Sai phạm trong việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

Thứ Bảy, 09/07/2011, 23:30

Thời gian gần đây, dư luận ở tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện miền núi Hướng Hóa nói riêng đang hết sức bức xúc trước việc một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách hỗ trợ làm nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng cao để “rút ruột” đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều căn nhà chỉ “xây dựng trên giấy” nhưng vẫn được đại diện các đơn vị hữu trách ký xác nhận để nghiệm thu, quyết toán…

Làm trái từ một chủ trương đúng đắn…

Ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (gọi tắt là Chương trình 134). Đây là một chủ trương lớn, giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp đỡ những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Theo quyết định này, tỉnh Quảng Trị đã ra thông báo về việc triển khai dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và UBND huyện miền núi Hướng Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.

Theo chủ trương, mỗi hộ nghèo nằm trong diện quy định tại Quyết định 134 sẽ được Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng, ngoài ra tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm 3 triệu đồng và Mặt trận hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng để làm nhà. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án quan trọng này, Ban quản lý dự án huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã để xảy ra nhiều sai sót, gây nên những bức xúc trong nhân dân. Cụ thể là trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, Ban quản lý dự án đã tổ chức lập hồ sơ nghiệm thu 2.009 ngôi nhà với khoản kinh phí xây dựng đã quyết toán là 16.531.600.000 đồng. Thế nhưng, khi kiểm tra chỉ có 1.234 ngôi nhà có hồ sơ đưa vào thanh toán đúng quy định, 775 ngôi nhà còn lại có hồ sơ quyết toán không đúng với quy định.

Nguyên nhân để dẫn đến những sai phạm này được xác định là cán bộ được giao nhiệm vụ giám sát của Ban quản lý dự án không có mặt tại hiện trường để thực hiện chức năng giám sát công trình xây dựng nhà hộ nghèo tại các xã nên chất lượng công trình không đảm bảo như thiết kế bị thiếu hụt kích thước, khối lượng ở các vật liệu chính như cột bê tông, băng kèo… vì vậy rất nhiều căn nhà chỉ mới được đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Khâu tổ chức nghiệm thu, bàn giao nhà hộ nghèo đưa vào sử dụng không có mặt đại diện Ban quản lý dự án huyện.

Đặc biệt, công tác kiểm tra đã phát hiện thấy có 31 trường hợp nhà hộ nghèo được Doanh nghiệp tư nhân Thành Duy thi công, hoặc thi công chưa hoàn thành, nhưng hồ sơ thanh quyết toán đã được hoàn tất. Cụ thể tại xã Hướng Linh có 16 nhà, xã Hướng Phùng 8 nhà, xã Hướng Sơn 5 nhà và xã Húc 2 nhà với tổng số tiền đã quyết toán là 279.200.000 đồng.

Qua khảo sát thực tế tại các địa bàn xã, chúng tôi thấy rằng: Tại xã Hướng Linh, vùng chủ yếu có đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, những hộ nghèo đều được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 134 của Chính phủ. Thế nhưng, hàng chục hộ nghèo đã rơi vào tình cảnh không có nhà: Các hộ Hồ Văn Quyết, Pả Ban, Pỉ Thà ở thôn Hoong thuộc diện được hỗ trợ nhà từ năm 2005, nhưng cho đến nay vẫn chưa được huyện làm nhà. Bà Hồ Thị Hầm có tên trong danh sách được hỗ trợ nhà từ năm 2006, nhưng đến tận bây giờ vẫn…chưa có nhà để ở. Năm 2008, xã Hướng Linh được phân bổ chỉ tiêu xây dựng 12 nhà hộ nghèo. Cả 12 hộ này cho đến hôm nay vẫn chưa được hỗ trợ nhà theo chủ trương.

Việc triển khai đề án này ở thôn Hướng Choa, xã Hướng Phùng, chỉ có hộ ông Hồ Văn Linh và Hồ Văn Tam là được Ban quản lý dự án ngó ngàng đến, nhưng đơn vị thi công cũng chỉ dựng lên vài cây cột và khung gỗ rồi…để yên đó. 6 hộ nghèo khác trong thôn vì không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của Ban quản lý dự án nên đã phải tự chạy vạy vay tiền hoặc mua nợ vật liệu xây dựng để tự hoàn thiện nhà cửa của mình để ổn định cuộc sống. Khi được hỏi về việc xây nhà cho hộ nghèo, chính quyền xã Hướng Phùng khẳng định rằng: Tất cả các khâu từ việc chọn nhà thầu, quản lý, giám sát thi công đều do Ban quản lý dự án của huyện thực hiện, phía xã chỉ biết mỗi việc tiếp nhận nhà hỗ trợ mà thôi.

Cùng chung cảnh ngộ, hộ ông Hồ Văn Dàn, ở thôn Mới, xã Hướng Sơn nằm trong diện được hỗ trợ nhà năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đến để làm thủ tục xây dựng nhà. Bốn hộ khác trong xã thì được đơn vị thi công mang tới mấy cây cột bê tông kiểu lấy lệ, rồi bặt vô âm tín từ năm 2007 - 2008 đến nay. Ngôi nhà hộ nghèo của ông Hồ Văn Bình ở thôn Cu Dông hiện chỉ chỏng chơ vài cây cột, nhiều hộ khác thì nhà xiêu vẹo, tôn lợp bay mất. Năm 2008, hai hộ Pỉ Hoàng ở thôn Tà Núc, Hồ Văn Giờ - thôn Tà Rùng được đưa vào diện nhận hỗ trợ nhà ở, nhưng đến nay những ngôi nhà mơ ước ấy vẫn chỉ… nằm trên giấy.

Cận cảnh nhà ở cho hộ nghèo…

Một vấn đề rất đáng lưu ý khác là đa số những hộ dân được hỗ trợ làm nhà đều đã tự lo liệu vật liệu trong quá trình xây dựng, đặc biệt là phần gỗ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tham gia vào quá trình thi công nhà cho hộ nghèo lại được cấp phép để khai thác gỗ tự nhiên với lý do là làm vật liệu xây dựng nhà cho dân. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân Phú Thăng sẽ đảm trách việc khai thác 990m3 gỗ tròn tại vị trí Tiểu khu 668 nằm trên địa bàn xã Hướng Linh. Doanh nghiệp tư nhân Thành Duy được phép khai thác 330m3 gỗ tròn ở Tiểu khu 715 thuộc địa bàn xã Hướng Lộc…

Rõ ràng, quá trình thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 134/QĐ-TTg ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có nhiều sai sót. Việc làm đó đã gây nên bức xúc trong đời sống của nhân dân. Những người làm việc trong Ban quản lý dự án đã vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý tài chính, cụ thể là trong khâu quyết toán công trình (Không làm nhà cho dân nhưng vẫn thanh toán tiền cho doanh nghiệp thi công). Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành hữu trách cũng đã thiếu trách nhiệm trong quá trình giám sát, kiểm tra tiến độ các đơn vị thi công nên dẫn đến việc báo cáo sai sự thật, gây hậu quả rất đáng tiếc…

Ông Lê Khước - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tổ chức một đoàn kiểm tra thực tế tại các địa bàn đã nêu. Kết quả kiểm tra cho thấy tất cả những phản ánh của người dân là đúng với thực tế đã diễn ra, nên Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị đã chuyển toàn bộ kết quả kiểm tra đến Cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị để đề nghị tiến hành điều tra sâu hơn và xử lý một cách thích đáng những cá nhân, tổ chức đã có sai sót trong quá trình thực hiện đề án quan trọng này.

UBND huyện Hướng Hóa cũng đã tổ chức thanh tra việc quản lý đầu tư, xây dựng nhà ở hộ nghèo tại Ban quản lý dự án xây dựng công trình huyện Hướng Hóa và đi đến kết luận Ban quản lý dự án đã có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện đề án này, đồng thời kiến nghị thu hồi số tiền 279.200.000 đồng mà Ban quản lý dự án đã thanh toán cho doanh nghiệp Thành Duy…

Trao đổi với phóng viên ANTG, Đại tá Lê Công Dung - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau khi nghiên cứu những tình tiết cụ thể của vụ việc, có thể khẳng định rằng: hành vi làm trái pháp luật của những cá nhân, đơn vị cùng tham gia thực hiện đề án này đã rõ. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị đã họp bàn và thống nhất giao nhiệm vụ cho Cơ quan điều tra trực thuộc khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ vụ việc này.

Chúng tôi mong muốn rằng, các cơ quan hữu trách ở huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị cần phải tổ chức kiểm tra một cách toàn diện hơn về vấn đề này vì dư luận cho rằng việc vi phạm không chỉ dừng lại ở các địa phương đã được kiểm tra mà còn ở những địa phương khác nhằm đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm túc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn miền núi

Phan Bùi Bảo Thy
.
.