Sáng kiến kinh doanh từ rác thực phẩm

Thứ Năm, 04/05/2017, 18:35
Bữa tiệc đêm thịnh soạn - gồm trứng cá muối, gan ngỗng và nấm truffle - trị giá đến 28.000 bảng Anh của một doanh nhân Nga đặt nấu để đãi nhóm khách của ông thực sự khiến đầu bếp Justin Horne choáng váng. Thức ăn thừa sẽ được nhồi cứng vào trong 8 chiếc hộp lớn vứt vào... thùng rác sau khi tiệc tàn vào cuối đêm.

Justin Horne quyết định làm điều gì đó để “vớt vát” số thực phẩm không dùng hết bị vứt đi quá lãng phí. Ông cùng người bạn gái Alice Gilsenan thành lập và điều hành Tiny Leaf - một nhà hàng “pop-up” - ngay trong khu chợ thực phẩm ở phía nam London. Đó là mô hình nhà hàng tạm thời còn được gọi là “supper club”, được đặt tại bất cứ nơi đâu, xuất hiện tại Anh vào những năm 2000.

Justin Horne và Alice Gilsenan.

Sáng kiến “zero waste”

Thực khách dễ dàng nhìn thấy dòng chữ “zero waste” (không có rác) trên tấm biển 2 màu trắng-đen nơi quầy thu tiền của nhà hàng Tiny Leaf. Thực đơn nhà hàng được xây dựng trên nền tảng những thực phẩm mà các cửa hàng hay nhà bán sỉ không bán được và chỉ còn cách là đổ vào thùng rác nếu không có hướng khác để tiêu thụ.

Đó là những củ cà rốt dị dạng, những trái chuối lấm tấm nhiều nốt đen, những quả táo bị giập và bánh mì cũ. Gilsenan cho biết, toàn bộ số thực phẩm như thế “hoàn toàn có thể dùng được nhưng chúng không đủ đẹp để trưng bày trên các kệ trong siêu thị”.

Rác thực phẩm trong hộ gia đình ở Anh trị giá trung bình 470 bảng Anh/năm - theo số liệu từ chính quyền nước này và WRAP (tổ chức độc lập phi lợi nhuận của các chuyên gia chứng nhận trách nhiệm về sản xuất toàn cầu) được Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ.

Một con số gây choáng váng: một phần ba số thực phẩm được sản xuất cho con người tiêu thụ không còn hạn sử dụng hay bị vứt bỏ trên toàn cầu, tương đương khoảng 1,3 tỷ tấn! Tiny Leaf là cơ sở đầu tư mạo hiểm thứ 2 của cặp đôi Justin Horne và Alice Gilsenan để chứng minh khái niệm “zero waste” là có thể thành hiện thực.

Siêu thị WeFood là cách mới giúp mọi người không hoang phí thực phẩm sắp bị loại bỏ khỏi siêu thị.
Một món ăn trong thực đơn của Tiny Leaf.

Hiện nay, hai người bạn đang tìm kiếm một địa điểm cố định để nhà hàng hoạt động thường xuyên hơn. Horne-Gilsenan nằm trong số những đầu bếp nhà hàng, chủ nông trại và các thành viên khác của thế giới thực phẩm đang cố gắng xử lý hiệu quả hàng núi “rác thực phẩm” hiện nay.

Nguyên tắc của nhà hàng Tiny Leaf là không vứt bỏ thực phẩm còn sử dụng được, chỉ trừ một số rất ít bị hư hỏng cần phải loại bỏ để chế biến làm phân bón cây trồng. Khoảng 70-80% số thực phẩm được vận chuyển đến Tiny Leaf là do các cửa hàng hay nhà bán sỉ cho không vì không bán được. Tiny Leaf tiếp đón khoảng 250 đến 350 thực khách trong một tuần và sự thăm dò cho thấy phản ứng của họ về sáng kiến tận dụng thực phẩm thừa hay bị loại bỏ của cặp đôi Horne-Gilsenan là rất tích cực.

Gilsenan nói: “Một số người bảo đó là rác, song hiện giờ chúng không còn là rác nữa, do đó nhận thức về rác của chúng ta cần phải thay đổi”.

Ứng dụng di động hiệu quả

Khi Jenny Dawson Costa bắt đầu bán những lọ tương ớt mang nhãn hiệu “Rubies in the Rubble”, cô nhận được phản ứng gay gắt từ những khách hàng ở khu chợ thực phẩm Borough Market buôn sỉ và lẻ nổi tiếng ở London. Lý do là sản phẩm này được sản xuất từ nguồn thực phẩm dư thừa hay bị loại bỏ vì có bề ngoài xấu xí mà có thể gọi là “rác”.

Từ năm 2011, Công ty Rubies in the Rubble của Jenny Costa xử lý thực phẩm bị vứt khỏi kệ hàng trong chợ hay siêu thị thành sản phẩm tương ớt và nước sốt chất lượng cao trước khi nguồn này bị chuyển đến bãi rác! Jenny Costa, 30 tuổi, muốn mọi người suy nghĩ lại về những gì mà chúng ta coi là “rác thực phẩm”.

Từ quầy hàng trong chợ Borough Market, hiện nay sản phẩm của Jenny Costa được phân phối đến những nhà bán lẻ hàng đầu nước Anh bao gồm Ocado, Waitrose và Fortnum & Mason. Năm 2017, dự kiến công ty của Costa sẽ đưa thị trường một số sản phẩm nước sốt cà chua mới mà cô khẳng định sẽ có vị ngon bảo đảm. Ban đầu, Công ty Rubies in the Rubble sử dụng nguồn thực phẩm bị loại bỏ từ những khu chợ bán sỉ, nhưng khi doanh nghiệp phát triển có nghĩa là thực phẩm được thu mua trực tiếp từ nông trại để được hưởng giá rẻ ưu đãi.

Ứng dụng Too Good To Go của Đan Mạch.
WeFood phục vụ cho những người thu nhập thấp và bất cứ ai quan tâm đến rác thực phẩm.

Jenny Costa cho biết: “Thực ra, số lượng thực phẩm mà chúng tôi sử dụng để sản xuất là không nhiều song chúng tôi có giải pháp thực tế. Đó là mua rác thực phẩm từ hệ thống siệu thị nước Anh và sau đó đưa vào kênh phân phối phục vụ cho những người có nhu cầu”.

Chris Wilson, đồng sáng lập ứng dụng di động Too Good To Go cho cả hai nền tảng Android và IOS, cũng có cùng ý tưởng như Jenny Costa để giải quyết vấn đề “rác thực phẩm” trong ngành kinh doanh nhà hàng ăn uống. Ứng dụng, được phát hành đầu tiên ở Đan Mạch, cho phép người dùng biết được chỗ mua thực phẩm còn thừa tại các nhà hàng trước khi chúng bị vứt vào thùng rác.

Từ khi được phổ biến tại Anh hồi tháng 6-2016, ứng dụng được kết nối với khoảng 200 nhà hàng tại 8 thành phố nước này. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể mua được những bữa ăn dư thừa với giá rẻ trước khi nhà hàng đóng cửa. Chỉ trong 20 tuần từ khi được phát hành tại Anh, ứng dụng Too Good To Go được tải xuống 80.000 lượt và 10.000 món ăn được bán thông qua ứng dụng.

Kể từ khi xuất hiện Too Good To Go, ứng dụng đã giúp tiết kiệm được ít nhất 600 bữa ăn bị bỏ phí. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người dùng tổ chức quyên tặng bữa ăn giá rẻ cho những người thiếu ăn.

“Siêu thị rác thực phẩm”

Mỗi năm có hơn 700.000 tấn thực phẩm bị biến thành rác ở Đan Mạch và đó là lý do cho sự ra đời “siêu thị rác thực phẩm” Wefood đầu tiên trên thế giới ở nước này. Wefood – nơi bán thực phẩm với giá rẻ hơn từ 30%-50% so với giá thị trường – nhanh chóng trở nên phổ biến ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đến mức nó được thành lập tại địa điểm thứ 2 với tên gọi khác là Norrebro. Việc bán thực phẩm dư thừa không gây nguy hiểm cho người tiêu thụ và được coi là hợp pháp ở Đan Mạch.

Per Bjerre, Giám đốc tổ chức từ thiện phi chính phủ Folkekirken Nodhjaelp hỗ trợ dự án này, cho biết: “WeFood là siêu thị đầu tiên thuộc loại này ở Đan Mạch và có lẽ cả trên thế giới, không chỉ giúp cho những người thu nhập thấp có cơ hội mua thực phẩm giá rẻ mà còn cho bất cứ ai quan tâm đến số lượng rác thực phẩm ở đất nước này. Nhiều người coi dự án là cách thiết thực nhất giải quyết vấn đề”.

Jenny Costa, người sáng lập Rubies in the Rubble.
Sản phẩm tương ớt của Jenny Costa được sản xuất từ những trái ớt bị vứt bỏ.

Fotex, một trong những kênh siêu thị lớn nhất Đan Mạch, là nhà cung cấp bánh mì và trái cây cũng như các loại thực phẩm sắp bị loại bỏ cho WeFood. Siêu thị này là một phần trong sáng kiến giảm bớt “rác thực phẩm” của chính phủ Đan Mạch sau khi Bộ trưởng Nông  nghiệp và Thực phẩm gặp gỡ Tổng thư ký Folkekirken Nodhjaelp và lãnh đạo một siêu thị lớn của nước này. Sau thời gian mở cửa được 6 tháng, WeFood tiếp nhận được hơn 40 tấn thực phẩm dư thừa thuộc loại chuẩn bị tiêu hủy.

Rác thực phẩm là vấn đề nóng trong những năm gần đây ở châu Âu dẫn đến sự ra đời của nhiều sáng kiến độc đáo như tại Đan Mạch. Vào đầu năm 2016, chính phủ Pháp thông qua luật cấm các siêu thị vứt bỏ hay tiêu hủy thực phẩm không bán được. Trong khi đó, siêu thị rác thực phẩm của Anh được mở cửa vào tháng 9-2016 ở Pudsey gần thành phố Leeds miền bắc nước này.

Theo điều tra của tờ Evening Standard, các siêu thị trên khắp nước Anh vứt bỏ số lượng thực phẩm vẫn còn sử dụng được trị giá đến 230 triệu bảng Anh mỗi năm.

An Di (tổng hợp)
.
.