Showbiz Việt và những phát ngôn tai tiếng: Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Thứ Sáu, 15/09/2017, 10:15
Không gây tiếng vang bằng những chương trình, dự án nghệ thuật nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, "làng" giải trí Việt liên tục "nổi đình nổi đám" bởi các scandal phát ngôn của những gương mặt đã có danh tiếng khiến bầu không khí càng thêm trở nên… ngột ngạt.


Lỡ mồm thì… ráng chịu!

Ngay sau câu chuyện "cười ra nước mắt" và cuộc tranh cãi tốn nhiều "giấy mực" từ truyền thông và mạng xã hội về tấm bằng khen ghi nhận "vua nhạc sến" - ca sĩ Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc, ca sĩ Tùng Dương lại trở thành tâm điểm luận bàn và cả phong trào chỉ trích từ những người gắn bó, yêu thích bolero chỉ vì nam ca sĩ này "lỡ dại" phê bình trúng dòng nhạc vốn có nhiều "chiến binh" sẵn sàng làm "anh hùng bàn phím" trước mê hồn trận đầy rẫy thị phi của "làng" giải trí Việt.

Những cuộc tranh cãi chứ chưa hẳn là tranh luận chưa thực sự chấm dứt hẳn thì Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung lại như "châm thêm dầu vào lửa" khi ghé vào bình luận và "khuyến mãi" thêm chia sẻ gây "sốc" kiểu: Chí Trung không bao giờ xem phim Việt Nam, ngay cả phim có Chí Trung tham gia. Đơn giản vì phim Việt… dở!

Tùng Dương - gương mặt trở thành tâm điểm chỉ trích của các "tín đồ" bolero thời gian qua.

Khán giả xem truyền hình cũng một phen "nháo nhác" khi Á quân Vietnam Next Top Model - Cao Ngân "lên sóng" với hình hài gầy trơ xương kèm theo vô số đàm tiếu, chỉ trích. Người thông cảm, người phản đối. Showbiz Việt nháo nhào, nhất là khi không phải ai cũng chịu hạ cái tôi để đón nhận thông tin một cách đầy đủ và thấu đáo.

Liên quan đến phát ngôn của Tùng Dương, rõ ràng, nếu đọc toàn bộ nội dung trả lời phỏng vấn, nam ca sĩ không phủ nhận giá trị của bolero và còn chỉ ra những mặt tồn tại nhất định của âm nhạc Việt trong đời sống hiện tại theo quan điểm cá nhân của anh. Người không đồng tình với quan điểm này hoàn toàn có thể tranh luận lại. Nhưng thực tế, ý kiến tranh luận thực sự không nhiều mà thay vào đó lại là những chỉ trích, kiểu tấn công cá nhân của không ít các gương mặt có danh khác.

Với trường hợp nghệ sĩ ưu tú Chí Trung cũng tương tự. Chia sẻ bên lề buổi ra mắt phim "Ghét thì yêu thôi", Chí Trung nhận định: "Cách đây 20, 30 năm, tôi hay bàn về nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật vị nghệ thuật và chúng ta sẽ còn bàn nữa. Nhưng bây giờ tôi nghĩ đơn giản thôi, nếu bạn làm nghệ thuật bạn không có khán giả thì làm nghệ thuật chỉ để thỏa mãn chính bạn.

Tôi quan niệm, nghệ thuật vị nhân sinh là nghệ thuật phải phục vụ khán giả, cho khán giả. Một thánh đường chả có ý nghĩa gì nếu không có người. Một sân khấu chả có ý nghĩa gì nếu không có khán giả. Nhưng trong quá trình phục vụ khán giả thì năng lực, nhân cách, tri thức của người nghệ sĩ đến đâu thì chúng ta sẽ được đón nhận đến đấy. Khán giả không hề quay lưng, không chọn cái ba lăng nhăng để họ đưa vào họ đâu. Đừng nhầm! Kể cả nhà báo hay nghệ sĩ cũng không định hướng được khán giả. Chúng ta đừng ngộ nhận… Vì thực ra nghệ thuật là chính cuộc sống.

Nghệ sĩ như chúng tôi chỉ tái tạo và đưa lên sân khấu. Nhân cách năng lực trí tuệ của tôi đến đâu thì sẽ làm cho vở diễn của tôi, sản phẩm, tác phẩm của tôi được đón nhận đến đấy. Tôi đã từng hay sử dụng là từ sản phẩm văn hóa. Lãnh đạo của tôi không thích điều này. Tác phẩm thì phải được  đón nhận, yêu thích, đánh giá cao còn nếu không nó chỉ như là sản phẩm. Sản phẩm văn hóa, đầu tiên phải như một món ăn. Khán giả họ nếm, họ ngửi trước đã…".

Nói thật cũng khó

Phát ngôn chê phim Việt của Chí Trung cũng bắt đầu từ một câu hỏi liên quan đến việc anh nhận lời tham gia đóng phim truyền hình. Xét về một góc độ nào đó, những chia sẻ của Chí Trung chỉ ra khá nhiều những bất cập từ thực trạng sản xuất phim của Việt Nam: diễn viên tham gia đóng phim nhưng chưa hề nắm được kịch bản. Nghệ sĩ không xem lại phim do chính mình tham gia…

Vẫn tham gia đóng phim, Chí Trung lại tuyên bố gây "sốc": Không bao giờ xem phim Việt, kể cả phim mình đóng!

Chuyện nghệ sĩ Việt không xem tác phẩm của đồng nghiệp là thực tế đã rất nhiều năm, có lẽ không chỉ với riêng phim Việt. Ngay với sân khấu, các kỳ liên hoan, hội diễn, chuyện những buổi diễn vắng bóng người làm nghề ngồi xem tác phẩm của nhau, học hỏi nhau như các phát ngôn đầy những mỹ từ được chia sẻ trước đó rất thường xuyên. Chỉ có điều, ít người thẳng thắn nói lên thực trạng này.

Với phim Việt, chuyện diễn viên Việt Nam không xem phim mình đóng, không thích xem phim Việt kiểu như chia sẻ của nghệ sĩ ưu tú Chí Trung rõ ràng không là cá biệt. Mới đây nhất, trong buổi công bố phim "Ngược chiều nước mắt", Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương cũng chia sẻ rằng chị rất hiếm khi xem phim Việt Nam. Chỉ có những trường hợp đặc biệt kiểu như phim do con gái của chồng giữ vai trò đồng tác giả kịch bản thì chị mới chú tâm theo dõi…

Thực tế, nếu không quá xoáy vào phát ngôn gây "sốc" của Chí Trung, nếu chịu khó lắng nghe kỹ chia sẻ của anh, người tiếp nhận thông tin sẽ thấy đây là những chia sẻ khá thẳng thắn về nhiều thực trạng khác nữa trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của Việt Nam: làm phim, làm truyền hình vốn được coi là nghề "tay trái" của nghệ sĩ sân khấu nhưng lại là công việc có thể mang lại thu nhập và danh vọng cho nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Trong khi đó, lĩnh vực họ đam mê, muốn dành toàn bộ tâm huyết cho nó là sân khấu, nơi họ muốn coi là ngôi nhà của mình, mong muốn là nơi để họ tồn tại, phát triển lại không cho họ thỏa nguyện khát vọng của mình.

Chia sẻ của Chí Trung về sân khấu, đặc biệt là so sánh sân khấu phía Bắc và phía Nam khiến anh chịu nhiều chỉ trích nhưng với người theo dõi hoạt động sân khấu cả nước và người làm nghề, những vấn đề đặt ra của anh hoàn toàn không mới: "Tôi biết đầu tư cho kịch thì không có lãi. Chắc bạn sẽ hỏi là không có lãi tại sao anh vẫn làm? Đơn giản vì chúng tôi yêu, chúng tôi làm vì đam mê. Các bạn sẽ hỏi tại sao TP Hồ Chí Minh tốt thế mà các anh kém thế? Nhưng nếu các bạn vào trong đó sẽ thấy họ khổ như thế nào.

Họ không có sân khấu, không có đầu tư cơ bản, không có ai trả tiền điện. Dù lương cơ bản của chúng tôi chỉ có hơn 1 triệu thôi nhưng họ không có điều đó. Họ cũng không nói ra điều ấy. Họ không thể nói mảnh vá trên quần áo của họ. Họ che hết những mảnh vá phía sau, chỉ khoe phía trước thôi.

Mà cũng không chỉ riêng sân khấu của Việt Nam khó khăn, sân khấu thế giới cũng thế. Các bạn nói Broadway nhưng thế giới có bao nhiêu sân khấu như các bạn thấy hay chỉ 2,3 điểm thôi? Vì đơn giản là cổng thông tin thế giới mở ra lớn như thế, làm sao chúng ta là tâm điểm khi chúng ta còn lạc hậu? Sân khấu của chúng ta đến nay vẫn là sân khấu hình hộp, diễn viên diễn còn khán giả ngồi xung quanh như cái hộp…".

Thậm chí, đôi lúc, chia sẻ của anh còn thấp thoáng cả sự bất lực của người nghệ sĩ: "Tôi chỉ cố gắng làm tròn vai. Tôi hay nói với diễn viên của chúng tôi rằng khán giả của chúng ta hơn chúng ta rất nhiều lần. Bây giờ các em không đọc báo. Mở facebook là đọc tin cướp, giết, hiếp. Các em chẳng bao giờ cập nhật xu hướng phát triển thì làm sao bằng khán giả, bằng doanh nghiệp, có khi các em còn thua cậu học sinh.

Ngày xưa các em được gọi là kỹ sư tâm hồn nhưng đây chỉ là mỹ từ thôi vì các em thiếu tri thức, còn khán giả rất thông minh, các em thua nhiều lắm…

Trở lại chuyện phim, tôi đóng nhiều phim; một số phim thành công nhưng phần lớn là không được mời. Tôi cũng không vì thế mà buồn hay vui. Tôi là người của sân khấu, tôi làm sân khấu. Tôi không xem phim Việt Nam vì đơn giản tôi không thích tiết tấu phim Việt Nam. Tôi biết mình đóng phim nhưng phim ra như thế nào còn phải qua nhiều khâu cắt, dựng khác. Tôi thích phim Mỹ vì nó nhanh gọn, phút 13 tiết tấu gì, phút 27 thậm chí là phút 112 giải quyết cái gì. Còn phim Việt Nam thì khác. Chúng ta kéo dài cho vui và có khi để đủ đáp ứng yêu cầu tài trợ thôi".

Những tầm phào vấy bẩn nghệ thuật

Với những người có thâm niên lâu năm gắn bó showbiz Việt từng góp phần tạo nên những thị phi như Ngọc Sơn, Chí Trung, Tùng Dương còn nhiều những gương mặt nổi tiếng, có lượng người hâm mộ đông đảo cũng góp phần thúc đẩy các cuộc "cãi vã" tưởng chừng bất tận thời gian qua: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… Không thể nói họ phát ngôn bồng bột nghệ sĩ nhất thời. Nói như cách chia sẻ của nghệ sĩ ưu tú Chí Trung là "tôi biết mọi người đã chán tôi lắm rồi. Tôi chẳng vì thế mà chán tôi hơn được nữa".

PGS.TS Trịnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội thì những tranh cãi thời gian qua thể hiện rõ tính chất phức hợp đa dạng, dễ dãi trong đánh giá thẩm định nghệ thuật, thể hiện sự dễ dãi của nghệ sĩ trong giữ gìn hình ảnh, thậm chí là mâu thuẫn với chính quá trình lao động của bản thân.

Chuyện nghệ sĩ có tên tuổi có những hành động, phát ngôn gây sốc, công kích lẫn nhau cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhất là với những tên tuổi có tính chất thời thượng. Nếu các nghệ sĩ này hành động, phát ngôn không chín chắn, thậm chí có suy nghĩ thấp kém về nghệ thuật sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tư duy thẩm mỹ, thái độ với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu nghệ sĩ tuyên bố không thèm xem sản phẩm anh làm ra thì sẽ không biết nó xấu, nó tốt như thế nào. Nếu anh biết mình làm ra đồ thấp cấp mà chuyển cho xã hội tiêu dùng là thiếu ý thức trách nhiệm. Cũng có thể thông cảm là trong trường hợp nào đó, đây có thể chỉ là các phát biểu theo kiểu tự đề cao mình.

Chưa kể, có những cuộc tranh cãi mà xuất phát điểm không phải là từ ý kiến sai mà trong quá trình chuyển tải bị hiểu lệch đi. Vì vậy, nghệ sĩ càng nổi tiếng càng cần cẩn trọng, giữ gìn hình ảnh, tránh đề cao mình khiến bản thân có thể trở thành tâm điểm bị la ó hay tán thưởng quá đà, gây ra những tranh cãi, thậm chí lao vào cãi lẫy một cách vô bổ, làm vẩn đục bầu không khí hoạt động nghệ thuật nói chung.

Minh Hà
.
.