Sân khấu trầy trật tìm tiếng nói chung

Thứ Ba, 04/12/2018, 09:16
Cùng kêu gọi liên tục đổi mới nhằm nắm bắt kịp thời xu thế vận động của xã hội, xây dựng được những vở diễn chất lượng cao, vừa đáp ứng yêu cầu nghệ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng khoảng cách giữa tác giả kịch bản sân khấu và các đơn vị sân khấu như càng ngày càng bị đẩy xa nhau.

Trong khi các nhà hát luôn than thở thiếu kịch bản hấp dẫn để dàn dựng, phải duy trì bằng các nguồn kịch bản cũ thì phần lớn các tác giả lại ấm ức vì kịch bản viết xong rồi lại… cất ngăn tủ. Sân khấu khó khăn thêm khó khăn vì trầy trật “ăn đong” kịch bản nhưng làm thế nào để nhà sản xuất và tác giả tìm được tiếng nói chung hiện nay vẫn là bài toán chưa thực sự có lời giải hoặc ít nhất là chưa quyết liệt tìm lời giải.

Thời gian gần đây, sân khấu, đặc biệt là sân khấu phía Bắc được cho là đã có những “chuyển động” theo hướng tích cực hơn. Với sân khấu kịch nói, sau những tín hiệu vui từ Đoàn kịch Lực Team với cuộc lội ngược dòng, “thổi” tinh thần mới cho kịch kinh điển với “Quẫn” – vở diễn từng ăn khách nhất một thời của nhà viết kịch Lộng Chương và “Cơn ghen của Lọ Lem” của nhà viết kịch nổi tiếng phương Tây hàng trăm năm trước – Moliere, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tiếp nối bằng nhiều đổi thay mang tính toàn diện, dài lâu hơn.

Hình ảnh những nhân vật kinh điển trong các vở kinh điển vừa là thế mạnh vừa là nhược điểm của các đơn vị kịch hát dân tộc.

Song song với những suất diễn kéo khán giả đến rạp đông hơn, thậm chí phải xếp hàng chờ mua từng tấm vé trong một số kịch mục, sự đổi mới gần như toàn diện, từ logo nhận diện thương hiệu, triển khai bán vé online, sát nhập đoàn, xây dựng đổi mới cung cách làm việc, xây dựng kịch mục mới, đơn vị này tiếp tục được kỳ vọng sẽ trở thành “cánh chim đầu đàn” của sân khấu thủ đô trong hành trình đổi mới, tiếp cận khán giả. Nhưng, cũng có một thực tế khác là hầu hết các vở diễn nổi đình nổi đám này đều dựng lại từ kịch bản cũ, đặc biệt là kịch của tác giả Lưu Quang Vũ.

Nhà hát Kịch Việt Nam – “anh cả đỏ” của sân khấu một thời cũng vẫn đều đặn ra mắt khán giả, gây chú ý bằng những vở diễn được đầu tư dàn dựng chỉn chu, nghiêm ngắn. Tuy nhiên, sau những “Kiều”, “Hồng lâu mộng” hay “Bão tố Trường Sơn”…, các vở diễn chạm đến đời sống hiện đại bằng những vấn đề của thời hiện tại, mang hơi thở của cuộc sống đương đại thì vẫn là một khoảng trống khá lớn.

Sân khấu công lập, đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc vẫn đều đặn có những chương trình, kịch mục mới ra mắt khán giả, thậm chí là có những chuyển động tích cực hơn bằng việc mạnh dạn phối hợp với các đơn vị xã hội hóa đưa sân khấu tiếp cận gần hơn với khán giả. Trong đó, việc nối dài vở “Mỵ” – dự án kết hợp giữa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Bắc với Nam Hưng media, bằng những suất diễn phục vụ du lịch là một điển hình.

“Tin ở hoa hồng” – một trong số những kịch bản nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tái xuất trên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam với diện mạo mới, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, phần lớn các kịch mục, từ cải lương đến chèo, tuồng, đặc biệt là các kịch mục nằm trong kế hoạch bảo tồn nghệ thuật truyền thống lại càng thiếu vắng những vở diễn, mảng miếng về đề tài xã hội hiện đại. Lý do chung và phổ biến nhất vẫn là chuyện thiếu kịch bản sân khấu.

Thực tế này cũng là “chuyện dài nhiều tập ngay trong nhiều kỳ tổ chức các trại sáng tác kịch bản do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì hàng năm. Bởi, nói như cách chia sẻ của NSƯT Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì dù rất cố gắng kêu gọi nhưng rất khó vận động được đội ngũ sáng tác trẻ. Nhà biên kịch gắn bó với sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc, hoặc là đã lớn tuổi, hoặc là đã không còn mặn mà với nghề đã lâu. Sự khủng hoảng của sân khấu truyền thống trong một thời gian dài đã khiến nhiều người không còn đủ nhiệt huyết gắn bó với nghề.

Chưa kể, một nghịch lý tồn tại lâu nay, như chia sẻ của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và nhiều biên kịch lâu năm khác là kịch bản luôn luôn thiếu… đầu ra. Kết quả là sau mỗi kỳ tổ chức trại sáng tác, kịch bản thu hoạch được, kể cả những kịch bản đoạt giải thưởng cũng trong tình trạng… cất dưới đáy tủ làm kỷ niệm. Lý do là không có đơn vị nào chịu nhận dàn dựng, đưa lên sân khấu, tiếp cận khán giả.

Gần đây nhất, một sự kiện tưởng chừng chạm đến vấn đề sống còn của sân khấu, đặc biệt là các nhà hát, đoàn kịch là hội thảo bàn về vai trò chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát tại thủ đô Hà Nội, các kỳ cuộc bàn về mối quan hệ giữa tác giả sân khấu và nhà hát lại chỉ có sự hiện diện, bàn thảo của đội ngũ các biên kịch, nhà lý luận, phê bình sân khấu.

Cảnh trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa” – tác phẩm mới nhất được “ra lò” trên sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nhà viết kịch Giang Phong cảm thán: “Dù ấm hay lạnh, dù sáng hay tối của một nhà hát đều do vai trò quyết định của chỉ đạo nghệ thuật. Vở diễn hấp dẫn hay tẻ nhạt, khán giả đón nhận hay quay lưng lại với vở diễn, vai trò ấy là của chỉ đạo nghệ thuật. Diễn viên no hay đói, thực trạng ấy, vai trò chỉ đạo nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc… Như thêm vai trò giữ lửa ấm và ánh sáng cho nhiều nhà hát chính là vai trò chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát ấy. Nhưng, thực hiện được sứ mệnh cao cả này thì chỉ đạo nghệ thuật phải có bản lĩnh, có hiểu biết.

Trong khi đó, chúng ta lại thường kêu sân khấu xuống cấp, bị khán giả tẩy chay, quay lưng lại với vở diễn là do tác giả. Tác giả không có vở hay nên sân khấu xuống cấp là đúng nhưng tôi dám chắc rằng, các tác giả sân khấu, ít nhất hiện nay đều có một vở hay đang nằm trong ngăn kéo của chính họ. Vở diễn này, tác giả đã từng mang đến cho các nhà hát nhưng chỉ đạo nghệ thuật trả lại, không dùng. Chỉ đạo nghệ thuật lâu nay chọn cách an toàn làm cứu cánh. Chọn vở chung chung, miễn là hàng năm được cấp kinh phí, dựng một, hai vở đủ chỉ tiêu, xong kế hoạch, cán bộ công nhân viên chức tháng tháng lĩnh lương, an toàn tuyệt đối.

Thực trạng này không phải chỉ diễn ra ở các nhà hát Hà Nội mà là trên toàn quốc. Chọn vở hay, nếu được thì tác giả hưởng, còn nếu bị gõ cửa thì nhà hát phải chịu. Vì vậy, nhà hát chọn vở kiểu “không chết ai”. Sự khôn ngoan ấy đã buông bỏ trách nhiệm, bản lĩnh của chỉ đạo nghệ thuật là xây dựng một nền sân khấu cách mạng Việt Nam hiện đại, tiên tiến, hòa nhập với sân khấu thế giới…”.

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam thì cho rằng, không thiếu kịch bản hay và phù hợp với nhà hát và khán giả trong giai đoạn hiện tại. Thực tế là ngày nào nhà hát cũng nhận được kịch bản. Trại sáng tác kịch sân khấu nào, nhà hát cũng đều nhận được kịch bản gửi về. Nhà hát đã chọn lựa rất nhiều nhưng vì trong số đó vở diễn về thanh thiếu niên, phù hợp với tuổi trẻ - đối tượng khán giả chủ yếu của nhà hát không nhiều. Bản thân tác giả trẻ viết về chính họ thì không đủ tâm huyết, thời gian. Kịch bản hiện nay hầu hết đều do người già chấp bút.

Thậm chí có những trại sáng tác, người trẻ nhất là 65 tuổi, người già nhất đã 82 tuổi. Các tác giả này khó viết được về các vấn đề của tuổi trẻ. Ngay nguồn kịch bản cũ, nhà hát cũng phải chọn lựa rất khắt khe và phải nỗ lực làm mới để người xem không cảm thấy cũ. Như với các vở kịch Lưu Quang Vũ đang rất “ăn khách” của nhà hát, êkip dàn dựng phải đưa những cái mới, hiện đại vào.

Trong vở “Tin ở hoa hồng” – một trong vở diễn nổi tiếng của Lưu Quang Vũ hàng chục năm trước, êkip không chỉ làm mới sân khấu, đưa đồ họa, vũ công lên sân khấu mà thay đổi từ điện thoại đến xe đạp điện, câu từ trong lời thoại cũng được chuyển đổi để phù hợp, dễ hiểu hơn với khán giả hiện nay. Mọi sự đổi mới cũng không chỉ theo ý chí chủ quan của giám đốc nhà hát hay một ông chỉ đạo nghệ thuật nhất định. Từ đạo diễn đến diễn viên đều phải qua hội đồng tuyển chọn.

Lựa chọn đạo diễn là do hội đồng thẩm định bỏ phiếu kín, sau khi tất cả các thành viên cùng xem xét ý tưởng, kế hoạch mà đạo diễn trình ra. Ngay cả những đổi mới từ vẻ bên ngoài như thay đổi về bộ nhận diện thương hiệu – logo của nhà hát cho đến các banner, tờ rơi đều được tổ chức xin ý kiến từ 6 đời lãnh đạo nhà hát, người từng thiết kế logo của nhà hát 37 năm trước.

Nhà hát cũng xác định, muốn tồn tại phải đổi mới từ hình thức đến nội dung. Khán giả bây giờ không như xưa, ngay cả cách mua vé cũng không còn như xưa. Không ai mong muốn chạy hàng chục kilômet để sở hữu một tấm vé xem kịch để rồi vài ngày sau mới quay ngược trở lại để xem. Cách họ đòi hỏi về chất lượng nghệ thuật cũng cao hơn. Muốn bán được vé, nuôi được diễn viên, nhà hát không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ nhà nước. Mà muốn thu hút được khán giả, chất lượng chương trình phải tốt, phải mới, làm phải chỉn chu. Người nào chuẩn bị tốt nhất, được hội đồng thẩm định đánh giá tốt nhất thì được nhận.  Các quy trình được đặt ra và thực hiện nghiêm túc bởi ai cũng xác định, khán giả là giá trị sống còn, không thể đặt ra rồi thực hiện một cách hình thức, làm cho oai, làm cho đúng lịch nhà nước.

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến cũng cho rằng, bằng kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với sân khấu, anh không ngại đổi mới và cũng không bi quan hay lạc quan chung chung cho sân khấu. Anh sợ nhất là sự lạc hậu của người nghệ sĩ. Bởi, ngay cả bản thân mỗi người, nếu cũ quá, sống sẽ nhàm chán. Trong cộng đồng sáng tạo nghệ thuật cũng thế. Nếu nghệ sĩ lạc hậu, nghệ sĩ không cập nhật các xu hướng, vấn đề xã hội mới sẽ trở thành thủ cựu, khó thuyết phục khán giả.

NSND Trần Quốc Chiêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, người có thâm niên cao trong quản lý hệ thống nhà hát thành phố, hiện là Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội thì cho rằng, khán giả hiện nay có rất nhiều “kênh” giải trí. Nếu chỉ lấy số đông công chúng làm thước đo cũng khó chính xác. Chưa kể, khán giả hiện nay đang được phân hóa rất rõ ràng. Nhưng, do sân khấu khó khăn, một phần là các đơn vị nghệ thuật mải chạy theo thị hiếu số đông. Đây là cách các nhà hát lấy ngắn nuôi dài nhưng để phát triển được thì cần phải xác định được phong cách riêng.

Để làm được điều này, nhà hát không chỉ cần đổi mới về quy trình sáng tạo tác phẩm, có kế hoạch dàn dựng hàng năm và nhiều năm. Lấy khuynh hướng nghệ thuật của đơn vị làm cơ sở đặt hàng tác phẩm. Việc nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật phải được thực hiện nghiêm túc từ tất cả các thành phần sáng tạo và phải thường xuyên tổ chức các đợt thẩm định nội bộ, đóng góp ý kiến về các sản phẩm sáng tạo nhằm tạo ra động lực cho việc nâng cao chất lượng  nội dung, nghệ thuật của vở diễn. Không nên khoán gọn kinh phí, chất lượng tác phẩm cho cá nhân đạo diễn.

Các tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ cũng phải đồng hành trong tất cả quá trình tập luyện, tránh tình trạng nhiều tác giả gửi kịch bản mà khi diễn lại không nhận ra “đứa con tinh thần” của mình. Nhà hát cũng cần xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn kịch bản, êkíp sáng tạo, quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần, trách nhiệm cá nhân giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát đối với chất lượng tác phẩm…

Minh Hà
.
.