Siêu công nghệ trợ giúp tuyển Đức như thế nào?

Thứ Năm, 07/07/2016, 16:35
Với những gì thể hiện ấn tượng, đội tuyển Đức hứa hẹn là ứng viên nặng ký cho danh hiệu vô địch EURO 2016. Cùng với đó, thứ vũ khí lợi hại "siêu công nghệ" đang trở thành trợ thủ đắc lực cho tuyển Đức trong hành trình chinh phục danh hiệu quán quân tại ngày hội bóng đá châu Âu…

Nhắc tới tuyển Đức, hẳn là khối người sẽ gật gù tán dương về sự chặt chẽ, tính kỷ luật và hiệu quả trong lối chơi. Song hiếm ai biết, ngoài yếu tố con người, còn một yếu tố nữa làm nên thành công ban đầu của tuyển Đức tại EURO năm nay là sự trợ giúp đắc lực từ yếu tố công nghệ.

Từ trước khi EURO năm nay khởi tranh trên đất Pháp, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã bắt tay hợp tác với Hãng phần mềm SAP để triển khai những ứng dụng đặc biệt phục vụ cho quá trình luyện tập và thi đấu của Die Mannschaft (biệt danh của tuyển Đức). Ứng dụng đầu tiên được đề cập tới ở đây là SAP Insights với tác dụng giúp ban huấn luyện của tuyển Đức nắm rõ hơn về từng cầu thủ dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu từ quá trình luyện tập thực tế.

Tuyển Đức dùng phần mềm chuyên biệt của SAP.

Thông quá một loạt camera ghi hình lắp xung quanh sân tập, phần mềm SAP Insights theo dõi chuyển động của mỗi cầu thủ. Qua đó, HLV Joachim Loew cùng cộng sự thu thập thông tin xác đáng hơn về những điểm mạnh, yếu của từng cầu thủ qua kỹ năng chơi bóng, khả năng quan sát, sự linh hoạt về chiến thuật…

Bên cạnh đó, hệ thống tập hợp dữ liệu còn giúp ban huấn luyện tuyển Đức có được số liệu cụ thể về những chỉ số quan trọng của từng thành viên trong đội bóng như số lần chạm bóng, thời gian cầm bóng trên sân, tốc độ di chuyển, quãng đường di chuyển. Theo đánh giá từ Bernd Leukert, giám đốc điều hành của SAP, nhờ vào phần mềm chuyên biệt này mà huấn luyện viên có thể điều chỉnh khối lượng luyện tập sao cho phù hợp với từng cầu thủ.

Ngoài SAP Insights, một phần mềm khác là HANA (viết tắt của thiết bị phân tích có hiệu suất cao) cũng đã được SAP cùng tuyển Đức cho áp dụng. Cần nhấn mạnh, đây là hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu được thiết kế để xử lý những dữ liệu có tính tương tác cao và phức tạp.

"Hãy thử tưởng tượng, chỉ trong vòng 10 phút, 10 cầu thủ luyện tập với ba quả bóng trên sân tập có thể tạo ra hơn bảy triệu điểm dữ liệu khác nhau", Oliver Bierhoff, lãnh đội của tuyển Đức chia sẻ, "Nhờ dữ liệu tổng hợp từ HANA, ban huấn luyện sẽ điều chỉnh việc luyện tập, đồng thời nó còn là cơ sở tham khảo để chuẩn bị cho các trận đấu tiếp theo".

Điểm nhấn đáng chú ý từ HANA hay SAP Insights là mọi tuyển thủ Đức đều dễ dàng truy cập để tiếp cận thông số về bản thân mình cũng như sự điều chỉnh đưa ra từ ông thầy Loew thông qua điện thoại di động hay những chiếc Ipad. Điều này phần nào giúp tiết kiệm được thời gian đáng kể nhất là trong thời gian phải vừa tập luyện vừa căng sức ra "cày ải" trong giải đấu với lịch thi đấu dày đặc như EURO 2016.

Không chỉ có dữ liệu về đội bóng của mình, dàn tuyển thủ Đức còn nắm rõ dữ liệu về các đối thủ khác tại EURO 2016 thông qua phần mềm chuyên biệt có tên gọi SAP Challenger Insights. Cụ thể hơn, phần mềm này tập hợp tất cả dữ liệu về từng đối thủ của tuyển Đức qua việc áp dụng sơ đồ ra sao, dùng chiến thuật phòng ngự hay tấn công như thế nào… Mỗi dữ liệu tập hợp còn đi kèm với những đoạn video clip được cắt ra để đem lại trực quan sinh động.

Dựa vào đó, ban huấn luyện tuyển Đức sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để "bài binh bố trận" một cách linh hoạt trong việc chạm trán với những đối thủ khác nhau. Đặc biệt, mỗi tuyển thủ Đức đều được tiếp cận với những lời "chỉ giáo" kể trên thông qua Ipad trước hay trong giờ nghỉ giải lao của mỗi trận đấu.

Theo đó, dàn tuyển thủ Đức sẽ nhập cuộc với sự tự tin hơn khi ít nhiều nắm rõ lối chơi và điểm mạnh yếu của đối phương ra sao. Trong trường hợp đối phương thay đổi đội hình cũng như sơ đồ ra sân, SAP Challenger Insights cũng sẽ có những sự tính toán để tuyển Đức thích ứng nhanh chóng.

Sự hỗ trợ về công nghệ cao còn được thể hiện rõ qua việc dùng phần mềm SAP Sports One để chỉ dẫn đá penalty ra sao. Mọi thông số như tốc độ sút, góc sút bóng, bước chạy đà… đều được tính toán một cách chi tiết. Tiếp đó, những cầu thủ nào thực hiện nhiệm vụ đá phạt đền sẽ được nhận dữ liệu qua điện thoại di động hay máy tính bảng.

Ngoài phần mềm của SAP, Die Manschaft còn từng sử dụng thiết bị đeo tay đặc biệt của hãng sản xuất đồ thể thao Adidas có tên gọi miCoach để hỗ trợ cầu thủ trong quá trình luyện tập dựa trên thông số đo được từ nhịp tim, khoảng cách và tốc độ di chuyển… Chừng đó đủ thấy "siêu công nghệ" đóng vai trò ra sao với tuyển Đức trong hành trình vừa qua trong thời gian diễn ra VCK EURO 2016 trên đất Pháp.

Bảo Quyên (tổng hợp)
.
.