Sharmeen Chinoy, người phụ nữ Pakistan đầu tiên 2 lần giành giải Oscar
Hôm 28-2, Sharmeen Chinoy làm nức lòng người dân Pakistan sau khi tên của bà lại được được xướng lên tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, thành phố Los Angeles, để nhận giải thưởng cho Phim tài liệu ngắn xuất sắc "A Girl in the River - The Price of Forgiveness". (tạm dịch: Cô gái trôi sông - cái giá của sự dung thứ"). Bộ phim nêu bật vấn đề nhức nhối của những vụ giết người vì danh dự xảy ra ở Pakistan - quê hương của Sharmeen Chonoy, một phụ nữ mang quốc tịch Canada.
Những vết sẹo khủng khiếp trên mặt nạn nhân bị tấn công bằng acid. |
Bộ phim tài liệu là câu chuyện về cô gái Saba, 18 tuổi bị người thân bắn chết để "lấy lại danh dự gia đình" và sau đó dìm xác nạn nhân xuống sông. May mắn kỳ diệu, cô gái sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Đề tài giết người vì danh dự không được bàn luận nhiều tại Pakistan - bởi vì phần nhiều tội ác không được báo cáo và nạn nhân cũng không được biết đến. Đó là lý do thúc đẩy Sharmeen Chinoy chọn đề tài này cho bộ phim tài liệu mới nhất của mình.
Poster bộ phim "Cô gái trôi sông". |
Khi phát biểu tại buổi lễ trao giải Oscar, Sharmeen Chinoy cho biết, sau khi xem bộ phim "Cô gái trôi sông", Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã lên tiếng cam kết sẽ thay đổi luật xét xử tội ác "giết người vì danh dự" ở đất nước của ông.
Nữ đạo diễn Sharmeen Chinoy không che giấu niềm tự hào khẳng định: "Đó mới chính là sức mạnh thật sự của bộ phim". Tuy nhiên, sự thay đổi luật có thể gặp nhiều khó khăn trong xã hội tôn giáo Pakistan bảo thủ. Mặc dù giới lãnh đạo tôn giáo chỉ trích những vụ giết người, song truyền thống vô nhân đạo này vẫn luôn được ủng hộ ngầm và rộng rãi ở Pakistan. Những kẻ giết người sẽ không bị trừng phạt nếu như họ được gia đình nạn nhân tha thứ!
Poster bộ phim "Saving Face" của Sharmeen Chinoy. |
Nữ đạo diễn kiêm nhà báo Sharmeen Chinoy chào đời ở thành phố cảng Karachi miền nam Pakistan năm 1978, bà học trường danh giá Karachi Grammar School và sau theo học ngành truyền thông đại chúng Đại học Stanford ở Mỹ. Từ năm 2010, Sharmeen Chinoy thực hiện các phóng sự, sản xuất và đạo diễn trên 10 bộ phim tài liệu. Ngoài 2 giải Oscar, bà còn được trao 2 giải Emmy Awards cho các phim tài liệu do bà thực hiện trong 2 năm 2010 và 2013. Năm 2012, Sharmeen Chinoy được trao giải Hilal-e-Imtiaz (Trăng lưỡi liềm dành cho sự nổi bật - giải thưởng dân sự cao quý hàng thứ 2 của Pakistan trao cho sự cống hiến cho lợi ích quốc gia), tức không bao lâu sau khi bà giành được giải Oscar lần thứ nhất.
Sharmeen Chinoy và bức tượng vàng Oscar. |
Sharmeen Chinoy là người đặc biệt quan tâm đến đề tài bạo lực đối với phụ nữ ở Pakistan. Năm 2012, bà chiến thắng giải Oscar đầu tiên nhờ bộ phim tài liệu ngắn mang tựa đề "Saving Face" (tạm dịch: Cứu lấy gương mặt) về đề tài những vụ tấn công phụ nữ bằng acid ở Pakistan - tội ác ghê rợn khi hủy hoại đến cùng gương mặt phụ nữ. Sharmeen Chinoy thừa nhận với tư cách nhà làm phim Pakistan, bà quan tâm đến các đề tài tác động đến người dân nước này. Sharmeen Chinoy thường bị chỉ trích từ những người cho rằng bà chỉ nêu bật những mặt tồi tệ của đất nước.
Tuy nhiên, bà vẫn kiên quyết: "Có nhiều vấn đề cần được sửa đổi ở Pakistan. Tôi là người Pakistan và tôi cần phải nói đến những vấn đề này". Sharmeen Chinoy tâm sự với báo chí rằng bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy bộ phim tài liệu "Cô gái trôi sông" mở lối cho vấn đề giết người vì danh dự được bàn luận công khai tại Pakistan. Bà nói: "Giết người vì danh dự được coi là đề tài cấm kỵ ở Pakistan. Đó là vấn đề hết sức riêng tư. Tội ác xảy ra khi cha giết chết con gái, anh trai giết em gái, rồi em trai giết chị gái nhưng những tội ác như thế lại được gia đình tán đồng. Thường thì người ta không biết được tên của nạn nhân, không tìm thấy xác của họ và thậm chí không ai biết chuyện một phụ nữ đã bị giết chết". Sharmeen Chinoy tiết lộ, bà từng ủng hộ một dự luật chống tội ác giết người vì danh dự do một thượng nghị sĩ đề xuất nhưng sau đó bị thất bại do sự bất đồng nặng nề giữa chính phủ và phe đối lập ở Pakistan.
Trong phòng làm việc của Sharmeen Chinoy là nhiều ngăn kệ trưng bày những giải thưởng cao quý và những bức ảnh chụp bà với những ngôi sao điện ảnh như Maryl Streep và nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton.
Sharmeen Chinoy cười nói: "Không may là ở đây không có bức tượng vàng Oscar. Bởi vì, tôi đã cất giữ nó ở nơi an toàn!". Dễ dàng nhận thấy rằng Sharmeen Chinoy là một trường hợp cực kỳ ngoại lệ, không chỉ vì hiện thời bà là người Pakistan duy nhất 2 lần chiến thắng giải Oscar mà cũng vì bà là nhà làm phim nữ thành công trong một xã hội mà trong đó hàng ngàn phụ nữ vẫn còn là nạn nhân của những tội ác tấn công bằng acid và giết người vì danh dự. Sharmeen Chinoy phát biểu một cách khiêm tốn: "Nếu dự luật chống tội ác giết người vì danh dự được thông qua trước đây, thì bây giờ đặt chân lên thảm đỏ với tư cách là người thắng cuộc sẽ không phải là tôi".