Sân thơ Trẻ có làm nên sức trẻ?

Thứ Ba, 19/02/2019, 12:34
rong khuôn khổ các hoạt động của ngày thơ, Sân thơ Trẻ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong nhiều năm qua, được coi là “sân chơi” tạo điểm nhấn cho các tác giả trẻ, với các hình thức đa dạng: Trình diễn, sắp đặt, vận dụng âm nhạc truyền thống, hiện đại, nghệ thuật múa… góp thêm sắc màu cho Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hằng năm.


Đến hẹn lại lên, Tết Nguyên Tiêu sắp tới, vào thứ 3 ngày 19-2-2019, sẽ diễn ra ngày hội thơ ca của cả nước tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong khuôn khổ các hoạt động của ngày thơ, Sân thơ Trẻ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong nhiều năm qua, được coi là “sân chơi” tạo điểm nhấn cho các tác giả trẻ, với các hình thức đa dạng: Trình diễn, sắp đặt, vận dụng âm nhạc truyền thống, hiện đại, nghệ thuật múa… góp thêm sắc màu cho Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hằng năm.

Ba điểm mới trong sân thơ trẻ

Tiếp nối tinh thần đó, Sân thơ Trẻ 2019 do Ban Nhà văn Trẻ thiết kế và thực hiện, với sự hỗ trợ của Nhà hát Tuổi trẻ, CLB Đọc sách cùng con, sẽ diễn ra vào ngày 17-2 (ngày 13 tháng Giêng) với chủ đề “Mở đường bay phía trước”. Sân thơ nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII và Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ III. Tại Sân thơ Trẻ năm nay, các nhà thơ trẻ, những người mang trong mình nội lực sáng tạo mạnh mẽ cùng thái độ trách nhiệm với thời đại mình đang sống, với cộng đồng, sẵn sàng dấn thân... hy vọng cống hiến cho người yêu thơ tại Văn Miếu một chương trình đặc biệt.

Tác giả Ngô Gia Thiên An (giữa, 19 tuổi, thành viên trẻ nhất).

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, một thành viên của Ban Nhà văn trẻ, để tạo được sự đổi mới, một điểm khác so với các năm trước đó là, thay vì diễn ra trên sân Thái Học, Sân thơ Trẻ 2019 sẽ diễn ra tại sân Thái Miếu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Trên sân khấu chính, phần trình diễn thơ của các nhà thơ Việt Nam gồm 3 tổ khúc được dẫn dắt xuyên suốt bằng tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Tuấn “Gà” và piano của nghệ sĩ Trần Quang Sơn, kể một câu chuyện thơ nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng hứa hẹn sự bùng nổ về xúc cảm.

Cảm hứng, niềm tự hào trước ý chí, nghị lực và sức trẻ của những cầu thủ trẻ trong Đội tuyển bóng đá Quốc gia, Ban Nhà văn Trẻ đã chọn tên gọi “Mở đường bay phía trước” làm chủ đề cho Sân thơ Trẻ 2019.

Từ các sáng tác của các nhà thơ được đọc tại Sân thơ Trẻ đến các tác phẩm sắp đặt với góc thể hiện đa chiều của cả trăm chiếc gương phản chiếu mọi mặt của đời sống đương đại, đến những thiết kế phông nền sân khấu với những góc cạnh mạnh mẽ mà bay bổng đều thể hiện một tinh thần trẻ, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ thời đại mới, đem lại nhiều hy vọng và kỳ vọng lớn lao. Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức Sân thơ Trẻ sẽ chăm chút hơn đến các hoạt động tổng thế, sự tương tác, đồng hành của các nhà thơ với công chúng.

Sân thơ Trẻ có "cổng thông tin thơ" là nơi giới thiệu về các tác giả thơ trẻ cùng những sáng tác của họ, tại đây công chúng có cơ hội giao lưu trực tiếp với tác giả mà mình yêu mến. Cũng tại không gian thơ trên sân Thái Miếu, công chúng còn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng “Điều còn thiếu?” của nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên với cảm hứng tươi mới, thể hiện hơi thở của cuộc sống đương đại, gợi mở nhiều suy ngẫm; hoặc trải nghiệm những thông tin, hình ảnh sống động về Sân thơ Trẻ các năm qua với phần mỹ thuật do họa sĩ Kim Duẩn đảm nhiệm.

Mười nhà thơ quốc tế cùng đọc thơ, giao lưu với khán giả tại Sân thơ Trẻ sẽ tạo nên những sắc màu mới trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng tại Ngày thơ năm nay.

Liệu có làm nên sức trẻ?

Các nhà thơ trẻ, những "diễn viên" trên sân khấu đã có những buổi tập cùng nhau miệt mài và đầy nỗ lực để hy vọng cống hiến cho khán giả một sân Thơ mang nhiều ý nghĩa. Có thể nhận thấy vẫn có nhiều gương mặt từ những mùa trước, đầy nhiệt huyết và năng nổ. Tuy nhiên, năm nay Sân thơ Trẻ cũng sẽ có những gương mặt chưa từng xuất hiện ở các năm trước như: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Tú Anh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện, Ngô Gia Thiên An, Lý Hữu Lương, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Bùi Việt Phương... với những cá tính sáng tạo khác biệt cùng hòa chung trong một đường bay mùa xuân của thi ca vẽ nên từ dải đất hình chữ S.

Tác giả Lý Hữu Lương (người dân tộc Dao).

Nhà thơ Lý Hữu Lương, hiện đang làm biên tập viên ban Thơ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Sinh năm 1988, người dân tộc Dao, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi được hỏi cảm nhận về sức trẻ trong sân thơ với sự tham gia đầy nhiệt huyết của mình, anh chia sẻ: "Thơ trẻ hôm nay, theo cách nhìn của tôi, khoảng hai hay ba mươi hoặc nói cách khác là những cây viết trẻ dưới 40 tuổi đi cùng sự tiến bộ của xã hội, công nghệ và các phương thức hiện đại khác đã tạo nên những giọng điệu rất trưởng thành. Chúng ta không nên kỳ vọng vào những sự phá cách, sự cố gắng vượt rào hình thức, mà tôi nhận ra họ chững chạc trong lối suy nghĩ gần đời sống hơn, con người hơn và tự do hơn. Thi ca - như định nghĩa vốn có của nó, bằng những giá trị thẩm mỹ tuyệt vời đã trường tồn và cùng nhân dân Lạc Việt đi qua bao thăng trầm đời người, bao biến cố của lịch sử.

Gọi đất nước này là đất nước của thi ca, điều đó dường như chứa đựng nhiều hơn những giá trị về quá trình phát triển lịch sử - văn hóa của nền văn minh châu thổ, làng Việt. Chưa bao giờ thi ca ở đất nước này chậm nhịp so với đời sống... Ngày thơ Việt Nam cũng đem thơ ca đến gần và đủ hơn tối đa giác quan, cảm quan của quần chúng. Tôi tin chắc rằng, không một người làm thơ, yêu thơ nào không muốn có cơ hội được thể hiện tình yêu và khả năng của mình trước đông đảo quần chúng. Khi sáng tác thì anh thu mình lại, có tác phẩm anh sẽ muốn trưng ra, để lắng nghe những bình phẩm, ngợi ca hay phê phán... đó là nhu cầu tất yếu, riêng có của thơ. Thơ trẻ càng phải vậy!

Hi vọng, những người yêu thơ và là khán giả thường xuyên của Ngày thơ Việt Nam sẽ nhận thấy điều đó, nỗ lực của những người tổ chức và các nhà thơ trình diễn trên sân khấu. Với hi vọng đi cùng hưng vượng của đất nước là khuôn mặt hưng vượng của thi ca. Còn tôi, là một người viết trẻ, trong tâm thế và ý thức nguồn cội tộc người mình, đến với thơ ca tôi đem đến cho người đọc một định nghĩa, những khám phá đặc biệt về người thiểu số; góc nhìn nhân ái, lạc quan, bao dung hơn, con người hơn với sự giao thoa mãnh liệt giá trị văn hóa nơi biên viễn ấy: Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi/ Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm/ Ngực nóng từng lần thơm trước gió/ Mang khuôn mặt làng đi khắp muôn nơi... Câu thơ ấy, như là mệnh lệnh của tâm thức tôi vậy!".

MC, tác giả Lữ Mai.

Lữ Mai, một người đã được chọn làm MC kiêm người trình diễn nhiều năm trên sân Thơ trẻ, chia sẻ: "Có rất nhiều quan niệm về thơ trẻ và điều đó vẫn còn gây tranh cãi cho đến tận bây giờ. Người trẻ tuổi làm thơ có thể gọi đó là thơ trẻ, nhưng người cao tuổi viết rất sung sức, tươi mới cũng khó gọi đó là… thơ già! Nói vui vui vậy, nhưng tôi quan niệm rằng, thơ trẻ đầu tiên phải được định nghĩa qua tuổi đời. Sáng tác của những nhà thơ dưới 35 tuổi có thể gọi chung là thơ trẻ. Tất nhiên đây chỉ là sự phân định mang tính nôm na, để tổ chức sự kiện, không gian của một ngày hội lớn cho hợp lý còn văn chương thì luôn bình đẳng và không có sự phân biệt nào. Để tổ chức một sự kiện lớn như Ngày thơ Việt Nam có rất nhiều bộ phận cùng đóng góp và Sân thơ Trẻ là một phần của ngày hội lớn.

Cá nhân tôi cũng như những bạn viết khác chỉ là góp một tiếng thơ vào muôn vàn tiếng thơ khác như sự tiếp lửa từ truyền thống cha anh và chia lửa cho nhau. Để đổi mới thơ, câu chuyện ấy theo tôi trước hết cần được bắt đầu từ sự nỗ lực của từng cá thể trong lao động sáng tạo, hoạt động nghề nghiệp. Quá trình ấy diễn ra thầm lặng, độc lập và nghiêm cẩn. Sau đó, ở thời đại hiện nay, việc quảng bá tác phẩm, hòa nhập cái tôi vào cái ta chung, vào những sự kiện giao lưu, thưởng thức cũng góp phần tích cực trong lan tỏa cảm hứng tốt đẹp".

Làm mới thi ca không chỉ qua một ngày hội thơ

Dịch giả, Tiến sĩ Thụy Anh, Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ, một người đã có nhiều cống hiến cho Sân thơ Trẻ từ trước đến nay cho rằng, Ngày thơ về mặt tổng thể, như một ngày hội vui chung của người làm thơ và người yêu thơ. Nước nào cũng có ngày thơ của mình (Ngày Thơ thế giới là 21-3). Chị cho rằng, thi ca góp phần làm thế giới giản dị và mềm mại hơn đối với mỗi con người. Hơn mười năm nay, Ngày thơ là ngày giúp người ta “trảy hội” mà Thơ là cái cớ đáng yêu, đẹp đẽ để họ gặp nhau, nghe thơ, tặng thơ, chụp ảnh với những người thơ và với nhau. Văn chương và các tác giả đang đến gần hơn với người đọc của mình - điều đó thực sự là một việc làm ý nghĩa nhân dịp đầu xuân năm mới. 

Chị cho rằng, quan niệm “trẻ” là sức viết, sức sáng tạo, nét riêng độc đáo của những người cầm bút đang sống hết mình với thời đại của mình, tạo ra một giọng điệu riêng như tiếng vọng của thời đại, góp phần hình thành gu thẩm mỹ, gu thưởng thức văn chương của một thế hệ công chúng, người đọc mới.

Ở góc độ nào đó, Thơ Trẻ mang tính đương đại với sự tìm tòi, phá cách, vượt mọi khôn khổ, giới hạn, thói quen cũ. Nó tương tự như “Thơ Mới” ngày nào... Và Sân thơ Trẻ được Hội nhà văn xây dựng hơn chục năm nay là không gian để sức trẻ ấy được thể hiện mình, chính vì thế mà những người làm Sân thơ Trẻ các năm đều chịu một áp lực lớn từ nhiều phía với những câu hỏi: “Có gì mới? Có gì lạ? Có gì hay?”, trong khi ở “Sân thơ Già” thì mọi người đều chấp nhận cách làm truyền thống, hài lòng với những câu thơ đã chạm khắc vào lòng người đọc nhiều thế hệ.

Nghiêm túc mà nói, khó ai có thể làm gì để “đổi mới thơ” ngay được, cái mới của thơ nằm ngoài ý chí của cá nhân hay tập thể nào đó, càng không vì một ngày hội nào đó. Việc của những người tổ chức sân thơ trẻ là tìm mọi cách tốt nhất để họ thể hiện được sức trẻ của mình.

Và đây cũng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với Ban tổ chức Sân thơ Trẻ mỗi năm bởi một lẽ - quyết định chủ đề và chủ trương cho Sân thơ luôn được đưa ra khá muộn, trước Tết khoảng hơn chục ngày, khi mà mọi nơi liên quan đều đang lấn bấn vì Tết nhất. Chị có một mong ước được chuẩn bị cho Ngày thơ từ sớm, ngay từ giữa năm, có chủ đề sớm, từ đó mới có đủ thời gian để triển khai khuyến khích tác giả đang sung sức, tìm kiếm và phát hiện những cây bút mới, nghĩ ra các sáng kiến thể hiện tác phẩm hay, thú vị, bất ngờ hơn, lôi cuốn được nhiều đơn vị quan tâm và tham gia.

Dù rằng, sau mỗi ngày hội thi ca, luôn có những ý kiến khen chê, song, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, một người tham gia trình diễn thơ năm nay trên sân khấu, chúng ta không thể đòi hỏi hoặc kỳ vọng gì ở khán giả mà chỉ nên làm hết sức mình tạo một “sân chơi” phong phú cho người làm thơ và người yêu thơ.

Giống như một người chủ nhà bày bữa tiệc của mình mời khách. Họ chỉ có thể chăm chút cho hình thức và nội dung các món ăn sao cho thật bắt mắt, cũng thật ngon miệng, lại biết đưa món nào trước món nào sau để kích thích sự tò mò, tạo sự quan tâm của khách mời, cho họ sự bất ngờ mà họ đang... mong đợi!

Chỉ cần khán giả không thờ ơ, thì mọi khen chê của người xem và nghe thơ đều là niềm vui lớn lao đối với các tác giả, với Ban tổ chức Sân thơ Trẻ. Bởi vì, mọi nỗ lực của thi ca, đều xuất phát từ trái tim để hòa nhịp cùng những trái tim để tạo nên một dấu ấn của một Ngày hội đúng nghĩa...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.