Săn bò tót ở rừng Ma Nới

Thứ Tư, 06/07/2011, 10:25

Từ giữa năm 2009 đến nay, số lần cá thể bò tót xuất hiện tại rừng Ma Nới huyện Ninh Sơn và Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận ngày một nhiều hơn. Đó là một tin vui. Nhưng kéo theo đó, hàng loạt kẻ hám lợi cũng rình rập chờ cơ hội để hạ sát báu vật của rừng. Cuộc chiến cam go lại đang bày ra trước mắt.

Giai thoại rừng Min

Xã Ma Nới nằm cách đèo Ngoạn Mục quanh co và dốc đứng nối hai tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng không xa lắm. Cả xã có hơn 750 hộ, 3.600 nhân khẩu, trong đó chiếm tới 92%  là đồng bào Rắc Lây. Thời Pháp thuộc, Ma Nới là trung tâm của tổng Tà Dương. Xã nằm lọt giữa rừng. Cách trụ sở UBND xã dăm bảy trăm mét đã là đỉnh Cà Mao mây phủ, núi xếp lên núi, rừng lẫn vào rừng. Đường vào rừng sâu Ma Nới mấp mô, mù bụi và hiểm trở. Có những khoảng cả chục cây số là những trảng rừng lúp xúp, những khoảnh đất cằn cỗi, khô khát. Đó là nơi thỉnh thoảng bò tót lại xuất hiện.

Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, thường gọi con min, là động vật thuộc bộ guốc chẵn… Đây là một trong những loài thú đặc biệt quý hiếm, được xếp vào nhóm 1B trong Sách Đỏ. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo, các quần chủng bò tót trên thế giới đang đứng trước nguy cơ báo động cao về sự tuyệt chủng bởi nạn săn bắn và thực trạng rừng đang dần biến mất trên bề mặt trái đất.

Theo TS Phạm Trọng Ảnh, Nghiên cứu viên, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam thì ở nước ta có hai loại bò hoang dã là bò rừng (Bos bangteng) và bò tót (Bos gaurus). Bò tót cao lớn hơn bò rừng, con trưởng thành đến 1,9m, nặng 800-1.000kg, con đực có thể lên tới 2.000kg. Ước chừng, cả hai quần thể còn tổng cộng chừng 200-400 con, trong đó bò rừng nhiều hơn bò tót.

Đồng bào Rắc Lây ở xã Ma Nới gọi bó tót là Kvây, có nghĩa là "con vật hung dữ và to lớn". Trong ký ức của họ, Kvây không xa lạ gì. Ông Đá Mài Soai từng giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới. Ông tham gia du kích từ những năm 60, từng sống và chiến đấu cả hơn chục năm trong rừng già vùng chiến khu Anh Dũng nổi tiếng, chiến khu tiền thân của xã Ma Nới ngày nay.

Từ giữa tháng 6/2011, một con bò tót xuất hiện tại Vườn Quốc gia Phước Bình, chung sống thân thiện với bò nhà. Ảnh: Viễn Sự.

Ông nói: "Ngày xưa, Kvây nhiều lắm nhưng chỉ những toán thợ săn giỏi nhất mới dám đương đầu. Lúc đó  rừng còn dày. Những nhà giàu trong tổng thường khoe đầu bò tót, ngà voi, da hổ trong nhà để biểu thị sự sang trọng và dũng mãnh". "Thời kháng chiến, trong chiến khu, có những lúc du kích gặp những đàn min đông tới 50 - 60 con lao ào ào qua giẫm  nát những cánh rừng le, rừng khộp.

Người Rắc Lây không quan niệm bò tót là con vật thiêng nhưng họ tránh chạm trán, vì loài thú này luôn phản kháng đến cùng khi cảm thấy bị đe dọa. Năm 1973, người bạn chiến đấu của ông Đá Mài Soai là Đá Mài Phân trên đường làm nhiệm vụ đã gặp phải một con bò tót đực. Ở cự ly quá gần, để tự vệ, ông Phân đã nổ một loạt đạn AK vào thân hình khổng lồ của nó. Trước khi gục chết, con min đã thu hết sức tàn vươn dậy và húc thẳng vào người ông Phân. Chỉ trong tích tắc, thân xác người du kích đã tan nát. Cả người và vật cùng gục chết. Để mang được con min về, dân Ma Nới phải cử tới 26 thanh niên trai tráng đi khiêng. Câu chuyện đau lòng đã được các già làng lấy làm minh chứng khi khuyên can con cháu về sự cảnh giác mỗi lần lên rừng… 

Giờ thì gần hết rồi. Đàn bò tót đông đúc từng tồn tại trong tiềm thức của Đá Mài Soai và những người Rắc Lây nay đã gần cạn kiệt, áng chừng chỉ còn vài chục cá thể lẩn quất đâu đó dưới những cánh rừng, với nguy cơ bị săn đuổi đến kiệt cùng.

Người Rắc Lây thường nói: "Núi rừng là sự sống". Nhưng hơn ai hết, họ cũng biết rằng, nếu phạm sai lầm sẽ bị trả giá đắt. Năm 2003, tại Tiểu khu 12, người dân địa phương đã phát hiện một xác chết đàn ông nằm cạnh đường mòn. Hành trang của nạn nhân thể hiện đó là một thợ săn. Sau khi khám nghiệm tử thi, Cơ quan Công an quyết định chôn cất người xấu số ngay tại nơi phát hiện. Kỳ lạ thay, chỉ sau một đêm, nấm mồ mới đắp đã bị ủi đổ, cày xới tan tành, những thân cây trong bán kính mấy chục mét bị húc ngã rạp hoặc đầy thương tích. Cả khu vực ấy dày đặc dấu chân bò tót. Tất cả những ai chứng kiến đều phải ớn lạnh. Phải chăng đàn bò tót đã trả thù người dám "trêu ghẹo" chúng, ngay cả khi đối thủ đã chết?!...

Các nhà khoa học chứng minh rằng, với vóc dáng khổng lồ và sức mạnh của mình, bò tót hầu như không có đối thủ trong tự nhiên, ngoại trừ hổ. Tuy nhiên, cũng chỉ những con hổ rất lớn và giàu kinh nghiệm mới dám đối đầu với chúng.

Dũng sĩ săn ảnh bò tót 

Cá thể bò tót sót lại ở rừng Ma Nới không nhiều nhưng không gian hoạt động và di chuyển của chúng thì lại rất rộng, theo ông Lê Quang Dũng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn là trong khoảng diện tích trên 10.000 ha. Diện tích rừng mênh mông đó lại trải qua địa bàn giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Tháng 3/2008. Người dân Ma Nới báo rằng họ phát hiện nhiều dấu chân, dấu đi ăn và rất nhiều phân bò tót ở Tiểu khu 128. Đối với những người làm lâm nghiệp, nguồn tin ấy quý như vàng.

Ngay lập tức, Ban Giám đốc Công ty quyết định cử anh Nguyễn Văn Hữu, một cán bộ dày dặn kinh nghiệm cấp tốc học chụp ảnh và vào rừng săn ảnh loài thú này. Sau ba ngày làm quen máy ảnh, Hữu đã cùng một thanh niên Rắc Lây tên là Chamalé Long tức tốc lên đường. Hai anh em với nồi niêu, cá khô, nước mắm, 30kg gạo và chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Sony 2.5 pixel đã xông vào rừng làm "nhiệm vụ đặc biệt".

Nơi có tin báo bò tót xuất hiện là vùng rừng hỗn giao, lá rộng và thường tươi xanh, cách khu cư dân hơn 10km đường chim bay và ở độ cao gần 1.000m. Hai người đã dựng lều lá, bám trụ giữa rừng sâu  hoang vắng. Đêm, dù lạnh cóng từ đầu đến chân, vẫn không dám đốt lửa. Bò tót là loài cực kỳ thính hơi và rất nhạy cảm với ánh lửa. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là chúng sẵn sàng lao vào tấn công hoặc biến vào rừng sâu.

Hai chuyến đầu tiên, Hữu bất lực với đàn bò tót, ăn hết hơn 20kg gạo mà vẫn chưa có kết quả. Anh đã 4 lần phát hiện và nhìn rõ những con bò tót, thế nhưng chiếc máy ảnh độ nhạy kém đã không lưu nổi hình ảnh con bò nặng hơn 1 tấn cách chỗ anh nấp 50m vào ban đêm. Nó đã lao đầu vút chạy như gió khi phát hiện đang bị theo dõi...

Họ thành công ở lần lên rừng thứ ba. Hữu kể: "Sẽ rất khó khi chụp vào ban đêm. Tôi và Long bàn bạc và triển khai "kế hoạch" thức suốt một tuần để canh không cho bò tót ra ăn đêm, làm cho chúng đói mà mò ra ăn ngày, dễ phát hiện và chụp ảnh". "Chiến thuật" này đã mang lại kết quả.

Tấm ảnh đầu tiên anh chụp ở cự ly chừng 20m ở phía ngược hướng gió. Nếu con mãnh thú này phát hiện chỗ Hữu ẩn nấp thì chỉ sau vài giây đã xốc nách anh chàng cán bộ lâm nghiệp bé nhỏ này mà quẳng lên không trung. Cũng may, Hữu đã leo lên ngọn cây cổ thụ khi con vật chưa kịp phát hiện. Đèn flash lóe sáng, con vật nhìn thấy anh trên cây và nó chạy thục mạng. Sau đó, anh tiếp tục bám trụ, sử dụng "chiến thuật" cũ, chụp thêm được 3 bức ảnh về đàn bò tót quý hiếm.                        

"Chỉ tiếc, tôi không phải là dân chụp ảnh chuyên nghiệp, chất lượng thiết bị cũng kém nên những bức ảnh chụp được không nét lắm", Hữu phân trần khiêm tốn. Nhưng thật sự, người cán bộ lâm nghiệp trẻ này đã thể hiện rất rõ là một người yêu rừng tha thiết, dám đối đầu với hiểm nguy, vất vả và đã làm nên một "chiến công" quan trọng, góp phần minh chứng về sự tồn tại của loài bò tót ở vùng rừng giáp ranh.

Có thể  so sánh nó với chuyện các chuyên gia người Anh thuộc Tổ chức WWF chụp ảnh thành công đàn tê giác một sừng tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Với hệ thống thiết bị chuyên dụng hiện đại, họ đã chụp bằng cách dùng bẫy ảnh và mất hàng năm trời. Nhiệt tâm và công lao của Hữu cùng người bạn đồng hành càng  đáng trân trọng hơn khi đã mang về  những bức ảnh đàn bò tót quý hiếm bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Sony độ phân giải rất thấp.

Rừng già nóng bỏng

Thịt bò tót cung cấp nguồn protein có hàm lượng đạm cao. Danh y Tuệ Tĩnh đã viết trong "Nam dược thần hiệu": "Lê ngưu giác (sừng bò tót) tinh hầu, không độc, giải nhiệt, chữa động kinh, trào huyết nóng...". Danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận trong "Linh Nam bản thảo": "Lê ngưu giác mát lạnh, không độc, giải nhiệt, chữa hôn mê, hoảng hốt...". Cặp sừng bò tót cũng là mặt hàng có giá trị mỹ nghệ cao cấp, hấp dẫn thú sưu tập xa xỉ... Giá trị  hữu hình và vô hình đã khiến bò tót bị săn đuổi đến kiệt cùng. Hạ bò tót từng được xem như một chiến tích lẫy lừng của những  kẻ vô tâm, hám lợi  và  man rợ.

Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn đang quản lý hơn 28.000 ha rừng, đây là vùng rừng nóng bỏng từ lâu về nạn khai thác gỗ lậu và săn bắn thú rừng. Vùng rừng nơi có đàn bò tót sinh sống còn khá giàu có về các chủng loại gỗ quý.  Địa hình giáp ranh 3 tỉnh, lâm tặc dễ cơ động, tẩu tán, phi tang khi bị truy quét. "Rừng bò tót" đã trở thành "lỗ đen" hút lâm tặc tập trung. 

Cánh thợ săn đến từ phía Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) thì có khi đi cả đoàn tới 30 người với cả chục khẩu súng. Nguyễn Văn Hữu đi cùng 4 cán bộ khác nhưng vẫn phải "làm ngơ" để bảo toàn lực lượng. Khi báo tin về, công an, quân đội có mặt thì toán thợ săn đã vào sâu trong rừng hoặc rẽ sang ngả khác. Cũng có lúc những kẻ săn thú đi đơn lẻ nhưng chúng lại là những đối tượng cực kỳ hung hãn và luôn sẵn sàng dùng vũ khí chống trả. Có lần, anh cùng các đồng nghiệp của mình phải cải trang thành người dân tộc bản địa bí mật ập vào lều một kẻ săn trộm, bất ngờ tiếp cận và khóa chặt được đối tượng mới khống chế và thu được một khẩu AK đạn đã lên nòng.

Chiếc đầu bò tót và các tang vật thu được tại Bidoup - Núi Bà.

Ngày 14/10/2008, tại Tiểu khu 124, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà bắt quả tang hai đối tượng Bontô Sa Nga và Konsa Ha Đa (trú tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đang gùi một đầu bò tót cùng một số mảng thịt, da bò mới săn đi từ xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) về Lâm Đồng. Hai đối tượng này khai "đã mua đầu bò tót của một người thiểu số tại Phước Bình về làm vật trang trí". Kết quả giám định, con bò tót bị giết là một con bò đã trưởng thành, có trọng lượng khoảng 1 tấn.

Vào cuối tháng 11/2008, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã phát hiện 8 đối tượng trú tại xã Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng) do tên Ya Bách cầm đầu đã dùng súng AK xâm phạm rừng giáp ranh bắn hạ một con bò tót và tiến hành giết thịt trong rừng.

Cũng trong thời gian trên, tại Tiểu khu 128, một con bò tót ước nặng hơn 500kg ở tuổi trưởng thành đã bị một đối tượng có tên là Ya Tường (cũng ngụ tại Tà Hine) bắn hạ bằng súng Carbin. Đáng nói, Ya Tường là cán bộ xã đội Tà Hine.  Vụ việc chỉ được phát hiện khi tên lâm tặc liều lĩnh này mang chiếc đầu bò tót bán cho một đối tượng ở thị trấn Di Linh.

Cơ quan chức năng 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận phải di lý Ya Tường đi bộ vượt rừng 7 ngày liên tục mới vào đến hiện trường vụ án. Sát thủ khai rằng, sau khi bắn gục chú bò tót, hai bố con anh ta phải xẻ thịt và sấy cả tuần mới khô hết số thịt con vật xấu số…

Khoảng 3 năm, từ 2009 đến nay, một con bò tót đực nặng khoảng 900kg đã liên tục xuất hiện vào mùa mưa tại Vườn Quốc gia Phước Bình (liền kề rừng Ma Nới). Có thể, nó là một con đực đầu đàn bị đào thải sinh học (bị con đực khác tranh mất quyền đầu đàn), bị loại ra khỏi đàn nên mò ra bìa rừng kiếm ăn. Đến thời điểm này, chú bò tót này đã xuất hiện tại Phước Bình được gần 15 ngày. Nó tỏ ra khá hiền lành. Ngày ra ăn cỏ, đêm trở lại rừng không phá phách gì cũng không húc đuổi bò nhà trong khu vực, chính quyền địa phương và ngành Lâm nghiệp Ninh Thuận đang tích cực bảo vệ an toàn tối đa cho cá thể quý này.

Một mùa mưa nữa lại về. Cỏ bắt đầu phủ xanh những vạt rừng còi cọc, mời gọi những chú bò tót  hiếm hoi còn sót lại kéo ra. Chúng không biết hiểm nguy lại rình rập chực  chờ. Và cuộc chiến bảo vệ bò tót lại sắp vào hồi khốc liệt

Thiếu Lăng - Đặng Vỹ
.
.