Sát cánh cùng bà con vùng lũ

Thứ Ba, 24/01/2017, 09:00
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm nay, lũ chồng lũ khiến bà con các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Là phóng viên dành gần một tháng trời sát cánh cùng bà con vùng rốn lũ Quảng Bình, tôi càng thấm thía nỗi khổ của bà con trước thiên tai và ý nghĩa của hoạt động cứu trợ.

Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm nay, lũ chồng lũ khiến bà con các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Cùng với việc cập nhật thông tin thời sự về mưa lũ, Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã vận động và tổ chức 4 đoàn công tác Xã hội từ thiện, với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 4 tỷ đồng để cứu trợ bà con các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị.

Là phóng viên dành gần một tháng trời sát cánh cùng bà con vùng rốn lũ Quảng Bình, tôi càng thấm thía nỗi khổ của bà con trước thiên tai và ý nghĩa của hoạt động cứu trợ.

Sáng 17-10-2016, trong lúc đang tác nghiệp ở vùng lũ Quảng Bình, điện thoại tôi đổ chuông. Đầu dây bên kia, Thiếu tướng - Tổng Biên tập Phạm Văn Miên chỉ đạo: phóng viên địa bàn phối hợp với Ban Pháp luật – Bạn đọc (đơn vị được giao chuyên trách về công tác xã hội từ thiện của Báo) ngay trong ngày bằng mọi cách phải mua sắm, vận chuyển hàng cứu trợ đưa vào tâm lũ Quảng Bình trao tặng bà con. Nhận lệnh Tổng Biên tập, sau gần hai tiếng đồng hồ chuẩn bị, chúng tôi đã mua hàng trăm suất quà gồm mỳ tôm, bột ngọt, nước mắm, đường, lương khô thẳng tiến về các vùng tâm lũ.

Vượt sông Son, chuyển hàng cứu trợ lên giúp đỡ bà con thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Đường về xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nham nhở do nước lũ tàn phá. Thỉnh thoảng chiếc xe chở hàng cứu trợ của Công an huyện Bố Trạch, Công an Quảng Bình lại chồm lên để vượt qua những ổ voi, ổ gà. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Minh - Phó trưởng Công an huyện Bố Trạch cho biết, mấy ngày lũ, lực lượng Công an huyện đã phải làm cọc tiêu trong lũ trên nhiều đoạn đường để vừa giúp đỡ, vừa ngăn người dân di chuyển vì sợ lũ cuốn trôi.

Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở bên bờ sông Son, bên kia là thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Trằm Mé ở nơi đầu nguồn sông Son nên mấy ngày lũ, cả thôn bị chia cắt như một ốc đảo. Bà con tự cứu giúp nhau là chính, vì canô, tàu thuyền không thể vào Trằm Mé do nước lũ chảy xiết. Gia đình nào có nhà cao thì cùng dùng chung chăn, chung bếp với những hộ nhà thấp, khó khăn.

Cứ thế, bà con Trằm Mé chung lưng giúp nhau qua cơn lũ. Khi nước lũ rút, nhiều tài sản của người dân nơi đây cũng trôi theo dòng nước. Khó khăn đang chồng chất lên cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nước sông Son vẫn đục ngầu cuồn cuộn chảy, bác Trưởng thôn Trằm Mé Nguyễn Văn Thông ở bên kia sông bắc loa tay nói vọng qua: “Cảm ơn nhà báo, cảm ơn các anh Công an đã về với bà con, nhưng nước chảy xiết, bùn đất nhiều lắm, các anh cứ để hàng bên kia rồi cho bà con chèo đò qua nhận”.

Chúng tôi hội ý chớp nhoáng với các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Bố Trạch rồi quyết định: Thuê đò vượt sông sang với người dân. Sau gần tiếng đồng hồ đánh vật với con nước, bác lái đò đưa chúng tôi và 50 phần quà hàng cứu trợ cập bờ thôn Trằm Mé. Nhiều người dân xuống tận mạn đò cùng chuyển hàng với chúng tôi. Nhìn những ánh mắt thơ ngây của đám trẻ nhỏ, nụ cười hiền của những bác nông dân chất phác, chúng tôi thấy thật ấm lòng. Những mệt mỏi dường như đã nhường cho nghĩa cử nhân văn, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

 Thôn Trằm Mé có 258 hộ dân, trong đó có hơn 110 hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của bà con chân chất với ruộng đồng, hạt lúa củ khoai. Nhận gói hàng cứu trợ từ phóng viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG, ông Trần Trọng Ban rưng rưng: “Ba ngày qua, lúa gạo không bị trôi thì ướt theo nước lũ, điện không, nước không, bà con quê tui gặp nhiều khó khăn, sự giúp đỡ động viên của các anh chị đã tiếp thêm sức mạnh cho bà con chúng tôi vượt qua hoạn nạn”.

Chị Nguyễn Thị Hoa cùng 2 con nhỏ đến nhận quà cứ cầm tay tôi thật chặt nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no chú nờ”. Đưa quà xong cho bà con Trằm Mé, chúng tôi ngược lại bến đò qua nhà anh Nguyễn Văn Hà, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch thắp nén nhang cho cháu Nguyễn Gia B. (4 tuổi) vừa bị tai nạn thương tâm trong lũ.

Trao số tiền thăm viếng 1 triệu đồng cho anh Hà, mắt chúng tôi cay xè khi nhìn vào di ảnh thấy ánh mắt trong veo, thơ ngây của cháu B. Nước lũ mấp mé sông Son, lần đầu tiên B. thấy nước lũ và em đã ra bờ sông… Dòng nước lũ đã cướp em đi vĩnh viễn. Mất mát nào cũng đau thương, nhưng thắp nén nhang trước di ảnh của trẻ thơ thật khó cầm lòng để không bật khóc.

Mỗi lần đến một địa bàn vùng tâm lũ làm công tác xã hội từ thiện lại để lại trong chúng tôi nhiều tâm trạng yêu thương. Mấy hôm sau, chúng tôi tiếp tục về với Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) trao quà cho người dân vùng lũ. Quảng Sơn là xã nằm bên bờ nam sông Gianh, nơi thường phải hứng chịu những thiệt hại lớn trong bão, lũ của mảnh đất vùng cát Quảng Bình. Cách đây 3 năm, hơn 400 nhà dân nơi đây đã bị đổ sập khi trận cuồng phong lốc xoáy đi qua.

Tất cả tài sản người dân chắt chiu làm lụng đều bị bão lốc, nước lũ cuốn trôi. Ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã cho biết, chỉ vài tiếng đồng hồ nước lũ đổ về, cả Quảng Sơn đã ngập chìm từ 1m đến 3m, gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng đối với nhân dân trên địa bàn. Với dân số 1.537 hộ, Quảng Sơn có đến gần 50% hộ nghèo và cận nghèo. Đưa 80 phần quà gồm mỳ tôm, bột ngọt, đường, dầu ăn, nước mắm, lương khô… về Quảng Sơn, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp khi trao từng phần quà đến tận tay người dân.

Những ngày tiếp sau, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo và Công ty Duy Lợi đã đến vùng rốn lũ xã Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình sẻ chia với người dân vùng lũ. Khi trời còn mờ sáng, các thành viên trong đoàn đã cùng nhau vận chuyển, sắp xếp 200 phần quà để kịp đến với người dân. Quảng Phúc là xã có gần 100% bà con là giáo dân. Người dân nơi đây luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng sống tốt đời đẹp đạo.

Trong chiến tranh, bà con nơi đây luôn giữ trọn lời thề “xe chưa qua nhà không tiếc” hy sinh của cải, tài sản để phục vụ cho những đoàn xe vào tiền tuyến. Hòa bình, ở Quảng Phúc hàng trăm gia đình vinh dự được nhận huân, huy chương kháng chiến của đất nước. Đưa hàng cứu trợ về với bà con Quảng Phúc, chúng tôi thấy lòng mình ấm lại khi chứng kiến cảnh những cụ già, em nhỏ vui mừng cầm trên tay những món quà sâu nặng nghĩa tình. Bà Nguyễn Thị Cúc (75 tuổi) chia sẻ: Nhà bà bị nước ngập sâu hơn 2m.

Hàng ngày bà phải gồng lưng nuôi người con trai (50 tuổi) bị bệnh tâm thần. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, khi lũ tràn qua mẹ con bà Cúc lại thêm phần bĩ cực. Nhận món quà cứu trợ từ đoàn, bà Cúc cầm tay chúng tôi thật chặt với lời cảm ơn cùng nước mắt xúc động.

Chị Nguyễn Lâm Như Quỳnh, đại diện cho Công ty Duy Lợi, doanh nghiệp hơn 10 năm qua luôn đồng hành cùng Báo CAND - Chuyên đề ANTG trên những nẻo đường từ thiện cho biết, khi nghe tin lũ lụt lớn xảy ra ở Quảng Bình, cán bộ, công nhân viên công ty ai cũng sốt sắng muốn được góp sức giúp người dân sớm vượt qua khó khăn do bão lũ.

Công ty Duy Lợi đã làm việc với Báo CAND và tất cả đều thống nhất ý chí, cố gắng đưa hàng cứu trợ về giúp nhân dân vùng lũ càng nhanh càng tốt. Anh Nguyễn Quang Trung, Tổ trưởng Tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc khẳng định: Nước lũ vừa rút, nhiều gia đình đang rơi vào hoàn cảnh thiếu lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày. Món quà ý nghĩa của Báo CAND và Công ty Duy Lợi gồm mỳ tôm, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, lương khô, sữa tươi… sẽ giúp đỡ người dân thiết thực trong những ngày này.

Gần một tháng rong ruổi làm từ thiện trên mỗi nẻo đường, đến nhiều vùng quê đất lũ, món quà của Báo CAND -Chuyên đề ANTG chưa đủ lớn để giúp đủ đầy những cảnh đời trong lũ nơi đây, nhưng chúng tôi hy vọng, bên bếp lửa, bữa cơm ấm cúng của người dân sau lũ ở Quảng Bình sẽ ấm áp hơn. Những đứa trẻ sẽ gục đầu vào bố mẹ ngủ ngon lành không thức giấc vì đói. Một số trẻ nhỏ cầm lương khô ăn ngấu nghiến ngon lành. Hình ảnh giản dị vậy thôi cũng tiếp thêm cho chúng tôi sức khỏe trên hành trình đến với nhiều vùng lũ ở mảnh đất miền Trung yêu thương.

Năm 2016, Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã vận động tổng số tiền 17 tỷ đồng để trao tặng trong các hoạt động từ thiện. Trong đó có các chương trình lớn như: “70 năm Báo CAND – 70 nhà tình nghĩa”; “Ủng hộ đồng bào miền Trung”; “Tết vì người nghèo”; “Quỹ Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số”. Đã có hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng; hàng nghìn chiếc xe đạp được trao cho học sinh nghèo hiếu học; bốn nghìn suất quà Tết tặng đồng bào nghèo…
Báo CAND, Công an tỉnh Gia Lai, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam trao nhà tình nghĩa tại Chư Sê (28-7-2016).
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND, đại diện cho đoàn công tác XHTT của Báo trao tặng Nhà tình nghĩa tại Gia Lai.
Dương Sông Lam
.
.