Siết chặt quản lý dạy và học lái xe

Thứ Năm, 09/05/2019, 10:57
Liên tiếp những vụ "xe điên" xảy ra trong thời gian vừa qua ít nhiều chứng minh một điều, công tác dạy và học lái xe của chúng ta thời gian vừa qua thực sự đang "có vấn đề".


Giáo viên dạy lái cẩu thả

Chỉ một vài năm trước thôi, việc học "bê hai" (B2 - bằng lái các loại xe ôtô du lịch dưới 9 chỗ ngồi) dường như trở thành một cái “mốt”. Nhà nhà đi học, người người theo học, và các trung tâm dạy lái xe mọc lên như nấm sau mưa rào.

Tham gia những khóa học như thế này, bên cạnh một số giáo viên, trung tâm có tâm, dạy thực sự trách nhiệm thì cũng có không ít những trường hợp dạy lái xe rất cẩu thả, vô trách nhiệm. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành một thế hệ tài xế lái xe hết sức cẩu thả, coi thường tính mạng mình và hành khách.

Còn nhớ trong nhóm học lái xe với tôi thời điểm đó có 3 nữ, hai nam, giáo viên là thầy T., thuộc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe V. Vừa mới lên xe, nói qua loa về cấu tạo hệ thống truyền động, thầy đã mời tôi lên ngồi vô lăng. Vốn thích xe ôtô, trước khi đi học tôi đã tìm hiểu kỹ các bộ phận trên xe, đặc biệt là côn -ga, hệ thống truyền động... nên không quá bỡ ngỡ. Dù liên tục "chết máy", song các thao tác mới ga, sang số, cua... đều được tôi thực hiện một cách tàm tạm.

Cơ quan Công an đang khám nghiệm hiện trường vụ “xe điên” trên phố Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội) vào chiều ngày 6-5-2019.

Đến lượt U - cô gái xinh nhất hội lên lái thử đã lập tức xảy ra chuyện. Mặc dù được thầy ngồi bên cạnh, liên tục rót vào tai những bí quyết trong việc học "côn ra, ga vào", “tiến bám lưng, lùi bám bụng”... thì U vẫn liên tục thực hiện sai các động tác. Chiếc xe như con ngựa bất kham, cứ khực lên khực xuống, lúc thì chồm lên như thể cú “đề pa” trong các cuộc đua, khiến cả xe đều dính lưng vào ghế - lúc lại phanh “cháy đường”…. Bản thân U thì mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn ra.

Sau khoảng nửa giờ “đánh vật” với vô lăng, U dường như đã tự tin hơn, tăng tốc một cách "hứng khởi". Song, khi đang chạy đến ngã tư thì gặp một chiếc xe khác cắt mặt, thay vì phanh lại nhường đường thì tôi thấy chiếc xe chồm lên, U đã đạp nhầm chân ga.

Chỉ nghe thấy tiếng thầy giáo rít lên: "Nhả ga, nhả…" và nhao sang bẻ lái. Song vẫn... uỳnh! Chiếc xe may mắn không đâm vào xe kia mà tông thẳng vào bức tường rào với lực không hề nhẹ. Toàn bộ người ngồi trên xe bị lực quán tính đẩy cắm đầu lên phía trước. Cũng may là ai cũng kịp bám chặt tay nắm, ghế ngồi... nên không bị thương tích. U mặt tái xanh, cắt không ra hạt máu ngồi bất động, thầy giáo giục nhiều lần xuống xe mà vẫn cứ ì ra như không nghe thấy gì.

Có thể thấy một thực trạng là không ít các thầy dạy lái rất chủ quan, cho rằng đã có phanh phụ nên không chịu cho học sinh làm quen xe, các thao tác. Mà ngay buổi đầu các thầy đã đủn học trò lên ôm vô lăng và chạy vèo vèo khiến cho ngay tại trường lái xảy ra không ít những vụ va chạm. Nghiêm trọng hơn, có thầy còn để cho học viên lái thẳng ra đường phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả những học viên.

Phương Nhung, một học viên kể lại kỷ niệm khiến cho chị không bao giờ dám ngồi lên vô lăng nữa. Cũng là buổi đầu tiên đi học lái, chị được thầy ủn lên lái ra đường "cho quen với thực địa" – thầy nói vậy. Mặc dù rất run song Nhung vẫn phải thực hiện. Sau vài cú giật, chiếc xe dường như đã biết điều hơn, tuân theo điều khiển của Nhung. Song, luôn là ở những tình huống cần phải xử lý nhanh, chính xác thì những "lái mới" như Nhung không thể thực hiện được.

Đột nhiên trong một đường nhánh xuất hiện chiếc xe đạp điện của học sinh lao ra. Luống cuống, Nhung đánh lái phải, phi thẳng lên vỉa hè, đâm sầm vào một gốc gây mới dừng lại. Hậu quả là két nước vỡ tung... Sau cái đận ấy Nhung không bao giờ dám sờ đến vô lăng nữa.

Đó là chuyện ở một số trung tâm dạy và sát hạch lái xe, còn có những gia đình mà chồng dạy vợ lái, cũng bi hài không kém.

Hiện trường vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn trên phố Ngọc Khánh đầu năm 2019.

Đáng sợ cơ sở dạy lái… gia đình

Chị Hoài Anh nhớ lại lần đầu tiên chồng cho “cưỡi” trên chiếc xe Ford Escape số tự động. Dù nhát gan, nhưng sau những động viên, chỉ dẫn của chồng thì chị Hoài Anh cũng mạnh dạn leo lên ghế và thực hành.

Bãi tập của anh chị là một khu đất trống ngoại thành. Và, như hầu hết những người mới tập lái xe, chị Hoài Anh cũng bị nhầm chân phanh với chân ga. Hậu quả, chiếc xe đã lao thẳng xuống hồ nước bên cạnh. Hai vợ chồng may mắn chui ra khỏi xe, lóp ngóp dìu nhau lên bờ. Lòng dặn lòng không bao giờ thèm lái xe nữa.

Ngoài ra, trên mạng Internet cũng từng lan truyền những kinh nghiệm lái xe do cánh chị em truyền miệng. Như việc lái xe số tự động bằng... hai chân. Một chân giữ ga và một chân giữ phanh! Những kinh nghiệm kiểu này thực vô cùng nguy hiểm.

Cần siết chặt việc học và dạy lái xe.

Bản thân tôi cũng từng hú hồn trong nhiều trường hợp đối mặt với cánh lái xe. Đó là một lần "chui" vào một con phố nhỏ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thì gặp một xe ôtô 7 chỗ phía đối diện. Lòng đường hơi nhỏ, nên một trong hai xe phải leo lên vỉa hè một chút để nhường cho xe kia đi. Tôi đã chủ động nhường đường, song chờ mãi vẫn không thấy xe đối diện đi mà cứ tiến tiến lùi lùi mãi không thoát đi được. Sau vài phút thì tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi thấy cánh cửa bên lái bật mở, một cô bé chừng 12-13 tuổi nhảy xuống để đổi lái cho người mẹ. Thì ra bà mẹ đang dạy con tập lái…

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trên mạng Internet từng có tâm sự của những ông chồng "mở tiệc ăn mừng" khi vợ thi trượt bằng lái B2. Lại có không ít tài xế, sau một thời gian lái xe tương đối thạo thì sinh ra bệnh chủ quan. Trong khi di chuyển trên đường đông cũng như đường vắng, thì thường khá lơ đãng vừa điều khiển, vừa làm việc riêng. Đơn cử họ vừa lái, vừa gọi điện thoại, nhắn tin, thậm chí ăn uống linh tinh. Cánh phụ nữ thì tranh thủ dùng gương để trang điểm, nặn mụn...

Trên đây chỉ mới nói riêng đến việc học và dạy lái xe con, xe du lịch cỡ nhỏ. Còn việc đào tạo lái xe tải, xe container cũng có không ít những bất cập. Đơn cử như vụ việc đầu năm 2019 hàng chục người dân tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã “khăn gói” ra tận Hải Phòng để tham gia học và sát hạch lấy giấy phép lái xe hạng C. Được biết sở dĩ có tình trạng đó là vì họ được hứa sẽ “bao đậu”!

Một vụ chồng dạy vợ lái xe và… cái kết.

Không thể chủ quan

Trong quý 4 năm 2018 cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ôtô khách làm 34 người tử vong và 37 người bị thương. Cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân trực tiếp đều do người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, sử dụng đồ uống có cồn, đi lấn làn, đi nhanh, mất phanh, mất lái do người lái ngủ gật.

Nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông trên thì có nhiều, song chung quy lại đều do người tài xế vi phạm các nguyên tắc trong khi điều khiển phương tiện. Họ không tuân thủ phần đường, làn đường, lái xe trong tình trạng say xỉn, phóng nhanh vượt ẩu...

Thời gian vừa qua, số lượng xe được đăng ký mới cũng tăng lên chóng mặt. Báo cáo của Bộ Công an cho biết, 3 tháng đầu năm 2019 cả nước đăng ký mới 106.750 xe ôtô, 892.948 xe môtô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký tại cơ quan công an đến ngày 15-2-2019 là gần 4 triệu xe ôtô và gần 60 triệu xe môtô.

Có lẽ hầu hết những người từng lái xe đều biết rằng, việc điều khiển một phương tiện giao thông có sức nặng, có khả năng gây thương vong lớn như ôtô thì tài xế luôn phải ở trong tình trạng tỉnh táo. Chỉ cần ôm vô lăng lúc buồn ngủ, hoặc khi đói, hoặc trong lòng lo lắng thì rất dễ dẫn đến việc không thể xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra, và hậu quả sẽ rất khó lường.

Hiện trường vụ xe điên ở Cầu Giấy (Hà Nội) do nữ tài xế nhầm chân ga.

Theo một giáo viên giàu kinh nghiệm, để hạn chế tai nạn giao thông ở những người mới học lái xe (và cả những người đã có nhiều năm lái xe), người lái xe luôn phải chú ý thực hiện tốt những điều sau: Mỗi khi lên xe, phải điều chỉnh ghế ngồi và kính chiếu hậu trước khi xuất phát, luôn thắt dây an toàn. Hạn chế lái xe vào ban đêm hay lúc mưa to trừ khi bạn đã có đủ kinh nghiệm và tự tin để đối phó với các tình huống bất ngờ.

Chạy đúng tốc độ, làn đường và đừng bối rối khi mới tập lái xe nếu xe phía sau nhấn còi xin vượt. Hãy chỉ nhường đường cho họ khi mình có thể dễ dàng chuyển làn. Tập trung vào việc lái xe, không làm việc khác như ăn, uống hay nghe điện thoại khi bạn đang lái xe. Không uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích; Chủ động nhường đường cho người khác; Luôn quan sát và tuân thủ theo các biển báo giao thông...

Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, sự cẩn trọng của người lái xe, các cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát quy trình đào tạo lái xe. Đồng thời nghiêm khắc xử lý lái xe vi phạm. Có như vậy mới mong tránh được những hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra.

Qua thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UB ATGTQG), trong năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, 8.248 người tử vong và làm bị thương 14.802 người. Trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà mà không quay trở về vì tai nạn giao thông.

Xét riêng đường bộ, dựa trên phân tích từ 6.804 vụ tai nạn giao thông, có tới 70% số vụ gây ra bởi người lái xe.

M.Trí - M.Tiến
.
.