Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam: Cơ hội cho tất cả

Thứ Tư, 11/04/2007, 15:30

Sáng ngày 5/4/2005, tại tòa nhà Vietbooks, Cục Bản quyền tác giả Văn học nghệ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Sách niên giám Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu về Sàn giao dịch bản quyền. Đây sẽ là nơi đầu tư sáng tạo, giao dịch và khai thác kinh doanh bản quyền

Sàn giao dịch sẽ do Trung tâm Vietbooks tổ chức, Cục Bản quyền tác giả Văn học nghệ thuật (VHNT) bảo trợ. Sự ra đời của sàn giao dịch bản quyền được nhận định là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập giá trị bản quyền các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam, vốn lâu nay chưa được coi trọng.

Kết nối cộng đồng VHNT

Tháng 12/2006, Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam chính thức ra đời trên văn bản với biên bản hợp tác bảo trợ chương trình “Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam” giữa Cục Bản quyền tác giả VHNT và Công ty Cổ phần Sách niên giám Việt Nam (Vietbooks).

Hai bên đều nhận thức rằng, Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi các tác phẩm tâm đắc giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ, thông tin với công chúng, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà sưu tập.

Sàn cũng sẽ là nơi giúp công bố các tác phẩm đã đăng ký quyền tác giả, các cá nhân, đơn vị đang sở hữu. Sàn giao dịch sẽ diễn ra hàng tháng. Công ty Vietbooks giữ bản quyền chương trình và xây dựng kịch bản, nội dung chương trình, kết nối tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để tham gia sàn giao dịch.

Tại buổi họp báo ngày 5/4, đại diện Cục Bản quyền Việt Nam cho biết, quyền tác giả và tác phẩm là một thứ hàng hóa đặc biệt, việc trao đổi hàng hóa này cũng phải diễn ra theo đúng luật pháp Việt Nam, nhất là theo quyền sở hữu trí tuệ. Qua Sàn giao dịch bản quyền, Cục Bản quyền mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm.

Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Vietbooks cho biết, tính đến thời điểm này, Vietbooks đã tổ chức thành công 3 phiên giao dịch trên sàn giao dịch ý tưởng Việt Nam. Vietbooks tự tin khẳng định rằng Vietbooks đủ khả năng để tổ chức sàn giao dịch bản quyền. Qua 3 phiên giao dịch ý tưởng này, Vietbooks đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho phiên giao dịch bản quyền đầu tiên.

Dự kiến vào ngày 26/4/2007, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, tại TP HCM, Công ty Vietbooks sẽ cho ra mắt và tổ chức phiên giao dịch bản quyền lần thứ nhất. Hy vọng với sự ra đời trùng với Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới sẽ gây tiếng vang tốt.

Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn trong việc công bố, tìm kiếm thông tin tác giả, tác phẩm, dẫn đến việc các nhà xuất bản, các nhà sản xuất, các nơi đầu tư tác phẩm nghệ thuật không tìm đến được với nhau, Sàn giao dịch bản quyền sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy cho các nhà đầu tư kết nối trực tiếp với các tác giả. Các nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhiếp ảnh gia... đều có thể công bố các tác phẩm của mình trên sàn giao dịch bản quyền.

Vietbooks cũng hy vọng sàn giao dịch bản quyền sẽ là nơi trao đổi nghề nghiệp, trao đổi thông tin về thị trường quốc tế, Vietbooks hy vọng đến ngày 26/4 sẽ kịp cho ra mắt webside về sàn giao dịch bản quyền. Vietbooks mong muốn chia sẻ thông tin với các tác giả trong nước, tạo nhịp cầu, cơ hội giao thương sau này của những tác phẩm văn hóa nghệ thuật Việt Nam với thị trường quốc tế.

Theo thông tin từ Vietbooks, sẽ có 2 ngân hàng và 1 quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia trực tiếp vào các phiên giao dịch, làm giải pháp tài chính, làm thủ tục và tham gia trong việc thanh toán ngay tại sàn giao dịch, tất cả người mua sẽ phải đặt cọc tại chỗ một số tiền tượng trưng, sau khi 2 bên ký kết, 2 ngân hàng sẽ làm tiếp những phần việc còn lại của một giao dịch bản quyền.

Vietbooks cũng đã công bố những sản phẩm đầu tiên sẽ được giới thiệu trong phiên giao dịch lần thứ nhất; nhà văn Nguyễn Như Phong với tác phẩm "Chạy án" phần 2; nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn có một số tác phẩm sẽ được giới thiệu trên sàn; họa sĩ điêu khắc Huỳnh Văn Đa sẽ đưa lên sàn bức phù điêu độc đáo độc bản; bức tranh cát độc bản và độc ý của nghệ nhân tranh cát Ý Lan; Báo CAND - Chuyên đề ANTG và Vietbooks cũng sẽ bán lên sàn bức tranh thêu XQ có 150 chữ ký của các kỷ lục gia để góp tiền cho Quỹ Ý chí kỷ lục Việt Nam...

Công ty Vietbooks đã chính thức đặt nền móng cho sàn giao dịch bản quyền Việt Nam. Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam đạt kết quả ở mức độ nào, chúng ta phải chờ phiên giao dịch đầu tiên để kết luận, nhưng sự ra đời của sàn giao dịch này chắc chắn sẽ mở ra một trang mới cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Vậy sàn giao dịch bản quyền được giới làm văn học nghệ thuật, các tác giả đón nhận như thế nào?

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của đại diện nhà xuất bản, các nhà thơ, nhà văn, những người sẽ có quyền lợi trực tiếp liên quan đến sàn giao dịch bản quyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Bình – GĐ NXB Văn Nghệ TP HCM: Với tác phẩm văn học nghệ thuật thì chuyện bản quyền ở Việt Nam còn nhiều vấn đề phải bàn.

Với Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam, tôi nghĩ đây là một ý tưởng (hình thức) hay. Dưới góc độ của nhà xuất bản chuyên ngành văn học nghệ thuật, tôi nghĩ tác phẩm của nhà văn không bị chi phối bởi tiền bản quyền, hay bởi số lượng người đọc ít hay nhiều... mà ở giá trị nhân bản đích thực. Vì nhà văn viết bởi sự thôi thúc của suy nghĩ, của lương tri...

Thêm nữa, việc xuất bản cũng tùy thuộc vào vài yếu tố khách quan. Giả dụ có nhà văn đã có “thương hiệu” đến với nhà xuất bản chúng tôi, trình bày ý tưởng, nội dung tác phẩm... chưa cần nói số trang viết, hình thức (trình bày) thể hiện...

Nếu thấy tác phẩm có giá trị, phù hợp chức năng và dự đoán có thị trường thì chúng tôi có thể ứng tiền để tác giả hoàn thành tác phẩm. Nhưng nhà xuất bản cũng có thể chỉnh sửa hoặc biên tập tác phẩm sao cho phù hợp với tiêu chí của nhà xuất bản đưa ra.

Để tạo ra một giá trị chân thật, thì sàn giao dịch bản quyền là một ý tưởng tốt. Còn việc từ ý tưởng biến thành hiện thực có thành công hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời. Hãy cứ coi đây là một hình thức dịch vụ, môi giới bản quyền thì cũng là điều bình thường.

Nhà văn Mạc Can

Nếu Sàn giao dịch bản quyền thành công, tôi tin đây chính là tín hiệu mới rất vui cho giới cầm bút. Vì phần nhiều các tác giả đều rất bận, thêm nữa họ quan tâm đến số phận tác phẩm của mình dưới dạng bản thảo cho đến khi thành sách, nhưng lại không nắm được luật xuất bản, bản quyền...

Tôi không đề cập đến yếu tố tiền nhuận bút cho cuốn sách tại đây. Và Sàn giao dịch có thể giúp tác giả về chuyện này thì quá tốt. Bản thân tôi khi đi nhận giải văn học tại Hà Nội, có vài vị công tác trong Hội Bảo vệ tác quyền gì đó nêu ý kiến sẽ giúp tôi trong việc bảo vệ tác quyền. Tôi lập tức đồng ý, mặc dù chẳng hiểu bản quyền là như thế nào(?).

Việc người viết chưa có tên tuổi, đưa bản thảo lên sàn cũng không đáng ngại lắm. Vì nếu tác phẩm hay, công tác PR lại tốt, thì tạo nên tên tuổi chẳng khó gì. Điều quan trọng là phải thẩm định, đánh giá tác phẩm chính xác. Chứ đừng PR quá mức mà lừa người đọc. Sàn giao dịch bản quyền mới thành lập, nếu đánh mất lòng tin đối với bạn đọc về tác phẩm được đưa lên sàn không phải là điều hay ho gì.

Bên cạnh đó, Sàn giao dịch bản quyền tạo thêm cơ hội cho tác giả phát triển mối quan hệ với các nhà xuất bản khác nhau. Theo ý kiến của riêng tôi, mỗi nhà xuất bản luôn có một “tạng” khác nhau về văn phong, cách viết của các tác giả một cách riêng biệt. Mà mình hứng thì viết, làm sao đo được “tạng” của nhà xuất bản.

Vì vậy, càng quan hệ với các nhà xuất bản càng thuận lợi hơn cho việc mang tác phẩm của người viết đến tay độc giả. Sàn giao dịch hoạt động tốt, người viết càng yên tâm hơn trong chuyện sáng tác của mình. Cứ viết cho hay, đưa lên sàn sẽ kiếm được nhà xuất bản, như vậy là rất tiện lợi.

Nhưng, cần phải có quy định rõ ràng về pháp lý và mọi việc phải minh bạch. Kể cả chuyện phần trăm của sàn giao dịch được hưởng đối với tác giả có tác phẩm đưa lên sàn khi đã được nhà xuất bản đồng ý.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Lâu nay giao dịch bản quyền chỉ mang tính thuận mua vừa bán giữa tác giả với đầu nậu sách hoặc nhà xuất bản, và diễn ra hoàn toàn... bí mật. Sàn giao dịch bản quyền ra đời, như một tuyên bố công khai hóa mọi chuyển nhượng, kể cả thủ tục lẫn... tiền bạc. Quy mô sàn giao dịch tầm cỡ đến đâu, sẽ tạo ra sự vận động tích cực cho bản quyền đến đấy.

Tuy nhiên, muốn giao dịch bản quyền thì điều đầu tiên cần xác định là quyền sở hữu tác phẩm (lĩnh vực này từ xưa tới nay giới cầm bút nước ta vẫn lơ tơ mơ lắm!) Hơn nữa, cũng cần xác định giá trị của mỗi tác phẩm có bản quyền, chứ không phải cái gì cũng ném lên sàn mà giao dịch được. Nếu thượng vàng hay hạ cám đều thoải mái giao dịch bản quyền thì không khí họp chợ sẽ tạo tâm lý e ngại cho những người sáng tạo giàu lòng tự trọng!

Theo chỗ tôi được biết, mô hình này đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, người ta tổ chức sàn giao dịch bản quyền với hình thức hội chợ sách. Ở đó, các nhà xuất bản trưng ra những bản quyền sách mình có, để tìm đối tác chuyển nhượng, chứ không có màn gân cổ đấu giá.

Ở Việt Nam, chuyện này còn quá mới mẻ, nên bức tranh giao dịch bản quyền cần được tiên liệu hai mảng màu. Thứ nhất, các tác giả đã có thương hiệu thì có “mối” sẳn rồi, nhiều khi tác phẩm đang viết cũng đã bán bản quyền từ lâu. Thứ hai, các tác giả quá mới, ai dám mạo hiểm làm nhà “đầu tư”? Không khéo một cuộc đuổi hình bắt bóng diễn ra bẽ bàng trên sàn giao dịch bản quyền khiến công chúng ngậm ngùi thêm.

Cá nhân tôi, nếu có tác phẩm ưng ý, chắc cũng mạnh dạn mang lên sàn giao dịch bản quyền. Vì theo tôi, sàn giao dịch bản quyền là một cơ hội để chúng ta tập làm quen với những chuyển động thị trường cần thiết của thời hội nhập!

Thuận Thiên - Kinh Luân
.
.