm chút cho hạnh phúc. Sự trong trẻo ngây thơ trong nỗi mong mỏi khao khát của người lớn, sao cho con cháu mình trở thành người tử tế, nên "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" đã thành câu chuyện chung mà cha mẹ ông bà có thể đọc cho con cho cháu mình.

Chia sẻ về câu chuyện này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông viết cuốn sách này trước hết vì nhu cầu tự thân. Khi những thôi thúc về việc cần có một cuốn sách cho đứa trẻ khi nó lớn lên để nhớ về câu chuyện thơ ấu của mình, như một điểm tựa vững chắc về cội nguồn cũng như về những gì đã xảy ra trong quá khứ, nó là một phần ký ức trẻ thơ đẹp đẽ của chính đứa trẻ ấy và những người cùng thời.

Bìa một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Bởi vì nhà văn Nguyễn Quang Thiều vẫn còn nhớ câu chuyện từ thời ấu thơ của mình như một lòng biết ơn sâu sắc. Ngày chiến tranh phá hoại, có những đứa trẻ thành phố về quê đi sơ tán, chúng mang theo 2 thứ mà với bọn trẻ con nông thôn là một báu vật: đó là những cuốn sách và bánh bích quy. Anh vẫn nhớ rằng, những đứa trẻ thành phố không cho những đứa trẻ nông thôn mượn sách và chỉ có một cách duy nhất, là chờ những đứa trẻ thành phố đi ngủ thì những đứa trẻ nông thôn như anh mới lấy trộm những cuốn sách và đọc ngấu nghiến.

Những cuốn sách ấu thơ ấy đã mở ra một thế giới khác cho tâm hồn trẻ thơ của ông. Cũng từ đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mỗi một đứa trẻ cần có một cuốn sách "ruột" để nuôi dưỡng tuổi thơ của mình, bởi vì nó sẽ xây dựng tâm hồn đứa trẻ ấy một cách toàn bích và đẹp đẽ nhất về thiên nhiên, con người và thế giới xung quanh.

Anh cũng cho rằng, trên thực tế, các nhà văn trên thế giới, chứ không chỉ các nhà văn Việt Nam đều có một đam mê, một khát vọng viết được một cuốn sách hay cho thiếu nhi. Ở Việt Nam, đã có những tác giả trở thành nhà văn của thiếu nhi, như nhà văn Tô Hoài chẳng hạn nhưng có thể thấy nhà văn trong nước chuyên tâm viết cho thiếu nhi mỗi ngày một thưa vắng đi. Nhiều người chỉ coi đó là một mảng phụ trong chặng đường văn nghiệp của họ. Có lẽ chúng ta phải nhấn mạnh ý thức và niềm đam mê cho trẻ con. Không ai ép hay thúc giục nhà văn được.

Ngoài ra, trẻ em ngày nay cũng có nhiều mối quan tâm hơn. Điện thoại thông minh, công nghệ số phát triển, nghe và nhìn hiện đại lấn át văn hóa đọc. Bởi vậy mà cha mẹ cũng có nhiều sự lựa chọn cho con, ngoài việc đọc sách. Chỉ có thể tự thân mỗi nhà văn thấy được tầm quan trọng của việc viết cho thiếu nhi, trước hết là cho con trẻ của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhưng anh cho rằng, lâu nay những vấn đề về văn học thiếu nhi của Ban Sáng tác văn học thiếu nhi vẫn chưa được chú trọng. Có nhiều giải thưởng văn học cho tiểu thuyết, văn xuôi ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống nhưng sách thiếu nhi hiếm, khó khăn, hiếm khi có giải thưởng.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có cảm giác mỗi năm lại ít đi một cây bút viết cho thiếu nhi hoặc nhiệt huyết trong họ bị cạn dần, trong khi đó, theo anh, rất cần có những tác phẩm văn học cho thiếu nhi thấm đẫm ngôn ngữ Việt, thiên nhiên và những điều giản dị nằm trong văn hóa Việt.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, anh bắt đầu viết cho thiếu nhi từ khi con gái anh còn là một cô bé vài tuổi. Giờ đây, khi con gái anh sinh cháu và anh lại có những cảm hứng dồi dào để viết một vài tác phẩm về thiếu nhi, trong đó chứa đựng những tình yêu, nguồn cội, thiên nhiên, ấu thơ mà mỗi một đứa trẻ đều hằng khao khát có. Anh mừng vì sách đã bán khá tốt, các bậc cha mẹ đã mua cho con mình và anh tin rằng, nếu viết từ trái tim thì sẽ đến được với những trái tim và những đứa trẻ đều cần một cuốn sách như thế cho riêng mình.

Bìa một tác phẩm của nhà văn Phong Điệp; Bìa một tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Viết cho trẻ em là một thách thức...

Nhà văn Nguyễn Đình Tú được biết đến với những tiểu thuyết dữ dội, khốc liệt, gai góc của cuộc sống với những vụ án ly kỳ, câu chuyện thời hậu chiến, những câu chuyện hiện đại của đô thị... rồi bỗng một ngày anh chuyển qua viết cho thiếu nhi với các tập truyện ngắn "Ba nàng lính ngự lâm", "Thế gian màu gì", "Chú bé đeo ba lô màu đỏ" và mới đây nhất là "Bãi săn", một seri văn học văn học Fantasy (văn học kỳ ảo).

Khi được hỏi về việc viết cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết lý do để anh cầm bút viết còn xuất phát từ chính nhu cầu của đối tượng độc giả nhỏ, khi đưa con gái đi mua sách, anh cũng loay hoay tìm sách văn học trong nước cho con. Thiếu nhi là lứa độc giả đông đảo, đáng yêu, đáng phục vụ, nên anh thấy cần phải viết cho các em, nhất là trong thời đại văn hóa đọc đang đi xuống.

Là người cầm bút cần có trách nhiệm vực dậy bằng cách chăm lo công chúng nhỏ tuổi từ bây giờ, để ngày mai có lứa công chúng cho nhà văn. Các cháu đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay, sẽ là bạn đọc tương lai của chúng ta với việc cần phải có trách nhiệm với văn học thiếu nhi nước nhà.

Không gian sách cho trẻ em.

Theo anh, trên giá sách các gia đình hiện nay, văn học và sách cho trẻ em nước ngoài đang chiếm ưu thế, các cháu cũng ham mê truyện tranh, đẹp, bắt mắt và dễ đọc Bởi thế, người cầm bút cần lấy lại thế cân bằng, để bạn đọc nhỏ Việt được đọc văn Việt. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến việc viết là cả một sự khó khăn và gặp nhiều bỡ ngỡ. Khi bắt tay vào thì anh cảm thấy viết cho thiếu nhi là một thách thức.

Nữ nhà văn Phong Điệp có những tập sách viết cho thiếu nhi như 2 tập truyện ngắn cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng ấn hành, đó là "Giấc mơ bay qua cửa sổ" (2002) và "Người của ngày hôm qua" (NXB Kim đồng 2003), mới đây nhất là "Nhật ký sẻ đồng". Đối với chị, sách là một gia tài để lại cho các con mình.

Chị chia sẻ rằng, hằng ngày đi làm về, chị chứng kiến các con mình khôn lớn. Và chị luôn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ví dụ có hôm cháu trằn trọc không ngủ, dỗ mãi không được, chị mới hỏi cháu lý do tại sao. Cháu bảo: “Bạn cây của con ngoài ban công không có mẹ ở bên thì ngủ làm sao được, muỗi cắn bạn ấy thì ai đuổi cho bạn ấy được?”. Vậy đấy! Và chị nghĩ, tại sao lại không viết về chính thế giới trẻ thơ sống động ngay bên cạnh mình. Viết văn, cho dù không giàu về tiền bạc, vậy gia tài để lại cho con sẽ là những cuốn sách, có bóng dáng của chúng, để sau này chúng đọc lại và nhớ lại...

Cũng nói về những thách thức khi viết cho văn học thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, lâu nay, các nhà văn thường viết cho thiếu nhi bằng lăng kính của người lớn, bằng việc răn dạy về đạo đức khô cứng hay là bài học về nhân cách con người. Nên nhớ văn học không phải là một tiết học đạo đức công dân mà phải viết về thế giới trẻ em, phải có cách nhìn trẻ em, ngôn ngữ trong sáng, đầy hình ảnh và thiên nhiên, đầy tính thơ ấu và hồn nhiên của thế giới trẻ thơ thì chúng mới thấy mình trong đó để đọc, cảm và sống thật với câu chuyện nhà văn viết ra.

Không gian sách cho trẻ em.

Những tín hiệu vui của mùa văn học thiếu nhi

Khởi động mùa hè 2020, NXB Kim Đồng phát động chương trình “Đọc sách xuyên mùa hè”. Từ ngày 25-5 đến hết ngày 30-6 độc giả sách Kim Đồng sẽ được hưởng ưu đãi Đọc sách xuyên mùa hè cho tất cả các tựa sách và tạp chí từ 15% - 20% - 30% - 50%. Đây là dịp tốt để các tổ chức, các ban phụ huynh và các gia đình mua sách làm quà tặng 1-6, mua sách làm phần thưởng cuối năm học cho con em mình.

Cũng trong dịp này, Nhà sách Kim Đồng chính thức được mở cửa trở lại với một diện mạo mới. Đây là nhà sách lớn nhất miền Bắc với thiết kế và nội thất hiện đại thân thiện, phục vụ văn minh, để các bậc phụ huynh đứa con đến như một điểm văn hóa đọc lý tưởng và ở đó có toàn bộ thế giới sách thiếu nhi để các con được đắm chìm trong văn hóa đọc và thế giới sách.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, tới đây, anh cũng hỗ trợ một ấn phẩm lớn giúp họ tổ chức một cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi, giải thưởng dự kiến khá lớn và anh tin rằng, những người tâm huyết và đang có dự định viết cho thiếu nhi sẽ quay trở lại diễn đàn này để làm mới các trang viết đẹp cho tâm hồn trẻ thơ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.