Sẽ hết thời cổ vật “áo gấm đi đêm”

Thứ Năm, 27/07/2017, 07:31
Dự kiến, ngày 19-8, cuộc đấu giá cổ vật chuyên nghiệp đầu tiên tại Hà Nội sẽ diễn ra tại khách sạn Hà Nội. Trước đó, ngày 5-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật. Đây là 2 “sự kiện” được kỳ vọng sẽ là góp phần đáng kể trong hành trình minh bạch hóa thị trường đồ cổ - thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đam mê sưu tập cổ vật lâu nay.

Đấu giá chuyên nghiệp: Muộn còn hơn không

Cuộc đấu giá cổ vật chuyên nghiệp tại Hà Nội lần này do Công ty cổ phần đấu giá số 5 - Quốc gia tổ chức. 3 cổ vật Việt Nam đưa ra đấu giá: Chiếc bình đồng của nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.000 năm trước, được xác định là một cổ vật dạng quý hiếm, chưa thấy xuất hiện trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Bình đồng có giá khởi điểm là 995.450.000 đồng.

Người chiến thắng trong cuộc đấu giá không được phép đưa bình đồng này ra nước ngoài. 2 cổ vật còn lại gồm: Thạp gốm hoa nâu thời Trần, được sản xuất vào khoảng thế kỷ 13-14 và hộp pháp lam hoàng cung thời nhà Nguyễn, sản xuất vào khoảng thế kỷ 19. Đây là 2 cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn, thuộc dạng quý hiếm nhưng người thắng đấu giá được phép đưa ra nước ngoài.

Một trong số các bộ sưu tập đồ cổ được quảng bá có giá trị hàng tỷ đồng.

Trao đổi về hoạt động chuyển nhượng cổ vật, thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Đấu giá viên thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đấu giá số 5 – Quốc gia chia sẻ rằng, anh thực sự rất ngạc nhiên khi làm hồ sơ xin phép đấu giá cổ vật Việt Nam, các cơ quan quản lý của Thủ đô Hà Nội, kể cả UBND thành phố Hà Nội đều cho biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội cấp phép cho tổ chức đấu giá cổ vật chuyên nghiệp.

Là thành viên tổ biên tập Dự án Luật Đấu giá tài sản và cũng là người dành khá nhiều quan tâm cho cổ vật lâu nay nên anh biết rất rõ, hoạt động buôn bán, trao đổi đồ cổ, kể cả cổ vật rất... phổ biến. Chỉ cần mở mạng Internet là thấy rất nhiều hoạt động mua bán. Thế nghĩa rằng, đây là “mua bán chui”?

Thực tế, việc trao đổi, mua bán chủ yếu dựa vào trình độ thẩm định của người mua hoặc nhờ người thẩm định có uy tín, mà uy tín của người thẩm định có khi chỉ được truyền tai nhau trong chính giới sưu tầm đổ cổ. Người muốn sở hữu món đồ giao số tiền được yêu cầu và nhận vật về.

Với người mới chơi, cách thức chuyển nhượng này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng, lâu nay, đây vẫn là lựa chọn của của số đông, nếu không muốn nói là của toàn bộ người chơi đồ cổ. Lý do là chuyển nhượng như thế vừa không phải nộp thuế, vừa dễ bề “lập lờ” thật giả...

Nhiều năm gần đây, người quan tâm đến đồ cổ vẫn thấy có một số cuộc đấu giá trên mạng hoặc tổ chức trực tiếp với có quy mô nhỏ gọn, khoảng trên dưới chục người. Có những món đồ được đấu giá công khai trên cả phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, theo luật sư Quản Văn Minh thì đây không phải là hoạt động đấu giá chuyên nghiệp, vì đấu giá chuyên nghiệp phải tuân thủ một quy trình rất chặt chẽ. Cụ thể là cổ vật tham gia đấu giá phải có hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh. Muốn có hồ sơ này, chủ sở hữu phải chứng minh được nguồn gốc của cổ vật, đề nghị các tổ chức, công ty, hội đồng giám định cổ vật được Nhà nước cấp phép hoạt động thẩm định.

Sau đó, chủ sở hữu tiến hành gửi hồ sơ đăng ký cổ vật lên sở văn hóa, thể thao hoặc sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh thành. Các sở này sẽ thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện mới đưa vào danh mục cổ vật đã được đăng ký. Khi đã có đầy đủ giấy giám định của hội đồng thẩm định, giấy đăng ký cổ vật của sở văn hóa, thể thao các tỉnh, thành, hồ sơ pháp lý để đưa cổ vật ra đấu giá mới được hoàn thiện. Ban tổ chức đấu giá tiếp nhận hồ sơ này, thẩm định và xin phép thành phố tổ chức đấu giá. Nếu thành phố cho phép, hoạt động đấu giá mới được tiến hành.

Với quy trình và cách thức tổ chức như thế, người chơi đồ cổ chưa nhiều kinh nghiệm có thể yên tâm rằng món đồ mình bỏ tiền ra mua là đồ thật. Chưa kể, trong quá trình thẩm định hồ sơ, ban tổ chức xác định luôn phạm vi cổ vật được phép giao dịch: cổ vật nào được phép đưa ra nước ngoài, cổ vật nào không được phép đưa ra giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cách làm này sẽ tránh được tình trạng người chơi, đặc biệt là người chơi cổ vật ở nước ngoài, muốn mua cổ vật đưa ra nước ngoài nhưng lại mua cổ vật bị cấm đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đấu giá chuyên nghiệp vừa chống thất thu thuế, vừa góp phần kiểm soát tình trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.

Bình đồng văn hóa Đông Sơn - cổ vật được chuẩn bị bán đấu giá nhưng sẽ không được phép đưa ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Khơi thông dòng chảy còn nhiều gian nan

Luật sư Lê Việt Nga, một trong số các gương mặt có thâm niên lâu năm trong nghề, thuộc Công ty cổ phần đấu giá số 5 - Quốc gia cũng cho biết, quy trình đưa được cổ vật lên sàn đấu giá không đơn giản. Nếu thực hiện đúng theo quy định, ban tổ chức chỉ việc tiếp nhận hồ sơ cổ vật. Nếu hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu thì chỉ việc trả lại. Nhưng đây là hoạt động rất mới tại Việt Nam, nếu cứ đúng quy định mà làm thì sẽ không thu hút được chủ sở hữu cổ vật tham gia.

Chưa kể, không ít người chơi cổ vật lâu năm vẫn còn tâm lý không muốn công khai món đồ một cách rộng rãi vì cho rằng cổ vật phải có yếu tố huyền bí. Công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” thì không thể giữ được yếu tố này cho cổ vật.

Ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam (ảnh trái); Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh.

Những vướng mắc mà luật sư Lê Việt Nga chia sẻ không mới, nếu không muốn nói là đã tồn tại rất lâu. Theo Luật Di sản văn hóa, người muốn đăng ký cổ vật với cơ quan nhà nước thì trước đó cổ vật phải được giám định. Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định cổ vật.

Theo đó, ngoài các hội đồng thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư nhân cũng được phép tổ chức dịch vụ giám định cổ vật. Đây được coi là một trong những bước tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thẩm định cổ vật song cũng khiến không ít người e ngại: nếu dịch vụ giám định không được quản lý chặt rất dễ nảy sinh tiêu cực. Có những cổ vật quý, giá trị giao dịch tiền tỷ, nếu thẩm định không chính xác, người mua phải đồ giả sẽ chịu tổn thất lớn.

Giải tỏa các băn khoăn này, ngày 5-7-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02 quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật. Thông tư quy định, chuyên gia giám định phải có trình độ đại học trở lên, được đào tạo chuyên ngành về di sản văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, Hán - Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học, địa chất, có ít nhất 5 năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan, có ít nhất 10 năm sưu tầm cổ vật...

Như vậy, thêm một lần nữa, những vướng mắc quanh câu chuyện thẩm định cổ vật đã được cơ bản giải quyết. Chỉ có điều, phần lớn chủ sở hữu vẫn không mặn mà với việc đi làm hồ sơ pháp lý cho cổ vật. Lý do là nhà sưu tầm ngại thủ tục hành chính rắc rối. Giải quyết “nút thắt” này, hiện nay, ban tổ chức đấu giá cổ vật gần như phải đảm nhận tất cả các khâu, từ tư vấn pháp luật miễn phí cho chủ sở hữu, hỗ trợ họ tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cổ vật đáp ứng đủ điều kiện đưa ra đấu giá.

Nói như chia sẻ của luật sư Quản Văn Minh, để hoàn tất các thủ tục, đưa cổ vật vượt qua tất cả các khâu thẩm định và huy động được nguồn cổ vật trong dân gian phục vụ cho công tác tổ chức các sàn đấu giá chuyên nghiệp tại Việt Nam là một hành trình không dễ dàng.

Muộn còn hơn không

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam nhận định, đấu giá cổ vật có rất nhiều tương đồng với đấu giá đá quý. Nếu thực hiện hồ sơ đấu giá, ban tổ chức chắc chắn phải ủng hộ khách hàng hoàn thiện các thủ tục, khuyến khích các chủ sở hữu mạnh dạn đưa cổ vật đi thẩm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Trong tương lai, hoạt động đấu giá chuyên nghiệp sẽ góp phần tích cực thúc đẩy thị trường đồ cổ phát triển lành mạnh.

Trên thế giới, hoạt động đấu giá chuyên nghiệp đã được thực hiện rất lâu, rất bài bản và hiệu quả còn với Việt Nam, hoạt động này còn rất mới, kinh nghiệm chưa nhiều, nếu không muốn nói là chưa có. Trên thế giới, ban đấu giá có 3 yếu tố quan trọng nhất phải đảm bảo là pháp lý, kỹ thuật, nhân sự. Đối chiếu với Việt Nam, hiện nay, đấu giá cổ vật chuyên nghiệp có thể tạm chấp nhận được về uy tín của cơ quan đấu giá, đội ngũ thẩm định cổ vật nhưng về mặt kỹ thuật thì chưa đủ.

Hình ảnh sinh hoạt, giao lưu của một nhóm chơi đồ cổ tại Hà Nội.

Một ví dụ đơn giản nhất là đấu giá chuyên nghiệp quốc tế chủ yếu tiến hành qua mạng Internet. Một phiên đấu giá, trong phòng bán chỉ có 15 - 20 người. Hàng ngàn người khác trên khắp thế giới tham gia đấu giá trực tuyến. Tổ chức đấu giá như thế nào để hấp dẫn người có tài sản, hấp dẫn người mua tham gia không dễ. Nếu đưa giá quá cao, phiên đấu giá dễ thất bại vì thiếu người hưởng ứng. Nếu đưa giá thấp, chủ sở hữu khó chấp nhận.

Chiêu thức, thủ thuật của đấu giá viên cũng rất quan trọng. Nếu đấu giá viên giỏi, có kinh nghiệm sẽ giúp phiên đấu giá sôi động, kích thích người tham dự. Nếu làm dở, có khi chỉ nói vài ba câu là người dự đã muốn bỏ về... Như thế sẽ không thể có những phiên đấu giá chuyên nghiệp thành công và ước mơ minh bạch thị trường cổ vật sẽ khó thành hiện thực.

Cũng theo ông Hoàng Thế Ngữ thì nguồn cổ vật trong dân gian có thể khai thác cho các sàn đấu giá chuyên nghiệp là... vô tận. Chỉ có điều, người sở hữu có tin tưởng vào hình thức đấu giá hay không mới quan trọng. “Hiện nay, có thể chúng ta có nguồn cổ vật rất lớn nhưng thực tế, việc khai thác nguồn cổ vật này đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đơn vị đấu giá” - ông Ngữ nhấn mạnh.

Minh Hải
.
.