Sân khấu truyền thống: Lay lắt nhân tài

Thứ Năm, 31/01/2013, 16:45

Như chúng tôi đã đề cập trong những bài trước về thực trạng khó khăn của nghệ thuật truyền thống, nó không còn là một vấn đề nan giải trước mắt mà thực sự là cần một định hướng có tầm chiến lược trong việc đi tìm một đáp án lâu dài để tháo gỡ những vướng mắc để các nghệ sĩ yên tâm làm nghề. Thực tế cho thấy hầu hết các nghệ sĩ tên tuổi, gạo cội đã bắt đầu… nản với việc truyền nghề trong khi lớp trẻ kế cận thì không chuyên tâm, mải chạy theo thời cuộc vì họ không đủ tình yêu, sự nhiệt huyết để sống với nghề…

Tuy nhiên, như các cụ vẫn nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, liệu những nghệ sĩ, diễn viên đi theo dòng nghệ thuật truyền thống trong thời buổi khó khăn hiện nay, họ đã nỗ lực hết sức mình, tự vận động để cống hiến, vươn lên “giành lại những gì đã mất” của một thời hoàng kim đã qua của nghệ thuật truyền thống hay cũng chỉ ngồi đó chờ đợi những thay đổi của cơ chế…

Tôi đến gặp NSƯT Minh Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam) trong một chiều  đông Hà Nội, căn nhà nhỏ xinh xắn của chị được trang hoàng ấm cúng và đầy những kỷ vật của 40 năm làm nghề: Những tấm bằng khen, trên chục tấm huy chương vàng, bạc và kỷ niệm chương ghi nhận thành tích của những năm tháng cống hiến cho chèo. Chị là một trong những nghệ sĩ chèo có giọng hát như rút ruột nhả tơ trên sân khấu, giọng hát ám ảnh đến nỗi, ai đã xem chị biểu diễn một lần, ắt hẳn khó lòng quên được bởi sự day dứt như cứa vào lòng. Lúc đó, chị không đơn thuần là một diễn viên, mà chị đã hóa thân sống một cuộc đời nữa trên cánh màn nhung sân khấu.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm trong nghề, ánh mắt chị trầm buồn, ánh mắt sắc như dao cau của kiếp đào hát cả một đời cống hiến, chị kể rằng, đã vài lần vì cuộc sống quá khốn khó chị đã làm đơn xin bỏ nghề. Bỏ để đi buôn sữa hộp vì có nguồn hàng xách tay từ nước ngoài.

NSƯT Minh Thu.

Không chỉ riêng chị, mà hầu hết các nghệ sĩ cùng thời với chị và cả các thế hệ học trò chị sau này, để trang trải cho cuộc sống, đã làm đủ mọi nghề, quên mất cái danh giá của người diễn viên vì mưu sinh. Nhà chị ở gần nhà hát, thời điểm xin nghỉ việc ở nhà đi bán sữa, chị cứ phải đóng cửa thường xuyên, không phải vì xấu hổ, mà để tiếng hát, tiếng đàn ở bên kia nhà hát không vọng vào căn nhà tập thể nhỏ của mình. Bởi vì, chị biết rằng, chèo đã ngấm vào máu chị rồi, cứ nghe thấy tiếng đàn tiếng hát là chị như bị cào cấu ruột gan.

Và cuối cùng, không thể chịu đựng được, chị đã quay trở lại sân khấu để tiếp tục kiếp hát như rút ruột nhả tơ dù biết như thế là cuộc sống gia đình nhỏ của mình sẽ khó khăn vô ngần. Chị bảo: "Thú thật là nói về điều này, tôi ứa nước mắt. Tôi thương chính bản thân tôi và thương cả các học trò của tôi, những người đang còn cả một sự nghiệp phải phấn đấu ở phía trước.

Xét cho cùng, cả một đời, rút ruột nhả tơ trên sân khấu chúng tôi còn lại gì? Tôi có thể tự hào về sự cống hiến của mình cho nghệ thuật dân tộc, nhưng cho đến nay, sang năm đã nghỉ hưu, lương của tôi "kịch trần" cũng chỉ đủ chi trả cho cuộc sống trung bình, tiền đi diễn đêm hôm sương gió chỉ cao hơn những học trò mới vào nghề 20 nghìn một tối. Thời xưa, mọi người, mọi ngành đều khổ đã đành, thời nay, nghĩ và so sánh mà phải ngậm ngùi. Một nỗi buồn nữa là chúng tôi không đào tạo được thế hệ kế cận, không phải vì thầy dốt, mà vì không có trò (khá chứ chưa cần giỏi). Đi đến tận vùng sâu vùng xa để tuyển 20 em theo học thì chỉ có 18 em đi thi. Cả một lớp sắp đến ngày tốt nghiệp, tôi nhìn ra được một em xinh xắn, giọng hát hay và có thể trở thành một tài năng thì bỗng dưng em… bỏ cuộc vì tìm được một anh "đại gia" làm chồng!

Có những em vào nhà hát chỉ để mượn "cửa" thôi chứ tình yêu nghề chưa có. Chưa học được cái gì ra hồn đã chỉ mong cô dạy cho mấy bài hát để đi hát nhà hàng, quán karaoke. Chữ thầy lại trả cho thầy. Đúng như câu hát mà chúng tôi thỉnh thoảng vẫn hát lên: "Chẳng khác chi tằm trả nợ dâu/ Nhả tơ thơ ấm nhạc lên màu/ Và khi áo rét truyền hơi ấm/ Trong kén cô đơn lạnh nỗi sầu".

NSƯT Xuân Hinh (Nhà hát Chèo Hà Nội), người cả một đời chỉ chuyên đi hát chèo nhưng anh là một trong số những nghệ sĩ hàng đầu của miền Bắc có thể sống dư giả, đàng hoàng bằng nghề nhờ khả năng xoay trở, biến hóa để chèo phù hợp với đời sống mới. Có thể nói, Xuân Hinh là một trong những nghệ sĩ vô cùng tài giỏi trong việc đưa nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù, hát văn… vào các tiểu phẩm hài của mình. Anh đã tự hào mà nói rằng, dù anh có đi đến đâu, ở thành phố lớn hay về các vùng nông thôn thì vẫn luôn kéo được một lượng khán giả đến xem… kín mít. Hài đấy, cười đấy mà neo đậu được lòng người, làm mê say lòng người bởi tiếng hát như rút ruột, rút gan.

Khi được hỏi về "bí quyết" của mình, Xuân Hinh chỉ cười nhẹ: "Tôi không phải là người lãnh đạo nên không có những giải pháp chỉ biết rằng, muốn vực dậy nghệ thuật truyền thống phải bắt nguồn từ hai phía:

Thứ nhất, từ phía các nghệ sĩ ngoài sự yêu nghề, họ cần nỗ lực để rèn luyện cho tài năng của mình. Tôi là một nghệ sĩ đi lên từ hai bàn tay trắng, tôi hiểu được rằng, để vượt qua được những khó khăn ban đầu là điều vô cùng cực nhọc. Cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", cũng phải lăn lộn khắp mọi miền đất nước. Đã đành ban đầu sẽ vô cùng gian nan, phải chấp nhận mất mát, phải chấp nhận đi đêm về hôm, phải chấp nhận đôi khi phải tự bỏ tiền túi ra để… bù lỗ, phải chấp nhận vài sự thất bại ban đầu chứ chẳng có gì là suôn sẻ, nhưng nếu mình tạo được cái nếp để họ thưởng thức thì dù đó là nghệ thuật truyền thống hay là gì đi chăng nữa thì cũng sẽ lấy được cảm tình của khán giả.

Hiện nay, những diễn viên trẻ… dễ nản hơn thời của chúng tôi. Họ luôn muốn ngay lập tức đi diễn là thành công, đi hát là nổi danh, nhưng họ không biết rằng, để có được cái danh xưng trong lòng khán giả là cần phải luôn cố gắng đổ công sức để học nghề từ những người đi trước và từ đó, tìm ra được một phương pháp để thích ứng với hoàn cảnh của mình, nghề nghiệp của mình.

Điều thứ hai, cũng vô cùng quan trọng là đối với các cấp lãnh đạo cần đối xử công minh và sát sao hơn đến đời sống của người nghệ sĩ, giữa cái tình của con người với nhau. Cần phải đầu tư đúng và trúng. Có những người thuộc lớp đàn anh đàn chị mà tôi biết như NSƯT Minh Thu, NSƯT Khắc Tư… cả một đời làm nghề, đêm hôm đi diễn, tiền đã không có, đến một cái danh mà cũng không trao cho người ta thì làm sao kêu gọi được người ta ở lại được với nghệ thuật truyền thống, làm sao kêu gọi người ta truyền nghề, và cũng làm sao cho các lớp nghệ sĩ đi sau thấy được nếu người ta dùi mài thì có ngày được đền đáp.

Tôi cho rằng, những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nghệ thuật trước hết phải là người có tâm, có sự am hiểu nhất định đối với nghệ thuật truyền thống, am hiểu nghề và thấu hiểu con người để sử dụng con người và đầu tư vào những hạng mục cụ thể thì mới vực dậy được cái không khí vốn eo sèo hiện nay. Tôi cho rằng, khi đã đi theo nghề "con hát" thì mỗi người nghệ sĩ đã xác định rõ ràng những cái khó, cái khổ, cái vất vả của mình rồi, chính vì thế, như tôi đã nói phải đối xử với họ bằng cái tình, chứ không nên làm tổn thương đến tâm hồn vốn mong manh cố hữu trong họ…".

Vở chèo “Tấm Cám” - một trong những vở chèo thành công của nhà hát chèo Hà Nội.

NSƯT Thu Huyền, một trong số ít những nghệ sĩ trẻ "đơn thương độc mã", không phải con nhà nòi nhưng đã đam mê và theo đuổi nghệ thuật chèo từ năm 17 tuổi, cho đến nay, chị đã trở thành diễn viên tài năng có đẳng cấp trong làng chèo. Chị chia sẻ: Đã qua rồi cái thời người ta phải xếp hộ khẩu để đi xem chèo, cũng đã qua rồi cái thời nghệ sĩ cứ ở yên một chỗ chờ khán giả đến rạp đông đủ và diễn… Nghệ sĩ thời nay họ không chỉ có mỗi nhiệm vụ hát hay diễn, mà họ phải thể hiện được khả năng thích nghi của mình đối với cơ chế thị trường, có nghĩa là phải lao tâm khổ tứ để tự phấn đấu vươn lên, để khán giả nhớ đến mình, đến vai diễn, đến giọng hát của mình.

Điều này đòi hỏi ở người nghệ sĩ phải lựa chọn hoặc là phải chết đói, hoặc là họ không ngừng trau dồi, không ngừng đam mê, không ngừng học hỏi và tự tìm cho mình một hướng đi phù hợp để tạo thương hiệu riêng cho mình. Dĩ nhiên, tôi cũng cho rằng, những người đi theo nghệ thuật truyền thống nếu thực sự không có khả năng thì cũng nên giải nghệ để tìm một nghề khác thích hợp hơn, sướng hơn cho bản thân họ. Vì nghề này không dễ nổi, dễ kiếm tiền như các ca sĩ hát nhạc trẻ, nhạc nhẹ, chỉ cần qua một cuộc thi trên truyền hình là sau đó họ đổi đời. Nghề hát chèo như con tằm nhả kén, bền bỉ, kiên trì, vô cùng gian khổ và thực sự được ông trời ban cho chút tài năng, chút may mắn nhất định thì mới có thể đạt được những thành công ban đầu.

Với tư cách là Trưởng đoàn II của Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Thu Huyền thấy rõ rằng, những người cầm cân nảy mực ban lãnh đạo của nhà hát cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, Nhà hát Chèo Hà Nội đã tìm lại được khán giả thủ đô khi họ đi đến tận các làng, xã, các vùng ngoại thành để diễn cho bà con xem. Không những thế, với sự liên kết cùng các rạp hát, như rạp Đại Nam, hiện nay, Nhà hát Chèo Hà Nội đã ký được 300 buổi diễn (trong năm 2013) cho các cháu thiếu niên, nhi đồng của các trường học trên địa bàn Hà Nội.

Bản thân chị là người trực tiếp đứng trên sân khấu nhìn thấy bao ánh mắt thơ ngây dõi theo từng điệu hát, điệu múa của diễn viên mà trong lòng đầy mừng vui, phấn chấn… Chị tin tưởng rằng, sẽ có một thế hệ khán giả trong tương lai quay trở lại với nghệ thuật truyền thống để cứu vãn không khí eo sèo như hiện nay.

NSƯT Thu Huyền.

Bài toán nan giải cứu nguy cho nghệ thuật truyền thống thực sự không thể nói hết trong một vài bài báo phản ánh. Bởi trên thực tế, có đi đến các đoàn nghệ thuật truyền thống mới thấy hết được những nỗi cám cảnh, nghèo khổ đáng buồn của các thế hệ diễn viên đã trót theo đuổi nghề này. Trên địa bàn thủ đô sôi động đã thế, ở các tỉnh, thành phố xa xôi thì điều đó càng trở nên khủng khiếp hơn.

Tuy nhiên, trước khi đổ lỗi cho cơ chế, cho thời thế, bản thân những nghệ sĩ cũng phải hiểu rằng thời hiện đại mọi khó khăn cũng là một sự sàng lọc cần thiết để biết được nên tồn tại và không tồn tại loại hình truyền thống nào, nên chăng giảm thiểu sự đèo bòng không cần thiết khi những loại hình này đang dần chết yểu trong lòng công chúng và trong chính nội tại của nó. Để từ đó, trong cơn tuẫn nạn, biết được thực lực tồn tại của những nghệ sĩ tài năng, để bồi dưỡng và phát huy họ, còn những người không thực sự có tài thì nên tìm một con đường khác để đi, vì nếu không có tài và ít tài thì thời nào và ở ngành nghề nào cũng chịu nhiều nỗi khổ…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.