Sẻ chia trong mùa khó

Thứ Tư, 14/07/2021, 06:45
Dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến khó lường và nguy hiểm. TP Hồ Chí Minh đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, cách ly xã hội toàn thành phố 15 ngày. Những ngày này, người dân thành phố đang làm mọi cách có thể để sẻ chia với những cảnh đời gian khó. Tại các khu phong tỏa, cách ly, luôn có "gian hàng 0 đồng", "siêu thị 0 đồng" và "tủ lạnh công cộng".

Cùng với đó, là hàng ngàn suất cơm từ thiện tỏa đi khắp các chốt trực, bệnh viện dã chiến nhằm tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch… Tuy nhiên, lẩn khuất trong nghĩa cử và hành động cao đẹp đó, vẫn còn một vài "vết mực" làm "lấm lem" hình ảnh từ thiện của những cá nhân mang danh "ông bụt, bà tiên".

Chia ngọt sẻ bùi với người dân vùng dịch

Những ngày này, tại địa chỉ số 100 Ung Văn Khiêm (Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) có một chiếc tủ lạnh đặt trên vỉa hè để bất kì ai cũng có thể ghé qua và lấy món đồ cần thiết. Chiếc tủ lạnh này bao gồm những nhu yếu phẩm như rau, củ, quả, trứng, sữa... hoạt động với khẩu hiệu: "Ai cần thì đến lấy, ai có thì chia sẻ". Chủ nhân của chiếc tủ lạnh cộng đồng là anh Nguyễn Tuấn Khởi. Anh Khởi đã triển khai mô hình này từ đợt dịch năm ngoái, đến nay khi dịch bùng phát thì anh tiếp tục thực hiện để giúp đỡ mọi người.

Rất nhiều điểm phát cơm miễn phí tại TP Hồ Chí Minh.

Từ khi nghe thông tin TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, bà con huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lập tức có hành động thiết thực ủng hộ.

Điểm tiếp nhận hàng hóa nằm trong khuôn viên ngôi chùa làng Văn Vận (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng). Bao gạo, bó rau, bịch ớt, trái bí… là những món quà, từ tận đáy lòng. Ở các xã Hải Ba, Hải Trường… của huyện Hải Lăng và một số xã của huyện Triệu Phong, chị em phụ nữ cùng nhau làm hàng trăm hũ muối ruốc sả để hỗ trợ bà con lao động khó khăn xa quê đang bị kẹt lại vì dịch ở TP Hồ Chí Minh.

Sư cô Trung Thanh chia sẻ: "Đây không chỉ là món quà, mà còn là tình cảm mà người rốn lũ Hải Lăng, Quảng Trị hướng về đồng bào TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi tin người dân thành phố sẽ kiên cường để sớm vượt qua gian khó, đẩy lùi dịch bệnh".

Tại Thừa Thiên Huế, nhóm bạn trẻ Ong Du Ký đang từng ngày kêu gọi, gom góp những hỗ trợ nhỏ để thực hiện chương trình "Triệu cái bánh - triệu yêu thương".

Anh Ngô Phước Tuần, điều phối nhóm, chia sẻ: "Khi những cơn bão lũ liên tiếp khiến miền Trung oằn mình chịu nạn, từng dòng xe yêu thương chất đầy nhu yếu phẩm của TP Hồ Chí Minh nối đuôi nhau hướng về những làng quê mưa bão, trong đó có Huế. Nay TP Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch, người lao động gặp nhiều khó khăn, những người trẻ ở Huế chúng tôi mong muốn góp nhặt một chút tình yêu thương nhỏ nhoi vào những chiếc bánh lọc là đặc sản của Huế gửi tặng bà con ở phương Nam". Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chia sẻ triệu chiếc bánh đến với người lao động gặp khó khăn tại các khu trọ.

Rau củ miễn phí từ Đà Lạt gửi về thành phố.

Ở Đắk Nông, bà con nông dân cũng đang tấp nập thu hoạch nông sản như: Gạo, bơ, bí đỏ, khoai lang... gửi người TP Hồ Chí Minh chống COVID-19. Anh Nguyễn Trọng Hùng, lái xe chở nông sản cho biết, những mặt hàng này bây giờ bán rất có giá, nhưng bà con quyết không bán mà quyên góp để gửi về TP Hồ Chí Minh. Vườn bơ nhà chị Đỗ Thị Cúc (thôn 5, xã Đắk Ha, H.Đắk Glong, Đắk Nông) đã đến mùa thu hoạch, thương lái vào hỏi mua rất nhiều nhưng chị không bán. "Nếu bán hết cả 4 tạ bơ thì mình cũng không giàu lên được, nhưng gửi về cho bà con vùng dịch thì nó ý nghĩa và ấm lòng tình đồng bào hơn rất nhiều", chị chia sẻ".

Tấm lòng của người dân cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh không thể đong đếm được, tình người là thứ gì đó vô cùng thiêng liêng vào thời điểm này. Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày vừa qua, tại thành phố có rất nhiều cá nhân, nhóm từ thiện đã có nhiều cách khác nhau hỗ trợ người dân. Người bỏ công làm ra những món ăn, thức uống; người góp tiền; người có hàng hóa thì ủng hộ hàng hóa để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị cách ly hay người nghèo khó; người có cây xanh thì cùng góp để tặng cho người ở khu vực phong tỏa, mong họ vui vẻ vượt qua thời gian khó khăn này… Với những việc làm ấy, càng minh chứng rằng nghĩa tình của người dân thành phố.

Thiện nguyện phải xuất phát từ tâm

Cả nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho mảnh đất nghĩa tình này vượt qua cơn "địa chấn" dịch bệnh COVID-19. Hoạt động từ thiện đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc chống dịch của thành phố, được xem như đóa hoa thắm đượm tình người. Tuy nhiên, phía sau phong trào thiện lương ấy, còn có những góc khuất chạm đến nỗi đau và sự tổn thương của lòng người.

Siêu thị 0 đồng gồm gạo, rau củ và gia vị phục vụ bà con khu cách ly.

Tôi cứ ám ảnh khi chứng kiến những người lao động kiệt sức. Hơi thở, mồ hôi và cả nước mắt quện vào nỗi buồn dịch bệnh. Một ông già gầy trơ xương, mong manh tấm áo bước liêu xiêu đi lấy cơm từ thiện. Có lẽ ông không đủ từ ngữ để diễn tả lòng biết ơn với người đã giúp, ông chỉ biết gật đầu và lầm lũi bước ra. Ở chỗ khác lại có bác to béo đạp xe hối hả tới điểm phát cơm, nhưng không kịp lấy được phần nào. Ông đã thất vọng đến mềm người khi "hụt" mất bữa cơm trưa. Nhưng người phát cơm đã không hiểu thấu được "cái bụng" đang réo gọi của ông mà buông một lời thật chua xót: "Mập thế kia mà cũng đi xin cơm từ thiện à". Ông ngơ ngác, không nói được lời nào. Xin cơm từ thiện là việc chẳng đặng đừng, là bước đường cùng. Nhưng có lẽ, vì sự sống phải được duy trì nên người ta đã câm lặng mà nén chịu.

Làm từ thiện, trước hết phải xuất phát từ chính tấm lòng, từ cái tâm chân thành muốn được cho đi. Ông bà xưa đã nói "của cho không bằng cách cho", cho làm sao để người nhận cảm thấy hạnh phúc, ấm áp chứ không phải là sự ban ơn, bố thí. Thực tế, không ít người đã nhân danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, danh tiếng của bản thân. Họ khoe mẽ với thiên hạ để tạo sự hào nhoáng và bắt người khác phải mang ơn mình.

Trong một đoạn clip đang "dậy sóng" mấy ngày nay, thanh niên trong nhóm phát cơm từ thiện đã hằn học, xỉa xói một người đàn ông chỉ vì ông lấy 2 phần cơm. Anh ta gọi người xin cơm là "thanh niên", trong khi ông đáng tuổi cha chú của mình. Ông ấy cũng giật mình và ngơ ngác trước thái độ của người làm từ thiện. Và ông chỉ biết cúi đầu, lủi thủi "dạ vâng" ân nhân của mình. Khi một cụ bà đeo vàng nhận cơm thì anh này nói "mình có rồi thì thôi, người đeo vàng thế để cho bệnh nhân". Rồi hai người có vẻ ngoài "bụi đời" đi vào xếp hàng nhận cơm thì anh chàng thẳng thắn cho biết không phát và đuổi hai người này ra ngoài.

Các tổ chức thiện nguyện luôn đồng hành cùng bà con trong mùa dịch bệnh.

Sau khi clip được phát lên, cộng đồng mạng đã lên án gay gắt thái độ trịch thượng, coi thường người nghèo, nặng lời với người khác và không tôn trọng người lớn tuổi của anh này. Mọi người đã kêu gọi nhau tẩy chay, đánh sập kênh YouTube từ thiện theo kiểu vô cảm, ban ơn. Trên diễn đàn mạng xã hội, có người đã giận dữ, đòi tìm gặp anh chàng kia đánh cho một trận vì "nhân cách đó không xứng đáng làm từ thiện. Người Sài Gòn không cần những hộp cơm như thế. Con sâu làm rầu nồi canh, anh ta đã làm tổn thương hình ảnh từ thiện của người Sài Gòn".

Đứng trước phản ứng gay gắt của dân mạng, Tuấn Dương, chủ kênh Youtobe "Sài Gòn Ngày nay" đã lên tiếng xin lỗi và mong cộng đồng để cho cá nhân Tuấn Dương và các đội nhóm, đồng đội của mình tiếp tục hành trình này.

Lời xin lỗi cũng như sự cầu thị của người trong cuộc, phần nào xoa dịu sự giận dữ trong cộng đồng, nhưng mọi người vẫn muốn anh chàng phải thật sự sám hối, phải chân thành thay đổi thái độ, phải bao dung, vị tha hơn nữa nếu muốn tiếp tục làm từ thiện.

Đây sẽ là bài học sâu sắc cho người làm từ thiện. Đôi khi, lòng tốt chỉ là điều kiện cần, cái tâm kia mới tạo nên một trái tim yêu thương trọn vẹn.

Ngọc Hoa
.
.